Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Ơn gọi linh mục là mầu nhiệm


Bart Khánh

So với mọi năm, thì năm nay được mùa về linh mục. Điều này hợp lý vì vào lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu ngày 11-6-09, Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI chọn là ngày khai mạc năm thánh linh mục và trong dịp kỷ niệm 150 năm ngày mất của cha thánh Gioan Maria Vianney. Ngài được Đức giáo hoàng Piô XI tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1925, và đặc biệt hơn là được đặt làm bổn mạng của các cha xứ trong Giáo hội hoàn vũ.
Những hình ảnh về các lễ phong chức linh mục ở các Giáo phận, các Dòng tu diễn ra một cách rầm rộ trên thông tin internet dù năm linh mục đã kết thúc vào lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngày 11-6 vừa qua. Nhưng niềm vui đó vẫn còn âm vang cho mọi người, riêng tôi cảm thấy vui mừng và phấn khởi cho Giáo hội Việt Nam vì ngày càng có nhiều thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo rộng lớn, mà số người công giáo thiếu mục tử chăm sóc còn rất nhiều, bên cạnh đó số lượng lớn những người chưa biết Chúa trong hơn 85 triệu dân.
Khi nói đến chức linh mục theo thần học thì có nhiều điểm như: chức linh mục là chức tư tế thuộc về Chúa Kitô, chức linh mục là ấn tín của Bí tích truyền chức, chức linh mục là chức tư tế thừa tác trong cộng đoàn phụng vụ. Linh mục là thầy dạy đức tin, là vị đại diện của Chúa ở trần gian… rất nhiều ý nghĩa về chức linh mục theo thần học. Chức linh mục là chức thánh, là một trong 7 Bí tích do chính Chúa Kitô thiết lập, để qua chức linh mục này Chúa Kitô sẽ hiện diện luôn với chúng ta tới ngày tận thế, qua chức linh mục mang lại cho chúng ta ơn cứu độ và được sự sống Phục Sinh của Chúa.
Nhân dịp những ngày khai mạc năm thánh linh mục vào 6/2009 chúng ta được nghe Đức thánh cha nhắc lại một câu nói của cha thánh Vianney: “Nếu tôi gặp một linh mục và một thiên thần, tôi sẽ chào linh mục trước khi chào thiên thần. Thiên thần là bạn của Thiên Chúa, nhưng linh mục nắm giữ chỗ của Ngài” qua câu nói này chúng ta cũng thấy được tầm quan trọng của linh mục như thế nào. Điều đó được thể hiện cụ thế qua năng quyền mà các linh mục nhận được từ Chúa Kitô qua nghi lễ phong chức.
Như vậy, chúng ta thấy được tầm quan trọng của chức linh mục trong việc chuyển ơn cứu độ của Chúa cho mọi người qua những cử hành phụng vụ của mình mà Chúa Kitô và Giáo hội ủy thác. Khi một người lãnh chức linh mục thì được mọi người bảo thầy này tiến chức thánh. Thầy này được ơn kêu gọi làm linh mục, là người được Chúa chọn rồi, dùng mọi mĩ từ để khen ngợi, và ngay cả những điều tầm thường của thầy đó cũng chuyển thành những điều hết sức đặc biệt trong ơn gọi làm linh mục. Bài viết này đưa ra những so sánh đối lập giữa một cách hiểu ơn gọi linh mục là mầu nhiệm hơn là “người được chọn” một trong những cách hiểu dễ bị biến dạng theo cách nhìn mang tính con người. Bên cạnh đó linh mục cũng phải là người đầu tàu thực hiện những giáo huấn của Giáo hội, trước khi hướng dẫn đoàn chiên của mình. Với những ý tưởng đó xin được trình bày một vài suy tư về mầu nhiệm của ơn gọi, sứ vụ và sự hiệp thông của chức linh mục.
  1. Chức linh mục ơn gọi mầu nhiệm
Mỗi dịp dự lễ phong chức linh mục chúng ta thường nghe những bài hát có các ngôn từ như: Chúa đã chọn con; chọn con giữa muôn muôn người; chọn con giữa đời mong manh; Cha đã vì yêu thương chọn con đây;…. Ở đây xin miễn bàn đến lời những bài hát này. Chỉ muốn nhấn mạnh đến khía cạnh ơn gọi linh mục là một mầu nhiệm của Chúa, hơn là được chọn lựa. Cuộc sống của chúng ta là một chuỗi những chọn lựa. Nếu một người bình thường trong những trường hợp phải chọn lựa một điều gì đó, người này sẽ luôn chọn lựa những điều tốt và có lợi cho mình, không có hoặc rất ít những người chọn điều thiệt thòi cho mình. Dĩ nhiên chúng ta cũng không thể so sánh một cách máy móc giữa chọn lựa một món đồ, chọn lựa một công việc, chọn lựa một lập trường trong cuộc sống với việc tuyển chọn một người làm linh mục của Chúa. Nhưng dù thế nào đi nữa ý nghĩa của ngôn từ chọn lựa, tuyển chọn, Chúa chọn, cũng không thể diễn tả hết ý nghĩa của chức thánh linh mục. Nếu nói về tuyển chọn lên chức linh mục thì có thể hiểu trong tất cả những con người, thì một số người  được chọn là thuộc loại khá hơn những người khác, hay gọi là hàng mẫu giữa những con người trong trần gian này. Nhưng thực tế không phải vậy bời vì nhiều người không làm linh mục nhưng xuất sắc, đạo đức thánh thiện, làm được nhiều việc hơn cả những linh mục nữa. Điều này cũng được khẳng định lại trong nghi thức phong chức linh mục, linh mục đại diện sẽ giới thiệu các ứng viên phó tế tiến lên chức linh mục, sau khi đã lấy ý kiến của mọi thành phần dân Chúa vị đại diện khẳng định đây là những người “xứng đáng” lãnh chức linh mục mà thôi. Mặc dù ý nghĩa từ tuyển chọn lên chức linh mục không làm ảnh hưởng gì đến chức thánh linh mục. Nhưng nhiều khi chúng ta vô tình làm cho người được đặt lên chức thánh này và những người khác hiểu lầm, đây là những người xuất sắc hơn mọi người, làm được mọi thứ, biết được mọi chuyện, bất khả xâm phạm làm vua một cõi, không ai dám nhắc nhở hoặc ý kiến ý cò gì hết. Bởi vì đây là những người được Chúa chọn giữa muôn muôn người nên không ai hơn những người này. Đặc biệt sẽ là nguy cơ với những linh mục nghĩ rằng minh là người được tuyển chọn mà quên đi rằng chức linh mục là một mầu nhiệm Thiên Chúa ban tặng nhưng không cho mình và cho cộng đoàn, không phải do tài năng, cũng không phải do đạo đức thánh thiện hay là có khả năng hơn những người khác. Điều này ai cũng biết, nhưng nhiều linh mục và moi người giáo dân quên mất, nên khi chịu chức thánh này, nhiều người vẫn xem đây là một thành quả mình cố gắng phấn đấu miệt mài và đã đạt được nó và thỏa mãn với những kết quả đó. Từ đó đưa đến ranh giới giữa chức linh mục là một sứ vụ và chức linh mục là một nghề nghiệp hay chỉ là một bổn phận là rất mong manh.
  1. Chức linh mục là một sứ vụ hơn là một bổn phận phải thi hành
Có những cha xứ ra những nguyên tắc trong làm việc mục vụ và giờ giấc sinh hoạt hằng ngày điều này là một điều tốt, thể hiện một người làm việc có khoa học. Nhưng có những trường hợp dở khóc dở cười, vì hôm nay không phải là ngày làm việc đó, giờ này không phải là giờ cha tiếp khách, giờ cha nghỉ trưa, giờ  ăn cơm hay giờ cha đọc kinh cho dù có “thánh” đến cha cũng không tiếp, huống chi là một người giáo dân, một người nghèo, một người có hoàn cảnh khó khăn, hay là một trường hợp cần phải xức dầu vì trên đường ngang qua giáo xứ. Như vậy, linh mục không phải là một mục tử giàu lòng thương xót với đàn chiên, mà đây là một linh mục công chức chỉ làm việc giờ hành chánh đúng nghĩa hơn. Có thể nói những vị linh mục này vẫn chu toàn những bổn phận mà Chúa và Giáo hội trao phó, có thể nói là đúng về lý nhưng về tình thì chưa có. Vì vẫn có giờ giấc đi làm mục vụ và cử hành các bí tích, nhưng chỉ làm những việc đó trong những giờ giấc đã quy định.
Bên cạnh đó trong những cử hành của minh, nhiều linh mục không chú tâm, không cảm thấy hăng say phấn khởi khi làm những việc đó, làm một cách hời hợt, thiếu trân trọng, thiếu chuẩn bị thiếu chiều sâu nội tâm. Làm một cách mau chóng cho xong để lấy giờ nghỉ ngơi hay đi làm một việc riêng tư nào đó. Nếu những điều đó chẳng may có với các linh mục, thực tế cũng có những trường hợp như vậy đang diễn ra, thì quả thật có thể khẳng định việc thi hành tác vụ của linh mục chỉ dừng lại ở việc bổn phận phải làm hơn là một sứ vụ phải thi hành.
Dường như rất khó có thể phân biệt đâu là bổn phận và đâu là sứ vụ. Chúng ta có thể lấy ví dụ một người làm việc trong công ty nếu người này làm việc chỉ vì bổn phận thì khi chu toàn những công việc của cấp trên trao phó hay làm những công việc thuộc chuyên môn và lãnh vực của họ và khi người này hoàn thành xong việc là được. Điều này có thể là rất tốt rồi, nhưng nó sẽ tốt hơn rất nhiều nếu như người đó làm việc với một niềm say mê sáng tạo đóng góp nhiều ý kiến vào công việc, người này sẽ cảm thấy không bằng lòng với những gì công việc đòi hỏi và người này sẽ nỗ lực làm sao cho công việc đó đạt kết quả tốt nhất. Khi làm việc như vậy là người ta đang làm việc với một sứ vụ hơn là làm vì bổn phận.
Chức linh mục là một ân huệ nhưng không mà Chúa ban cho, nên chúng ta không thể lấy bổn phận để đáp trả là được. Thiết nghĩ phải đòi hỏi nơi mỗi linh mục cố gắng nỗ lực hăng say có nhiều sáng tạo linh hoạt cho việc cử hành của mình để mang lại lợi ích tốt nhất cho cộng đoàn, lợi ích cả chiều rộng lẫn chiều sâu, mặt chất lượng cũng như số lượng. Đồng thời việc mục vụ của các linh mục không nên chỉ dừng lại ở chỗ kết quả, mà linh mục phải luôn yêu mến và say mê với những gì mình cử hành. Khi đó thì không những linh mục đã chu toàn việc bổn phận mà con đang thi hành một sứ mạng cao cả của Chúa Kitô trong thánh chức mình lãnh nhận.
  1. Linh mục cần sống hiệp thông trước khi đem đến sự hiệp thông cho cộng đoàn
Chức linh mục thuộc về hàng giáo sĩ trong phẩm trật Giáo hội. Các linh mục còn được gọi là những mục tử, là những người tiếp nối sứ vụ chăn dắt đàn chiên của Chúa Kitô. Cho nên linh mục phải là những người nêu cao đời sống hiệp thông trong Giáo hội của Chúa. Cụ thể hơn, linh mục phải là những người sống hiệp thông trước khi làm cho cộng đoàn của minh là một cộng đoàn sống hiệp thông. Hiệp thông trước nhất của linh mục phải là sự hiệp thông với Chúa Giêsu Thánh Thể, tiếp đến là hiệp thông với Đức Giám mục và linh mục đoàn trong Giáo phận. Sự hiệp thông này phải được diễn tả như nhựa sống trong thân nho lưu chuyển sang cành nho. Linh mục cũng phải cảm nhận được sức sống và tình yêu của Chúa Kitô đang lưu chuyển dồi dào trong con tim của mình. Có như vậy sự hiệp thông này mới có thể kết nối được sự hiệp thông với Giám mục và linh mục đoàn trong Giáo phận của mình. Chúng ta có thể diễn tả sự hiệp thông của Giáo phận như con thuyền tiến về quê trời trong đó mọi người phải nỗ lực chèo vì đang gặp phải cơn giông tố, không chỉ có chèo là đủ, nhưng phải chèo sao cho đồng bộ đúng nhịp nếu không chiếc thuyền chỉ xoay qua xoay lại mà không tiến. Như vậy các linh mục là những người cộng tác với Đức giám mục là vị thuyền trưởng không cách nào khác phải tuân theo chỉ dẫn và đường hướng mục vụ của ngài. Để cùng nhau đạt đến bến bờ hạnh phúc, cho nên một số linh mục có khi một thời điểm nào đó có những linh mục phải chịu hy sinh, thiệt thòi, chịu nhiều khó khăn hơn những người khác để đảm bảo con thuyền đi được theo đúng ý của vị cha chung của Giáo phận.
Một khi linh mục không hiệp thông được hay không hiệp thông đủ với Giám mục và các linh trong Giáo phận, thì linh mục đó khó có thể làm nên một sự hiệp thông trong giáo xứ của mình. Bởi vì chính linh mục đó chưa sống được sự hiệp thông, thì không thể kiến tạo một sự hiệp thông bền vững, cho dù linh mục đó có cố gắng tạo nên sự hiệp thông trong giáo xứ của mình. Nếu có được sự hiệp thông trong giáo xứ thì đó là sự hiệp thông giả tạo và không bền vững. Bởi vì linh mục cũng là một mắt xích quan trọng giữa Giám mục và các con chiên trong giáo xứ, một khi mắt xích đó đứt hay không thể kết nối được thì không thể có một sự hiệp thông trọn vẹn của mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận.
Qua bài suy tư về ơn gọi linh mục, người viết phân tích cách hiểu chọn lựa hay tuyển chọn đôi khi vô tình làm lu mờ ý nghĩa siêu nhiên về ơn gọi là một mầu nhiệm, một ơn ban nhưng không của Chúa cho Giáo hội và cho cá nhân linh mục. Cho nên linh mục phải luôn luôn suy niệm về ơn gọi đó để có thể nhìn ra ý nghĩa sâu xa và đích thực của chức linh mục là gì và để làm gì cho Chúa và Giáo hội? Như vậy linh mục mới có thể sống xứng đáng hơn với ơn gọi của mình để thực thi sứ vụ của Chúa trên trần gian này cách hữu hiệu nhất.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP