Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

ĐỂ HIỂU RÕ HƠN NHỮNG ÂN SỦNG CHÚA BAN CHO CHÚNG TA QUA NHỮNG BÍ TÍCH


Bart Khánh

Chúng ta đang trong những ngày tháng cuối cùng của năm canh Dần để bước vào một năm tân Mão. Dường như mọi tổ chức, mọi cộng đoàn đều tổng kết đánh giá lại tình hình một năm qua, mình đã sống thế nào, những mặt tích cực đạt được thì khen ngợi và cố gắng duy trì và phát huy, còn những mặt chưa đạt được hay những khuyết điểm đã xảy ra thì tìm cách hạn chế và khắc phục để sang năm mới sẽ tiến bộ và thành công hơn nữa. Đó cũng là một điều tốt và đáng được lưu ý cần thực hiện ở những tổ chức và cộng đoàn. Tuy nhiên thiết tưởng mọi yếu tố sẽ không thể đạt được như mong muốn nơi những tập thể hay cộng đoàn nếu như từng cá nhân trong tập thể đó không nhìn lại chính mình cần phải khắc phục hay đổi mới bản thân.
Đối với những người sống trong đoàn thể làm kinh tế họ cần nhận ra sự đóng góp của mình vào tập thể đó như thế nào như về năng suất cũng như hiệu quả của công việc. Nếu công ty tôi làm ăn thắng lợi, tôi sẽ phát huy hơn nữa để cho lợi nhuận đó đạt cao hơn nữa trong năm tới, còn như công ty của tôi đang làm ăn thua lỗ, thì tại làm sao, có phải tôi chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình làm ảnh hưởng đến công việc chung của cả công ty, vậy tôi phải khắc phục những điều đó, để công việc chung được tốt đẹp và như vậy công ty tôi sẽ tiến triển hơn năm qua.
Đối với mỗi người công giáo thì xét mình trong một năm sống vừa qua lại là điều tối quan trọng. Vì như vậy người Ki-tô hữu biết được mình đã sử dụng vốn liếng của Chúa như thế nào, để bất chợt một ngày nào đó Chúa như ông Chủ trở về và yêu cầu các đầy tớ tính sổ sách và hoàn lại những vốn liếng đó. Bởi vì khi xét mình lại trong mỗi năm, chúng ta sẽ nhận ra được ngay mình đã sử dụng những ơn Chúa ban như sức khỏe, thời gian, và ân sủng như thế nào? Nếu như hai yếu tố sức khỏe và thời gian mọi người có thể dễ dàng nhận ra được mình có sử dụng để làm thăng tiến con bản thân trên đường trọn lành và làm vinh danh Chúa hay không. Còn yếu tố thứ ba ân sủng thì chúng ta khó có thể đánh giá được, nếu chúng ta không hiểu được hết ý nghĩa trọn vẹn của những cử hành như Phụng vụ, các Bí tích chúng ta lãnh nhận.
Vậy bài viết dưới đây hy vọng phần nào giúp mỗi người chúng ta hiểu được phần nào những ơn sủng mà chúng ta lãnh nhận của Chúa, qua những cử hành Bí tích mỗi ngày như là những tài sản vô giá mà Chúa trao ban cho chúng ta. Để có thể sử dụng tài sản đó sinh ích lợi, thì ít gì chúng ta phải hiểu được ý nghĩa của những cử hành đó.
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo năm 1992 định nghĩa Bí tích như sau: “Các Bí tích là những dấu hiệu hữu hiệu của ân sủng do Chúa Kitô thiết lập và được trao lại cho Giáo hội để ban lại sự sống thần linh cho chúng ta. Các nghi thức hữu hình để cử hành các Bí tích thì nói lên và hiện thực những ân sủng riêng của mỗi Bí tích” (số 1131).
Công Đồng Trentô đã long trọng xác nhận 7 Bí tích là do chính Chúa Kitô thiết lập và đặt thành tín điều. Hội thánh ngày nay không phải là thời mới mà chỉ là kéo dài thời Chúa Kitô xuống thế làm người. Vì các tông đồ và những người kế vị các ngài là đại diện cho Chúa Kitô để cai quản Hội thánh. Mà Hội thánh được xây dựng trên nền tảng đức tin và các Bí tích của đức tin. Do đó các ngài không thể thành lập một Hội thánh khác, cũng không thể truyền một đức tin khác, càng không thể thiết lập những Bí tích khác.
Bí tích Kitô giáo là Bí tích của đức tin và không đối nghịch với đức tin, bởi vì chúng là những dấu chỉ của đức tin. Xét ngay trong cơ cấu Bí tích là những cách thế biểu dương đức tin, là những lời tuyên xưng đức tin. Trong thực hành cũng vậy, Bí tích chỉ sinh ơn sủng cho người lãnh nhận mà có đức tin. Thật là sai nếu bảo rằng Giáo hội chủ trương cứ việc lãnh nhận Bí tích mà chẳng cần đức tin cũng được rỗi linh hồn. Giáo hội chuẩn nhận qua Bí tích Rửa tội và tiếp tục được Giáo hội nuôi dưỡng. Nói khác đi chỉ những người gia nhập Giáo hội bằng đức tin và Phép Rửa và phải đang hiệp thông với Giáo hội mới được cử hành và thụ hưởng các ơn ích của Bí tích.
Chúng ta thấy Bí tích chỉ là những cử chỉ  hết sức đơn sơ nhưng mà công hiệu thì quá lớn lao, khiến chúng ta không khỏi nghĩ tới sự chênh lệch quá đáng giữa hai điều này. Chính những điều này mà khi tìm hiểu về ân sủng của Bí tích ta có thể đi từ những cử chỉ hành động đến ý nghĩa của từng cử chỉ đó để dẫn đến một thực tại là ân sủng Chúa ban cho ta qua các dấu chỉ của Bí tích.
Trước hết đừng quên rằng Bí tích cũng có hiệu năng như mọi nghi thức khác. Vì là nghi thức của cộng đoàn Kitô giáo và các Bí tích cũng góp phần làm nên sự hiệp nhất của cộng đoàn và giúp mỗi thành viên xác định được mình. Qua hoạt động nhiệm mầu mà chúng tạo được nơi các tín hữu, chúng giúp họ kinh qua các giai đoạn của cuộc đời một cách sâu xa tới mức lời nói hay sự bộc phát tự nhiên thôi không đủ sức làm được. Nhưng nếu cho rằng các Bí tích chỉ có hiệu năng về mặt xã hội và tâm lý qua nghi thức, là đã đi lạc trọng tâm. Bởi vì các Bí tích có hiệu năng, trước hết không phải do cử hành đúng nghi thức mà là do chính Đức Kitô – Bí tích chính là sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người.
Thời Trung cổ nhiều nhà thần học nổi tiếng trong đó phải kể đến thánh Bê-na-đô và thánh Bô-na-ven-tu-ra đã đề nghị một lối giải quyết đầu tiên hiệu năng mang lại ân sủng khi cử hành bí tích đó nguyên nhân cơ hội. Theo lối giải thích này thì các Bí tích không phải là căn cớ sinh ơn do bất cứ việc gì chúng làm mà chính là nhờ có những cử chỉ của Bí tích, Chúa sinh ơn trong linh hồn. Thánh Bô-na-ven-tu-ra giải thích rõ ràng: “không phải ơn ở trong Bí tích một cách bản thể, cũng không phải Bí tích sinh ơn một cách thiết thực, nhưng chỉ có ở trong linh hồn và một mình Chúa có thể đổ ơn đó vào…” điều này do đã được một thỏa ước nào đó mà Chúa buộc phải ban ơn cho người lãnh nhận Bí tích. Như thế thì Bí tích không có năng lực nội tại sinh ơn, công hiệu của Bí tích chỉ có trong tương quan hoàn toàn ngoại tại sánh với tác động của ơn Chúa và chỉ mình tác động này mới hiện hữu. Tuy nhiên Thánh Tôma Aquinô lại chỉ ra được rằng quan điểm này là không đủ vì  như thế không công nhận Bí tích có nguyên nhân tính thật và hạ Bí tích xuống hàng dấu hiệu mà thôi. Tóm lại theo lý thuyết nguyên nhân cơ hội các Bí tích không có sức sinh ơn. Đó chỉ là những điều kiện bất khả khuyết để Chúa ban ơn. Do Chúa xếp đặt có sự việc xảy ra như thế. Ai nhận Bí tích thì cũng nhận được ơn (trừ khi đặt ngăn trở). Người đó nhận được ơn không phải do Bí tích mà do Chúa.[2]
Trong khi Công đồng Trentô vẫn ủng hộ lý thuyết nguyên nhân cơ hội của Thánh Bô-na-ven-tu-ra. Nhưng sau Công đồng này đã xuất hiện nguyên nhân luân lý của một số thần học gia đứng đầu là Men-ki-o Ca-nô và một số thần học gia Dòng Tên. Nguyên nhân luân lý của Bí tích đòi hỏi có một nguyên nhân vật lý để hành động. Đó là một nguyên nhân tự do vận dụng một nguyên nhân tự do khác bằng cách ra lệnh khuyên bảo, yêu cầu. Nó chỉ đề nghị những lý do cho người khác hành động. Đức Kitô được coi là nguyên nhân luân lý chính ban ơn cứu độ và truyền thông ơn sủng nghĩa là Người dùng cuộc khổ hình và cái chết của mình mà cứu chuộc mọi người. Người có thể xin Chúa Cha ban ơn cho con người một cách hữu hiệu. Cũng như vậy các Bí tích là một lời kêu gọi, một lời cầu khẩn Chúa. Theo lối giải thích này thì Bí tích không phải thực sự là một hành động của Chúa nó như phương tiện để thánh hóa con người. Nó là hành động của con người dâng lên Thiên Chúa, không phải để làm căn cớ cho Chúa hành động, vì đó là điều không thể tưởng tượng được, nhưng là khơi gợi, xin Chúa hành động và chỉ mình Người, khi đáp ứng lời cầu xin của con người mới là căn cớ truyền thông ơn sủng.[3]
Chúng ta thấy hai lối giải thích trên hiệu lực của Bí tích do nguyên nhân cơ hội và nguyên nhân luân lý còn những thiếu sót và đưa đến kết luận Bí tích không phải là căn cớ.
Thánh Tôma Aquinô đưa ra giải pháp riêng dựa vào hai hình thức căn nguyên tác động là căn nguyên chính và căn nguyên dụng cụ. Nguyên nhân chính hành động dựa vào sức riêng mình, vào chính hình thể của mình mà kết quả phải tùy thuộc hay đồng hóa, như lửa đốt vì nó nóng. Như thế, chỉ một mình Chúa mới có thể sinh ơn, bởi vì ơn là một sự tương tự với bản tính Thiên Chúa. Các Bí tích sinh ơn sủng được Chúa điều khiển và vận dụng vì chúng là dụng cụ. Chỉ một mình Chúa là căn nguyên chính, nghĩa là vừa là nguyên nhân phổ quát của vạn vật, vừa là nguyên nhân hoàn toàn độc lập không phải tùy thuộc ai hay cái gì. Nhưng không phải là căn nguyên duy nhất. Các thụ tạo được dự phần là căn nguyên với Chúa và là căn nguyên thứ yếu. Nguyên nhân dụng cụ của Bí tích là một nguyên nhân đích thực tạo ra một hiệu quả không thể giải thích được tại sao sinh ơn ích như thế. Chúa chính là nguyên nhân chính yếu để sinh ra công hiệu mà chỉ mình Người mới giải thích nổi Bí tích sinh hiệu quả hay ơn sủng. Mà Chúa là nguyên nhân thứ nhất của Bí tích nhưng không phải nguyên nhân dụng cụ. Bí tích cũng vậy chúng chỉ là nguyên nhân dụng cụ của công hiệu siêu nhiên mà chúng phát sinh. Tuy là dụng cụ có sinh công hiệu nhưng là do chính Chúa mà thôi.[4]
Nhưng rõ ràng nói Bí tích là nguyên nhân dụng cụ sinh ơn sủng là một khó khăn mới. Dường như sinh ơn sủng là công việc của Chúa thì không thể gán cho vật thụ tạo dù chỉ theo nghĩa dụng cụ. Nếu chúng ta nhìn vấn đề một cách triệt để, người ta muốn nói rằng việc sinh ơn dường như là của một mình Chúa cũng giống như việc tạo dựng. Ân sủng là một thực tại siêu nhiên và hoàn toàn do Chúa ban cho thọ tạo tự không do Chúa mà có. Vậy cũng không thể cho Bí tích có quyền sinh ơn, dù là nguyên nhân dụng cụ. Đó là vấn nạn người ta đặt cho thánh Tôma Aquinô nói về việc Bí tích là dụng cụ sinh ơn thánh.
Thánh Tôma Aquinô đã có những cách giải quyết vấn đề mới đó là một nguyên nhân hoàn bị. Thánh Tôma đã gắn liền tính dụng cụ của Bí tích với tính dụng cụ của nhân tính Chúa Kitô. Thánh nhân viết: “Các Bí tích tham dự một phần quyền lực mà nhân tính Chúa Kitô sử dụng như dụng cụ để thánh hóa loài người. Vì thế, phải nói rằng cuộc khổ hình của Chúa Kitô hoạt động trong Bí tích và các Bí tích nhờ đó thành nguyên nhân sinh ơn sủng, hợp tác như dụng cụ để sinh ơn”. Nhưng thánh nhân trình bày việc sinh ơn của Bí tích như là hoạt động chuẩn bị. Vì ơn là do Chúa ban không hề có một trung gian tác tạo giữa Chúa và linh hồn. Linh hồn được Chúa trực tiếp dựng nên và cứu rỗi.
Các Bí tích là do Chúa Kitô lập vậy chính Người là nguyên nhân tính của Bí tích. Hội thánh cũng tin vững vàng ở giá trị hiệu lực truyền thông ơn sủng của các Bí tích. Ân sủng này do chính Chúa thực hiện, vì nó tham dự vào đời sống thần linh của Thiên Chúa. Chỉ mình Chúa mới phát sinh hiệu quả thần linh. Như đã nói ở trên nguyên nhân chính là Chúa và dụng cụ là nghi thức Bí tích còn có các trung gian. Các trung gian này hành động theo lối thừa tác hoặc để chủ thể chuẩn bị lãnh ơn. Hành động của thừa tác viên cũng là một dụng cụ. Nhưng không phải là dụng cụ vô hồn, thụ động như các nghi thức, mà là một dụng cụ linh hoạt và sống động. Chúa dùng thừa tác viên như dùng dấu hiệu của Bí tích. Thừa tác viên được dùng như là người hợp tác một phần vào việc hoàn thành Bí tích với danh nghĩa phương tiện đòi buộc cần phải có. Vì thế Công đồng Phi-ren-xê nói: “Bí tích thành bởi ba yếu tố: cử chỉ, lời nói và thừa tác viên”. Thánh Tôma Aquinô khẳng định lời cầu nguyện của thừa tác viên khi cử hành Bí tích không phải là của cá nhân thừa tác viên nhưng là của Hội thánh. Thừa tác viên cử hành Bí tích nhân danh Hội thánh. Do đó hiệu lực hay ơn sủng của Bí tích không do cá nhân mà do chính công nghiệp của Chúa Kitô.
Trong việc truyền thông ơn sủng phải nói đến vai trò nhân tính của Chúa Kitô. Thánh Gioan tẩy giả đã tiên báo: “Đấng mà tôi thấy Thánh Thần hiện xuống trên Người, chính là Đấng rửa trong Thánh Thần” (Ga 1, 33), nghĩa là chính Người ban Thánh Thần. Thánh Thần ngự xuống trên Đức Kitô như ngự xuống trên một người, chứ không phải trên một vị Chúa, vì thế Đức Kitô ban chứ không phải nhận Thánh Thần. Chính Đức Kitô cũng nói: “ vậy để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội…” (Mt 9, 6)
Vậy phải nói rằng Bí tích sinh hiệu lực là nhờ nhân tính của Đức Kitô. Xét về phương diện là Chúa thì Đức Kitô là nguyên nhân chính thánh hóa loài người và Người có toàn quyền trên các Bí tích. Xét về phương diện là người thì Người là nguyên nhân dụng cụ, vừa tác tạo, vừa có công thánh hóa. Quyền của Người trên Bí tích là quyền thừa tác, nhưng không phải là nguyên nhân dụng cụ như nghi thức của Bí tích hay thừa tác viên. Nghi thức Bí tích cũng như thừa tác viên chỉ là dụng cụ tách biệt, còn nhân tính của Chúa Kitô là dụng cụ gắn liền. Vậy phải nói rằng  nguyên nhân sinh ân sủng  phát xuất từ thần tính của Đức Kitô, qua nhân tính của Người, rồi đến các Bí tích.
Chúng ta hãy suy nghĩ như thế này: Tựa như tổng thống đại diện cho quốc gia, hoặc như Đức Giáo Hoàng đại diện cho Giáo Hội, thì cũng vậy, Đức Giê-su đại diện cho Thiên Chúa.
Chúng ta nói “cũng vậy” là vì cả tổng thống lẫn Đức Giáo Hoàng chỉ là những vị đại diện có giới hạn. Các ngài không thể hoàn toàn giống như những thực tại mà các ngài thay mặt cho. Còn Đức Giê-su thì Ngài hoàn toàn ngang hàng với Thiên Chúa.  Thánh Phao-lô đã nói về Đức Giê-su: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15). Do đó, Ngài làm cho Thiên Chúa hiện diện một cách độc đáo và hoàn hảo nhất.
Khi sắp rời trần gian để về cùng Chúa Cha, Đức Giê-su đã nói với môn đệ Ngài: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi.Thầy đến cùng anh em” (Ga 14,18).  Rồi ngay trong ngày lên trời về cùng Chúa Cha, Ngài đã an ủi họ: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Những lời này của Đức Giê-su là những điều quan trọng nhất Ngài đã nói ra, bởi vì chúng cho thấy một chân lý tuyệt diệu.
Vào ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, Đức Giê-su còn đi xa hơn việc hiện diện trong thế giới qua các môn đệ Ngài. Ngài bắt đầu hành động qua họ. Họ trở nên cánh tay, đôi chân, miệng lưỡi và trái tim mới của Ngài. Họ trở thành phương thế để Đức Giê-su đến với mọi người.
Giờ đây các môn đệ của Đức Giê-su bắt đầu hiểu ý nghĩa trọn vẹn những lời Ngài nói: “Ai nghe anh em là nghe Thầy” (Lc 10,16). Đức Giê-su muốn họ hiểu như vậy khi họ đi thi hành lệnh truyền của Ngài để giảng dạy, bởi vì không phải là họ giảng dạy mà chính Đức Giê-su giảng dạy. Không phải là họ chữa lành mà chính Đức Giê-su chữa lành qua họ. Như vậy, thấy người ta bỡ ngỡ sau khi Phê-rô chữa lành một người què, ông liền nói: “Thưa đồng bào Ít-ra-en, sao lại ngạc nhiên về điều đó, sao lại nhìn chúng tôi chằm chằm, như thể chúng tôi đã làm cho người này đi lại được, nhờ quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chúng tôi?” (Cv 3,12). Rồi Phê-rô nói rằng chính do quyền năng của Đức Giê-su hoạt động qua các ngài mà người què kia bước đi được ( xem Cv 3,16).
Như thế chúng ta đi tới kết luận thứ hai.  Bắt đầu từ khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, Đức Giê-su không chỉ hiện diện trong thế giới qua Giáo Hội, mà Người còn hành động qua Giáo Hội. Bởi vậy sau này thánh Augustinô có thể nói: “Khi Giáo Hội rửa tội là chính Đức Ki-tô rửa tội.”[5]
Khi lãnh nhận Bí tích chúng ta nhận được ân sủng từ Chúa. Những ơn này được gọi là ơn thường sủng và ơn sủng riêng.
Thường sủng là sự sống thần linh được trao ban cho chúng ta khi lãnh nhận các Bí tích. Nhờ thường sủng con người được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, được nuôi dưỡng phần linh hồn và được sức mạnh để hoàn thành ơn gọi Kitô hữu trong cuộc lữ hành đức tin.
Ơn sủng riêng của từng Bí tích phù hợp riêng với mục đích của mỗi Bí tích. Xét về phía cạnh ơn sủng riêng của từng Bí tích, Tân Ước cho chúng ta thấy cách rõ ràng các ơn sủng khác nhau của Bí tích. Ví dụ cụ thể về Bí tích Thanh Tẩy và Thánh Thể
Bí tích Thanh Tẩy làm cho con người sống tương quan mật thiết với Chúa Kitô (Cv 2, 38), (Mt 28,19); được tham dự vào sự chết, được cùng mai táng và sống lại với Người (Rm 6, 3-4). Nhờ Bí tích Thanh Tẩy con người được ơn tha thứ và ân huệ Thánh Thần (Cv 2,38), đồng thời được thánh hóa và trở nên công chính. Thánh Tẩy cũng tháp nhập tín hữu vào thân thể huyền nhiệm của Chúa Kitô, được tái sinh trong đời sống mới để rồi tiến vào Nước Thiên Chúa.
Còn Thánh Thể thì nối kết mọi tín hữu nên một và duy nhất trong cộng đoàn được cứu chuộc (1Cr 10,17). Nhờ Thánh Thể con người được tham dự vào Mình và Máu Chúa Kitô (1Cr 10, 16) được giải thoát khỏi cơn đói và khát thiêng liêng (Ga 6, 35) đồng thời cho họ được hưởng sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa (Ga 6, 54).[6]
Một minh họa điển hình về ân sủng của Bí tích. Ví dụ về Bí tích truyền chức. Khi thừa tác viên từ linh mục trở lên cử hành thánh lễ theo ý muốn của Chúa và nghi thức lễ Rôma của Giáo hội thì đương nhiên khi truyền phép bánh và rượu sẽ trở thành Mình và Máu Chúa Kitô, cho dù thừa tác viên đó có nhiều tội lỗi ( ví dụ thừa tác viên đó đang mắc tội trọng). Qua ví dụ này ta thấy được ân sủng của Chúa ban nhưng không cho việc cử hành Bí tích Thánh Thể trong thánh lễ. Nhưng không có thừa tác viên là linh mục trở lên thì không thể cử hành thánh lễ với việc cử hành Bí tích Thánh Thể trong thánh lễ. Cho dù có những người giáo dân hay phó tế rất là đạo đức thánh thiện cũng không thể cử hành thánh lễ với việc truyền phép bánh và rượu để trở thành Mình và Máu Chúa Kitô.
Tóm lại qua 7 Bí tích mà chính Chúa Kitô đã lập là để ban ân sủng cho những người có đức tin khi lãnh nhận. Vẫn biết rằng với quyền năng của Thiên Chúa, Ngài không cần những Bí tích mà vẫn có thể ban ơn cho con người được. Bí tích chỉ là những dấu chỉ cho con người nhận biết khi cử hành với lòng tin sẽ nhận được ân sủng của Chúa. Khi lãnh nhận Bí tích ta sẽ được ơn sủng của Chúa ban cho. Có hai điều cần lưu ý: Thứ nhất là ơn Chúa ban nhưng không, hai là con người cần phải hợp tác trong công việc này. Chúa có sáng kiến độc đáo và Người hoàn toàn tự do quyết định không tùy thuộc chút nào vào công trạng của chúng ta. Chúng ta không có quyền gì để đòi Chúa phải ban ơn hay được thừa hưởng ân huệ của Người như thánh Gioan nói: “Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến.” (1Ga 4,10). Chúng ta được Chúa ban ơn không phải là vì chúng ta xứng đáng, cho bằng là vì tình thương nhưng không và vô vàn của Chúa. Ngoài ra những ơn đó lại còn vượt quá điều chúng ta có thể biết được như thánh Phaolô viết: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người.” (1Cr 2,9).
Xưa nay chúng ta thường nghĩ tới phần cử hành Bí tích nhiều hơn, nghĩa là chỉ cần làm đúng nghi thức Bí tích như Hội thánh dạy là Bí tích sinh công hiệu, vì công hiệu của Bí tích là do công ơn của Thiên Chúa. Tuy nhiên không phải vì điều này mà coi nhẹ phần việc của người cử hành. Những người cử hành có đức tin mạnh mẽ sâu xa, lòng đạo đức thánh thiện thì càng giúp cho người lãnh nhận có những điều kiện tốt để lãnh Bí tích với hiệu quả cao.


[1]  John Macquarrie. Lm Nguyễn Đức Thông CSSR, dịch. Dẫn Vào Bí Tích, tr.46
[2]  Lm Đỗ Xuân Quế OP. Bí Tích Nhập Môn, Mai Khôi 1998, tr. 101
[3]  Lm Đỗ Xuân Quế OP. Bí Tích Nhập Môn, Mai Khôi 1998, tr. 103
[4]  Lm Đỗ Xuân Quế OP. Bí Tích Nhập Môn, Mai Khôi 1998, tr. 112
[5]http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/GIAOLUAT/GiaoLyMarkLink/Phan3Bai18.htm
[6]  Lm Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ, Tập 1, Những Vấn Đề Căn Bản Trong Thần Học Bí Tích Công Giáo, Đại Chủng Viện Giuse Thành Phố HCM 2002, tr. 55

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP