Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

ĐỨC BÀ MÂN CÔI



“Ta là Đức Bà Mân Côi, Ta đến xin các con hãy lần chuỗi hằng ngày và hoán cải cuộc sống.”  (Lời Mẹ ở Fatima ngày 13 tháng 10 năm 1917)
Ta phải làm sao, nhất là trong tháng Mân Côi này, để thể hiện lời Mẹ nhắn nhủ trên đây:  Lần chuỗi Mân côi và Hoán cải cuộc sống? Đó là hai đề tài mà tôi xin được chia sẻ hôm nay.
Lần chuỗi Mân Côi, trước hết phải là suy gẫm, xuyên qua kinh Kính Mừng,  về các mầu nhiệm trong cuộc sống tại thế của Ngôi Lời Nhập Thể, Đức Giêsu Kitô. Các Mầu nhiệm đó được chia làm bốn mảng khác nhau - Vui, Sáng, Thương, Mừng - nhưng chặt chẽ liên kết với nhau, xuyên suốt cuộc đời Chúa Giêsu, từ khi được tượng thai trong lòng Trinh Mẫu Maria, cho đến khi Mẹ được đưa về trời để vĩnh viễn sống hạnh phúc bên Con Yêu.
Vâng, kinh Kính Mừng là lời nguyện rất làm vui lòng Mẹ. Kinh được hình thành từ lời chào đặc biệt của Thiên sứ Gabriel khi Truyền tin, lời chúc tụng của thánh nữ Elisabét lúc được Mẹ đến thăm và lời khấn nguyện tha thiết của Giáo Hội. Kinh nguyện này được lập lại nhiều lần trong chuỗi Mân côi, đã đem đến cho Mẹ niềm vui khôn tả vì là nhắc lại cho Mẹ bao nhiêu ân sủng tuyệt vời Chúa đã đổ tràn trên Mẹ, nhất là đã thực hiện nơi Mẹ lời hứa của Chúa cho Tổ phụ trước đây, được thể hiện – qua Mẹ và nhờ Mẹ –  trong Mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu chuộc của Con Chúa và cũng là Con yêu của Mẹ. Chính Mẹ đã tỏ hiện niềm vui thánh thiêng đó ngày 17 tháng 01 năm 1871 tại Pontmain (Pháp): Khi đó Mẹ đã hiện ra và mỉm cười rạng rỡ với nhóm trẻ đang sốt sắng cùng nhau lần hạt.
Hôm nay, nhờ chuỗi Mân côi, như lời khẳng định của Mẹ ở Lộ Đức cũng như ở Fatima, chúng ta góp phần tích cực và hữu hiệu hơn với Mẹ trong việc cứu rỗi các linh hồn. Dĩ nhiên linh hồn cần phải được cứu rỗi trước hết là chính bản thân mỗi người chúng ta, do đó ta cần phải sớm
Hoán cải cuộc sống
“Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
Các tiếng "hoán cải" hay "sám hối" thường làm người ta nghĩ đến những “người tội lỗi”, lôi thôi, nguội lạnh… cần phải sớm lo “ăn năn trở lại”, đồng thời cũng liên tưởng đến những hành vi khổ chế như: ăn chay, đánh tội, hãm mình, hy sinh... mà chính những người ấy phải thực hành. Chúng ta quên rằng người phải sám hối hay hoán cải đầu tiên lại là chính bản thân chúng ta! Đúng là thái độ và não trạng của các ông kinh sư và Pharisêu khi dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (x. Ga 8,3-6) mà tục ngữ VN có câu ám chỉ: “Chân mình thì lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”! Để cảnh tỉnh họ, Đức Giêsu đã phải nói: “Ai trong các ông sạch tội…!” (Ga 8,7b). Đây cũng là câu Chúa hỏi mỗi người chúng ta mỗi khi chúng ta cứ muốn làm “quan toà” xét đoán tha nhân! 
Vậy, để đáp lời mời gọi của Mẹ, thì không gì bằng chính mỗi người chúng ta phải xét mình, tự kiểm một cách chân thành và khiêm tốn để xem mình phải “hoán cải” như thế nào, cần phải sửa sai những gì, nhất là trong tương quan với Chúa và với tha nhân, nhất là với những anh em trong cộng đoàn mình, trong gia đình mình. Đức Kitô đã giúp cho chúng ta một phương cách hữu hiệu để tự kiểm, đó là “tin vào Tin Mừng”. Vâng, chỉ khi nào chúng ta tin vào Lời Chúa, đối chiếu cách sống của chúng ta với những gì Phúc âm đã vạch ra, thì chúng ta mới thấy rõ những gì phải làm. Chính vì thế mà trong suốt quá trình gẫm các “Mầu nhiệm Mân Côi” khi lần chuỗi, chúng ta đã lần lượt duyệt lại cả cuộc sống nhập thể và nhập thế của Ngôi Lời, để từ đó chúng ta rút ra được những chỉ dẫn rất thiết thực cho một cuộc sống hoàn toàn vì Chúa và vì mọi người. Đức Maria đã là nhân vật lý tưởng mà chúng ta phải học tập để thực sự sống theo Tin Mừng.
Rất mong từ đây, mỗi khi lần chuỗi, nhất là trong tháng Mân Côi này, chúng ta hãy cố gắng cầm trí suy ngắm các “mầu nhiệm” của từng chục mà đối chiếu với cách sống của mình xem có gì chưa phù hợp để kịp thời “hoán cải”.
Chính vì thế mà Mẹ Fatima, qua các em bé được diễm phúc chiêm ngưỡng Mẹ, đã tha thiết xin chúng ta hãy “Hãy lần chuỗi hằng ngày và hoán cải cuộc sống.”

Túc Trưng, đầu tháng Mân Côi năm 2010
Chú Ba

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP