Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Đích điểm của con người là gì?


Bart Khánh

1.      Cuộc sống vẫn luôn tồi tại những người giàu có và nghèo khổ
Câu chuyện trong Tin Mừng Luca về người giàu có và anh Ladarô nghèo khổ thể hiện một bức tranh của cuộc sống với con người thuộc mọi thời đại. Đặc biệt trong thế giới hôm nay vẫn có đầy đủ những người với phong thái khác nhau của cuộc sống. Ông nhà giàu tượng trưng cho lớp người giàu có mà không biết chia sẻ giúp đỡ người nghèo khổ. Anh Ladarô đại diện cho tầng lớp đói khổ trong xã hội mà bị mọi người bỏ rơi.
Có lẽ thời nào cũng có người giàu và người nghèo. Giàu không phải là một cái tội cũng chẳng xấu xa, cũng không đáng phải khinh chê. Nghèo chỉ xấu khi tham lam của cải của kẻ khác, lợi dụng vào lòng tốt của người khác để lừa gạt, chiếm đoạt tài sản của kẻ khác. Nhưng khi nghe bài Tin Mừng này dường như chúng ta ai cũng có một thái độ phê phán người giàu và thái độ thương cảm anh Ladarô. Thực chất theo như những nhà nghiên cứu xã hội nói rằng trên thế giới này sẽ không có người giàu và cũng chẳng có người nghèo, nếu như mỗi người cùng làm việc và chỉ thu lại đúng, đủ nhu cầu nuôi sống bản thân mình thôi, thì mọi người sẽ được ấm no và hạnh phúc. Rất tiếc xã hội không phải thế, xã hội là một cuộc cạnh tranh cá lớn nuốt cá bé, xã hội cũng là một cuộc chiến đấu không ngừng nếu muốn tồn tại, và tranh đấu để tồn tại. Nên tình trạng phân hóa giàu nghèo là tất yếu.

2.      Điểm giống nhau của người giàu và người nghèo
Có thể nói không những điểm giống nhau của người giàu và người nghèo, mà là điểm giống nhau của tất cả những con người là được sinh ra trên trần gian này và có một ngày sẽ rời bỏ trần gian này mà về với cuội nguồn là Thiên Chúa, Đấng ban cho ta sự hiện hữu đó.
Thiên Chúa là Đấng dựng nên con người, ban đầu Người tạo nên người nam là Adam, để có một trợ tá tương xứng và làm cho cuộc sống thêm vui vẻ và hạnh phúc, Thiên Chúa đã dựng nên người nữ là Eva. Như vậy, ý nghĩa của con người được Chúa dựng nên chính là để nâng đỡ và chia sẻ những vui buồn sướng khổ với nhau, cùng nhau quản lý và canh tác những thụ tạo khác mà Chúa dựng nên. Nhưng điều tốt đẹp như ý định ban đầu của Thiên Chúa khi tạo dựng nên con người đã thất bại bởi vì con người không tuân phục Thiên Chúa khi cho mình cái quyền duy nhất chỉ có nơi Thiên Chúa, là biết mọi sự và đòi xét đoán, lên án những người khác. Từ lúc này con người không sống cho nhau và vì nhau nữa, con người sống cho bản thân và cái tôi của mình nhiều hơn. Khi Thiên Chúa hỏi tại sao ăn trái cấm, thì cả người nữ và người nam đều đổ lỗi cho nhau và cho kẻ khác, mà thiếu đi sự liên đới trách nhiệm trong việc làm và trong cuộc sống. Như vậy, sự xấu xa, tội lỗi đã xâm nhập vào thế giới loài người. Đã là người, thì chúng ta sẽ mang những yếu, bệnh tật và tội lỗi và mang trong mình sự chết. Một ngày nào đó chúng ta không biết được cái chết sẽ đến với chúng ta. Biết được như vậy, thì chúng ta nên chuẩn bị giờ chết của mình, để làm thế nào, khi chết chúng ta được an bình và thanh thản, đặc biệt để cái chết của chúng ta là niềm vui cho Thiên Chúa và cho những người thân yêu vì chúng ta đã sống một cuộc đời ý nghĩa.
3.      Con người ngày nay đang sống vô cảm trước tình cảnh khó khăn và đói khổ của người khác
Chúng ta biết rằng sở dĩ ngày nay con người phải gánh chịu những hậu quả như cuộc sống vất vả, đau khổ, tội lỗi, chết chóc là do chính con người gây ra. Không phải do lỗi của Thượng đế như một số suy nghĩ nông cạn của một số triết gia và một phần những người chưa thấu hiểu được tình yêu của Thiên Chúa qua các công trình của Người. Lúc này con người không sống cho nhau mà sống cho mình. Như trường hợp trong dụ ngôn người phú hộ giàu có và anh Ladarô nghèo khổ. Người phú hộ thì ngày ngày ăn mặc lụa là gấm vóc, yến tiệc linh đình. Ngay cả đồ ăn rơi xuống đất cho chó ăn cũng làm cho những người đói khổ như anh Ladarô phải phát thèm vì đói và đau đớn vì bệnh tật. Người phú hộ này quá vô cảm trước hình ảnh đau khổ và đói khát của một con người nằm trước cửa nhà của mình, một nơi mình vẫn đi lại thường xuyên, một nơi mà chỉ để tiếp những vị khách sang trọng, vị khách mang lại cho ông những lợi ích, còn vị khách nghèo khổ không mời mà luôn có mặt thì ông lại thờ ơ xem như không hiện hữu với ông. Thậm chí ông còn xem vị khách đói khổ này còn thua những con chó. Những con chó còn được chia sẻ đồ ăn dư thừa của ông ban phát. Còn một con người với đầy đủ nhân vị một hình ảnh của Thiên Chúa, ít ra là một đồng loại với ông thì ông lại không hề đả động đến khi đang ở trong một tỉnh cảnh nửa sống nửa chết vì những đau khổ của thể xác vì đói và vì bệnh tật. Nếu so sánh một cách thái quá, thì những con chó của ông phú hộ còn hơn ông vì chúng có những hành động (liếm ghẻ chốc) xem ra là đang quan tâm đến một con người đang nằm trước cửa nhà chủ, quan tâm vì được thưởng thức một người ghẻ chốc đầy mình, quan tâm vì đây là một vị khách thân thuộc với nhà chủ mình.
4.      Ngày chung cuộc của mọi người
Đây là một ngày không ai mong muốn, nhưng không ai thoát được cái đích điểm này. Vì thế chúng ta không nên chạy trốn nó, nhưng hãy đối diện và chuẩn bị tốt nhất khi chúng ta đến đó cách bất ngờ. Bất ngờ như người phú hộ và anh Ladarô, cả hai người sẽ về và đến tòa với Chúa khi mà cuộc sống của họ vẫn đang diễn ra bình thường như mọi ngày, ông phú hộ thì đang hưởng thụ những gì mình có, một cách vô cảm, người nghèo đói Ladarô vẫn đang đói khổ và bệnh tật đau đớn.
Kể từ giây phút này thì diễn ra sự thay đổi 180 độ, người nghèo Ladarô chết được thiên thần đem vào lòng Abraham, người giàu chết và được người ta đem chôn xuống đất. Với kết luận của tổ phụ Abraham: Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ”(Lc 16,25).
 5.      Bài học để được hưởng hạnh phúc đời đời
Chắc hẳn chúng ta cũng hiểu được kết cục mà dụ ngôn muốn nói đến. Người phú hộ giàu có lãnh lấy kết quả như vậy không phải vì ông giàu có, cũng không phải vì ông tham lam hay bất chính gì. Mà ông không có đức ái, nói cụ thể là không có lòng bác ái với người đồng loại đang khốn đốn vì đói khổ và bệnh tật ngay trước mắt mình, nếu như ông không nhìn thấy người nghèo đói này chắc có lẽ ông sẽ bớt đi trách nhiệm trong ngày phán xét hơn. Còn anh Ladarô được hưởng hạnh phúc trong lòng Abraham, không phải do anh nghèo và bệnh tật, mà là anh an vui chấp nhận phận đời của mình như vậy. Anh không kêu ca, cũng không trách móc Thượng Đế và những người khác vô cảm trước nỗi khổ đau của mình. Điều này thiết thực khi anh không la rầy hay đánh đập những lũ chó của nhà giàu vì dám xúc phạm đến cái thân tàn tạ của anh. Thậm chí anh sống rất công bình, trong phẩm giá của mình, vì anh có thể trộm cắp của nhà giàu, có thể giành lấy thức ăn với những con chó của nhà phú hộ. Dù nghèo đói và đau đớn nhưng anh vẫn sống đúng với phẩm giá của một con người, hình ảnh của Thiên Chúa, điều mà có lẽ với người khác sẽ là sự nguyền rủa, sự bực bội tức tối, sự căm thù, hằn học với Thiên Chúa và những người xung quanh vì sự đau đớn và đói khổ của mình.
Trong bài Tin Mừng này chúng ta thấy tác giả đã liệt kê ra ba nhân vật quan trọng trong lịch sử cứu độ là tổ phụ Abraham, Môsê, các ngôn sứ. Nhắc nhở chúng ta rằng sau này cuộc sống của chúng ta sẽ được phán xét dựa trên điều chúng ta có tin tưởng phó thác vào Chúa không, hay chúng ta dựa vào thế lực nào khác như tiền bạc và chúng ta có sống theo Lời Chúa dạy và thực thi điều răn của Chúa không. Tất cả những điều Chúa dạy tóm gọn trong hai điều là mến Chúa và yêu người. Mà người phú hộ đã thất bại vì không thể thực hành được Lời Chúa dạy trong một điều kiện hết sức thuận lợi cho ông khi ông có đầy đủ yếu tố để làm điều đó. Còn anh Ladarô trong một hoàn cảnh khó khăn và phức tạp hơn nhiều lại thực thi một cách trọn vẹn Lời Chúa.
Qua dụ ngôn về người giàu có và anh Ladarô nghèo khổ, ước gì mỗi người chúng ta hãy thực hành lời dạy của Đức Giêsu là: “ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa và yêu người thân cận như chính mình” với hết sức khả năng trong ơn gọi của mình, để một ngày nào đó chúng ta cùng hưởng hạnh phúc trong Nước Chúa.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP