Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

SỨC MẠNH CỦA THÓI QUEN


Thói quen là một cái gì đó gắn liền với con người và rất quen thuộc, quen thuộc đến nỗi chúng ta không ý thức được sự hiện diện, sự ảnh hưởng và sức mạnh của nó trong đời sống của chúng ta. Có khi nào chúng ta tự hỏi: “Số phận của tôi hôm nay phải chăng là sản phẩm của thói quen? Phải chăng tôi đã bị trói buộc bởi những thói quen tiêu cực trong nếp suy nghĩ và ứng xử của tôi?” Trước khi nói về sức mạnh của thói quen và cách thay đổi một thói quen tiêu cực, chúng ta cùng tìm hiểu xem thói quen là gì.
Thói quen là gì?
Theo từ điển Tiếng Việt, thói quen là cách suy nghĩ hay sinh hoạt đã thành tập quán từ lâu. Còn theo từ điển Công Giáo phổ thông, ‘thói quen là một đặc tính khó thay đổi, đặt một người vào trong tư thế tốt hay xấu, đối với bản thân hay đối với người khác. Việc làm củng cố thói quen, còn thói quen tạo điều kiện cho việc làm trở nên dễ dàng. Xét theo luân lý, thói quen tốt là nhân đức, thói quen xấu là nết xấu.’[1] Ở đây chúng ta không bàn thói quen theo kía cạnh luân lý mà nhìn nó dưới cái nhìn tâm lý xã hội.
Chúng ta thường lệ thuộc vào thói quen của mình nhưng chẳng có ai phản đối. Có lẽ do nó quá đúng. Thói quen thường bắt đầu từ những hành động không có chủ đích và thường lặp đi lặp lại nhiều lần. Ban đầu chúng là một sợi chỉ vô hình. Nhưng sau nhiều lần lặp lại, sợi chỉ ấy xoắn lại thành sợi dây. Mỗi lần chúng ta lặp lại hành động đó là thêm một lần chúng ta bổ sung, làm cho sợi dây đó thêm vững chắc. Kết quả chúng bị trói buộc bởi những thói quen của mình. Nhà thơ người Anh John Dryden nói: “Đầu tiên chúng ta tạo nên thói quen và sau đó chính thói quen thống trị và điều khiển chúng ta”.[2]
Tính cách của chúng ta thực ra là sự tổng hợp của thái độ sống, thói quen và suy nghĩ của chúng ta.[3] Trong mỗi chúng ta, thói quen chiếm một vị trí quan trọng. Khi sinh ra, chúng ta chưa có bất kỳ một thói quen nào mà thói quen được hình thành và phát triển thông qua sự lặp đi lặp lại của suy nghĩ và hành động theo thời gian. Thói quen đã tự động hóa đường lối xử thế và xu hướng hành động của chúng ta. Vì thói quen là một phần không thể thiếu trong tính cách của con người nên chúng ta không nên tránh những thói quen nói chung, mà nên lưu ý tránh những thói quen xấu. Dù muốn hay không chúng ta cũng bị ảnh hưởng của thói quen: thói quen tốt sẽ phục vụ và đẩy chúng ta đến phía trước, còn thói quen xấu sẽ chống lại ta, kéo chúng ta lùi lại.
Sức mạnh của thói quen
Về cơ bản, tính cách của chúng ta là một bộ phận của thói quen. Có thể nói, thói quen là khuôn mẫu nhất quán, đôi khi vô thức, thể hiện tính cách của chúng ta một cách thường xuyên, hàng ngày và quyết định tính hiệu quả trong mọi hoạt động, tạo nên sức mạnh bên trong của chúng ta. Ngạn ngữ có câu: “Gieo suy nghĩ, gặt hành động; gieo hành động, gặt thói quen; gieo thói quen, gặt tính cách; gieo tính cách, gặt số phận”.[4]  Hay nói cách khác, Thói quen hình thành tính cách và tính cách quyết định số phận. 
Thói quen cũng giống như lực hút của trái đất, lực hút của trọng lực có thể cản trở con người đến với vũ trụ đầy bí ẩn, nhưng cũng chính nó lại có khả năng liên kết thế giới này thành một thể thống nhất, và giữ trái đất nằm đúng quỹ đạo, tạo ra một trật tự nhất định trong vũ trụ. Thói quen cũng vậy. Đó là một lực hút rất lớn, nếu biết sử dụng cách hiệu quả, chúng ta có thể dùng nó để tạo sự gắn kết và trật tự cần thiết nhằm mang lại thành công trong cuộc sống của chúng ta. Phil Woolpert, một huấn luận viên bóng rổ người Mỹ, đã dẫn đội bóng của trường đại học San Francisco hai lần đạt đến chức vô địch quốc gia vào năm 1955, 1956 nói: “Thói quen tốt sẽ tạo nên sự khác biệt trong mọi việc chúng ta làm.” Xét về mặt kỹ năng trong công việc, Việt Nam có câu: “Trăm hay không bằng tay quen”. Hay nói cách khác, thói quen tốt là vũ khí nội lực sắc bén và kỹ năng tuyệt vời để giúp chúng ta đạt đến thành công cách dễ dàng. Cho nên Og Mandino[5] nói rằng: “Điểm khác biệt lớn nhất  giữa người thành đạt và kẻ thất bại nằm ở sự khác biệt trong thói quen của họ.” Thói quen tốt sẽ giúp chúng ta loại trừ được những trắc trở, phiền toái và thất bại trong cuộc đời và đồng thời giúp chúng ta nắm bắt được hạnh phúc và sự thành đạt.
Theo triết gia Aristote, thói quen là bản tính thứ hai của con người. Bản tính thứ nhất là do tiền định, là những khả năng đã được phú bẩm khi sinh ra. Bản tính thứ hai là tập quán hay thói quen do tập thành mà có. Bản tính thứ nhất phát triển theo xu hướng của bản tính thứ hai. Hay nói cách khác, thói quen (bản tính thứ hai) đã tạo nên những khuynh hướng mới, có khả năng kiện toàn hay làm băng hoại bản tính thứ nhất. Chính vì thế thói quen tốt sẽ có sức mạnh đưa con người đến tầm mức trưởng thành và thành đạt, còn thói quen xấu sẽ làm cho con người tụt dốc và thất bại.
Cách thay đổi một thói quen xấu và hình thành một thói quen tốt
Như đã nói ở trên, thói quen có sức hút rất lớn, lớn hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Một chút ý chí hay một chút thay đổi thì không thể nào giũ bỏ được những thói quen đã ăn rễ sâu trong ta như: tính kiêu ngạo, ích kỷ, lười biếng, tự ti mặc cảm, thiếu kiên nhẫn, tính bi quan, hay than phiền, thiếu quyết tâm, hay đổ lỗi cho người khác, mất trật tự, co cụm,… Mọi sự cất cánh đều cần một nỗ lực phi thường. Nếu vượt qua được sức hút của thói quen xấu, chúng ta có thể đạt đến sự tự do để chọn những điều tốt đẹp để thực hiện cho cuộc đời của mình.
Thay đổi một thói quen xấu là một việc làm khó nhưng luôn có thể. Vấn đề quan trọng là chúng ta có đủ quyết tâm hay không. Điểm khởi đầu để thực hiện sự thay đổi là ý chí và sự cần thiết. Nếu không có những điều này thì mọi sự trợ giúp chung quanh đều có thể vô ích. Kế đến, một thái độ tích cực là điều hoàn toàn có thể để thay đổi những thói quen tiêu cực. Nghĩa là thay thế tật xấu của mình bằng một thói quen tốt. Vd: Thay thế thói quen nói xấu người khác bằng việc nói tốt về người khác; thói quen đếm những phiền muộn bằng đếm những hồng ân; thói quen co cụm bằng thể hiện; thói quen phản ứng nóng vội bằng phản ứng khôn ngoan,... Hay nói cách khác, muốn cánh đồng không có cỏ, hãy trồng lúa. Con người chúng ta cũng giống như thửa đất màu mỡ. Thửa đất này có thể mọc lên những bông hoa đẹp, những vụ mùa ngũ cốc bội thu, nhưng đồng thời cũng cho ra cỏ dại và cây hoang. Vậy, muốn thửa đất trong ta không có cỏ, chúng ta cần phải gieo nhiều giống tốt. Việc phá bỏ một thói quen xấu bằng phương pháp thay thế này, chúng ta cùng lúc vừa bỏ được thói quen xấu và đồng thời có được thói quen tốt. Bằng cách này, những thói quen mới, tốt đẹp sẽ lần lượt thay thế cho những thói quen xấu trong ta.
Kết luận:
Chúng ta thử hỏi, số phận hay tình trạng sống của tôi hôm nay đến từ đâu? Và trong tương lai nó sẽ như thế nào? Số phận của tôi có thể thay đổi được không? Tôi có thể làm chủ được số phận của tôi hay nó là một định mệnh không thể thay đổi? Theo tôi, chúng ta có thể thay đổi được số phận của mình ngay hôm nay nếu chúng ta bắt đầu làm một sự thay đổi trong lối sống của chúng ta. Xin hãy nhớ: Thói quen hình thành tính cách, tính cách quyết định số phận. Nếu ngay hôm nay chúng ta thay đổi những thói quen xấu  trong suy nghĩ và hành động, và rèn luyện  những thói quen tốt, chúng ta sẽ có tính cách mới, tích cực và tính cách tích cực này sẽ giúp chúng ta thành công.

Richard Công


[1] X. John A. Harden, S.J,  Pocket Catholic Dictionary (Từ điển Công Giáo phổ thông)
[2] Hal Urban,  Life’s Greatest Lessons (Những bài học cuộc sống), Nxb Trẻ, 2008, tr.54.
[3] Xc. Sđd, tr. 55.
[4] Stephen R. Covey, The Seven Habits of highly Effective People (7 thói quen để thành đạt), Nxb Trẻ, 2009, tr.73.
[5] Og Mandino là một tác giả người Mỹ gốc Ý của quyển The Greatest Salesman in the World,  và là chủ tịch tờ báo Success Unlimited magazine trước năm 1976.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP