Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Sóng thần


Thông Phán

Trong thời gian gần đây động đất xảy ra ngày càng nhiều và với cường độ khá mạnh. Trận động đất mạnh 8,9 độ Richter tại Nhật Bản hôm 11/3 vừa qua đã gây nên sóng thần dữ dội cao đến 10 mét. Sức tàn phá của nó thật là khủng khiếp. Sóng thần đang trở thành nỗi ám ảnh của thế giới.

  1. Nguyên nhân
Giới chuyên gia nhận định sóng thần chỉ xảy ra sau động đất nhờ sự kết hợp của ba yếu tố sau: cường độ địa chấn, hướng dịch chuyển của mảng địa tầng và địa hình đáy biển. Đáy biển chuyển động càng mạnh theo phương thẳng đứng thì độ cao của sóng thần càng tăng. Sức mạnh của sóng thần sẽ tăng tới mức khủng khiếp nếu tâm chấn của động đất nằm dưới đáy đại dương và mảng địa tầng dịch chuyển mạnh theo phương thẳng đứng. Trận sóng thần năm 2004 trên Ấn Độ Dương và năm

1964 trên Đại Tây Dương là những đợt sóng có khả năng vượt qua cả đại dương. Khi lan truyền trên mặt đại dương, sóng thần thường đạt vận tốc gần bằng máy bay phản lực, nghĩa là từ 800 tới 1.000 km/h. Nhưng khi tới gần đất liền tốc độ của sóng thần giảm dần.
  1. Sức mạnh sóng thần
Nhìn những hình ảnh ghi lại cảnh sóng thần ập vào Nhật Bản hôm 11/3, và cảnh hoang tàn khi nó đi qua mới thấy sức mạnh của nó là khủng khiếp dường nào.
Ngôi làng Ryoishi, tỉnh Iwate, đã từng có kinh nghiệm với sóng thần cách đây 100 năm, đã xây những bức tường chắn sóng cao đến 10 mét. Dân làng tin rằng những tường này có thể bảo vệ họ cách an toàn trước bất cứ ngọn sóng nào. Tuy nhiên cơn sóng thần ngày 11/3 đã xô đổ chúng cách dễ dàng và phá huỷ hoàn toàn ngôi làng.
Truyền hình ghi lại toàn cảnh sóng thần tràn vào vùng đồng bằng ven biển Sendai. Tất cả chúng ta có lẽ được thấy cảnh tượng con nước đầu đen kịt đội trên nó là nhà cửa, ô tô và hằng hà vô số những mảnh gỗ có lẽ bị xé tung từ các căn nhà kéo vào đồng ruộng thành phố Sendai. Bờ biển vùng đông bắc nước Nhật trong vòng 4 tiếng đồng hồ đã bị quét sạch, nghiền nát thành các đống rác khổng lồ. Không còn bóng dáng đô thị, chỉ còn cả một vùng tan hoang với mấy ngôi nhà tầng bê tông cốt thép còn sống sót lại.
Những con tàu khổng lồ nằm chỏng trơ trên phố, hoặc trên những nóc nhà,… có lẽ là những hình ảnh sống động nhất về sức tàn phá khủng khiếp của sóng thần.

  1. Thiệt hại do sóng thần gây ra
Trong khi giới chức Nhật đang đánh giá mức độ thiệt hại của trận động đất và sóng thần gây nên, thì những người cứu hộ nhận thấy có ít nhất ba thành phố bị xoá sổ hoàn toàn. Đó là các thành phố Minamisanriku, Kesennuma và Rikuzentakata. Judith Kawaguchi, một phóng viên của đài truyền hình NHK, phát biểu khi chứng kiến cảnh tượng tại Minamisanriku: “Toàn bộ thành phố bị cuốn trôi, chỉ còn 3 tòa nhà đứng vững. Đường cao tốc bị xé thành từng mảnh và chìm dưới bùn”. Nhật báo Yomiuri dùng từ “cảnh tượng địa ngục” để mô tả về hậu quả động đất tại thành phố Kesennuma thuộc tỉnh Miyagi. Và “Bị tàn phá hầu như toàn bộ” là cụm từ mà hãng thông tấn Kyodo dùng khi mô tả thành phố Rikuzentakata thuộc tỉnh Iwate.
Con số tổng kết sơ bộ cho thấy con động đất và sóng thần diễn ra tại Nhật bản hôm 11/3 đã làm khoảng 13 ngàn người chết, 15 ngàn người mất tích. Thiệt hại về kinh tế ước tính lên tới khoảng 310 tỉ USD.
Thế giới vẫn chưa thể quên, hơn 220.000 người thiệt mạng khi địa chấn mạnh 9,1 độ Richter ập đến Indonesia, kéo theo sóng thần tàn phá các khu vực quanh Ấn Độ Dương vào năm 2004.
  1. Những thứ mà sóng thần phải chào thua
Tuy nhiên không phải sóng thần có sức mạnh toàn năng, nó có thể phá đổ tất cả. Đó là tinh thần và ý chí con người. Thủ tướng Nhật Bản, Naoto Kan thề rằng thảm họa này sẽ không làm Nhật Bản gục ngã. Ông nói : "Chúng ta sẽ xây dựng lại Nhật Bản từ đổ nát". Thật vậy, qua thiên tai sóng thần, cả thế giới biết đến một đất nước Nhật Bản kiên cường, với những con người luôn chứng tỏ bản lĩnh và sức mạnh tinh thần của mình. Họ bình tĩnh và kiên trì đi tìm những người thân hay trật tự chờ đợi đến lượt được nhận nhu yếu phẩm. Không hề có dấu hiệu cướp bóc hay bạo lực. Đây là điều trái ngược mà người ta vẫn thường thấy ở những nơi khác trên thế giới: tệ nạn hôi của, tranh dành và bạo lực,... Thế giới đã phải ngả nón khâm phục trước tư cách và bản lĩnh của người Nhật Bản. Đây là điều mà giáo sư đại học Havard Joseph Nye gọi là "quyền lực mềm" ở Nhật Bản. Ông viết : "Họ cho thấy một xã hội ổn định, kỷ luật tốt và được chuẩn bị sẵn sàng cho những thảm họa, một quốc gia hiện đại. Họ đối phó với thảm họa một cách bình tĩnh và trật tự". Đó chính là điều mà những cơn sóng thần cho dù mạnh mẽ và khủng khiếp đến đâu cũng phải chào thua.
Những cơn sóng thần, những thảm họa, cả về mặt tự nhiên lẫn siêu nhiên dường như ngày càng nhiều, càng đa dạng và bất ngờ. Nó sẵn sàng cuốn phăng đi tất cả. Nó có một sức mạnh khủng khiếp và là nỗi ám ảnh đối với con người. Đã đến lúc con người cần phải ý thức hơn và chuẩn bị cách chu đáo phù hợp hơn để đối phó với chúng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP