Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Tiến trình trở thành người môn đệ Đức Giêsu



“Hôm sau, ông Gioan lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông.  Thấy Ðức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Ðức Giêsu. Ðức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Rápbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” Người bảo họ: “Ðến mà xem”. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng bốn giờ chiều.” (Ga 1,35-39)
Trình thuật kể lại việc Chúa Giêsu chọn các môn đệ đầu tiên. Câu chuyện kể về hai môn đệ của Gioan Tẩy giả đang đứng với thầy mình thì Đức Giêsu đi ngang qua. Sau lời giới thiệu của Gioan “Đây là Chiên Thiên Chúa” một hành trình thiêng liêng đã được phác họa nơi hai người môn đệ này: Họ đang đi tìm ý nghĩa cho cuộc đời mình, và chính lúc này  Đức Giêsu đi ngang qua cuộc đời họ.
Họ đã đi theo làm môn đệ Gioan. Nhưng nơi ông, họ không tìm được ý nghĩa thật của cuộc sống, họ chưa tìm gặp được hạnh phúc, họ chưa thoả mãn. Họ vẫn còn đang đứng nhìn chỗ này chỗ khác, nhìn loanh quanh vô định. Y như các cô gái tuổi hoa niên buổi chiều nhìn trời nhìn đất, nhìn một áng mây trôi, nhìn một cánh chim bay ngang, nhìn những chiếc lá vàng rơi cũng thấy buồn! Ấy chính vì thế mà khi Gioan vừa nói với họ “Đây là Chiên Thiên Chúa”, họ bỏ ngay thầy mình mà lẽo đẽo theo Đức Giêsu! Một cách vô thức họ tin rằng chính ông Giêsu này sẽ đem đến cho cuộc đời họ một ý nghĩa. Cuộc sống của họ sẽ tròn đầy hơn, hạnh phúc hơn.
Chúng ta, một lúc nào đó trong cuộc đời mình cũng thế, một cách nào đó, chúng ta cũng đang trên một hành trình như các môn đệ đầu tiên: Đang đi tìm một ý nghĩa cho cuộc đời của mình. Chắc chắn trong chúng ta có người cũng đã dấn thân ít nhiều trong cuộc sống. Đã có một ước mơ, một hoài bão, một dự định nào đó cho tương lai. Hoặc cũng có thể có một ai đó trong tim mình chăng? Điều này rất ư là bình thường. Cuộc sống con người đòi hỏi phải như thế. Với tất cả những ước mơ, dự tính, hành trang có được, những người thân, người bạn, kể cả người yêu nữa, chúng ta vẫn đặt ra cho mình một câu hỏi: Tôi phải làm gì? Tôi sẽ đi theo ai? Tôi sẽ đi con đường nào?… để cuộc đời tôi sẽ hạnh phúc nhất, sẽ có ý nghĩa nhất? Cũng cần lưu ý rằng sự hạnh phúc và ý nghĩa ở đây không đồng nghĩa với sự sung sướng, nhàn hạ, thành công hay danh vọng...
Cũng chính những lúc ấy, Đức Giêsu đi ngang qua cuộc đời của chúng ta. Người đi qua cuộc đời của chúng ta bằng nhiều hình thức ngộ nghĩnh lắm: Khi đọc và chia sẻ Tin Mừng; nghe một bài giảng như trường hợp thánh Phanxicô xaviê; qua một dịp cầu nguyện, tĩnh tâm; một buổi sinh hoạt; một chuyến công tác từ thiện; một buổi giới thiệu và cổ võ ơn gọi; qua hình ảnh một nữ tu thật dễ thương thanh thoát; vẻ uy nghiêm của một giám mục, linh mục,... hoặc thậm chí là 1 tách cà phê, một trái chuối,... Hoặc là được sự giới thiệu cách này cách khác của một người nào đó. Họ giới thiệu cho chúng ta một Đấng, một lí tưởng để lựa chọn. Trong chúng ta cũng hình thành một phác hoạ  về một lí tưởng sống mà chúng ta sẽ chọn theo. Chúng ta đã chọn, hoặc sẽ chọn khởi động một tiến trình mới trên con đường theo Đức Kitô, trở thành môn đệ Đức Kitô: Vào tiền tập, vào nhà Tập, hoặc tuyên khấn.
Thánh sử Gioan vạch ra cho chúng ta một tiến trình trở thành môn đệ của Đức Giêsu. Tiến trình đó bắt đầu bằng việc đến với Người, xem chỗ người ở, và ở lại với người. Đây là một tiến trình mẫu mực của mọi hành trình thiêng liêng trong Kitô giáo, tất nhiên trong đó có ơn gọi tu sĩ.
Đến: Bắt đầu bằng việc từ bỏ nơi mình đang ở, chấp nhận một sự phiêu lưu.
Đọc lại lịch sử cứu độ ta thấy rất rõ điều này. Ơn gọi Abraham bắt đầu bằng tiếng gọi lên đường: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi.” (St 12,1); Ơn gọi của Môisê cũng bắt đầu bằng mệnh lệnh lên đường: "Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập" (Xh 3,10).
Trong Tân Ước, ta cũng gặp hoàn toàn tương tự như thế. Lời kêu gọi của Đức Giêsu đều bao gồm cụm từ “hãy đến theo Ta”.
Rõ ràng ‘đến’ là một yếu tố căn bản khởi đầu cho một ơn gọi Kitô giáo. Nhưng tại sao ‘đến’ lại quan trọng như vậy?
Bước theo Đức Kitô trong đời sống Kitô hữu hay đời sống thánh hiến là một sự thay đổi hoàn toàn, như thánh Phaolô nói “thay đổi nếp sống cũ mà bước vào đời sống mới”. Đó là sự xây đựng đời mình trên nền tảng là chính Đức Kitô (chứ không phải trên những giá trị khác như tiền bạc, danh tiếng, hay lạc thú...). Và như vậy không gì khác hơn là một sự chuyển đổi toàn thể con người từ vị trí này (con người trước tiếng gọi lên đường) sang một vị trí khác (sau khi được tiếng gọi biến đổi).
‘Đến’ là một yếu tố khởi đầu hết sức quan trọng vì nó diễn tả một sự chuyển động, di chuyển hay chuyển biến, từ một trạng thái này sang một trạng thái khác, từ vị trí này sang một vị trí khác. Sự chuyển biến này không chỉ về mặt địa lí mà liên quan đến toàn thể con người: tâm lí, tâm linh, cách nghĩ, cách sống…
Một khi chúng ta chọn đến với Đức Kitô, chúng ta cần phải nhìn, suy nghĩ, lượng giá mọi sự việc dưới lăng kính của Đức Kitô. Đôi khi đó là một sự điên khùng trước mặt thế gian (x.1Co1,18), nhưng đối với những người được kêu gọi, thì đó là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (c.24).
Trước hết để có thể thực hiện hành vi ‘đến’ giả thiết phải có một sự từ bỏ, ra đi hay lên đường. Ơn gọi của Abraham bắt đầu bằng “hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi”. Như chúng ta đã nói ở trên, theo Đức Kitô (trong đời sống Kitô hữu cũng như trong đời thánh hiến) đòi hỏi một sự chuyển biến/thay đổi tận căn, vì “ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62).
Sự từ bỏ và lên đường ra đi đó, là một sự giải thoát, giải thoát khỏi những ràng buộc và mang lại một sự tự do thật sự trong tâm hồn: tự do khỏi những trói buộc của lề thói lâu đời làm người ta không thoát ra được, khỏi những ràng buộc về mặt xã hội, khỏi những lo lắng đời thường … vì thế mà cần phải “rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi”, để có được một sự tự do thật sự cho một dự án, một đời sống, một sứ mạng mới.
Từ bỏ không chỉ những cái xấu, cái tiêu cực, nhưng đôi khi cả những cái vẫn được coi là tốt, là đạo đức: “Lập tức các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người” (Mt 4,22) cho dù các ông biết rằng: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm … Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi … Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa” (x. Hc 3,1-16). Hay như người thanh niên giàu có kia (x. Mt 19,16-22) đã tuân giữ những điều răn từ thời niên thiếu, được Chúa mời gọi bán tất cả những gì anh có (kể cả những điều được cho là đạo đức!) … khi đó anh sẽ được tự do để theo Người.
Chúng ta cũng từ bỏ (một cách tương đối thôi?) cha mẹ, gia đình, bạn hữu, nghề nghiệp, sở thích, hay... người yêu... để đi theo Đức Kitô. Những thứ mà chúng ta từ bỏ không phải là những cái xấu, nhưng nó có thể làm cho chúng ta không được hoàn toàn tự do để đi theo Đức Kitô, để thực hiện cách đầy đủ ý nghĩa đời mình.
Hơn nữa, từ bỏ để lên đường luôn hàm chứa một sự phiêu lưu mạo hiểm vì tương lai phía trước hoàn toàn bấp bênh. Chỉ một điều duy nhất được bảo đảm đó là sự trung tín của Đấng đã kêu gọi chúng ta. Chính vì vậy từ bỏ để lên đường là một hành vi đức tin.
Như vậy, từ bỏ và lên đường ở đây là một sự thanh tẩy và hoán cải: gỡ bỏ những gì còn vướng mắc trói buộc tự do (thanh tẩy) và quay về (se tourner, hoán cải) phía Đấng kêu gọi họ. Nó chuẩn bị sẵn sàng cho một sự dấn thân toàn diện.
Tiếp đó ‘đến’ là một sự dấn thân, tiến về phía trước. Nó bao hàm cả lí trí và ý chí. Vì khi quyết định đi đến đâu ta phải biết trước (lí trí) mục đích và phương tiện để thực hiện, cũng như mong muốn thực hiện dự tính đồng thời sẵn sàng chấp nhận những thử thách khó khăn để đạt đến mục đích đề ra (ý chí).
Dấn thân có lẽ làm yếu tố đặc trưng nhất của tuổi trẻ. Tuổi trẻ mang trong mình đầy nhiệt huyết, dám dấn thân. Cố giáo hoàng Gioan Phaolô nói với các người trẻ rằng: Đừng sợ, hãy mở toang cửa ra với Đức Kitô. Các bạn đừng tự nhốt mình trong những cái khung có sẵn. Diễn đàn vuisongtinyeu trích lại bài đăng trên diễn đàn sinh viên Việt nam nói rằng, có một câu hỏi còn thiếu đối với sinh viên Việt nam là câu hỏi "tại sao?". Theo bài viết đó thì sinh viên việt nam thường hay đặt câu hỏi Ai? Cái gì? Thế nào? Các câu hỏi này thường quy về những gì có sẵn. Trái lại câu hỏi "Tại sao?" Thì kích thích sự tìm tòi sáng tạo. Chính vì sự thiếu đặt câu hỏi này mà các sinh viên Việt nam thường rất xuất sắc ở những bậc học thấp, nhưng lại không được như thế ở các bậc học cao hơn, hoặc trong sự nghiên cứu. Trong đời tu chúng ta nhiều khi cũng thế. Chúng ta thường đặt ra câu hỏi phải làm gì, phải làm thế nào,... nhưng ít khi đặt câu hỏi tại sao. Tại sao tôi lại đi tu? Tại sao tôi lại làm điều này, điều nọ? Tại sao tôi lại có thái độ như thế, tại sao tôi lại chọn cách cư xử như vậy? Chính câu hỏi tại sao này sẽ giúp ta xác tín hơn vào con người của mình, vào lựa chọn và cách sống của mình. Đồng thời cũng khơi dậy tính sáng tạo và tự do hơn nơi ta.
Bộ tu sĩ cũng nhấn mạnh điều này khi nói: “Họ sẽ tìm thấy nơi chính mình lí do biện minh cho sự lựa chọn thực tiễn của họ cũng như tìm được sức năng động căn bản của mình trong thánh thần sáng tạo” (Những chỉ dẫn về việc huấn luyện trong các hội dòng, số 29)
Như vậy ‘đến’ là giây phút hiện tại hiểu theo nghĩa là nó nối kết cái chúng ta là (hoặc đã là) với cái chúng ta sẽ là, đồng thời cũng là một khởi đầu dẫn đến tương lai, nó mở ra một viễn tượng mà ở đó ‘xem’ quyết định sự lựa chọn dứt khoát.
Xem: sống kinh nghiệm thực tế với Đức Kitô
Thánh Gioan chỉ kể lại rất vắn tắt “họ đã đến xem chỗ Người ở” (c.39). Họ xem gì? Họ đã thấy gì? Chúng ta không biết gì hơn. Chắc chắn không phải là họ muốn đến xem căn nhà của Người như thế nào vì Người đã chẳng nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,57) đó sao? Vậy họ muốn xem gì và họ đã thấy gì để sau đó họ quyết định theo làm môn đệ của Người?
Trước tiên họ xem cách Người sống, trong tương quan với Cha Người, trong tương quan với những người chung quanh và trong tương quan với thiên nhiên vũ trụ. Chúng ta cũng sẽ đến một nơi mà có Chúa ở đó. Xem Chúa sống và hoạt động thế nào nơi cộng đoàn chúng ta sống, trong đời sống chung, trong kinh nguyện, trong các sinh hoạt thường nhật. Chúng ta hãy xem Chúa sống và hoạt động thế nào ở đó. Các môn đệ đã đến sống với Chúa, xem Chúa sống. Các ông đã bị Chúa chinh phục và các ông đã quyết định ở lại với Người.
Cũng thế, chắc chắn quyết định của chúng ta có ở lại với Người hay không tuỳ thuộc vào việc chúng ta đã thấy Chúa hoạt động như thế nào nơi chúng ta đến. Tất nhiên để thấy được Chúa cách rõ ràng chúng ta phải dấn thân thực sự, chứ không thể đứng quan sát từ bên ngoài như một khách bàng quan.
Hơn nữa xem có thể dẫn đến hai hiệu quả khác nhau: Xem có thể dẫn đế Biết/Hiểu và nó cũng có thể dẫn đến Tin. Khi ta nhìn xem một vật ta có thể nhận biết danh tánh, tính chất của nó (tên, loài, màu sắc, kích thước, điều kiện sinh sống…). Nhưng nó cũng có thể dẫn ta tới đức tin. Đó cũng là điều tác giả tin mừng thứ tư muốn diễn đạt khi dùng thuật ngữ ‘xem’ (thấy), ít nhất ở những chỗ tiêu biểu sau:
- Chứng của Gioan Tẩy Giả: “Tôi đã thấy (và tôi tin), nên tôi xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1,34).
- Tiệc cưới Cana: “Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ (cho thấy) vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2,11).
- Mộ trống: “Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8).
Như vậy ‘xem’ không đơn thuần chỉ là một hoạt động của giác quan và của lí trí, nó còn là một kinh nghiệm sống thực tế, một sự dấn thân toàn diện có sự tham dự của tất cả mọi chức năng và cả lịch sử riêng của mỗi con người. Và như thế chúng ta có thể hiểu thêm phần nào tầm quan trọng của lời mời gọi của Đức Giêsu “Đến mà xem” (1,39).
Trong cuộc sống, chúng ta, chắc chắn chúng ta cũng đã xem thấy (qua kinh nghiệm cá nhân: sốt sắng trong cầu nguyện, nhạy cảm trước nỗi đau của tha nhân, niềm vui trong đời sống chung,...) những điều gì đó và chúng ta đã tin: tin Chúa yêu ta, tin Chúa gọi ta, tin Chúa chọn ta.
Tất cả những yếu tố mà chúng ta xem thấy đó dẫn chúng ta đến quyết định muốn ở lại với Đức Kitô.
Ở lại với Đức Kitô
Như vừa nói, trong đời sống đức tin Kitô giáo ‘xem’ chính là sống. Sống kinh nghiệm thực tế, và cũng là sự dấn thân toàn diện và triệt để. Như vậy ‘xem’ đòi hỏi một sự ‘ở lại’. Kinh nghiệm sống không phải là một đối tượng của tri thức, mà nó là một cảm nhận trong thời gian và không gian nhất định.
Thật vậy, khi ta đến một nơi nào đó, ta quan sát những con người, những sự vật,... thường ta chỉ thấy cái hình thức, cái bên ngoài. Chính vì thế mà nhiều người ở với nhau hết năm này đến năm khác mà chẳng hiểu gì nhau cả. Nếu muốn biết điều gì diễn ra thật sự thì cần phải ở lại, sống với, sống thật sự, ít là một thời gian nào đó. Chính trong điều kiện bình thường, không dàn dựng mà cuộc sống thật mới diễn ra.
Để một kinh nghiệm sống được thực hiện (được xem thấy), cần phải có một không gian thích hợp và một thời gian nhất định. Tường thuật Tin Mừng nói rằng: “họ ở lại với Người ngày hôm ấy” (c.39)
Người Kitô hữu và đặc biệt người tu sĩ luôn được mời gọi xem và ở lại với Đức Giêsu Kitô. Đức Thánh Cha Bênêdictô, trong tuyên bố lúc kinh truyền tin ngày 15/01/2006, đề nghị các tín hữu hãy biến năm mới này thành thời gian làm mới lại hành trình thiêng liêng với Đức Giêsu, vì theo ngài, chìa khóa của đời sống Kitô hữu là tìm kiếmgặp gỡ Đức Kitô (Zenit 15/01/2006).
Ở lại với Đức Kitô, ở lại trong Người và trong tình yêu của Người cũng chính là khao khát của chính Đức Kitô. Trước khi bước vào cuộc thương khó, trong những lời tâm tình cuối cùng với các môn đệ (x. Ga 15), Đức Giêsu không ngừng kêu gọi hãy ở lại trong Người và trong tình yêu của Người (Ga 15,4.9).
Đến, xem và ở lại cũng chính là những yếu tố hay những giai đoạn quan trọng của ơn gọi tu sĩ. Để có thể khám phá và sống tích cực ơn gọi của mình, thì cần phải đi vào sự năng động của kinh nghiệm thiêng liêng của sự kiếm tìm và gặp gỡ với Đức Kitô. Thiết tưởng cần phải tôn trọng và không được đốt cháy bất cứ một bước nào trong tiến trình đáp trả lời mời gọi này của Đức Giêsu Kitô: “Hãy đến mà xem”.

Dom. Ninh Nguyễn Thông Phán

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP