Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

TỰ DO TRONG TÌNH YÊU



Đọc Kinh Thánh ta thấy Thiên Chúa toàn năng, Người có thể dùng quyền năng của mình mà làm cho toàn thể nhân loại phải suy phục và yêu mến Người. Vậy tại sao Người lại không làm như thế? Người chỉ phán một lời thôi thì muôn loài thụ tạo đều có thể nhận biết và yêu mến Người. Nhưng Người đã không làm thế. Có thể, vì Người muốn con người bằng tự do tình yêu của mình đáp lại lời mời gọi yêu thương của Người; Người tôn trọng sự tự do của con người; Người đã khiêm nhường tự đáy lòng trong thân phận làm người để con người nhận ra được một tình yêu của một vì Thiên Chúa ban cho con người cách nhưng không.
Sự đại lượng của Thiên Chúa có kèm theo một niềm tôn trọng tự do của con người. Không bao giờ Chúa Giê-su để cho mình bị lôi cuốn do lòng nhiệt thành quá mức đến nỗi áp bức các linh hồn phải yêu thương. Chúa Giê-su có thể bằng quyền năng Thiên Chúa làm cho nhân loại lóa mắt, bắt họ phải khuất phục và lôi kéo họ theo như ý muốn của mình. Nhưng Người đã rất cẩn trọng trong việc sử dụng quyền năng Thiên Chúa, Người muốn các linh hồn được tự do chứ không phải bị giam hãm trong sự bắt buộc. Người không thêm một điều luật nào để bắt con người phải giữ nhưng trái lại Người chỉ cho con người biết điều nào là quan trọng nhất. Không rườm rà, không khó hiểu và cũng không khó thực hiện chỉ có hai điều thôi đó là: “ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn trọng nhất và đứng hàng đầu. Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình”(Mt 22, 37-39). Người muốn làm cho mọi tâm hồn và mọi tâm trí được triển nở một cách thật sung mãn trong niềm vui của Người.
Người giảng dạy như một người có uy quyền chứ không như các Biệt phái và Luật sĩ. Người dạy con người với tình yêu của một vị Thiên Chúa vì yêu thương mà đến trong nhân loại này và mang kiếp con người để liên lụy với con người. Chính vì vậy mà con người cảm thấy như mình có được một tâm hồn bay bổng như vừa mới được giải thoát khỏi những ràng buộc của lề luật mà lâu nay phải giữ. Các Biệt phái và Luật sĩ dạy mọi người với uy quyền của bản văn nên con người cảm thấy mình như phải vác một gánh nặng. Và thật đúng như vậy, các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó đã bị Chúa Giê-su lên án một cách rất nặng vì họ đã chất lên người khác một gánh nặng khiến cho người ta không thể vác nổi và còn chính những người có trách nhiệm đó thì một ngón tay cũng không động đến. Với Chúa Giê-su thì không có gì quí trọng hơn là con người vì con người được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Người không bao giờ lên án và căm ghét ai. Người có nguyền rủa và thù ghét đó là tội lỗi chứ không phải là con người. Người có thể làm cho con người ta không phạm tội nữa nhưng Người đã không làm thế vì con người có được sự tự do ngay từ buổi đầu. Chính vì sự tự do này mà loài người là loài thụ tạo cao quí hơn bất cứ loài thụ tạo nào. Và cũng chính vì sự tự do này mà con người phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trong khi chọn lựa làm điều lành hay làm điều dữ; yêu thương hay không yêu thương Thiên Chúa – Đấng là cùng đích của mọi nguồn thiện hảo.
Tuy vậy, không phải ai cũng nhận ra được một Thiên Chúa vì loài người mà phải liên lụy trong thân phận làm người để cứu vớt con người khỏi ách thống trị của tội. Vì sao vậy? Vì Người là một con người như bao người khác chỉ khác là nơi Người không vương một tội nào. Thế mà Người đã phải chết như một người mang tội gì ghê gớm lắm. Và Người đã chịu như vậy chỉ vì yêu loài người tội lỗi chúng ta. Những con người khiêm nhường và bé nhỏ mới nhận ra được tình yêu Người dành cho con người. Bởi chính Người đã là một tấm gương cho chúng ta về đức khiêm nhường trong thân phận làm người. Và Người cũng đã nói: phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, người hiền lành, người trong sạch, người biết xót thương người khác, người yêu hòa bình, người đói khát, người đau khổ, người bị truy nã vì danh Người,… Người không bắt họ chịu đựng những tai ương đó nhưng Người nói cứ nhẫn nại và trông cậy nơi Người thì con người sẽ được hạnh phúc. Vì Chúa luôn ở cùng họ và còn gì an vui và hạnh phúc cho bằng luôn có Chúa trong cuộc đời mình.
Tóm lại, trong tình yêu Thiên Chúa con người sẽ được triển nở một cách tròn đầy và viên mãn, được tự do yêu thương và được yêu thương.

Bruno Vinh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP