Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Một vài đề nghị về hoạt động Truyền giáo



“Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha.”[1] Điều này cho thấy việc truyền giáo luôn là một đòi hỏi thúc bách và khẩn thiết, chúng ta - những người đang tiếp bước trong Giáo Hội lữ hành cũng được mời gọi tham gia cách tích cực vào việc truyền giáo trong cánh đồng truyền giáo bao la, mênh mông, và để mở mang Nước Chúa như lệnh truyền: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Ngoài các hoạt động Phụng vụ, bí tích, dạy giáo lý… đã và đang được thực hiện trong các giáo xứ. Tôi xin đề nghị một số hoạt động truyền giáo như sau:
Các chương trình học bổng cho học sinh nghèo
Chương Trình học bổng cho học sinh nghèo, tức chương trình cấp mỗi tháng hay mỗi năm một khoản tiền nào đó cho một học sinh, sinh viên nghèo có thêm điều kiện để học hành. Chương Trình này rất thiết thực, vì chi phí học hành là rất lớn đối với các gia đình nghèo. Chương trình này khá phổ biến và đa dạng, do nhiều người, nhiều tổ chức thực hiện độc lập với nhau: nhà nước có chương trình của nhà nước; địa phuơng có chương trình của địa phương; các hội từ thiện (trong và ngoài nước) có chương trình của hội từ thiện; các giáo xứ có chương trình của các giáo xứ. Các Chương Trình học bổng cho học sinh nghèo được mọi người đón nhận và nếu biết cách vận động thì cũng dễ tìm ra nguồn tài trợ. Và dĩ nhiên là phải nhắm tới mục đích truyền giáo.
Các Lớp Học Tình Thương
Các lớp học tình thương được mở ra nhằm giúp đỡ những trẻ nghèo, quá tuổi, trẻ em lang thang hoặc vì một lý do nào khác… không đủ điều kiện vào học trong các trường học của nhà nước. Chúng ta có thể mở các lớp học tình thương để đón nhận các em vào học trong các lớp học này nhằm giúp các em thoát nạn mù chữ, sau đó có thể giúp các em tránh được một số tệ nạn xã hội do thiếu hiểu biết hoặc bị lợi dụng… Tuy nhiên, không phải dễ để mở ra các lớp học tình thương như thế vì lý do kinh tế mà cụ thể là việc trang trải tiền lương cho giáo viên (nếu phải mướn), tiền sách vở, thậm chí cả tiền ăn nữa. Nhưng nếu được, thì từ các lớp học này chúng ta lại có lợi thế về mặt rao giảng Phúc Âm cho những người chưa biết Chúa.
Các Lớp Dạy Nghề
Với phương châm: “Cho cần câu tốt hơn cho cá”. Vì cho cá, người ta sẽ ăn hết cá (tiền hay lương thực) mà chúng ta giúp đỡ. Tốt hơn hết, chúng ta nên giúp cho họ có phương tiện để họ có thể tự kiếm sống. Đây chính là lý do chúng ta mở các lớp dạy nghề. Các lớp dạy nghề trên thực tế đang tồn tại và phát triển cả trong đạo lẫn ngoài đời. Một số giáo xứ, dòng tu… cũng đã mở ra các cơ sở dạy nghề. Cũng nhờ các lớp học này mà các em có thể học được những chuyên môn về may vá, thêu thùa, nấu ăn… các bạn nam thì có thể biết cắt tóc, đóng bàn ghế, hàn xì… Nhưng hạn chế ở các lớp học này không phải bất cứ ai cũng vào học được, mà phải qua một cuộc tuyển lựa cách nào đó. Có nhiều người đã được giúp đỡ một cách thiết thực thông qua các lớp dạy nghề như thế để có thể tự mình kiếm sống.
Các chuyến công tác bác ái, xã hội, từ thiện
Ngày nay, các công tác bác ái, xã hội, từ thiện được nhiều người ủng hộ và cũng có nhiều người tham gia, đóng góp công sức, tiền của cho những công tác này. Vì là các công tác giúp đỡ những người nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn… và không phải là những công tác mà người hay tập thể Công giáo nào cũng có khả năng tổ chức được các chương trình, lớp học hay các cơ sở như trên. Cho nên chúng ta có thể tổ chức các chuyến công tác bác ái, xã hội, từ thiện vào những dịp đặc biệt như Tết Trung Thu, Giáng Sinh, Tết Nguyên Đán. Chúng ta có thể kêu gọi sự đóng góp của các giới trong xứ đạo để quyên góp áo quần cũ, sách báo, mì, sữa, đường… cho các chuyến viếng thăm, giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, các trại phong, viện mồ côi… Hoặc có thể lập những nhóm Y, Bác Sĩ và một số chuyên viên tổ chức khám chữa bệnh cho người nghèo hay tổ chức những buổi nói chuyện về các chuyên đề về: sức khỏe sinh sản cho vị thành niên; đại dịch Aids, ma túy… Và đương nhiên, những chuyến công tác này phải mang tên các đoàn thể Công Giáo. Từ đó, chúng ta cũng có thể kiếm được một ít “cá” chăng.
Các điểm truyền giáo
So với các chương trình hay các hoạt động truyền giáo khác thì việc mở các điểm truyền giáo cũng là một việc làm hiệu quả và mang tính chất truyền giáo rõ nét hơn. Ban đầu có thể chỉ là những lớp học tình thương, các lớp dạy nghề dành cho các em nghèo trong khu dân cư ít người công giáo. Rồi dần dần có thể quy tụ đông hơn, có thể xin làm một nhà nguyện nho nhỏ để dạy giáo lý, xin làm lễ mỗi tháng một lần... Rồi tùy hoàn cảnh địa phương, có thể mất một thời gian dài sau đó, xin có nhiều lễ hơn trong tháng và các lớp giáo lý cũng được tổ chức đều đặn hơn và dần dà có thể trở thành điểm truyền giáo chính thức, có lớp học giáo lý, có linh mục đến dâng thánh lễ đều đặn, lúc đó ta có thể xin thành lập họ đạo, khi đã có nhiều giáo dân và số giáo dân có đủ theo luật định, ta có thể xin nâng các điểm này lên thành giáo xứ. Và như vậy, việc truyền giáo có thể nói là đạt hiệu quả tốt nhất và đúng với tinh thần Phúc Âm.
Các phương tiện thông tin đại chúng hay truyền thông xã hội
Trong những năm gần đây có thể nói được rằng, các phương tiện truyền thông đại chúng hay truyền thông xã hội phát triển rất nhanh chóng, nhất là ngành Công Nghệ Thông Tin (Internet) là phát triển nhanh và mạnh nhất. Người ta không cần tốn nhiều thời gian cho việc cập nhật những tin tức khắp nơi trên thế giới, cho dù bạn đang ở đâu, đất nước nào thì bạn cũng có thể truy cập vào mạng để biết được tin tức ở bán cầu phía bên kia. Tuy nhiên, việc dùng Internet hay các phương tiện truyền thông khác để áp dụng vào việc truyền giáo thì lại chưa phát triển mấy, người ta chỉ chú ý đến những biến động trên thị trường như: giá xăng dầu, vàng, thực phẩm… và làm cách nào để kiếm được nhiều tiền, chứ chẳng ai quan tâm đến việc phát triển đời sống tâm linh, chẳng ai nghĩ đến việc truyền giáo, có chăng cũng chỉ là những người có trách nhiệm và vì nhiệm vụ họ buộc phải làm như thế.
Tóm lại, có thể những gì tôi nói ở trên đã và đang được thực hiện một cách nào đó rồi và việc truyền giáo không chỉ dừng lại, giới hạn ở những gợi ý trên nhưng nó còn phong phú và đa dạng hơn nhiều. Tuy nhiên, với những khả năng, những phương tiện chúng ta có được hôm nay, nếu chúng ta biết vận dụng một cách triệt để và làm tốt thì công cuộc truyền giáo, việc rao giảng Tin Mừng sẽ đạt được những kết quả như lòng chúng ta mong ước.

Hoa Sữa


[1] Sắc lệnh về hoạt động Truyền giáo của Giáo hội, số 2.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP