Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Thiên Chúa là Tình yêu


“ …Thiên Chúa là Tình yêu: Ai ở trong Tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa” (1 Ga 4,16)
Tháng 6, tháng Thánh Tâm lại trở về, vì Trái Tim luôn là biểu tượng của tình yêu, nên đây cũng là dịp để chúng ta suy gẫm thêm về Tình Yêu của Chúa, một Tình Yêu cũng vĩnh cửu và tuyệt vời như chính Chúa vì chính là Bản tính của Người.
Vâng, “Tình yêu” là một đề tài muôn thuở, nó đã cùng hiện diện và đồng hành với con người trên mặt đất, vì con người không thể tồn tại nếu vắng bóng tình yêu. Hơn thế nữa, vượt không gian và thời gian, tình yêu là vĩnh cửu vì, theo như thánh Gioan đã khẳng định (x.1Ga 4/8,16): Tình yêu là chính Thiên Chúa, là Ðấng Vô cùng. Do đó chúng ta không thể nào nói cho hết, bàn cho cạn về tình yêu.
Tuy nhiên, với phần hai của câu trong thư thánh Gioan trích dẫn trên đây, ta thử tìm hiểu xem thế nào là “ở trong Tình yêu” và phải làm sao để được “ở trong Tình yêu” tức “ở lại trong Thiên Chúa”.
Yếu tính của tình yêu là hòa hợp để đi đến đồng hoá, nhưng là một sự đồng hoá tích cực, không hủy diệt. Ðể hiểu rõ điều này hơn, tốt nhất là chúng ta cứ suy về chính mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, xét về mặt nội tại: Thiên Chúa là duy nhất vì chỉ có một bản tính, chỉ có một tình yêu - đó là yếu tính của Ngài -, nhưng vẫn là Ba Ngôi riêng biệt, không thôn tính lẫn nhau cũng như không hủy diệt lẫn nhau. Chúng ta còn có thể nhìn vào chính mầu nhiệm Nhập Thể: vì yêu nhân loại, Chúa đã đến với nhân loại, ở giữa nhân loại, tức là đồng hóa với loài người chúng ta, nhưng là một sự đồng hóa tích cực, trong con người GIÊSU duy nhất đó cùng tồn tại hai bản tính, Thiên Chúa và nhân loại (mầu nhiệm “Ngôi hiệp”). Ðây quả là một sáng kiến tuyệt vời mà chỉ có Tình yêu khôn ngoan tuyệt vời mới nghĩ ra và biến thành hiện thực; đồng thời cũng là một mầu nhiệm mà chúng ta không thể biết và hiểu nổi nếu Chúa không mạc khải.
Trên đây, ta chỉ mới nói về chiều đi xuống , tức là cách đối xử của Chúa đối với nhân loại để mạc khải Tình yêu vô cùng của Chúa. Còn chiều đi lên thì sao? Thánh Gioan đã vạch cho chúng ta con đường đó: “Ai ở trong Tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa” (1 Ga 4,16), câu này là kết quả tất yếu của định nghĩa “Thiên Chúa là Tình yêu”. Vậy để chúng ta được đồng hóa với Chúa thì nhất thiết chúng ta phải sống trong tình yêu Chúa, tức phải yêu Chúa. Dĩ nhiên “yêu” ở đây không chỉ thuần túy là tình cảm, mang tính nhất thời và thụ động, mà còn phải là một tâm tình, được hướng dẫn bằng lý trí và được trợ lực bằng ý chí, có tính năng động và sáng tạo, là một động cơ có tính tích cực, giúp ta vượt khó, vượt khổ vì yêu (“Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”) mà nắm giữ luật Chúa và thực thi thánh ý Chúa: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các giới răn của Thầy” (Ga 14,15). Như thế, ta có thể đánh giá trình độ đức ái của mình qua cách chúng ta nắm giữ luật Chúa, cách chúng ta thực thi ý Chúa. Còn riêng đối với những người sống đời thánh hiến, các linh mục và tu sĩ, thì đức Ái còn phải là động cơ giúp họ sống tích cực tinh thần của ba lời khấn mà đặc biệt hơn là lời khấn Vâng lời, điều kiện thuận lợi để “giữ các giới răn của Thầy” như chính Chúa Giêsu đã “đến để thực thi ý Chúa Cha” (Heb10,9)
Ðành rằng, vì mầu nhiệm Ngôi hiệp, Trái Tim bằng thịt của Chúa Giêsu đáng chúng ta tôn thờ, nhưng chúng ta không chỉ tôn thờ Thánh Tâm một cách thụ động, tiêu cực, theo hình thức của một việc đạo đức dân gian, mà vượt qua các hình thức tôn sùng bên ngoài đó, chúng ta chúc tụng, tôn vinh chính Tình Yêu cao cả của Chúa qua việc Ðức Kitô đã hy sinh đến giọt máu cuối cùng, chảy ra từ Trái Tim bị lưỡi đòng đâm thâu, để từ đó chúng ta thấy rõ hơn một đòi hỏi của tình yêu là luôn quảng đại, sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh mà tình yêu mong đợi, kể cả chính mạng sống của mình, đúng như chính Ðức Kitô đã khẳng định: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh chính mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Vâng, về lý thuyết thì chắc chắn ai trong chúng ta cũng biết rõ như thế, nhưng thực tế thì sao? Chúng ta có dễ dàng từ bỏ một ý riêng, một sở thích, một quyền lợi riêng tư vì yêu Chúa chưa?! Vậy, để việc tôn sùng Thánh Tâm được thực sự là một sự tôn vinh Tình Yêu nhập thể và nhập thể, chúng ta hãy cố gắng vì yêu Chúa mà sống đời Kitô hữu của mình, hãy để cho mọi hành vi của chúng ta đều hoàn toàn do đức ái hướng dẫn. Khi đó, chắc chắn chúng ta sẽ bớt phạm tội, nhất là những tội cố tình phạm vì trong tương quan giữa ta với Chúa thì tội lỗi và tình yêu không thể song hành được, vì không thể có cái nghịch lý là vừa yêu thương lại vừa phản bội người mình yêu. Chính vì thế mà Thánh Augustino đã có lý khi xác quyết rằng: “Cứ yêu (Chúa) đi, rồi muốn làm gì thì làm!”. Chỉ khi đó lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu của chúng ta mới mang tính tích cực và cũng chỉ trong điều kiện đó chúng ta mới thực sự sống trong Tình yêu của Thầy chí thánh GIÊSU.

Chú BA

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP