Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Hiệp Thông Trong Bữa Ăn Đời Thường Và Bữa Tiệc Thánh Thể


Bí Tích Thánh Thể vừa là “nguồn mạch” vừa là “tột đỉnh” của đời sống Kitô hữu vì chính Đức Kitô hiện diện thật nơi Bí Tích Thánh Thể để đem Thiên Chúa và con người lại với nhau trong một cuộc trao đổi yêu thương, có giá trị cứu độ, một liên hệ hai chiều, vừa cho đi vừa nhận lại.

Khi cử hành Bí tích Thánh thể, cũng là lúc chúng ta cử hành Mầu nhiệm Nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa và sự hiện diện bền vững của Người trong lịch sử như Đấng Cứu độ duy nhất của loài người. Bí tích Thánh Thể tái diễn sự hiện diện cứu chuộc đích thực của Đức Kitô, Đấng nhờ hy lễ mà cứu độ loài người. Trong Bí tích Thánh thể, Giáo hội kín múc nguồn ơn cứu độ của Đức Kitô và từ đó rút ra sức mạnh và sinh lực thiêng liêng để được hiệp thông với Đức Kitô, thêm can đảm để loan báo cuộc Tử nạn và Phục sinh của Người, đang khi mong đợi ngày Người lại đến trong thế gian. Như thế, trong khi cử hành Bí tích Thánh thể, chúng ta không chỉ nói đến Mình và Máu Đức Kitô mà thôi, nhưng còn nói đến các nghi lễ xoay quanh việc tạ ơn nữa, nghĩa là hành vi của Bí tích ấy: Hành vi của sự hiện diện, hy sinh và hiệp thông. Bài viết sau đây sẽ xoay quanh ba hành vi này, để vừa nêu bật được việc tưởng niệm các biến cố Đức Giêsu đã làm, vừa nói lên giá trị và hành vi cứu chuộc của Ngài mỗi khi chúng ta cử hành Bí tích Thánh thể.
I.      Hiệp Thông Trong Bữa Ăn Đời Thường
1.    Bữa ăn trong văn hóa loài người
Từ một kinh nghiệm bữa ăn thường ngày trong cuộc sống, chúng ta có thể thấy bữa ăn không chỉ đơn thuần là nạp năng lượng hay thưởng thức những món ăn ngon, mà còn bao hàm rất nhiều yếu tố trong đó: bữa ăn nói lên tình huynh đệ, sự liên đới và nối kết tình thân,… Từ một bữa ăn, có thể tạo nên những mối tương giao tốt đẹp. Người ta vẫn thường nói đến bữa ăn Agapê, nghĩa là không đặt nặng vấn đề thỏa mãn nhu cầu thâu nạp năng lượng nữa, mà chú trọng đến một bữa ăn mang tính liên kết, mọi người được chia sẻ tình thương mến và huynh đệ.
Sự hiệp thông trong một bữa ăn, không nhất thiết là phải có mặt của những người đồng bàn, nhưng còn vượt lên trên cả sự hiện diện thể lý, đó là sự hiện diện của người quá cố, trong bữa cúng giỗ; của những ân nhân trong bữa ăn tạ ơn hay của những người làm nên thực phẩm,.. Trong một bữa ăn được dệt nên biết bao mối tương quan, của người đồng bàn cũng như vắng mặt. Một khi đã tổ chức một bữa tiệc, điều trước tiên phải nói tới, đó là sự hy sinh của rất nhiều người: người làm ra thực phẩm, người nội trợ, người hy sinh tiền bạc, thì giờ và ngay cả người tham dự cũng phải hy sinh công việc của mình để tham dự và tạo nên niềm vui cho bữa tiệc.
Như thế, trong một bữa ăn cho chúng ta thấy tính liên kết chặt chẽ giữa sự hiện diện, hy sinh và hiệp thông, của những người tham dự cũng như người vắng mặt. Cả ba yếu tố đó, làm nên một nét văn hóa ẩm thực của nền văn minh nhân loại.
2.    Bữa ăn của người Do thái
Trong bữa ăn của người  Do thái, chúng ta sẽ thấy được sự tận tụy, lòng mến khách (xc. St 18,1-5; Lc 24,29), lòng biết ơn (Mt 9,11), thể hiện niềm vui (Tb 7,9) và vui mừng vì đứa con hoang trở về(Lc 15,22-32). Đó là những mục đích cao đẹp và nói lên tính tương quan và liên kết trong một bữa ăn, đồng thời cho thấy sự hiệp thông, sự hiện diện và sự hy sinh của người người tham dự cũng như vắng mặt.
Trong bữa ăn của người Do thái, nhất là bữa ăn Vượt Qua luôn thể hiện đầy đủ ba yếu tố hiệp thông, hiện diện và hy sinh. Yếu tố hiệp thông được thể hiện qua việc tưởng nhớ biến cố xuất hành của cha ông ngày xưa. Khi nhớ lại biến cố quá khứ, người Do thái gián tiếp bày tỏ lòng tin và trung thành của mình vào Giavê, đồng thời xin Ngài nhớ lại những giao ước đã ký kết với dân Ngài trên núi Sinai xưa để đến cứu giúp họ trong hiện tại. Ngay trong bữa ăn Vượt Qua, người Do thái không chỉ hiệp thông với cha ông mình ngày xưa, với những người đang có mặt lúc ấy và với hậu duệ lúc này, mà nhất là với Giavê. Khi dùng bữa cũng là lúc họ được kết hiệp thâm sâu với Thiên Chúa và được hưởng dồi dào ơn cứu độ của Ngài (St 9,9), như cha ông họ đã được Ngài ban ơn cứu thoát nhờ máu chiên bôi lên thành cửa. Sự hiện diện trong bữa ăn của người Do thái bao gồm đủ mọi thế hệ và sự hiện diện của Giavê Đức Chúa được ám chỉ đầy ắp không những qua các bữa ăn như Chiên Vượt Qua, chén rượu chúc tụng, bánh không men, rau đắng, nước chấm, mà còn qua biết bao Thánh vịnh và kinh nguyện. Bầu khí của bữa ăn của người Do thái mang một bầu khí bi tráng của những hy sinh xưa cũng như nay. Những hy sinh trong cuộc sống thường nhật của họ, những hy sinh của chiên Vượt Qua, cho đến sự hy sinh của chính Đức Chúa đã đích thân  đến can thiệp cho họ, chưa kể đến những hy sinh của trẻ em và các súc vật Ai cập trong biến cố bi thương này.
Dẫu cho bữa ăn Vượt Qua có thâu gồm nhiều ý nghĩa đến đâu đi nữa, thì vẫn chưa thể diễn tả hết ý nghĩa hay giải thoát cho người Do thái và dân ngoại một cách toàn diện và vĩnh viễn ra khỏi cảnh nô lệ tội lỗi. Vì thế, người Do thái vẫn phải diễn lại các bữa ăn Vượt Qua, hầu làm cho khát vọng giải thoát của họ được nên trọn vẹn.
II.  Hiệp Thông Trong Bữa Tiệc Thánh Thể
1.    Bữa ăn trong đời hoạt động của Đức Giêsu
Vào thời Đức Giêsu, bữa ăn càng được khôi phục và không chỉ còn là phục vụ nhu cầu dinh dưỡng cho bằng theo đuổi sứ mạng khôi phục và nâng cao giá trị văn hóa của chúng, cho tới mức biến chúng thành phương thế cứu độ. Đức Giêsu có mặt trong các bữa ăn mang tính riêng tư thân mật như tại nhà ông Ladarô (Lc 10,38-42) hay mang tính công cộng như tại tiệc cưới Cana (Ga 2,1-11). Cũng vậy, khi dự tệc tại nhà ông Simôn Biệt phái (Lc 7,36-40), tại nhà người thu thuế Mátthêu (Mt 9,10) hay tại nhà ông Gia kêu (Lc 19,2-10), thì Ngài không quên thi hành sứ mạng của mình và nâng lên thành những dấu chỉ tiên báo bữa ăn của sự trông đợi trong ngày cánh chung bằng cách cho đi kèm với các bữa ăn ấy những ân phúc đặc biệt của thời ấy như vui tươi (Mt 9,15), tha thứ (Lc 7,47), cứu độ (Lc 19,9), sự dồi dào (Mt 14,15-21), mà chúng ta có thể thấy khá đầy đủ trong bữa ăn của Ngài cho hơn năm ngàn người ở bờ biển… Tất cả những điều này được thâu tóm qua hành vi lạ lùng Ngài làm trong bữa tiệc cưới tại Cana: biến nước lã thành rượu ngon hay biến những bữa ăn tàm tạm thành bữa tiệc cánh chung (xc. Ga 2,1-11).
Từ một bữa ăn trong đời sống thường nhật của nhân loại, cho thấy hàm chứa sự hiệp thông, hiện diện và sự hy sinh trong đó và cũng từ đó, bữa ăn đã kết nối và làm nên một chuỗi ý nghĩa và văn hóa ẩm thực của con người. Trong kinh nghiệm bữa ăn, Đức Giêsu đã thăng hoa và liên kết với bữa tiệc của sự hiệp thông trong Ngài và trong Giáo hội. Nhờ có Đức Giêsu hiện diện thật trong Bí tích Thánh thể, những người tham dự được đón nhận ơn cứu độ từ sự hy sinh tuyệt đối của Ngài.
2.  Từ bữa ăn trong đời hoạt động của Đức Giêsu đến bữa tiệc Thánh Thể
Trong bữa ăn chia tay của Đức Giêsu với các môn đệ diễn ra trong một bầu khí vừa khẩn trương lại vừa bi tráng. Chính Đức Giêsu đã cầm lấy bánh, rồi chén rượu và nói với các môn đệ: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn”, “Anh em hãy cầm lấy mà uống”. Như thế, đồng thời Đức Giêsu thể hiện một hành vi cao đẹp, nhưng Ngài cũng không quên hướng các môn đệ tham gia vào giao ước với mình, Ngài muốn các môn đệ làm một việc hết sức quen thuộc và cụ thể, tới việc hiệp thông thông bằng cách ăn uống. Những lời nói của Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly làm cho các ông hiểu ra mục đích của bữa ăn này là để đưa họ vào hiệp thông với Ngài hay nói theo cách khác là đưa họ vào một giao ước mới với Thiên Chúa. Điều này cũng nhắc ta nhớ lại Giao ước mà Đức Chúa đã ký kết với ông Môsê trên núi Sinai (xc. Xh 19,24). Giao ước mới Đức Giêsu đem lại có một hiệu quả vượt trên mọi giao ước trước đây, đó chính là “sự tha tội”: “Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,27-28).
Tác giả thư Do thái khẳng định giá trị và hiệu quả của Giao ước mới vượt trội hơn mọi giao ước khác, vì đây là giao ước được ký kết bằng Máu của Con Chiên Vẹn Toàn vô tí tích là Đức Giêsu Kitô (xc. Dt 8-9). Như thế, Đức Giêsu là người thực hiện vai trò Người Tôi Trung chịu đau khổ và là Trung gian của giao ước mới, mà Sách Ngôn sứ Isaia đã nhắc tới (Is 53,10). Sự hy sinh của Đức Giêsu được thực hiện trước một cách bí tích qua việc Ngài bẻ bánh, nhất là qua lời Ngài nói trên bánh và rượu: “Này là thịt Ta bị nộp vì anh em” và “này là máu Ta đổ ra cho muôn người”. Như vậy, trong bữa ăn loài người cũng cần có sự hy sinh cách này hay cách khác của chính những người trong cuộc, thì các bên mới hiệp thông được với nhau, thì huống chi trong bữa ăn chia tay của Đức Giêsu, sự hy sinh càng cần thiết hơn để các bên giao kết với nhau chặt chẽ hơn.
Lời tuyên bố của Đức Giêsu về cái chết gợi lên cho ta thấy sự yêu thương tột đỉnh của Thiên Chúa dành cho con người và sự hy sinh một cách triệt để của Đức Giêsu. “Đến như Con mình mà Thiên Chúa đã không tha, nhưng đã nộp vì tất cả chúng ta” (Rm 8,32). Như thế, để làm thành bữa ăn này và để thể hiện giao ước như mục tiêu của bữa ăn này, không phải các súc vật bị giết mà chính Đức Giêsu phải hy sinh tính mạng mình. Ngài đã công khai tuyên bố rằng giao ước mới này không được ký kết máu súc vật hay máu của một ai khác, mà chính máu của Ngài: “Giao ước trong máu Ta”.
Sự hiện diện của Đức Giêsu trong bữa ăn Vượt Qua, là sự hiện diện thật, vì Ngài không chỉ hiện diện với tư cách chủ tiệc, mà quan trọng hơn là sự hiện diện với tư cách là lương thực. Đức Giêsu luôn trưng dẫn hình ảnh Giao ước Sinai, để nói lên việc được chia sẻ những phúc lộc của Thiên Chúa, sau khi được Thiên Chúa chấp nhận lễ vật dâng hiến. Cũng vậy, khi ăn những lễ vật được dâng hiến cho Thiên Chúa, là thực sự được lãnh nhận hồng ân từ Thiên Chúa. Trong bữa ăn Vượt Qua của Đức Giêsu với các môn đệ, nếu như Ngài muốn các môn đệ cũng được những phúc lộc từ Thiên Chúa, thì Ngài cũng phải để cho các môn đệ ăn uống chính của lễ giao ước ấy. Của lễ của Đức Giêsu chính là thịt máu Ngài. Thế nên, để họ được tiếp xúc với thịt máu ấy, thì chính Ngài đã biến chúng thành lương thực là bánh rượu. Nhưng thứ lương thực của Đức Giêsu giờ đây không còn là thứ lương thực thường dùng trong các bữa ăn thường ngày, mà là thứ lương thực bằng Máu và Thịt của Ngài. Khi Đức Giêsu cầm lấy bánh rượu trên tay, Ngài đã tuyên bố: “Đây là thịt của Thầy” và “Đây là máu của Thầy”. Cũng vậy, lương thực của Đức Giêsu không chỉ được dọn ra cho các môn đệ mà thôi, nhưng cho hết thảy mọi dân mọi nước và lương thực ấy không chỉ làm cho họ no lòng, mà hơn thế nữa là làm cho những ai ăn thịt và uống máu Ngài, thì được sống và sống dồi dào.
Khi ăn bánh và uống rượu là chính Thịt Máu Đức Kitô, người Kitô hữu được hiệp thông và trở nên một với Đức Kitô. Cũng vậy, khi tất cả mọi Kitô hữu cùng uống chung một chén rượu và ăn cùng tấm bánh, tức cùng ăn Thịt và uống Máu của Đức Kitô, thì cũng được hiệp thông và trở nên một với Đức Kitô duy nhất, được hiệp thông với nhau và trở nên một trong nhau. Hay nói một mạnh mẽ hơn: hiệu quả của Bí tích Thánh thể gắn kết người tín hữu với Đức Kitô, tới mức họ trở thành cùng chung thân xác và cùng chung máu huyết và được cưu mang Đức Kitô nơi mình. Thánh Phaolô khẳng định tính hiện thực của Bí tích Thánh thể: bánh và rượu được thánh hiến trong thánh lễ là chính mình và máu Đức Kitô; thế nên ai lãnh nhận bánh rượu ấy thì không chỉ thuần túy hưởng dùng các lương thực con người, mà là kết hiệp với Ngài trong thịt máu Ngài (xc. 1Cr 10,1-33). Sự gặp gỡ giữa tình yêu Thiên Chúa với hy vọng của nhân loại, đem lại sự giao hòa giữa Thiên Chúa và nhân loại và giữa con người với nhau. Mọi người được trở nên phần tử gia đình trong Đức Kitô. Đấng là Trưởng tử và là người anh của mọi người. Đây là Người Con của Chúa Cha Duy nhất. Bí tích Thánh thể là giao ước mà Đức Giêsu đã lấy chính thịt máu mình để ký kết, giao ước này có giá trị cứu độ và vĩnh viễn: “Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình. Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (Dt 9,12-14).
Bí tích Thánh thể luôn thể hiện đầy đủ ba yếu tố hiệp thông, hiện diện và hy sinh như trong một bữa ăn của nhân loại nói chung hay của người Do thái nói riêng, nhưng hiệu quả của Bí tích Thánh thể vượt trên tất cả các bữa ăn ấy vì chính Đức Giêsu là lương thực hằng sống (Ga 6,35). Trong Bí tích này hàm chứa mặc khải Đức Giêsu là bánh từ trời xuống, một hồng ân từ Chúa Cha, của ăn nuôi dưỡng đời sống chúng ta là con cái Thiên Chúa (xc. Ga 6,68). Đức Grêgôriô VII, trong Công Đồng Rôma năm 1079 đã tuyên tín: “Tôi tuyên xưng rằng bánh và rượu trên bàn thờ, dựa vào lời cầu nguyện chí thánh và những lời tuyên bố của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, đã thay đổi từ trong bản thể thành thịt và máu của chính Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và sau khi đã được truyền phép, chúng đã là thân thể đích thực của Đức Kitô, do Đức Trinh Nữ Maria hạ sinh, đã tự hiến để cứu rỗi thế gian bằng cách chịu treo trên thánh giá, đã ngự bên hữu Chúa Cha, cũng như đã là máu thật của Đức Kitô, chảy từ cạnh sườn Ngài. Ngài không chỉ hiện diện trong đó một cách bóng bảy và chỉ theo bí tích, mà hiện diện trong bản tính riêng của mình cũng như trong bản thể của chính Ngài” (DS 355).
III.   Sự  Hiệp Thông Của Chúa Giêsu Thánh Thể Trong Giáo Hội
Thánh thể là bữa tiệc của sự hiệp nhất huynh đệ (Agapê), vì mỗi khi cử hành bữa ăn này, người Kitô hữu hiệp thông với nhau cách mật thiết hơn, đồng thời được hiệp thông cách trọn vẹn với Đức Giêsu Kitô, nhờ cùng được hiệp thông với thân mình Đức Kitô trong bữa ăn này. Bữa ăn huynh đệ này được họa theo bữa ăn chia tay hay Vượt Qua cuối cùng của Đức Giêsu với các môn đệ và làm nổi bật khía cạnh hy sinh của Đức Giêsu để đưa tất cả mọi người vào giao ước vĩnh cửu và phổ quát với Thiên Chúa cũng như với mọi người. Đức Kitô đã chết và trở thành của ăn, để mọi người được hiệp nhất với Chúa và với nhau trong tình thương yêu. Sau khi Phục sinh, Đức Giêsu cũng hiện ra với các môn đệ qua bữa ăn (Lc 24,30; Ga 21,13) và vì thế, không lạ gì khi Giáo hội sơ khai cũng làm sống lại các bữa ăn huynh đệ ấy bên cạnh bữa tiệc Thánh Thể (Cv 1,4; Cv 2,42-46; 1Cr 11,17-33).
Bí tích Thánh thể là hình thức hiệp thông cao nhất, là chính sự sống của Chúa Ba Ngôi và được phản chiếu trong hiệp thông Giáo hội. Đó là sự hiệp thông của Đức Kitô với Chúa Cha nhờ Chúa Thánh Thần. Hiệp thông được ám chỉ và thành hiện thực qua dấu chỉ một tấm bánh và một thân mình (1Cr 10,17). Quả vậy, Thánh Thể là thân mình Đức Kitô và Giáo hội cũng là thân mình ấy, nhưng Giáo hội là thân mình Đức Kitô theo nghĩa bí tích, một thân mình thể hiện sự hiệp nhất giữa Đức Kitô và các tín hữu qua việc chia sẻ cùng một bánh và uống một chén. Khi chúng ta cử hành Bí tích Thánh thể trong sự hiệp nhất đức tin, thì cũng được hiệp nhất trong cùng một Đức Kitô. Như vậy, Bí tích Thánh thể kiến tạo nên cộng đoàn Giáo hội và làm cho Giáo hội trở thành thân mình Chúa Kitô được sinh động nhờ Chúa Thánh Thần, đồng thời in vào Giáo hội dấu ấn Ba Ngôi, hàm chứa hồng ân và yêu sách chuyên biệt của Thánh Thể.
Chúng ta cũng có thể nói, Thánh Thể là mầu nhiệm đòi hỏi sự lựa chọn cơ bản của đức tin. Khi bánh và rượu trở nên thân mình Đức Kitô, cũng là lúc mọi người phải tuyên xưng sự hiện diện của Người dưới hình bánh rượu và thực tại của hy tế cứu chuộc chứa đựng trong đó.
Qua Bí tích Thánh thể, Đức Kitô còn mặc khải trọn vẹn và chung cuộc về Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, đồng thời liên kết mọi Kitô hữu trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu đã khẳng định Ngài là con đường duy nhất dẫn đến Chúa Cha: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6)Ngài nhấn mạnh đến sự hiện diện sinh động của Ngài trong Bí tích Thánh thể, và ý nghĩa sâu xa của việc hiện diện cứu độ của Đức Kitô trong Thánh Thể được hàm chứa trong mặc khải rằng Đức Giêsu coi mình là bánh từ trời xuống (Ga 6, 41-48), một hồng ân từ Chúa Cha, của ăn nuôi dưỡng đời sống các tín hữu, đồng thời đem lại sự sống và gây nên mối hiệp thông trong Giáo hội. Đức Kitô trở nên bánh hằng sống trong việc Nhập Thể, nên bất cứ ai muốn gặp Đức Giêsu sau khi Người về cùng Chúa Cha, thì chỉ có thể tìm được trong bánh hằng sống, mà Người đã ban cho ta trong bữa Tiệc Ly và Người tiếp tục hiện diện cách huyền nhiệm trong Hội thánh. Khi Nhập Thể, Đức Giêsu là Đấng Emmanuen, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, thì sự hiện diện sau này của Người nơi Bí tích Thánh thể cũng là sự hiện diện gần gũi với Hội thánh, giữa chúng ta.
Sự hiện diện của Bí tích của Đức Kitô trong Thánh Thể đạt tới mức thực tại cao nhất cho Giáo hội, khi mà sự hiện diện thể lý của Người giữa chúng ta chấm dứt. Sự hiện thần thiêng, đích thân, thực sự, sinh động và đem lại ơn cứu độ, đã cho phép Người đi vào cuộc hiệp thông với chúng ta, và điều này đòi mỗi tín hữu việc chấp nhận tính hổ tương đến độ chúng ta phải hiến mình cho Đức Giêsu trong niềm tin. Sự hiện diện của Đức Giêsu luôn là sự hiện diện Bí tích và điều này có nghĩa là chúng ta nhận ra sự hiện diện ấy dưới dạng bánh và rượu, vì thực tại không thể chạm đến vì vượt quá giác quan chúng ta. Tuy nhiên, bánh rượu, theo lối sử dụng của nhân loại, của Kinh thánh và của Giáo hội, mặc khải rất nhiều khía cạnh của Thánh thể. Những dấu chỉ Thánh thể đơn thuần này mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng, dâng hiến, thưởng nếm trong tư cách thức ăn thức uống một thực tại vừa thần thiêng vừa nhân loại của Bí tích Thánh thể, đi vào hữu thể chúng ta qua chính thân mình chúng ta.
Khi Đức Giêsu bộc lộ ý định tự hiến của Người là tự hiến mình làm của ăn huyền diệu mà Người sắp ban cho chúng ta, thì giờ đây cái chết của Người đã chứng minh điều đó (Ga 15,3). Đức Giêsu là bánh hằng sống vì sự sống của Chúa Cha đang ở nơi Người và sự sống đó đã hy sinh chúng ta được sống (Ga 6, 51-56). Qua việc hiến mình cho Giáo hội trong Bí tích Thánh thể, Đức Giêsu đã thâu tóm nơi mình mọi huyền nhiệm của đời Người và tự hiến để hoàn tất sứ điệp của Người: “Đây là bánh từ trời xuống, … Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời” (Ga 6,68). Đức Giêsu vừa trao bánh vừa nói rằng Người ban tặng thân mình Người sắp sửa được trao hiến cho các môn đệ. Đức Giêsu trao ban trọn vẹn khi gợi lên việc hiến tặng mình Người, tức là Thịt và Máu của chính Người. Thánh Gioan đã diễn tả đây là hành động ban tặng chính mình trong nhân tính của Người. Các dấu chỉ và lời nói kèm theo cho thấy thực tại sinh động của nhân tính Người. Máu gợi đến và hàm chứa sự sống sắp sửa được hiến trao, và máu cũng chuyển tải những ý nghĩa tôn giáo sâu xa và ý nghĩa hy tế: Đây là máu Người, máu giao ước, giao ước mới và sắp đổ ra để xóa bỏ tội lỗi. Khi Giáo hội cử hành Bí tích Thánh thể, là lúc Giáo hội công bố cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, Đấng hiện đang ở trong vinh quang (Rm 6,10; Dt 7,27), và việc cử hành này phải được lặp lại cho tới khi Người lại đến, để thông hiệp Mình và Máu Người và đi vào mối hiệp thông với Đấng đã chịu đóng đinh và sống lại.
KẾT LUẬN
Từ kinh nghiệm của bữa ăn trong văn hóa loài người nói chung và bữa ăn Vượt qua của người Do thái nói riêng, Đức Giêsu đã thăng hoa và làm cho những bữa ăn đó trở thành một biểu tượng của sự cứu độ: “Ai ăn bánh và chén Ta ban cho thì có sự sống đời đời.” Lương thực của bữa tiệc Thánh Thể không còn là thứ lương thực mà nhân loại thường dùng, mà là chính thân mình Đức Giêsu Kitô. Trong bữa tiệc Thánh Thể của Chúa không những thâu tóm toàn bộ đặc tính của bữa ăn nhân loại, mà còn được hiệp thông với Đức Kitô bằng cách ăn uống Thịt Máu Đức Kitô, có Đức Kitô hiện diện thật trong lương thực Thánh thể và được hưởng nhờ ơn cứu độ từ sự hy sinh cao cả của Ngài.
Sự hiện diện của Bí tích Thánh thể làm cho người tín hữu không còn cảm thấy cô đơn, nhưng được gắn bó mật thiết với Đức Kitô, với toàn thể Kitô hữu khắp hoàn cầu. Khi đón rước mình và máu Đức Kitô, thì Người thực sự ở trong chúng ta và biến chúng ta thành chi thể của Người, đồng thời cho chúng được hưởng sự sống là nguồn mạch tình yêu mà chính Người đã đổ máu mình ra mà cứu chuộc chúng ta.
Tính hiện thực của sự hiệp thông trong bữa ăn Thánh Thể, cho thấy sự hiện diện rất thật của Đức Kitô nơi bánh thánh và rượu thánh. Đây cũng là cách thế mà Thiên Chúa muốn hiện diện với nhân loại và nói lên sự hiệp thông sâu xa giữa Đức Kitô với người Kitô hữu và giữa các Kitô hữu với nhau, một sự hiệp thông bằng cách ăn thịt và uống máu Chúa. Để cho giao ước và sự hiệp thông thực sự có hiệu quả, thì bánh và rượu ấy phải thật sự là thịt máu Đức Kitô, hay Đức Kitô phải hiện diện thực thụ. Nhưng muốn được như thế, Đức Kitô không thể không hy sinh mạng sống mình và Ngài cũng mời gọi chúng ta làm như thế.

Bênađô

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP