Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Tản Mạn về Tinh Thần Nghèo Khó



Với sự phát triển về mọi mặt của thế giới hôm nay như: khoa học, kinh tế, giáo dục, xã hội,…tưởng chừng như thế giới thoát khỏi cảnh nghèo đói bất hạnh. Nhưng thật ra cái nghèo như một điều xấu làm hại tới hạnh phúc của mỗi con người ngày càng trở thành một thách đố không chỉ với mỗi cá nhân, mà cả đối với các dân tộc và đối với lương tri loài người. Vì qua mấy thế kỉ gần đây, không chỉ có con người nghèo mà trái đất cũng trở nên nghèo: khí hậu thay đổi, thiên tai ngày càng tăng, đất đai mất dần sự mầu mỡ,… Rồi không chỉ có những cá nhân nghèo mà cả một dân tộc hay thậm chí nhiều dân tộc trở nên nghèo. Cái nghèo không chỉ mang tính cá nhân, quốc gia hay khu vực, mà đã trở thành toàn cầu. Cái nghèo ngày nay không chỉ nằm ở cái nghèo vật chất mà cả cái nghèo về tinh thần. Vì thế bổn phận đối với người nghèo, dưới mọi hình thức đã trở thành bổn phận gần như vượt quá sức con người.
            Để làm dịu bớt cái nghèo con người ngày nay cũng có nhiều quan tâm. Ngoài các tổ chức phi chính phủ thì giải pháp mang tính toàn cầu cũng được nhiều quốc gia thực hiện như: các nước giàu giúp vốn các nước nghèo, xóa nợ, đầu tư phát triển kinh tế,… Trong nước thì có những chính sách như: thực hiện xóa đói giảm nghèo, trợ cấp vốn, đô thị hóa nông thôn, nâng cao trình độ, xóa mù chữ,… Nhìn chung đây cũng chỉ là những giải pháp cứu vãn mang tính tạm thời.
            Dưới cái nhìn của Kitô giáo, từ buổi sơ khai Giáo Hội vẫn luôn tìm và phát hiện những hình thức nghèo mới trong xã hội để quan tâm săn sóc. Thiên Chúa không chỉ can thiệp cho người bất hạnh, mà chính Người còn đích thân trở thành một người bất hạnh giữa bao nhiêu người bất hạnh. Người không chỉ cứu giúp người nghèo mà chính Người trở thành người nghèo giữa bao người nghèo. Người không chỉ bênh vực người bị ngược đãi mà chính Người cũng là người bị ngược đãi giữa bao người bị ngược đãi. Người không chỉ can thiệp cho người bị khai trừ khỏi xã hội mà chính Người còn là người bị khai trừ giữa bao người bị khai trừ… Dường như trong giới hạn của thân phận con người, Đức Giêsu thấy rằng nếu chỉ can thiệp từ bên ngoài cho những người bất hạnh thì chẳng bao giờ xong, mà chỉ có cách là nhận mang mọi bất hạnh của con người vào mình thì mới giúp họ đủ. Trong những bất hạnh mà Đức Giêsu tự nguyện đón nhận đã có mọi sự bất hạnh của nhân loại qua mọi thời đại.
            Để theo gương Đức Kitô thì nhân loại, dân tộc và các cá nhân phải có tinh thần nghèo khó của Tin Mừng. Nhưng quan trọng và cụ thể hơn hết là phải có tinh thần khó nghèo của Đức Giêsu là sống với tâm hồn của một con người biết chờ đợi, biết chấp nhận và biết cầu nguyện. Biết chờ đợi mọi sự từ nơi Thiên Chúa trong lúc cật lực làm việc, biết chấp nhận mọi sự từ nơi Thiên Chúa trong lúc lỗ lực đẩy lùi các giới hạn của cuộc sống, và biết cầu nguyện với Chúa như Chúa là điều tốt lớn nhất mà chính mình đang thiếu trầm trọng.
            Các Kitô hữu hôm nay, nhất là những người tận hiến trong đời tu, sẽ phải sống tinh thần này gấp đôi. Không những sống cho mình trong lúc đấu tranh chống lại những bất hạnh, mà chính mình sẽ phải chấp nhận tinh thần khó nghèo của Tin Mừng khi đưa người khác vượt qua cái nghèo. Nhưng cũng phải giúp người khác biết chấp nhận tinh thần khó nghèo ấy khi họ cùng với mình tìm cách thanh toán cái nghèo. Vì nếu cả chúng ta lẫn họ đều không thấy giá trị của việc sống tinh thần khó nghèo của Tin Mừng, không tin con người hạnh phúc là con người biết chờ đợi, biết chấp nhận mọi sự từ Thiên Chúa và cầu nguyện với Thiên Chúa, thì thế giới này mọi người sẽ chẳng bao giờ hết nghèo khó bất hạnh.

Bênađô

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP