Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

Bạn Có Biết ?

Năm Tý nói chuyện Chuột

Trong 12 con giáp, người Trung Hoa xếp con Chuột vào hàng đầu, chắc phải có lý do chính đáng hay có lẽ vì nó nhỏ bé nhất cho nó lên đầu để khỏi bị mấy con kia dẫm nát chăng?

Vậy chúng ta hãy thử tìm hiểu xem người Trung hoa nghĩ sao về con chuột. Thứ nhất họ cho là những người sinh vào năm Tý có sự khôn ngoan và duyên dáng cho nên dễ dàng lôi cuốn mọi người, nhất là người khác phái. Thứ hai họ cho rằng những người tuổi Tý có nhiều tham vọng, thường thường dễ thành công hơn hơn các tuổi khác. Bởi vì con chuột siêng năng kiếm ăn, cho nên người mang tuổi này luôn luôn chăm chỉ làm việc để đạt được mục đích mong muốn, do đó họ là những người khuôn mẫu toàn hảo. Nhưng cũng vì vậy, họ là những người cần kiệm và có phần lý tài cho nên khi vay mượn tiền của họ đừng ngạc nhiên nếu phải có những điều kiện đặc biệt kèm theo. Nên nhớ rằng những người cầm tinh con chuột rất khôn khéo, cho nên họ thường không đụng chạm tới ý kiến riêng biệt của người khác và cũng không muốn ai soi mói đến đời tư của họ.
Về phương diện tình ái, người tuổi Tý là những người tình chung thủy, họ không ngần ngại bầy tỏ ý nghĩ hay tình cảm của họ. Khi đã yêu, họ yêu hết mình, không nề hà, tính toán, không dấu diếm tình yêu trung thực và ít khi thay lòng đổi dạ, nhưng hãy coi chừng khi họ bị phản bội.
Về nghề nghiệp, họ là những người rất có tài xếp đặt, tính toán cho nên rất dễ dàng thành công trên thương trường cũng như trên chính trường.
Tuổi Tý rất hợp với tuồi Dần, Thân và Sửu nhưng lại kỵ với các tuổi Tỵ, Tuất, Hợi, Dậu, Mùi và Dần.
Đó là theo người Trung Hoa, còn chúng ta, con chuột đối với mỗi người một cách nhìn khác biệt.
Theo các nhà khoa học, chuột thuộc về loài gậm nhấm (rodent) nhưng là một động vật có nhiều yếu tố thích hợp cho nên thường được xử dụng trong các phòng thì nghiệm để thử các thứ thuốc ngừa, thuốc chủng mới tìm ra, trước khi dùng cho loài người.
Đối với các nhà trình diễn, chuột là giống vật tinh khôn có thể huấn luyện làm được những việc khác thường như trong chương trình Incredible hay là Believe or not gì đó người ta đã huấn luyện đươc một đàn chuột đấu bóng rổ rất ngoạn mục mà không biết mệt.
Còn với các nhà thiết kế y phục, bộ lông con chuột Muskrat mầu nâu sậm rất đáng giá. Có người đã trả tới 30$ một bộ lông cho những người chuyên môn đánh bẫy chuột và dù rằng các bà các cô đã sợ hãi phát thét lên khi thấy con chuột, lại hãnh diện khi có bô lông con chuột này làm thành mũ hoặc đính trên bộ áo ngự hàn.
Với trẻ con thì những con chuột bạch, chuột đánh vòng, chuột không đuôi hamster hay guinea pig là những động vật đáng yêu.
Sống trên đất Mỹ, chúng ta cũng nên tìm hiểu người Mỹ đối với con chuột ra sao. Chữ Mouse thường ám chỉ phái nữ và người nhút nhát hay xấu hổ. Còn chữ Rat ám chỉ những người thấp kém, không trung thực. Các bà các cô thời trước khi chải tóc lại quấn quéo như tổ chuột ở trên đầu nên có chữ Mouse like hay Rat like.
Nhưng dù dân chúng Mỹ có chê con chuột là nhút nhát là đàn bà, là hèn kém là phản bội đi chăng nữa, con chuột Mickey mouse lại được toàn thể thế giới yêu chuộng nhất là giới nhi đồng. Đây là một sản phẩm tưởng tượng của Walt Disney đã được giải thưởng về tranh hoạt họa (Academy Award-winning comic animal cartoon) Chú chuột này do Walt Disney và Ub Iwerks vẽ ra và chính Walt Disney lồng tiếng. Ngày 18 tháng 11 năm 1928 công ty Walt Disney đã trình chiếu cuốn phim này để kỷ niệm ngày sinh nhật của ông tại Colony theatre, Nữu Ước và từ đó con chuột Mickey đã trở thành nhân vật hữu danh trên thế giới. Nhiều gia đình Mỹ hồi đó đã bỏ ăn bỏ ngủ để xem chú chuột Mickey với đầy đủ đức tính: khôn ngoan, lanh lẹ, cần cù, nhẫn nại khác hẳn với tiếng xấu mà họ đã gán cho con chuột.
Đối với dân chúng Âu Châu, chuột là một động vật đáng sợ vì nó mang theo những con bọ chuột (Xenopsylla cheo) hung thần gieo rắc bệnh dịch hạch. Theo một số tài liệu, bệnh này đầu tiên phát hiện tại Trung Hoa vào năm 1330 sau đó theo các thương thuyền lây lan bệnh dịch đến Âu châu. Vào tháng 10 năm 1347 một số thủy thủ người Ý từ Trung Hoa trở về đảo Sicily đã mắc phải bệnh này và chết ở trên tầu. Sau đó bệnh dịch nhanh chóng lan tràn khắp Âu Châu.Trong vòng 5 năm đã giết chết 1/3 dân chúng tức 25 triệu người và liên tiếp trong 60 năm đã sát hại khoảng 100 triệu người ở Phi Châu. Từ đó bệnh dịch hoành hành khắp nơi, mãi cho đến năm 1894 nhà bác học Alexander Yersin tìm ra vi trùng Yersinia pestis mới ngăn chặn được căn bệnh này. Tại Hoa kỳ bệnh dịch cuối cùng đã xẩy ra tại Los Angeles vào năm 1924- 1925, sau đó chỉ còn những trường hợp lẻ tẻ xẩy ra tại các miền quê với con số 10-15 người mỗi năm.
Chuyện thần thoại kể rằng: Có một thành phố tại Âu Châu, chuột sinh sản quá nhiều và quá mau lẹ, các giống mèo chó bị chuột ăn thịt hết sạch. Người ta không còn có cách gì để diệt trừ chuột cả. Thuốc giết chuột, bẫy chuột cũng không sao ngăn chặn được làn sóng chuột. Chuột ăn hết cả thực phẩm rồi lại tấn công con người cho nên họ đã phải cầu khẩn Thượng Đế diệt trừ giống chuột. Một hôm, có một thanh niên trẻ tuổi, khôi ngô đẹp đẽ với ống sáo trên tay. Anh ta bắt đầu thổi một khúc nhạc mê hồn, huyền ảo thế rồi chuột lớn, chuột bé, chuột mẹ, chuột con từ trong nhà, dưới cống, ngoài vườn đổ ra theo chân anh ta. Người thanh niên này đi từ đường lớn cho đến hang cùng, ngõ hẻm với hàng triêu, triệu con chuột nối đuôi lúc nhúc. Anh ta từ từ đi ra biển và lội xuống nước, đàn chuột theo sau và chết chìm hết và thành phố này thoát khỏi hiểm họa Chuột.
Đối với người Việt chúng ta, chuột rất gần gũi trong đời sống. Chuột được khen thì ít mà chê thì nhiều. Khen thì “nhanh như chuột chạy” may mắn thì khen “thứ nhất đom đóm vào nhà, thứ nhì chuột rúc, thứ ba hoa đèn”. Còn chê thì nhiếu lắm, nào là “Mặt dơi, tai chuột”, “Hôi như chuột”, “cái mặt chuột kẹp”, “Cháy nhà ra mặt chuột”, “Cái miệng như mõm chuột chù” v.v...
Từ lúc còn thơ ấu, theo mẹ đi chợ Tết, tay nắm áo tay chỉ bức tranh Đám cưới chuột đòi mua cho kỳ được. Lớn lên một chút theo đám gia nhân ra đồng hun khói vào hang bắt chuột mang về đun nước sôi cạo lông và luộc chín với lá chanh. Lớn lên chút nữa, theo các đàn anh học đòi chim chuột lăng nhăng, rồi sau đó lại cùng bạn bè bầy trò mèo chuột.
Thực ra, không hiểu tại sao vấn đề tình ái giữa nam và nữ lại dính líu đến con chuột. Nếu là con gà hay con chó, có lẽ còn có thể dễ hiểu đôi chút, bởi vì hai giống này ngang nhiên làm cái chuyện công súc tu sĩ ngay trước mặt bàn dân thiên hạ, còn giống chuột mấy ai đã được diễm phúc mắt thấy, tai nghe.
Phải chăng là vì câu ca dao:
Con gái mười bẩy mười ba,
Đêm nằm với mẹ chuột tha mất …
Chuột tha lên núi lên non,
Chuột tha làm tổ, cho con chuột nằm.

Hay tại bài thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương vịnh ông quan hoạn này chăng?
Mười hai bà mụ ghét chi nhau?
Đem cái xuân tình vứt bỏ đâu?
Rúc rích thây cha con chuột nhắt,
Vo ve mặc kệ cái ong bầu.
Đố ai biết được vông hay chóc,
Còn kẻ nào hay cuống với đầu.
Thôi thế thì thôi, thôi cũng được,
Nghìn năm khỏi bị tiếng nương dâu.

Nghĩ đến nát óc cũng không tìm ra một chút liên hệ, kính mong quý vị cao minh vui lòng chỉ giáo.
Nói chuyện về năm Tý hay năm con chuột mà không nhắc đến chuyện sau đây thực là thiếu sót:
Có người hỏi quan tuổi gì (có thể đây là quan huyện hay quan chức nhà nước) sau đó mang biếu quan một con chuột bằng vàng y. Bà vợ nghe câu chuyện liền nổi cơn tam bành và mắng rằng:
Sao mà ông ngu thế! Tại sao không nói tuổi Sửu mà lại nói tuổi Tý!
Từ đó về sau, các quan phần lớn đều kỵ tuổi Tý và thường nhận là tuổi Sửu, tuổi Ngọ hay cùng lắm cũng là tuổi Dần.
Trở về với văn hóa ẩm thực Việt, khi còn nhỏ ở miền Bắc, ăn miếng thịt chuột luộc ướp lá chanh, trên đè cái thớt làm cho thân con chuột bị đè bẹp ra như con vit lạp của tiệm vịt quay, hương vị nhạt nhẽo chẳng có gì hấp dẫn.
Đầu năm 1947, trong nhà giam bí mật tại chùa làng Ngọc Tranh, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, anh công an thương tình bọn tù chúng tôi suốt tháng chỉ có nắm cơm gạo hẩm chấm với muối trộn mỡ. Đánh được con chuột to bằng cổ tay, anh lột da chặt đầu rồi kho với muối, mỗi người chỉ được một miếng vừa bằng đầu ngón tay cái cho nên vừa bỏ vào miệng đã tuột xuống cổ, nên không còn biết rõ mùi vị ra sao.
Khi vào Nam, trên đường xuống Long Xuyên trình diện đơn vị tân nhậm, những mẹt thịt chuột trắng phau và những xâu thịt chuột rô ti bầy bán trên bắc Vàm Cống cũng không có sức quyến rũ như xâu chim ở bến phà Cần Thơ. Mãi cho đến khi dùng cơm tại câu lạc bộ sĩ quan của Tiểu đoàn 3ème BVN sau này trở thành tiểu đoàn 3 của Sư đoàn 21, tôi mới biết mùi vị thịt chuột rô ti và chuột xúc bánh tráng. Sau đó những trận hành quân vào vùng Cờ Đỏ, Ô Môn, Thác Lác, Gò Quao và Cái Sắn, thịt chuột gần như thay thế cho thịt gà ở cái vùng đầy rẫy tôm cá này.
Chuột ở đây quá nhiều, ăn sạch lúa giống cho nên vào mùa xạ lúa, nông dân nặn đất thành những miếng vuông vức mỗi chiều 40 phân. Miếng đất nặng đó khoảng 10 ký, dùng chiếc que chống ở gần giữa với góc độ 30-45 là đã có chiếc bẫy chuột hữu hiệu mà chẳng tốn kém. Rắc vài hột thóc ở chân que, chuột kéo tới tranh nhau ăn, que đổ nghiêng và bẫy sập đè chết lũ chuột. Nếu siêng năng, nửa đêm đi thăm bẫy một lần, còn nếu không hãy chờ đến sáng. Mỗi đêm, trung bình một chiếc bẫy đè chết 3-4 con chuột và nếu có 100 chiếc bẫy có thể thu hoạch 300-400 con là chuyện thường. Sau khi nhúng qua nước sôi, mấy bà nội trợ chẳng thèm dùng dao kéo làm chi cho mệt, chỉ dùng móng tay bấu đầu đuôi, chân cẳng rồi lột da, bóc bộ đồ lòng ném xuống chiếc ao cá tra bên nhà. Sau đó mang những mẹt thịt chuột ra chợ bán lấy tiền mua gạo và mua rượu tẩm bổ cho ông chồng đã quá mệt mỏi vì chuyện chuột ở ngoài đồng và chuyện mèo chuột ở trong nhà.
Đừng tưởng rằng chỉ có chúng ta mới ăn thit chuột, xin vào trang www. my.net-link.net/~vaneselk/muskrat/recipes ta thấy cơ man nào những món thịt chuột và lại còn có cả chục cuốn sách dạy nấu ăn như: Chuột hầm (Braised Muskrat by Louis Campbell) Canh chuột (Muskrat Soup from Low Carb Cookbook), Chuột với củ hành (Smothered Muskrat and onion) Chuột rô ti (Fried Muskrat Fried Muskrat and Gravy is on Buckskinner Cookbook) v.v... Smothered Muskrat and Onions from Bert Christensen's Cyberspace Home, Wild Game Recipes presents Smothered Muskrat and Onions, Chuột quay (Fried Muskrat), Chuột bầm (Muskrat Meatloaf), Chuột nướng với cà rốt (Baked Stuffed Muskrat with Carrots.) v.v...
Những món thịt chuột ở Hoa kỳ tôi chưa có dịp thưởng thức, nhưng chắc chắn không thể nào ngon bằng món chuột xào lăn với củ hành ở vàm Lình Quỳnh được. Ngày đó chúng tôi trú quân ở một vùng rừng tràm bạt ngàn san dã giữa Rạch Giá, Hà Tiên và Nam Thái Sơn. Dân chúng vùng này đã bị cưỡng bách thực hiện khẩu hiệu vườn không nhà trống. Đường xá bị đào đứt quãng, xe đi không được. Phương tiện tiếp tế đường thủy lại nghèo nàn, mỗi tháng 2 -3 kỳ gần như chỉ có gạo, muối và thuốc lá. Chúng tôi phải tự lực cánh sinh: giăng câu, tát đìa và dậm cù hay dậm chuột. Vì quanh năm nước ngập cho nên đám chuột nước phải làm tổ trên cây hay trong những khóm cỏ rậm rạp. Đứng thành một vòng tròn chung quanh, tay cầm que khua động tiến dần vào tâm điểm và đàn chuột bị thanh toán dễ dàng.
Hơn nửa thế kỷ đã qua, những bữa thịt chuột xào với củ hành hay với sả ớt và vài xị rượu đế đã làm cho những người lính bộ binh chúng tôi gần gũi, thương yêu gắn bó lấy nhau. Ngày nay dù rằng: Thạch Rô, Danh Tài, Sơn Kron, Phương, Huy và những đồng đội trong đơn vị đầu tiên chỉ còn là những hình ảnh nhạt nhòa trong tâm khảm, nhưng dư vị của món chuột đồng vẫn còn phảng phất đâu đây.

Bùi Xuân Đáng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP