Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

CHỌN LỰA


Kỳ chuyển nhượng cầu thủ bóng đá mùa Đông vừa qua ghi nhận những con số kỉ lục. Đáng chú ý nhất là chuyển nhượng “bom tấn” Fernando Torres từ câu lạc bộ Liverpool đến Chelsea với giá 58,5 triệu euros. Đây là vụ chuyển nhượng đáng chú ý, vì ngoài số tiền chuyển nhượng kỉ lục, thương vụ Torres này chỉ đạt được vào những giây phút cuối cùng trước khi phiên chợ mùa Đông đóng cửa, và có vẻ bất khả thi trước đó.
Liverpool đã từng tuyên bố không thể bán Torres. Chính cá nhân Torres cũng tuyên bố không rời Liverpool sau khi cùng Tây Ban Nha vô địch W orld cup vào tháng 7/2010. Khi đó anh tuyên bố : “Sự tận tuỵ và lòng trung thành của tôi với câu lạc bộ [Liverpool] và cổ động viên vẫn nguyên vẹn như ngày đầu tiên tôi đặt bút kí hợp đồng”. Thế nhưng, ngày 31/1/2011 Torres đã rời Liverpool để đến Chelsea, bất chấp sự giận dữ của các cổ động viên biểu tình và đốt áo anh. Họ luôn yêu mến anh và giờ đây giận dữ coi anh là một kẻ phản bội. Chắc chắn Torres cũng lường trước được những gì sẽ xảy ra khi anh quyết định rời Liverpool. Bị những đồng đội cũ coi thường và cổ động viên giận dữ. Vậy đâu là tiêu chuẩn của chọn lựa?
Tiêu chuẩn để chọn lựa
“Kẻ phản đồ” Torres khẳng định tiền không phải là nguyên nhân chính khiến anh chuyển đến Chelsea. Lý do ra đi của anh là để tìm lại tình yêu bóng đá. Trả lời phỏng vấn của đài Cadena Ser của tây Ban Nha, Torres nói rằng : “Tôi cảm thấy mình như đánh mất nhiệt huyết [ở Liverpool] … Tiền không phải là vấn đề quan trọng. Tôi ra đi để cải thiện phương diện chuyên môn của mình”.
Có nhiều tiêu chuẩn để ta có thể dựa  vào để phân định và đi đến một quyết định hay chọn lựa. Truyền thống dòng Tên từ thánh Inhaxiô giới thiệu cho chúng ta những tiêu chí khá chi tiết trong lựa chọn Kitô giáo, mà xem ra ngày nay vẫn rất hợp thời và hữu ích cho chúng ta.
Trước nhất, sẽ không có một quyết định nhân linh nếu không có sự tự do. Tuy nhiên sống trong một thế giới chịu ảnh hưởng và áp lực nhiều phía, sự tự do của chúng ta không phải lúc nào cũng thật rõ ràng. Chúng ta chỉ có được tự do nếu chúng ta chú ý đế giải thoát mình khỏi những ảnh hưởng, những áp lực đủ loại của môi trường sống đang diễn ra trên chúng ta. Sự tự do kitô giáo chính là hoa trái của tình yêu. Chính tình yêu đối với Chúa Cha, mong muốn thực hiện thánh ý Người đã mang lại cho Đức Giêsu một sự tự do hoàn toàn trước những thế lực và cám dỗ của thế gian. Chính vì thế mà việc tìm lại với Đức Kitô trong Tin Mừng, Đấng là Đường là Sự Thật và là Sự Sống sẽ giải thoát chúng ta để chúng ta có thể thực hiện được những lựa chọn chân thực.
Được giải phóng bởi Tin Mừng chúng ta cho thể thuận theo sự thúc đẩy của Thần Khí. “Thần Khí nói với thần trí của chúng ta…”. Tuy nhiên không phải chỉ có tiếng nói của Thần Khí mà thôi, còn biết bao tiếng nói khác nữa cũng lên tiếng trong chúng ta. Làm thế nào để nhận ra đâu là tiếng nói của Thiên Chúa? Cầu nguyện vẫn là yếu tố ưu tiên nhất trong trường hợp này. Ở đó những tư tưởng của chúng ta được phơi bài dưới ánh sáng thần linh và chúng ta sẽ thấy được khuôn mặt thật của nó: là cội nguồn của niềm vui, sự bình an, hay là của sự thất vọng, sự khô cằn, tiêu cực… Ánh sáng này không đến từ sự sáng suốt của ta mà từ sức mạnh của Thần Khí, chính vì vậy mà sự phân định này phải được thực hiện trong sự cầu nguyện đơn thành. Cần phải làm tắt đi những tiếng nói ích kỉ, ghen tị, sợ sệt trong ta để có thể lắng nghe được tiếng thủ thỉ như tiếng gió hiu hiu của Thần Khí, đến khơi dậy lòng quảng đại, đức tin và đức cậy trong chúng ta. Điều này chỉ có thể được trong cầu nguyện cá nhân, suy tư tĩnh lặng và với thời gian.
Ngoài ra, một quyết định luôn luôn được đặt trong lịch sử. Nó nhằm một mục đích và chọn những phương tiện để đạt tới mục đích đó. Phải luôn cảnh giác kẻo những mục tiêu trước mắt che khuất hoặc làm quên đi mục đích sau cùng mà mình đặt ra. Truyền thống kitô giáo khuyên nên đặt mình cách giả định vào lúc chết để kiểm chứng xem hướng đi mình đang theo có thật sự nằm trong viễn tượng Nước Trời hay không. Tuy nhiên mục đích thôi chưa đủ mà cần phải xem xét phương thế thực hiện nữa, vì mục đích tự nó không thể biện minh cho phương tiện. Người ta có thể thành tâm muốn mở mang Nước Trời, nhưng để thực hiện điều đó người ta lại sử dụng những phương tiện đi ngược lại với Tin Mừng. Điều này rất thường xảy ra.
Sau cùng, một lựa chọn đúng thì sẽ được chứng thực bởi lịch sử. Tin Mừng nhắc chúng ta rằng: “xem quả thì biết cây”. Do vậy mà cần lưu ý đến những hệ quả của một lựa chọn. Một lựa chọn trong những điều kiện tốt nhất nhưng lại tỏ ra không tốt, không phong nhiêu như ta mong đợi thì có lẽ do hoàn cảnh đã thay đổi, những hoàn cảnh mới đã xuất hiện ngoài dự kiến của mình. Sự trung thành sáng tạo theo Thần khí đòi hỏi mình phải đặt lại vấn đề về lựa chọn của mình. Điều tiên quyết là sự sẵn sàng nghe theo Thần Khí. Một vài tiêu chuẩn giúp chúng ta kiểm chứng sự phong nhiêu của sự lựa chọn là sự sống, sự hiệp thông, tính phổ quát và sự khiêm hạ. Thần Khí là sự sống, vừa mới mẻ vừa kế thừa. Một lựa chọn tốt khi nó đảm nhận quá khứ và mở ra tương lai. Thần Khí tái tạo chứ không huỷ diệt. Thần Khí là hiệp thông. Một lựa chọn tốt, trung thành khi nó xây dựng một sự hiệp thông trong sự tôn trọng sự khác biệt. Thần Khí nhắm đến tính phổ quát. Một quyết định đúng đắn phải nhắm đến lợi ích của mọi người và lâu dài chứ không thể chỉ nhằm đến một cá nhân hay một nhóm nào đó và trong một giai đoạn nào đó. Sau cùng Thần Khí của Đức Giêsu thực hiện vinh quang trong sự tự hủy, Nước Trời trong khiêm nhường và hạ mình. Đức Giêsu đã không muốn một con đường khác. Chúng ta cũng không thể chọn một con đường nào khác dẫn đến Đức Kitô được.
Chọn lựa tức là từ bỏ
“Ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không?.... Cũng vậy ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi” (x. Lc 14,28-33)
Đức Giêsu đòi hỏi tất cả những ai muốn làm môn đệ Người phải từ bỏ mọi sự mình có. Đó chính là cái giá của sự chọn lựa làm môn đệ Đức Giêsu. Chọn lựa một điều gì đó đồng nghĩa với việc phải từ bỏ những điều khác, cũng tốt đẹp cũng thu hút nhiều khi chẳng thua kém gì điều mình chọn lựa. Chọn sống đời dâng hiến thì không thể lập gia đình được. Chọn vào một hội dòng này thì không thể vào một hội dòng khác được.
Torres chọn đến chơi cho Chelsea, đã phải bỏ Liverpool, nơi anh đã từng gằn bó và đang rất được yêu mến. Anh cũng phải từ bỏ cả sự được yêu mến, sự bình yên vốn có để chấp nhận bị rủa xả, bị coi như một tên phản bội. Tuy nhiên vì muốn “tìm lại tình yêu bóng đá” anh đã chấp nhận tất cả.
Chọn lựa chính là từ bỏ là vậy. Sức mạnh của lựa chọn được đo bằng sức mạnh của sự từ bỏ. Chọn lựa càng quan trọng thì sự từ bỏ lại càng lớn. Hay nói cách khác, chọn chính là yêu vậy.
Cuộc sống là một sự chọn lựa
Vẫn biết rằng chọn lựa là một công việc khó khăn, đòi hỏi đầu tư nhiều suy tư, nhiều công sức, đòi hỏi nhiều từ bỏ, nhưng đó lại là một việc con người rất thường xuyên phải làm. Cuộc sống cũng giống như một cuộc chơi. Có những lúc đặt chúng ta vào tình huống buộc phải chọn lựa, phải quyết định. Nếu không chọn ta không thể thoát ra khỏi những vấn đề đang bao vây chung quanh mình, và không thể đi tiếp. Và rồi lựa chọn này lại mở ra một lựa chọn khác. Không quyết định chọn lựa thì những lựa chọn tiếp theo sẽ không xuất hiện.
Tất nhiên sự chọn lựa cũng có nhiều mức độ quan trọng khác nhau. Và mức độ ảnh hưởng của nó đến tương lai cũng khác nhau. Có những lúc nếu chọn lựa của ta không tốt, ta vẫn còn cơ hội chọn lại, để sửa sai. Tuy nhiên cũng  có khi sự lựa chọn đặt ta trước “hai con đường” hoàn toàn trái ngược nhau: “Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc là được sống, đươc hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ” (Đnl 30,15). Trong trường hợp này sự lựa chọn mang tính sống còn, nó quyết định sự sống hay chết, hạnh phúc hay bất hạnh của chủ thể lựa chọn.
Nếu cuộc sống là một sự lựa chọn, và sự lựa chọn quyết định hạnh phúc hay bất hạnh đối với cuộc đời tôi, cộng đoàn tôi, hội dòng tôi hay giáo hội của tôi, thì ước gì tôi cũng có thể xác tín và nói được như thánh Phaolô: “Vì Người, tôi phải chịu thiệt thòi mọi sự, và coi mọi sự như đồ bỏ, để được Đức Kitô làm mối lợi” (Pl 3,8).

Dom. Ninh Nguyễn Thông Phán

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP