Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

SUỐI NGUỒN TÌNH YÊU


Hạt Bụi

Tháng 5 – Tháng hoa dành riêng cho Đức Mẹ đã kết thúc. Giờ đây, chúng ta lại bắt đầu vào tháng 6, tháng dành để tôn vinh tình yêu của Thiên Chúa được cụ thể hóa nơi trái tim dịu hiền của Chúa Giêsu.
Tháng 6 là tháng nhắc nhở cho chúng ta phải biết tôn kinh Thánh Tâm Chúa Giêsu, bởi  vì Thánh Tâm Chúa biểu tượng cho tình yêu của Người đã thí mạng sống mình vì đoàn chiên, một trái tim cháy bừng lửa yêu mến. Nhưng: “Trái tim Người bị xâu xé vì ai? Thế trần bội nghĩa nhưng tình không phôi phai. Trái tim Người hằng chờ đợi từng giây. Nâng đỡ ai còn mang gió lạnh hai vai. Dừng lại bên trái tim dịu hiền Chúa lòng khô héo bừng cháy lên yêu đương. Đời yên vui tâm trí con mong về Chúa. Không biên giới mối tình Chúa mến thương”
Trong tháng Thánh Tâm này, chúng ta ca tụng Chúa và tôn vinh tình yêu của Người là phải lẽ. Tôn kính trái tim Chúa Giêsu không phải là tôn kính một phần cơ thể của Ngài, cũng không phải là tôn kính một di vật của Ngài cho dù di vật đó quý giá bao nhiêu đi nữa. Trái tim là biểu tượng của tình yêu, cho nên tôn kính trái tim Chúa là tôn kính tình yêu của Ngài.
Tình yêu của Chúa Giêsu như thế nào? Một tình yêu tự hiến, đến nỗi dám chết vì yêu, đến nỗi còn một chút máu và nước cuối cùng Ngài cũng cho đi, yêu là tự hiến, yêu là cho đi.
Chúa là Đấng quyền phép vô cùng. Vì thế, không gì có thể thắng đoạt hay ra luật cho Người. Như Thánh Bênađô nói: “Thế mà lòng thương yêu đã thắng được Thiên Chúa”. Thật vậy, lòng yêu thương loài người, đã thắng Thiên Chúa, đã khiến Người chịu chết trên cây gỗ hèn hạ để cứu chuộc ta.
Nếu có ai, dù không được ơn soi sáng, mà lên núi Sọ giữa lúc Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá, nhìn xem chây tay Ngài đã bị đinh sắt đâm thâu, toàn thân Người đầy những thương tích, hẳn kẻ ấy sẽ phải tự hỏi: Đấng chịu đóng đinh kia là ai? Rồi phải bỡ ngỡ khi nghe câu trả lời: “Đấng ấy là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật như Cha của Người”. Sau cùng, kẻ ấy sẽ phải thốt lên: “Người là chính Thiên Chúa mà lại chịu như thế thật là điên rồ!”. Vì sao, Ngài phải chịu khổ cực và hèn hạ đến như thế? Vì Ngài yêu dấu ta cách nồng nàn “Yêu đến nỗi đã bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá vì chúng ta” (x. Pl 2. 6-8). Trên thập giá, Chúa Giêsu đã yêu thương đến mức tối đa không thể nào yêu thương hơn được nữa và yêu thương tất cả mọi người.
Có dịp suy niệm lại tình yêu của Chúa, tôi mới giật mình than thốt: Hình như đã lâu lắm rồi, tôi đã chưa cảm nghiệm được tình yêu của một người cha cao cả dành cho mình. Bởi thực tế trong cuộc sống đời mình, đã bao lần tôi dễ dàng quên lời Thiên Chúa dạy: Hãy yêu thương, hãy tha thứ, hãy hiến thân, hãy cho đi, hãy nhân từ, hãy hiền lành, hãy nghèo khó, hãy khiêm nhường... lại nhớ rất nhỏ và chấp nhất rất nhiều với ai đã nặng lời với tôi, xúc phạm đến tôi: Tôi chưa bao giờ bằng lòng với cái tôi của mình, với những gì tôi đang có, ngược lại rất nhiều lần tìm kiếm những gì không phải là của mình. Tôi không chỉ đi quá tình yêu của Chúa, mà hình như khi không chấp nhận anh chị em, lo tìm kiếm những cái không đáng cho mình, những lúc như thế tôi đã vô tình trở thành kẻ đối lập với Người.
Khi tôn kính trái tim Chúa Giêsu, chúng ta phải noi gương yêu thương của Ngài. Biết nại đến tình yêu tha thứ của trái tim Chúa bằng sự ăn năn thống hối.
Lạy Chúa Giêsu, trái tim của Chúa là trái tim rộng mở đón nhận hết mọi người chúng con và ôm trọn cả loài người chúng con. Xin cho trái tim chúng con biết đập bằng nhịp đập của tình yêu Chúa, biết cảm thông, chia sẻ để chúng con vui với ai mừng vui và khóc với ai đang khổ sầu.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP