Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

SUY TƯ VỀ CĂN CƯỚC LINH MỤC DÒNG TU


Bài thuyết trình
Lễ Khai Giảng tại Trung Tâm Học Vấn Đa Minh
04/09/2010

Đề tài: SUY TƯ VỀ CĂN CƯỚC LINH MỤC DÒNG TU

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP

Kính thưa quý vị,
Vừa mới về tới học viện Đaminh Gò vấp, tôi đã được cha Giám đốc mời thuyết trình cho ngày khai giảng niên học 2010-11, nhưng không xác định đề tài. Trên thực tế, nhiều khi việc chọn đề tài còn khó hơn việc nghiên cứu: ai đã viết luận văn và luận án đều có kinh nghiệm đó. Sau nhiều ngày suy nghĩ tôi đã chọn đề tài “Từ năm thánh linh mục đến năm thánh kỷ niệm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam”. Chắc là quý vị nhận thấy tính thời sự của nó: Năm thánh linh mục do đức thánh cha Bênêđictô XVI công bố để kỷ niệm 150 năm thánh Gioan Maria Vianney tạ thế, được khai mạc vào lễ Thánh Tâm năm ngoái (19/6/2009) và bế mạc vào lễ Thánh Tâm năm nay (11/6/2010). Năm thánh Giáo hội Việt Nam do Hội đồng giám mục đề xướng nhằm kỷ niệm 350 năm ngày thiết lập hai miền đại diện Tông toà (9/9/1659) và 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm (24/11/1960), được khai mạc vào ngày 24/11/2009 (5 tháng sau khi khai mạc Năm linh mục) và sẽ bế mạc vào lễ Hiển Linh năm tới (9/1/2011).
Hai biến cố đó có gì liên hệ với nhau không? Không rõ đã có mấy ai nghiên cứu đề tài này chưa, và nếu có thì sẽ nhìn dưới góc độ nào? Thiết tưởng một lối tiếp cận đơn giản hơn cả có thể phát biểu như thế này: “Vai trò của linh mục trong Giáo hội Việt Nam hôm nay”, dựa theo sườn của thư của Hội đồng giám mục: mầu nhiệm - hiệp thông - sứ vụ (đã được áp dụng trong tông huấn Pastores dabo vobis số 12). Tôi xin chọn một lối tiếp cận khác, đó là: “vài suy tư về căn cước của linh mục dòng tu”. Đến đây chắc là quý vị sẽ thắc mắc: đề tài này xem ra ăn khớp với Năm Linh mục, chứ đâu có dính dáng gì đến Năm thánh Giáo hội Việt Nam? Xin thưa rằng: rất là ăn khớp, cách riêng đối với Dòng Đaminh.
Chúng ta hãy ôn lại lịch sử truyền bá Tin mừng tại Việt Nam. Tin mừng được truyền giảng tại Việt Nam do các tu sĩ thuộc nhiều dòng: Phansinh, Đaminh, Autinh, cách riêng là cha Đắc Lộ thuộc dòng Tên. Nhưng các vị thừa sai đó đến cách đột xuất và không-thường trú. Với việc thiết lập hai miền Đại diện Tông Tòa năm 1659, cuộc rao giảng Tin mừng mang tính cách quy mô và thường trú, nhờ sự dấn thân của các giáo sĩ Hội Thừa Sai Paris và dòng Đaminh. Tòa thánh uỷ thác cho hai đơn vị này việc tổ chức các địa phận, nghĩa là họ không chỉ có nghĩa vụ giảng đạo và ban các bí tích, nhưng còn phải  quan tâm đến việc điều hành các cộng đoàn từ giáo xứ tới giáo phận. Tất cả các vị Đại diện Tông Tòa (với chức giám mục) đều được chọn từ Hội Thừa sai Paris và dòng Đaminh. Mặc dù quan điểm bình dân chỉ đặt tên là “địa phận dòng” cho  vùng Đông Đàng ngoài được giao cho các cha Đaminh, nhưng trên thực tế tất cả các địa phận tại Việt Nam đều đáng được gọi là “địa phận dòng”, bởi vì Hội Thừa Sai Paris cũng là một Hội dòng (bộ giáo luật ngày nay gọi là “Tu đoàn tông đồ”). Việc thành lập hàng giáo phẩm vào ngày 24/11/1960 đã kết thúc chế độ đó, như chúng ta đọc thấy trong tông hiến Venerabilium nostrorum: “Ta cũng lệnh cho các địa phận Lạng sơn, Hải phòng, Bắc Ninh, Thánh Hoá, Thái Bình, Huế, đến nay vẫn do Hội Thừa sai Paris và Dòng Đaminh điều khiển... từ nay sẽ trao cho các giáo sĩ giáo phận Việt Nam quản nhiệm”[1]. Do đó chế độ “địa phận dòng” đã chấm dứt. Điều này có nghĩa là các giám mục không nhất thiết là phần tử của dòng, do bề trên dòng đề cử (trong quá khứ đã có 35 giám mục Tây ban nha và hai giám mục người Việt: Hoàng văn Đoàn và Trương Cao Đại); các linh mục Dòng không nhất thiết được bổ nhiệm làm cha xứ (hay nói theo kiểu bình dân: không chỉ lựa chọn một là nhà xứ hai là nhà trường, tức là chủng viện). Vì thế các cha Đaminh phải đi tìm công việc khác để thi hành sứ vụ (cũng tương tự như các cha Đaminh Lyon hoặc các linh mục thuộc những dòng tu khác). Từ một chuyện thực tế (đi tìm môi trường hoạt động), tôi xin trình bày một câu hỏi khác sâu xa dưới khía cạnh thần học: đâu là căn cước của một linh mục dòng? Linh mục dòng có khác linh mục triều không? Nếu có thì khác ở chỗ nào?
Chắc nhiều người đã nắm được câu trả lời rồi: linh mục dòng khác linh mục triều ở chỗ các cha dòng có ba lời khấn và sống cộng đoàn. Tiếc rằng câu trả lời không hoàn toàn phù hợp với thực tế, bởi vì có nhiều cha dòng suốt đời đi coi xứ và không sống trong cộng đoàn; ngược lại các cha triều phải sống độc thân, vâng lời đức giám mục, và đời sống kinh tế khá bấp bênh. Như vậy phải chăng chẳng có gì khác hết?  Chúng tôi xin thưa rằng: có sự khác biệt giữa linh mục dòng và linh mục nhìn từ nhiều khía cạnh.
Bài thuyết trình gồm hai phần. Trong phần thứ nhất, chúng ta hãy ôn lại lịch sử mối tương quan giữa ơn gọi đời tu và ơn gọi linh mục, với ít là hai lối giải thích khác nhau. Sang phần thứ hai, chúng ta sẽ điểm qua những ý kiến khác nhau về căn cước của linh mục dòng. Từ đó chúng ta thử rút ra vài hệ luận để kết thúc.  Để cho câu chuyện đỡ buồn ngủ, xin phép so sánh với một thói quen của quý vị mỗi buổi sáng khi điểm tâm, đó là uống cà-phê sữa. Chúng ta gọi ơn gọi đời tu là “sữa”, vì nó trắng như áo dòng Đaminh;  còn ơn gọi linh mục là “cà-phê”, vì nó đen như áo chùng thâm vậy. Sữa thì khác với cà-phê, nhưng hai chất có thể pha trộn với nhau thành cà-phê sữa. Câu chuyện trở thành phức tạp khi mà có người muốn uống cà-phê và cho thêm tí sữa, nhưng cũng  có người lại rót sữa rồi thêm cà-phê bột (như vậy có sự khác biệt trong tỉ lệ pha chế). Chưa hết đâu: ai cũng biết là có nhiều thứ sữa (do tính đa dạng của các đặc sủng dòng tu), nhưng phải chăng cũng có nhiều thứ cà-phê? Phải chăng cà-phê sữa khác với cà-phê đen tự bản chất? Vấn đề trở nên rắc rối hơn nữa, khi có người muốn biết: Chúa Giêsu chỉ lập  cà-phê mà thôi, hay là Chúa cũng lập cả sữa nữa? Lỡ mà sữa xuất hiện trước cà-phê thì sao? Chúng ta thử đi tìm câu trả lời bằng cách thu thập dữ kiện (phần lịch sử), rồi từ đó đưa ra vài học thuyết (phần suy tư).
 Phần I. Tiếp cận lịch sử
Trước hết, chúng ta hãy ôn lại lịch sử mối liên hệ giữa ơn gọi tu sĩ và ơn gọi linh mục. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng nghiên cứu lịch sử không phải chỉ là thu thập các niên biểu, nhưng mà còn phải chọn lọc, phân tích và giải thích các dữ kiện nữa. Nói cách khác, không có “lịch sử thuần tuý” nhưng chỉ có “quan điểm lịch sử” (gọi tắt là sử quan). Vì thế không lạ gì mà có ít là hai lối nhìn về lịch sử giữa mối liên hệ giữa ơn gọi tu sĩ và ơn gọi linh mục, tạm đặt tên  là lối nhìn cổ điển và lối nhìn truy nguyên: “cổ điển” bởi vì  xưa nay người ta vẫn nghĩ như vậy; còn “truy nguyên” là dùng phương pháp phê bình sử học để trở về nguồn gốc Tân ước. Theo lối nhìn cổ điển, đời tu xuất hiện từ thế kỷ IV; nhưng theo lối nhìn truy nguyên, đời tu đã xuất hiện từ thời Chúa Giêsu.
A. Lối nhìn cổ điển
Theo lối nhìn cổ điển, đời sống tu trì xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ IV, với hiện tượng các đan tu bên Ai cập. Họ là những giáo dân lìa bỏ thành thị, rút vào nơi hoang địa để tìm Chúa (chẳng hạn như thánh Phaolô ẩn sĩ, thánh Antôn). Sự xa cách dân chúng đặt ra những khó khăn không nhỏ cho việc tham dự phụng vụ: chắc là không thể nào dự Thánh lễ đều đặn các chủ nhật rồi, vì thế mới có chuyện nhấn mạnh đến nghĩa vụ dự lễ và hiệp lễ ít là mỗi năm một lần vào dịp lễ Phục sinh. Vì muốn giải quyết nhu cầu phụng vụ mà không quấy rầy các cha xứ, các đan viện đề nghị xin cho vài đan sĩ được lãnh chức thánh để cử hành Thánh lễ cho cộng đoàn.
Từ thế kỷ IX, hiện tượng “giáo sĩ hoá” (clericalizzazione) các đan sĩ bùng nổ, nghĩa là số những đan sĩ thụ phong linh mục gia tăng đến mức độ chiếm đa số trong cộng đoàn. Nguyên nhân không chỉ tại vì các đan sĩ đi truyền giáo và thiết lập đan viện tại các biên cương mới, mang theo việc mục vụ cho các giáo dân, nhưng còn tại vì sự phát triển của tục lệ dâng “Thánh lễ tư” (missae privatae, nghĩa là không có sự tham dự của cộng đoàn giáo dân) để cầu cho các linh hồn đã qua đời. Từ đó, trong các đan viện, người ta phân biệt các “đan sĩ” (monachi làm linh mục, chuyên lo phụng vụ bí tích) và “quy sĩ” (conversi, lao động chân tay).
Tuy nhiên, cũng cần ghi nhận trào lưu ngược lại, tức là việc “đan sĩ hoá” (monastizzazione) các giáo sĩ. Quan niệm thông thường cho rằng chỉ có các tu sĩ mới tuyên giữ ba lời khuyên Phúc âm và sống cộng đoàn, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Vào hồi thế kỷ IV chúng ta nhận thấy nhiều “đan viện giáo sĩ” (monasterium clericorum), nghĩa là các giáo sĩ sống chung với nhau bên cạnh toà giám mục, chẳng hạn như tại Milanô (thánh Ambrôsiô),  Tours (thánh Martinô), Arles (thánh Césaire), Hippona (thánh Augustinô). Thậm chí, từ thế kỷ IX, vào lúc hầu hết các đan sĩ tiến lên chức linh mục, thì các công đồng và giáo hoàng cổ vũ đời sống chung của các giáo sĩ. Việc sống chung bao hàm chung tài sản, vâng lời giám mục, và sự độc thân là chuyện đương nhiên. Đó là điều mà ta gọi là các “kinh sĩ dòng” (Canonici regulares, nhưng tôi đề nghị nên dịch là “tăng sĩ” thì đúng hơn), điển hình nơi các kinh sĩ Latêranô hoặc dòng Prémontrés. Họ là những giáo sĩ sống chung, đảm trách việc mục vụ tại một thánh đường. Thánh Đaminh cũng là một tăng sĩ ở Osma trước khi lập dòng Giảng thuyết. Dù sao thế kỷ XIII của thánh Đaminh đã chứng kiến nhiều dạng thức tu trì khác nhau: có những dòng bán ẩn tu (như dòng Chartreux), có những dòng hoạt động tông đồ bác ái (như dòng Chúa Ba ngôi). Dòng Giảng thuyết thì chuyên về việc giảng Lời Chúa, một tác vụ chuyên biệt của các giám mục; vì thế phần lớn tu sĩ dòng Giảng thuyết là linh mục, đối lại với dòng Anh em Hèn mọn đề cao việc giảng thuyết bằng đời sống hơn là bằng đạo lý, và đa số không phải là giáo sĩ (nhưng bộ mặt của Dòng đã thay đổi dưới thời thánh Bonaventura). Vào thời cận đại (từ thế kỷ XVI), chúng ta thấy ra đời những dòng gọi là “Giáo sĩ kỷ luật” (Clerici regulares) gồm các giáo sĩ sống chung với nhau để thăng tiến đời sống thánh thiện của hàng linh mục. Một số “tu đoàn giáo sĩ” cũng được thành lập theo ý hướng đó, hoặc nhằm việc huấn luyện các giáo sĩ (như tu đoàn Xuân bích, Vinh sơn) hoặc dấn thân cho công cuộc truyền giáo (tựa như Hội Thừa sai Paris); những tu đoàn này không có lời khấn dòng, tuy nếp sống của họ giống với các dòng tu.
Từ nhận xét vừa kể, chúng ta nhận thấy rằng có hai phương thức phối hợp ơn gọi tu trì và ơn gọi giáo sĩ: một bên là “giáo sĩ hóa các đan sĩ”, bên kia là “đan sĩ hóa các giáo sĩ”[2]. Trở lại với hình ảnh ban đầu, chúng ta nhận thấy có những người uống sữa pha cà-phê, và có những người uống cà-phê pha sữa. Nói cách khác, chúng ta nên phân biệt những “tu sĩ linh mục” và những “linh mục tu sĩ”. Chúng ta sẽ trở lại với sự phân biệt này trong phần suy tư. Bây giờ chúng ta bước sang lối nhìn thứ hai.
B. Lối nhìn truy nguyên
Lối trình bày cổ điển trên đây giả thiết rằng đời sống đan tu xuất hiện từ thế kỷ IV, còn các linh mục do Chúa Giêsu thiết lập ngay từ lúc khai sinh Giáo hội; như vậy là sữa xuất hiện sau cà-phê ba thế kỷ. Tuy nhiên, khi khảo sát các bản văn Tân ước, người ta thấy vấn đề không đơn giản như thế: không hẳn là các linh mục xuất hiện ngay từ lúc khai sinh Hội thánh (có thể muộn hơn); ngược lại, rất có thể là đời tu đã bắt nguồn ngay từ thời của Chúa Giêsu. Nói khác đi, sữa xuất hiện trước cà-phê.
Thực vậy, không thể khẳng định rằng các cơ cấu của Giáo hội đã thành hình từ thời Tân ước.  Chúng ta biết rằng trong các thư của thánh Phaolô, chưa có sự phân biệt rõ rệt giữa các “giám sát, kỳ mục, trợ tá” (tiền thân của các giám mục, linh mục, phó tế). Hơn thế nữa, các tác vụ vừa rồi không họp nên ban lãnh đạo của cộng đoàn, nhưng chỉ là những đoàn sủng (hoặc tác vụ) bên cạnh nhiều đặc sủng khác, như là ngôn sứ, giảng viên, thầy dạy, vv. Phải chờ đến thánh Inhaxiô tử đạo (thế kỷ II) mới thành hình cơ cấu lãnh đạo giáo hội: giám mục với sự hợp tác của đoàn linh mục và các phó tế. Dĩ nhiên, hình ảnh một linh mục phụ trách một giáo xứ lại còn muộn hơn nữa, bởi vì như đã nói trên đây, vào những thế kỷ đầu, các giáo sĩ sống chung với nhau cạnh toà giám mục.
Ngược lại, nguồn gốc của đời tu trì trong Giáo hội không phải là các đan sĩ vào thế kỷ IV, nhưng sớm hơn nhiều, đó là các môn đệ được mời gọi đi theo Chúa Giêsu hoặc các ngôn sứ dấn thân cho công cuộc truyền giảng Tin mừng. Họ muốn “đi theo Chúa”, sống gần bên Chúa.
Một số môn đệ đã được chọn làm tông đồ. Chúng ta thường quan niệm rằng sứ mạng các tông đồ được tiếp nối qua các giám mục, mà linh mục là những cộng sự viên. Tuy nhiên, cái nhìn như vậy hơi hạn hẹp, bởi vì trong Giáo hội cổ thời, bên cạnh sự kế truyền về “quyền bính” các thánh tông đồ còn sự tiếp nối “đời sống” các tông đồ nữa. Đây chính là lý tưởng của đời tu trì. Thực vậy, các đan sĩ từ bỏ thế gian không phải chỉ nhằm tu thân tích đức mà còn để “bắt chước các tông đồ” (apostolica vivendi forma), ôm ấm “nếp sống tông đồ” (vita apostolica) qua việc từ bỏ tài sản để theo Chúa, sống cộng đoàn theo gương của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi được mô tả trong những chương đầu của sách Tông đồ công vụ (Cv 2,42- 47; 4,32-37). Sang thời Trung cổ, “nếp sống tông đồ” còn bao gồm thêm việc rao truyền Phúc âm (như ta thấy nơi thánh Đaminh và thánh Phan-sinh)[3]. Với lối giải thích lịch sử như vậy[4], ta thấy sữa có trước cà-phê, và cả hai đều cần thiết ngang nhau cho đời sống Hội thánh.
Phần II. Những ý kiến về căn cước của linh mục dòng
Qua việc ôn lại lịch sử, chúng ta thấy rằng mối tương quan giữa ơn gọi tu sĩ và ơn gọi giáo sĩ rất là đa dạng. Không lạ gì mà có khá nhiều ý kiến về căn cước của linh mục dòng, bắt nguồn từ những quan điểm khác nhau về bản chất của đời tu và bản chất của chức linh mục.
A. Nhìn từ bản chất đời tu
Chúng ta khỏi cần dài dòng chứng minh sự đa dạng của ơn gọi tu trì nữa: sự khác biệt giữa các dòng tu không chỉ dựa trên kiểu tu phục, nhưng bắt nguồn từ  đặc sủng, từ quan niệm về các lời khuyên Phúc âm, nếp sống cộng đoàn, đường lối hoạt động tông đồ.
Riêng trong lãnh vực đang bàn (tương quan với chức linh mục), chúng ta biết rằng bộ giáo luật phân biệt giữa các dòng “giáo sĩ” và các dòng “giáo dân”. Theo điều 588, một dòng được gọi là giáo sĩ “khi nào chiếu theo mục tiêu hay ý định mà vị sáng lập nhằm tới, hoặc chiếu theo truyền thống hợp lệ, dòng được đặt dưới sự điều khiển của các giáo sĩ, đảm nhận việc thi hành chức thánh, và được nhà chức trách Giáo hội nhìn nhận như vậy”.
Như vậy, bộ giáo luật đã đặt ra hai tiêu chuẩn để xác định một dòng giáo sĩ: a) bản chất và mục tiêu của dòng; b) ý định của vị sáng lập. Trên thực tế, không phải lúc nào hai tiêu chuẩn ấy cũng rõ rệt. Xét về bản chất và mục đích, dĩ nhiên dòng nào chuyên về việc giảng thuyết, giải tội hay coi xứ thì cần đến chức linh mục: nhưng các dòng phụ trách thanh thiếu niên (như dòng Salesien) thì sao? Tiêu chuẩn thứ hai (ý định vị sáng lập) cũng mông lung không kém. Chúng ta hãy lấy một thí dụ từ thánh Phanxicô: thánh Phanxicô không phải là linh mục và cũng chẳng mơ ước cho các anh em Hèn mọn làm linh mục; vì thế, sau công đồng Vaticanô II, dòng Phansinh đã nhiều lần đòi xét lại bản tính giáo sĩ. Điều này có một hệ luận cụ thể, bởi vì trong một dòng giáo sĩ thì bề trên phải là linh mục; do đó nếu không phải là dòng giáo sĩ thì các trợ sĩ cũng có thể làm bề trên (thực ra thánh tổ phụ đâu phải là một linh mục?). Ngoài ra dòng Biển đức cũng đặt vấn nạn là đời đan tu xuất hiện trước khi có sự phân biệt giữa hàng ngũ giáo sĩ và giáo dân, vì thế họ muốn đứng vào hàng ngũ thứ ba: không giáo sĩ không giáo dân.
Chính vì sự phân biệt của bộ giáo luật về các dòng giáo sĩ và dòng giáo dân không rõ ràng, cho nên có ý kiến đề nghị một thứ phân loại khác khi bàn đến chức linh mục, đó là “linh mục tu sĩ” hay “tu sĩ linh mục”[5]. Nói cách khác, đừng kể những ai muốn uống sữa nguyên chất, sự pha phôi có thể xảy ra giữa “cà-phê sữa” và “sữa cà-phê”.
1/ “Linh mục tu sĩ” đặt chức linh mục lên hàng đầu, và nếp sống tu trì nhằm giúp việc thi hành tác vụ tốt hơn. Quan điểm này nổi bật nơi các dòng giáo sĩ kỷ luật và tu đoàn tông đồ, nhưng thiết tưởng cũng có thể áp dụng cho dòng Đaminh, với sứ vụ chính yếu là giảng thuyết; đời sống tu trì (kinh nguyện, khổ chế, học hành) nhằm chuẩn bị cho việc thi hành việc giảng thuyết hữu hiệu hơn (contemplata aliis tradere).
2/ “Tu sĩ linh mục” đặt đời sống tận hiến lên hàng đầu, còn chức linh mục chỉ là một phương tiện để sống đời tận hiến. Điều này được áp dụng cho các đan sĩ cũng như cho những dòng mà đặc sủng không nhất thiết bao hàm các tác vụ của chức linh mục.
B. Nhìn từ bản chất của chức linh mục
Không ai phủ nhận tính đa dạng của ơn gọi tu sĩ; nhưng có thể khẳng định tính đa dạng của chức linh mục không?
1/ Ý kiến cổ truyền cho rằng chỉ có một chức linh mục, do Chúa Giêsu thiết lập trong bữa Tiệc Ly. Tuy nhiên, ý kiến truy nguyên cho rằng quan điểm của Giáo hội tiên khởi thì khác. Ở đây chúng tôi không muốn nói đến sự phân biệt giữa chức tư tế phổ quát (của tất cả các tín hữug) và chức tư tế thừa tác, nhưng chỉ giới hạn vào bản chất của chức tư tế thừa tác mà thôi. Khi nói rằng Chúa Giêsu thiết lập chức tư tế thừa tác trong bữa Tiệc ly, người ta ngầm hiểu rằng chức linh mục được đặt ra để chủ sự Thánh lễ. Cái nhìn như vậy là hẹp hòi, bởi vì đã giới hạn tác vụ của linh mục vào việc tế tự, đang khi thánh Phaolô nhấn mạnh đến việc rao giảng Tin mừng như là sứ mạng chính yếu của ơn gọi tông đồ (“Đức Kitô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin mừng”: 1Cr 1,17). Mặt khác, theo các tài liệu của những thế kỷ đầu tiên (như sách Điđakhê), các buổi cử hành Thánh lễ do các ngôn sứ chủ toạ (chứ không hẳn là các tư tế). Nói cách khác, vào thời Giáo hội tiên khởi có nhiều hình dạng linh mục.
2/ Ý kiến truy nguyên xem ra hơi táo bạo, và đã thúc đẩy Bộ Giáo lý đức tin phải lên tiếng nhiều lần[6]. Thôi thì chúng ta chấp nhận ý kiến cổ truyền là chỉ có một chức linh mục thừa tác do Chúa Giêsu thiết lập trong bữa Tiệc Ly; tuy nhiên có rất nhiều thể thức để thi hành tác vụ linh mục, hay cũng có thể nói đến sự đa dạng về thần học linh mục.
(a) Khi các đan sĩ bắt đầu lãnh chức linh mục thì đối với họ bản chất của chức linh mục là cử hành Thánh lễ. Đây là quan điểm khá cổ truyền về chức linh mục thừa tác, tức là linh mục hiện thân cho đức Kitô (in persona Christi) để dâng Thánh lễ.
(b) Tuy nhiên, từ nhiều thế kỷ trước ông Luthêrô, đã có người chỉ trích quan niệm tế tự của linh mục, bởi nguy cơ đồng hoá linh mục với ông thầy cúng, giới hạn tác vụ vào việc ban bí tích mà không lo giáo huấn bổn đạo, khiến cho họ dốt nát về đạo lý và sa sút về luân lý. Trong bối cảnh ấy, công đồng Latêranô IV năm 1215 đã truyền cho các giám mục hãy quan tâm đến việc rao giảng Lời Chúa. Thánh Đaminh lập dòng Giảng thuyết trong ý hướng đó.  Các giám mục (và linh mục) cần phải đặt việc giảng thuyết như tác vụ chính yếu. Nên biết là các mục sư Tin Lành cũng đặt nặng công tác giảng thuyết hơn là công tác phụng tự, và nếu bước vào một nhà thờ Tin Lành, ta sẽ thấy ở chính giữa là tòa giảng với  Kinh Thánh (thay vì bàn thờ và nhà tạm Mình Thánh Chúa như bên Công giáo).
(c) Sang thế kỷ XX, những lối tiếp cận vừa kể bị phê bình là thiếu sót, không những bởi vì thiếu cái nhìn toàn diện về tác vụ linh mục nhưng còn bởi vì thiếu chiều kích Giáo hội. Thực vậy, không linh mục nào được Chúa Giêsu hiện ra để đích thân truyền chức. Các tác vụ được trao bởi Giáo hội và nhằm phục vụ Giáo hội. Như đã giới thiệu trong bài “Linh mục, người là ai?” đăng trong Nội san giao lưu số 15 (Xuân Canh Dần), sắc lệnh Presbyterorum ordinis của công đồng Vaticanô II và tông huấn Pastores dabo vobis của đức thánh cha Gioan Phaolô II (đúc kết những thành quả của Thượng hội đồng giám mục họp năm 1990 bàn về việc đào tạo linh mục) đã cố gắng trình bày một cái nhìn toàn diện về tác vụ linh mục, vừa quy hướng về Chúa Kitô vừa quy hướng về Giáo hội.
- Trong tương quan với đức Kitô, linh mục là hiện thân của Chúa Giêsu (in persona Christi) để thi hành các tác vụ ngôn sứ, tư tế, mục tử.
- Trong tương quan với Giáo hội, linh mục được tấn phong do Giáo hội và cho Giáo hội (in Ecclesia et erga Ecclesiam).
Nói chung, những cách trình bày quy hướng về Đức Kitô được chấp nhận dễ dàng, khác với việc quy hướng về Giáo hội, bởi vì có nhiều ý kiến đối nghịch nhau. Phải hiểu thế nào về câu nói “linh mục được đặt lên do Giáo hội và cho Giáo hội”?
+ Linh mục được tấn phong do Giáo hội. Quan điểm cổ truyền giải thích rằng người tín hữu được tấn phong linh mục do nhà cầm quyền trong Giáo hội (giám mục, hoặc do sự đề cử của bề trên dòng nếu là tu sĩ), chứ không thể tự tiện tuyên bố mình được Chúa gọi. Quan điểm truy nguyên còn muốn đi xa hơn nữa. Theo họ,  vào thời nguyên thuỷ, Giáo hội thiết lập chức linh mục để đáp ứng một đòi hỏi thuộc cơ cấu của mình; ngày nay, cộng đoàn địa phương cũng có thẩm quyền chỉ định một phần tử chủ toạ buổi cử hành Thánh lễ (đại khái tương tự như bầu chủ tịch uỷ ban nhân dân xã).
+ Linh mục được tấn phong cho Giáo hội. Quan điểm cổ truyền cho rằng chức linh mục được đặt ra để phục vụ cộng đoàn Dân Chúa (khác với người tu sĩ đi tìm sự thánh thiện bản thân). Quan điểm truy nguyên cho rằng linh mục được cử ra để phục vụ cộng đoàn, vì thế mang tính cách nhất thời; ngày nào chấm dứt công tác (hoặc vì cộng đoàn không cần nữa, hoặc đương sự mất khả năng) thì cũng kết thúc tác vụ linh mục. Như chúng ta đã biết, lập trường của Giáo hội công giáo là linh mục mang một ấn tích vĩnh viễn, cho dù không còn thi hành tác vụ nữa.
Tôi không muốn dài dòng bàn về đạo lý của công đồng Vaticanô II và của huấn quyền giáo hoàng. Tôi chỉ muốn dừng lại ở một điểm, đó là không ít nhà thần học đã phê bình cái nhìn của Vaticanô II có phần thiếu sót, theo nghĩa là công đồng chỉ biết các linh mục triều (cà-phê đen) chứ không đả động gì đến các linh mục dòng (cà-phê sữa).
Thực vậy, thần học về chức linh mục trước đây trình bày linh mục như là kẻ thay mặt Đức Kitô (alter Christus) để ban phát hồng ân cứu độ cho nhân loại. Theo nhãn giới này, mỗi linh mục đáng được coi là một ông trời con! Công đồng Vaticanô II (Sắc lệnh Presbyterorum ordinis) đã đặt linh mục trong khuôn khổ của giáo hội địa phương. Đứng đầu giáo hội địa phương là giám mục, với sự hợp tác của linh mục đoàn. Các cha sở thay mặt giám mục để phụ trách các giáo xứ với tư cách là mục tử. Tiếc rằng cái nhìn như vậy chỉ đúng cho các linh mục giáo phận, cách riêng cho các linh mục phụ trách các giáo xứ, chứ không bao gồm tất cả các linh mục, nhất là các linh mục dòng. Tông huấn Pastores dabo vobis cũng không tiến bộ hơn. Khuyết điểm của cả hai văn kiện vừa kể nằm ở quan điểm về Giáo hội, nghĩa là giới hạn vào Giáo hội địa phương thay vì mở rộng đến Giáo hội hoàn vũ[7].
Như chúng ta đã biết, từ thời Trung cổ, đã nảy ra nhiều cuộc tranh luận về đặc ân miễn trừ (exemptio): các dòng tu chỉ tùng phục Tòa thánh, và được miễn trừ khỏi quyền của các giám mục. Tiếc rằng các cuộc tranh luận thường bị đóng khung trong phạm trù “quyền bính” và gặp nhiều bế tắc. Ngày nay chúng ta có thể nhìn vấn đề dưới một viễn tượng mới, đó là chiều kích phổ quát của Giáo hội.
- Các linh mục giáo phận (các cha triều) được nhập tịch vào một giáo phận, và đa số được uỷ thác phụ trách một giáo xứ. Vì thế họ mang nặng chiều kích giáo hội địa phương.
- Các linh mục dòng tu (và các dòng tu nói chung) mang tầm nhìn của Giáo hội hoàn vũ. Họ không dừng chân ở biên cương của một giáo xứ hoặc một giáo phận. Họ nhìn đến những nơi chưa được nghe giảng Tin mừng (trên thực tế, phần lớn công cuộc truyền giáo do các dòng tu đảm nhận). Ngoài ra, chúng ta nên hiểu chiều kích phổ quát không những theo nghĩa địa lý nhưng còn về những môi trường nữa. Các cha xứ thường chỉ quan tâm đến các tác vụ săn sóc các linh hồn (cura animarum): giảng dạy, ban bí tích, quản trị cộng đoàn. Thế nhưng nhu cầu mục vụ ngày nay rất bao la và phức tạp: mục vụ truyền thông xã hội, mục vụ giới trẻ, mục vụ di dân, mục vụ cho những thành phần bị xã hội gạt bỏ, hướng dẫn tâm linh, giáo dục, đối thoại với văn hoá và tôn giáo, vv. Để đáp ứng những nhu cầu đó, Giáo hội cần đến những “đặc sủng” đa dạng của các dòng tu. Đây là chỗ đứng của các linh mục dòng.
Tóm lại, đâu là sự khác biệt giữa linh mục dòng với linh mục giáo phận? Quan niệm thông thường cho rằng các linh mục dòng sống cộng đoàn và giữ ba lời khấn. Tuy nhiên, nhiều linh mục dòng không thấy áy náy lương tâm vì suốt đời một mình đi coi xứ và quên mất cộng đoàn, đang khi sắc lệnh Presbyterorum ordinis khuyến khích các linh mục duy trì đời sống chung (số 8c) và nhất là giới thiệu ba lời khuyên Phúc âm như con đường cần thiết để nên thánh (số 15-17). Có ý kiến muốn tìm sự khác biệt ở khía cạnh “tế tự” hoặc “ngôn sứ” của chức linh mục; hoặc giữa “định chế” và “đặc sủng” của Giáo hội. Chúng tôi nghĩ là sự khác biệt dựa trên chiều kích địa phương hay phổ quát của Giáo hội; chiều kích phổ quát được hiểu theo nghĩa địa lý và theo nghĩa môi trường.
Kết luận
Xin được rút ra hai hệ luận: thứ nhất về ơn gọi, thứ hai về đào tạo.
1/ Ơn gọi linh mục dòng
Ở Việt Nam, đi vào chủng viện hay đi vào tập viện cũng là “đi tu” (tu cha hay tu thầy cũng là tu; làm cha triều hay cha dòng cũng là cha). Lại càng ít người bận tâm về đặc sủng của mỗi dòng tu (tại sao tu dòng Đaminh, chứ không tu dòng Tên, dòng Xitô?)
Dù sao, khi vào dòng, người ta nhận thấy rằng đa số thanh thiếu niên chọn con đường làm giáo sĩ, hơn là xin làm tu huynh (hoặc gia nhập dòng giáo dân, hoặc làm trợ sĩ trong dòng giáo sĩ). Tại sao vậy: phải chăng tại vì làm cha thì danh giá hơn (cho bản thân cũng như cho gia đình)? Xin dành việc phán xét lương tâm cho Thiên Chúa. Tôi chỉ nêu lên một câu hỏi khác liên quan đến việc sống theo ơn gọi của mình: là một linh mục dòng Đaminh, cái gì quan trọng hơn đối với tôi? Tiên vàn tôi là linh mục, hay tiên vàn tôi là tu sĩ Đaminh? Lẽ ra không nên tách rời hai câu hỏi đó, bởi vì tôi là linh mục dòng Đaminh có nghĩa là tôi thi hành tác vụ linh mục theo đặc sủng của dòng Đaminh (chứ không như các linh mục triều, hoặc như các linh mục dòng Tên, dòng Xitô). Tuy vậy từ sau công đồng Vaticanô II, có những ý kiến đòi xét lại tính cách giáo sĩ của dòng Đaminh, với hậu quả là có nhiều anh em tốt nghiệp thần học (và các cấp bằng đại học khác) nhưng không muốn lãnh chức linh mục. Họ chủ trương rằng đặc sủng giảng thuyết của dòng  Đaminh không nhất thiết gắn liền với chức linh mục: tôi vào dòng là để giảng, chừng đó đủ rồi. Dĩ nhiên, đối với họ, chuyện các linh mục dòng Đaminh đi coi xứ là điều không thể nào chấp nhận được: ai muốn đi coi xứ thì hãy gia nhập chủng viện chứ đừng xin đi tu dòng! Để bổ túc thêm cho bức tranh, xin mạn phép ghi nhận một thực trạng đối nghịch, đó là có những linh mục dòng Đaminh xin chuyển sang làm linh mục triều, nhưng rất họa hiếm thấy một linh mục triều xin nhập dòng Đaminh (như trường hợp chân phước Hyacinthe Cormier, làm bề trên tổng quyền của dòng cách đây 100 năm)[8].
2/ Đường lối huấn luyện
Như đã nói ở nhập đề, tôi đã chọn đề tài này nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm tại Việt Nam. Tông hiến Venerabilium nostrorum đã kết thúc một giai đoạn hiện diện của dòng Đaminh: từ nay dòng phải đi tìm những phương thức phục vụ khác với phương thức cổ truyền, tức là một là nhà trường hai là nhà xứ: a/ nhà trường có nghĩa là phụ trách việc đào tạo hàng giáo sĩ, từ tiểu chủng viện cho đến đại chủng viện (đặc biệt là Giáo hoàng chủng viện thánh Albertô được khánh thành cách đây 80 năm, vào ngày 8/9/1930); b/ nhà xứ được hiểu là làm cha xứ và nếu khá hơn thì làm giám mục.
Thời ấy đã qua đi từ 50 năm nay rồi, nhưng xem ra đường lối huấn luyện của học viện Đaminh không thay đổi bao nhiêu, nghĩa là vẫn nhằm  đến việc đào tạo các cha xứ, hoặc phục vụ các giáo xứ; trong thời gian thực tập, các sinh viên được cử về các giáo xứ (chứ không về nhà trường hoặc các môi trường khác). Tôi không muốn phản đối mục vụ giáo xứ, nhưng chỉ lưu ý rằng một cái nhìn như vậy đã thu hẹp quan điểm Giáo hội học. Dòng Đaminh cần nhắm đến Giáo hội phổ quát, chứ không thể giới hạn tầm nhìn vào giáo hội địa phương giống như các linh mục giáo phận. Nói đến phục vụ Giáo hội phổ quát có nghĩa là sẵn sàng ra đi đến những chân trời mới (như tôi được biết nơi các dòng Tên, dòng Ngôi Lời, dòng Salesien). Phục vụ Giáo hội phổ quát cũng có nghĩa là mở rộng đến các môi trường mục vụ mới, bên trên các sinh hoạt giáo xứ, và cụ thể là công tác văn hoá để phục vụ Giáo hội Việt Nam. Sau hơn ba trăm năm rao giảng Tin mừng, chúng ta thấy còn rất nhiều công việc phải làm.
Tôi xin kết luận với một lời cầu chúc: xin các anh em sinh viên đừng chỉ mơ ước mình sẽ làm phó xứ hay chánh xứ. Nhu cầu của Giáo hội Việt Nam rất đa dạng mà các chuyên viên còn thiếu: đối thoại văn hóa, đối thoại tôn giáo, học thuyết xã hội, luân lý sinh học, truyền thông xã hội, vv. Xin các anh em hãy đặt tầm nhìn rộng hơn: tôi muốn làm một chuyên gia Kinh thánh, thần học, phụng vụ, pháp luật, xã hội, cho Hội đồng giám mục Việt Nam; tôi muốn trở thành giáo sư không những tại Trung Tâm học vấn Gò vấp, nhưng còn tại các tại các cơ sở trí thức của dòng: Angelicum, Fribourg, Jerusalem, hoặc ít là tại Manila, Macao.
Nhận xét vừa rồi cũng có giá trị với các dòng khác nữa. Ở nhiều nơi, các sinh viên dòng tu được gửi đi học tại các chủng viện (cũng như trước đây một số lớn tu sĩ Đaminh theo học ở Giáo hoàng chủng viện Nam định). Qua những điều đã trình bày trong bài thuyết trình này, chắc quý vị bề trên ý thức được sự khác biệt giữa chủng viện và học viện dòng tu, cũng tựa như giữa xưởng bào chế cà-phê đen và bào chế cà-phê sữa vậy. Xin quý vị giúp chúng tôi bảo vệ đúng công thức đã cầu chứng tại toà.
Tuy nhiên chúng ta đừng quên rằng dù là linh mục, dù là tu sĩ, người đời trông mong được thấy nơi chúng ta một Đức Kitô thứ hai (alter Christus), một con người của Tin mừng (vir evangelicus). Lý tưởng cao quý biết bao, và chắc chắn rằng chúng ta không thể nào tự sức thể hiện được. Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần giúp đỡ chúng ta.
Trước khi kết thúc, tôi muốn nói vài lời tri ân các cha Đaminh Tây-ban-nha đã truyền giáo ở miền Đông Đàng ngoài. Theo đức thánh cha Piô XI, đây là miền truyền giáo phồn thịnh nhất không những tại Việt Nam mà còn cả thế giới nữa. Đâu là bí quyết thành công của các ngài? Chắc hẳn có nhiều nhân tố, nhưng thiết tưởng phải xếp sự cầu nguyện ở hàng đầu. Quy chế thành lập tỉnh dòng Mân côi đã dự trù mỗi ngày suy ngắm 2 giờ đồng hồ (đừng kể các kinh nguyện phụng vụ). Đứng trước bao nhiêu công việc dồn dập của nhu cầu truyền giáo, các cha quyết định dành thêm giờ để cầu nguyện: một điều xem ra phi lý theo sự tính toán của chúng ta, nhưng lại nằm trong logic của Chúa: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít... Các con hãy nài xin chủ ruộng sai thêm thợ gặt”. Việc truyền giáo là chuyện của Chúa trước khi là chuyện của chúng ta.
---------------------------
Thư mục
AA.VV., “Sacerdozio: Il sacerdozio cristiano nella storia della vita religiosa”, in: Dizionario
degli Istituti di perfezione, VIII, Ed. Paoline, Roma 1988, coll. 53-95.
Agostino Montan (a cura di), La situazione del Religioso Presbitero nella Chiesa oggi. Atti del Seminario di studio della Conferenza Italiana dei Superiori Maggiori, Roma 31 marzo 2005, Il Calamo, Roma 2005.
Thomas P. Rausch, “What Is Dominican Priesthood?”, in: Spirituality Today, 42 (1990) 323-339.
Rossano Zas Friz De Col S.I., “La condizione attuale del presbitero religioso nella Chiesa”, in: Rassegna di Teologia 45 (2004), p. 35-71. Id., “L’identità ecclesiale del presbitero religioso. Il caso dei gesuiti”, in: Rassegna di Teologia 45 (2004) 325-360. Tác giả trưng dẫn nhiều tác phẩm khác, chẳng hạn:
- B.E. Daley, “The Ministry of Disciples: Historical Reflections on the Role of Religious Priests”, in: Theological Studies 48 (1987) 605-630.
- J.O. Malley, “Priesthood, Ministry, and Religious Life: Some Historical and Historiographical Considerations”, in: Theological Studies 49 (1988) 223-257.
- P.J. Philibert, “Priesthood within the Context of Religious Life”, in D.J. Goergen (ed.), Being a Priest Today, Liturgical Press, Collegeville (Minnesota) 1992, 73-96.
- P. Hennesy (ed.), A Concert of Charisms: Ordained Ministry in Religious Life, New York 1997.


[1] “Iubemus etiam ut ecclesiasticae circumscriptiones Langsonensis, Haiphongensis, Bacninhensis, Thanhoặnsis, Hunghoặnsis, Thaibinhensis, Hueensis hucusque Patribus commissae Societatis Parisiensis Missionum ad Exteras Gentes atque Fratribus Ordinis Praedicatorum, (...) clero saeculari Vietnamensi concredantur” AAS 53 (1961) 347-348.
[2] Xc. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập VI (Những hình thức tu trì Kitô giáo), Rôma 2006, trang 84-85, 90-93.
[3] Xc. Sách đã dẫn, trang 354-357.
[4] Xc. Các ý kiến của B.E. Daley, J.O. Malley, được trích dẫn trong Thư tịch
[5] M. Costa, “Sacerdote-religioso o/e Religioso-sacerdote? Vocazione al sacerdozio e vocazione alla vita religiosa negli Istituti di vita consacrata”, in: Informationes SCRIS 26 (2000) 55-87.
[6] Văn thư gửi hàng giám mục thế giới Sacerdotium ministeriale (6/8/1983), Phê bình các sách của Edward Schillebeeck và Leonardo Boff.
[7] Điều này đã được Hội đồng các bề trên cao cấp của Hoa kỳ lưu ý vào lúc họp Thượng hội đồng giám mục 1990. Xc. Conference of Superior Majors, Priesthood and Religious Life,  August 1991.
[8] Nên biết là trên thế giới tỉ lệ số linh mục dòng so với linh mục triều là 1 trên 3, và số linh mục triều tiếp tục tăng, còn số linh mục dòng tiếp tục giảm, theo như dữ liệu thống kê của Toà thánh cho năm 2008. Linh mục triều: 272.431 (năm 2000: 265.781). Linh mục dòng: 135.000 (năm 2000: 139.397)..

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP