Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Tìm hiểu về các tôn giáo

Hồi giáo
Bart Khánh

Mohammed, người sáng lập ra Hồi giáo, trong một lần đứng trước nhóm môn đệ khoảng 40 người, đã nói: “Ta sống và chết với các ngươi, máu của ngươi là máu của ta, các ngươi thua là ta thua, các ngươi thắng là ta thắng”. Một người trong đám môn đệ thắc mắc nếu như chúng tôi bị giết vì ngài, thì chúng tôi được phần thưởng là gì? Mahomed trả lời được lên thiên đàng. (được ghi lại trong kinh Coran)
Khi nghe đoạn đối thoại trên phần nào chúng ta hình dung ra Hồi giáo là một tôn giáo mà tinh thần chiến đấu “thánh chiến” rất được chú trọng. Điều này có cơ sở và được chứng minh rõ hơn khi mà ngày nay vẫn có những vụ tấn công tự sát của những phần tử Hồi giáo vào quân đội Mỹ hay chính phủ và dân thường ở một số quốc gia như: Ítrael, Irắc, Ấn độ… Chính những hình ảnh này, mỗi khi nhắc đến Hồi giáo mọi người không có thiện cảm và cho đây là một tôn giáo quá khích. Để có thể hiểu biết về Hồi giáo sau đây chúng ta cùng tìm hiểu một cách khái quát về đạo Hồi. Tín ngưỡng của đạo Hồi có thể tóm tắt như sau: “Không có chúa trời nào khác ngoài Allah và Mohammed là tiên tri của ngài”. Allah không phải là tên của một vị thần, mà đơn giản đó chính là Thượng đế theo tiếng Ảrập. Còn Mohammed là người có công rất lớn trong việc hình thành và phát triển Hồi giáo. Cho nên khi nói đến sự hình thành của Hồi giáo thì không thể bỏ qua cuộc đời của Mohammed. Ông được xem là một tiên tri quan trọng và có ảnh hưởng đến mọi tín đồ của Hồi giáo.
1. Cuộc đời tiên tri Mohammed và việc hình thành Hồi giáo
a. Cuộc đời Mohammed[1]
Năm trăm năm sau khi Roma phá hủy đền thờ Giêrusalem đã làm biến đổi đột ngột lịch sử Do thái giáo, và một biến cố quan trọng không kém xảy ra ở bán đảo Ảrập. Theo truyền thuyết Mohammed chào đời khoảng năm 570 ở thành phố thương mại Mecca. Gia đình ông thuộc bộ tộc Quraysh, là một trong những bộ tộc danh giá ở Mecca, nhưng gia đình Mohammed lại rất nghèo. Cha ông mất từ khi ông chưa ra đời. Mẹ ông cũng qua đời lúc ông mới được 6 tuổi. Mohammed được ông nội và sau là người chú nuôi nấng. Ông không được học hành tử tế, người ta nói rằng ông không biết đọc và không biết viết. Từ bé ông đã phải làm việc trong nghề buôn bán. Đến năm 20 tuổi ông làm việc cho Khaidija, một góa phụ giàu có lớn hơn ông khoảng 17 tuổi. Bà đã sinh cho ông cô con gái là Fatima trước khi ông chính thức lấy bà làm vợ. Cuộc sống sau đó của ông đã dễ chịu hơn và ông có thời gian để suy nghĩ nhiều hơn về các vấn đề dân tộc của ông. Vợ chồng Mohammed đã có với nhau 6 người con.
Mohammed là một người lúc nào cũng nghiêm túc, hay suy nghĩ, không chan hòa với họ hàng. Trước 40 tuổi cuộc đời của ông không có gì khác lạ so với các thương nhân của thành phố thiêng liêng này, chỉ trừ việc ông hay đi vào trong núi để đắm mình trong những suy tư trầm mặc.
Từ khi mới lớn Mohammed đã thấy bất mãn với tôn giáo của bộ tộc ông. Ông thấy họ say mê với việc kiếm tiền. Ông thấy họ thường xuyên đánh nhau, căm thù nhau và làm những chuyện tàn bạo ích kỷ. Ông phản ứng mạnh mẽ với những bất công xã hội và những tục lệ vô đạo đức mà tôn giáo đó cho phép người ta được làm. Dần dần ông kết luận rằng chính tôn giáo của bộ tộc ông phải chịu trách nhiệm về những tội lỗi của họ.
b. Hình thành Hồi giáo[2]
Mohammed nghe nói người Do thái và Thiên Chúa giáo chỉ tin vào một Thượng Đế duy nhất. Ông bắt đầu tìm hiểu và nghiền ngẫm về 2 tôn giáo này đang sống thành nhiều nhóm nhỏ ở Mecca. Sau đó ông tin rằng chỉ có một Thượng Đế đích thực và duy nhất đó là Thượng Đế của người Do thái và Thiên Chúa giáo.
Mohammed sống trong thời đại xã hội trên bán đảo Ảrập có bước ngoặt lớn. Trình độ phát triển xã hội không đồng đều và dần dần suy yếu trước khi đạo Islam ra đời. Các vương quốc không thể tồn tại nữa, phần lớn dân đã chuyển đi nơi những vùng đất chung quanh. Hầu như mỗi bộ lạc Ảrập đều có một vị thần riêng của mình, được thờ phụng dưới hình thức những pho tượng, những hòn đá và cái cây. Nhiều bộ tộc còn thờ cúng những vị thần của các bộ lạc khác mà họ tin tưởng.
Thành phố Mecca của Mohammed là một trung tâm thương mại có vai trò rất quan trọng với người Ảrập. Thành phố này thu hút rất nhiều khách hành hương, được xem là một thành phố thiêng liêng và thần thánh. Chính nơi đây là nơi trú ngụ của nhiều vị thần đa thần giáo - thần mặt trăng, các thần sao và các vị thần của những ngày lễ trong năm. Đây cũng được xem là một vùng đất trung lập tại đây quy tụ những người dân và thương gia của các bộ tộc đang có chiến tranh. Về Mecca để có thể sống yên ổn với nhau trong hòa bình.
Thêm nữa, trong thời đại của Mohammed, vùng cận đông là bãi chiến trường của sự đối đầu về kinh tế, chính trị và tư tưởng của ba đế chế là Byzantine, Ethiopia theo Thiên Chúa giáo và Ba tư theo đạo Zoroastria (đạo Thiện cách tân) chứa một số nhóm nhỏ theo Do thái giáo và Thiên Chúa giáo không chính thống. Trong đó đặc biệt có Byzantine và Ba tư là kẻ thù truyền kiếp của nhau, giữa họ luôn có cuộc chiến tranh liên miên không dứt, lâu lâu lại có cuộc đình chiến tạm thời.
Ở trong một tình thế như vậy, xứ Ảrập trở thành một vùng tranh giành ảnh hưởng giữa các thế lực ngoại bang. Ở Ảrập có những người Thiên Chúa giáo và Do thái giáo ủng hộ Byzantine hay Ba tư. Nhưng các thương nhân ở Mecca đã hiểu rõ các sự kiện đang diễn ra ở chung quanh mình, và hiểu được rằng sự giàu có của mình không được phụ thuộc quá nhiều vào bất cứ một phe nào.
Nhiều người Ảrập hiểu rằng những tôn giáo của các siêu cường này ưu việt hơn tôn giáo đa thần của họ. Tín ngưỡng về một vị thần độc tôn của Thiên Chúa giáo hay Thiện thần Ahura của đạo Zoroastria hay Thượng Đế của Do thái giáo, thì rõ ràng đó là những tín ngưỡng tiến bộ hơn rất nhiều, nó giúp đoàn kết dân tộc và nhờ vậy xây dựng đất nước hùng mạnh. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, những thương nhân của Mecca nhận thấy tinh thần trong cùng một dân tộc của Ảrập đang rạn nứt sâu sắc trong con người của họ. Họ nhận thấy cần có một học thuyết mới, một nền đạo đức mới, chúng phải vừa thỏa mãn được giá trị vụ lợi, vừa nhấn mạnh đến trách nhiệm cá nhân và đề cao được tính cách và vẫn giữ được sự thống nhất trong dân tộc Ảrập.
Tôn giáo độc thần của các cường quốc đáp ứng được những yêu cầu đó. Những người Ảrập ở miền bắc thì lại theo Thiên Chúa giáo. Dù vậy họ vẫn thấy thiếu một vị tiên tri là người Ảrập, một người có thể thể hiện những mối quan tâm về quốc gia cũng như về tinh thần cho những người Ảrập. Khung cảnh đó rõ ràng ảnh hưởng đến tư tưởng của Mohammed.[3]
Tục truyền rằng khi Mohammed được 40 tuổi (năm 610) ông một mình vào trong một hang nhỏ ớ núi Xira, ngoại thành Mecca để tu luyện và trầm ngâm suy tưởng. Trong một đêm thánh Allah (Ala – Chân chủ) đã cử thiên sứ Gabrien đến truyền đạt Thần dụ và lần đầu tiên “khải thị” cho ông chân lý của Kinh Coran khiến ông trở thành “Thánh thụ mệnh” và ông tự xưng là đã tiếp thụ sứ mệnh của chân chủ trao cho và bắt đầu truyền đạo. Đầu tiên ông bí mật truyền giáo trong số những bạn bè thân thiết và họ trở thành những tín đồ đầu tiên, về sau sự truyền đạo trở nên công khai, đối tượng mở rộng tới quần chúng ở Mecca nhưng bị giới quý tộc đả kích và bức hại. Mohammed đã trốn được đến Yathrib (sau đổi thành Madinah - Thành phố tiên tri). Ở đây ông phát động và tổ chức quần chúng đấu tranh và cuộc cách mạng của ông giành được thắng lợi. Sau đó ông tổ chức vũ trang cho các tín đồ (Muslim) và dùng khẩu hiệu “Chiến đấu vì Allah” và đè bẹp được giới quý tộc ở Mecca.
Cùng với việc mở rộng phạm vi truyền đạo Mohamed còn liên minh với các bộ tộc và dùng sức mạnh buộc các thế lực còn lại phải quy thuận theo Hồi giáo. Có thể nói cuộc cách mạng do Mohammed lãnh đạo là một cuộc cách mạng tôn giáo và cải cách xã hội kết hợp với nhau. Sự ra đời của Hồi giáo đã mở ra một thời kỳ lịch sử mới thống nhất trên bán đảo Ảrập.
Hiện nay trên thế giới có khoảng 900 triệu tín đồ Hồi giáo có mặt ở hơn 50 quốc gia trên khắp các châu lục nhưng tập trung chủ yếu ở các nước Ảrập (trừ Li-băng và It-ra-en) và chiếm đại đa số ở các nước như Iran, Irắc, Pakistan, Apganistan, Thổ Nhĩ Kỳ… và một số nước vùng Trung Á và cả ở Đông nam Á (chủ yếu ở Inđonesia). Một số quốc gia tự coi mình là quốc gia Hồi giáo. Tuy nhiên Hồi giáo ở các quốc gia khác nhau nên đã phân chia thành các hệ phái khác nhau nhưng về cơ bản không đối lập nhau.[4]
2. Giáo lý và giáo phái của Hồi giáo
a. Giáo lý
Đặc điểm giáo lý của Hồi giáo là rất đơn giản nhưng luật lệ và lễ nghi rất phức tạp và nghiêm khắc thậm chí đến mức khắt khe và nhiều khi nó vượt ra khỏi phạm vi tôn giáo và trở thành một chuẩn mực pháp lý của xã hội. Trong Hồi giáo khó thấy ranh giới giữa cái thiêng và cái tục.
Giáo lý cơ bản của Hồi giáo là Kinh Coran (Coran theo nguyên nghĩa tiếng Ảrập là “tụng đọc”) vì đó là những lời nói của Mohammed được ghi lại và những lời này do thánh Allah thông qua thiên sứ Gabrien “khải thị” cho Mohammed. Kinh Coran tổng cộng có 30 quyển, 114 chương hơn 6200 tiết (là những đoạn thơ).
Kinh Coran quyển Kinh thánh của đạo Hồi, được viết bằng tiếng Ảrập. Kinh Coran hình thành từ những gì mà Mohammed tuyên đọc hay đọc lại những lời của Thượng đế thần khải qua ông cho người của ông khi thuyết giảng về tôn giáo mới. Chúng được tập hợp lại thành sách sau 20 năm sau khi Mohammed chết. Không giống như Kinh thánh của đạo Do thái hay Thiên Chúa, kinh Coran không phải là tập hợp các tư liệu lịch sử và khải thị đa dạng được góp nhặt lại trong suốt hàng ngàn năm. Toàn bộ nội dung của kinh Coran được hình thành trong khoảng thời gian tương đối ngắn, chỉ khoảng 20 năm (từ 611-632, khi Mohammed chết) bởi một người được giao tiếp với Thượng đế qua một thiên sứ của Ngài.
Mohammed đã đọc các chương của kinh Coran trong khoảng 12 năm và thuyết giáo về một tôn giáo hết sức đơn giản. Ông nói về một vị Thượng đế đã tạo ra toàn bộ loài người, Đấng đã ban cho loài người những thứ tốt đẹp của thế giới này. Đấng đã thần khải về Ngài đầu tiên là qua các tiên tri Do thái và sau đó là quan Giêsu, và Đấng muốn tưởng thưởng cho điều thiện và trừng phạt điều ác mà người ta đã làm trong đời. Ông chú trọng những lời tuyên thệ, thề với “ánh sáng ban ngày”, hay với “cây vả và cây ôliu” rồi kêu gọi con người trở về với Thượng đế tối cao, từ bỏ tục thờ thần tượng và những sự hủ bại đạo đức. Cuối cùng kêu gọi loài người ăn năn hối lỗi và vẽ ra những bức tranh đáng sợ về hỏa ngục. Cũng chính từ Mohammed mà chế độ đa thê và ly dị được thiết lập. Những tục lệ Do thái trong đó có việc quay mặt về một hướng trong khi cầu kinh, cấm ăn thịt lợn và cắt bì cho con trai cũng được nêu ra.
Ngoài ra, nội dung Kinh Coran còn đề cập đến những tín ngưỡng cơ bản và chế độ tôn giáo của đạo Hồi và những ghi chép về tình hình xã hội trên bán đảo Ảrập đương thời cùng với những chính sách về chủ trương xã hội, quy phạm luân lý đạo đức…
Giáo lý Hồi giáo gồm năm trụ cột đức tin[5]
-          Tuyên xưng thánh Allah là Chúa duy nhất và Mohammed là tiên tri của Ngài.
-          Cầu nguyện theo nghi thức 5 lần mỗi ngày, lúc bình minh, giữa trưa, chiều và tối.
-          Bố thí cho người nghèo.
-          Ăn chay từ lúc bình minh cho đến lúc mặt trời lặn trong suốt tháng Ramadan.
-          Hành hương đến thành phố Mecca ít nhất một lần trong suốt cuộc đời.
Truyền thống Hồi giáo tập trung vào thể chế các niềm tin tương đối vững chắc được tóm tắt trong Shahada. Tính duy nhất và siêu việt của Chúa, thông qua sứ giả là các tiên tri kế tiếp nhau, là trung tâm của các học thuyết. Một số điều xuất phát từ học thuyết như đức tin vào Chúa sử dụng các thiên thần như người giúp đỡ và hướng dẫn, vào việc thân xác sẽ sống lại, vào trách nhiệm giải trình trong ngày phán xét, và phần thưởng hoặc hình phạt sau cùng ở thiên đàng hay địa ngục trong đời sau. Nếu một người bắt đầu từ hành động đức tin với mục đích đúng đắn, họ có thể đảm bảo là đi đúng con đường Chúa đã mạc khải. Nói cách khác truyền thống Hồi giáo nhấn mạnh đến tính chính hành (orthopraxy) hơn tính chính thống (orhtodoxy).
Người Hồi giáo nói về Chúa qua “chín mươi chín danh xưng tốt đẹp”, “thương xót” và “khoan dung” là quan trọng nhất trong các danh xưng này. Chúng xuất hiện trong cụm từ “Nhân danh Chúa, Đấng thương xót, Đấng khoan dung”. Khi bắt tay vào việc đạo đức người Hồi giáo đều khởi xướng lên cụm từ đó. Danh xưng của Chúa thể hiện quyền lực và vẻ uy nghi thần thánh (jalal, đọc là jaLaaL) và về vẻ đẹp và sức quyến rũ vô hạn của Ngài (jamal đọc là jaMAAL). Chúa vừa ban sự sống vừa bắt phải chết, cho con người tự do nhưng con người phải chịu trách nhiệm về tự do của mình. Những người không theo Hồi giáo thường có ấn tượng sai lầm rằng Chúa của Hồi giáo uy quyền đáng sợ, có khi còn chuyên chế nữa. Nhưng với tín đồ Hồi giáo thì Chúa của họ gần với từng người còn hơn tĩnh mạch của họ. Truyền thống Hồi giáo nhắc nhở kẻ tin rằng cuối cùng thì lòng khoan dung của Chúa sẽ vượt thắng cơn giận dữ của Ngài.[6]
Thánh chiến Hồi giáo (jhad) đọc là jiHAAD) phát xuất từ động từ trong tiếng Ảrập, nghĩa là “đấu tranh hoặc nỗ lực”. Trong những năm gần đây, cả những tín đồ Hồi giáo lẫn những người không tin theo Hồi giáo đều bàn tán về thuật ngữ lỏng lẻo này đến nỗi người ta phải đào sâu để tìm ra ý nghĩa chính xác của nó. Ngày nay chúng ta thường nghe đến tiếng hô hào thánh chiến chống lại ai đó, thường là Phương tây và Mỹ của những người từ giới lãnh đạo chính trị, các phe nhóm và dân thường thuộc một số quốc gia ở Ảrập. Ý nghĩa đích thực của thánh chiến trong truyền thống Hồi giáo là những hoàn cảnh quy định thánh chiến có thể bao gồm hành động tấn công quân sự ở những đạo giáo (Hồi giáo) đang bị đe dọa. Nhiều học giả thời gian gần đây chủ trương người ta không thể biện hộ cho cuộc chiến tấn công trừ khi tín đồ Hồi giáo đang bị ngược đãi về mặt tôn giáo. Thánh chiến quân sự luôn tùy thuộc vào những tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong nhiều cách thức tương đương với khái niệm của Kitô giáo về “chiến tranh chính nghĩa” (just war). Rất ít những hô hào thánh chiến gần đây thực sự thỏa mãn các tiêu chuẩn cần thiết. Tín đồ Hồi giáo cũng nói về nhiều hình thức thánh chiến bất bạo động khác nhau. Thí dụ người ta có thể chiến đấu với sự bất công và điều ác thông qua thánh chiến bằng ngòi bút và lời nói. Khi một người hỏi Mohammed đâu là cuộc thánh chiến lớn nhất, đấng tiên tri trả lời nói một câu chân lý vào tai kẻ bạo ngược.[7]
b. Giáo phái
Đạo Islam khi lên võ đài lịch sử thế giới không chỉ là một tôn giáo, nó đã kết hợp chặt chẽ với đời sống xã hội và chính trị ở nơi đó, dần dần hình thành một loại phương thức sinh hoạt xã hội có những đặc điểm riêng của mình. Mohammed không những là một vị tiên tri trong tôn giáo, mà còn là một nhà chính trị kiệt xuất. Sau khi ông chết xuất hiện những giáo phái chính trị khác nhau do tranh giành quyền lãnh đạo tôn giáo và đất nước. 50 năm sau thế kỷ thứ VII phái Khawarij  ra đời và là phái chính trị sớm nhất của đạo Hồi. Đồng thời, phong trào của giáo phái Thập Diện nổi lên và sau đó trở thành một trong hai phái đối lập với phái Sunni.[8]
Hồi giáo Sunni[9]
Sunna có nghĩa là “con đường quen đi” ý muốn nói đến sự thống nhất giữa luật lệ với thực tiễn xã hội, cũng như nói đến việc quyết định các vấn đề giáo sự dựa trên tập quán bàn bạc và đồng thuận. Với phái Sunni thì quyền lực xuất phát từ imja, tức là sự nhất trí của cộng đồng. Đó là một truyền thống được hình thành để hòa giải giữa những khác biệt và sai lệch bên trong cộng đồng Hồi giáo, mà những lời nói của Mohammed thường được các tín đồ dẫn ra như một tiền lệ: “Những khác biệt về ý kiến trong cộng đồng của ta là điều nên khoan dung”. Từ khi những người Shíi tự tách mình ra khỏi đa số trong vấn đề kế vị thì nhóm đa số tán thành bầu người kế vị, tức theo truyền thống Sunna, được gọi là phái Sunni. Phái Sunni chấp nhận trật tự lịch sử của các Caliph và những lãnh tụ tôn giáo được bầu khác như một trật tự thực tế và đúng đắn.
Ngày nay phái Sunni chiếm đa số khoảng 80 đến 85% trong số một tỷ ba trăm triệu tín đồ Hồi giáo trên thế giới. Hiện nay tuy không có một tổ chức hay một quyền lực trung tâm nào cả, nhưng họ vẫn duy trì được tính đồng nhất rõ rệt trong đức tin và nghi lễ thờ phụng. Hồi giáo Sunni mang tính chất tự trị trong từng quốc gia Hồi giáo. Còn quốc vương của Ảrập Xêút có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ những thành phố thánh Mecca và Madina một chức năng thuộc về các Caliph ngày xưa.
Hồi giáo Shíi[10]
Phái Shíi chủ trương kế vị Mohammed phải là những người thuộc dòng dõi của tiên tri. Đó là các Imam, tức là những chủ tế hay thầy giảng có thẩm quyền và được thánh chỉ của đạo Hồi để dẫn dắt các tín đồ. Imam đầu tiên là Ali, con rể của Mohammed, và sau ông là Hassan, con trai trưởng của Ali, sau Hassan là Husain, con trai thứ hai. Rồi sau đó là chín vị khác cũng thuộc giòng dõi của tiên tri Mohammed.
Những người Shíi chính thống tin rằng nhờ ơn sủng thánh linh nên vị Imam không hề lầm lỗi, có trí tuệ và quyền năng siêu phàm, và có thể diễn giải kinh Coran tuyệt đối không chút sai lầm. Tuy vậy, do vị Imam cuối cùng hiện đang “ẩn thân” nên những quyền năng kỳ lạ này được ông ta thực thi qua những lãnh tụ tinh thần hiện thân của các chi phái hay các quốc gia Hồi giáo Shíi, gọi là ayatollah, những người được chia sẻ, theo một cách nào đó, những quyền năng đặc biệt của vị Imam. Ngày nay phái Shíi chiếm khoảng 15 đến 20 % các tín đồ Hồi giáo và trải ra trong toàn bộ thế giới Hồi giáo. Chủ yếu tập trung ở Iran, ở đây họ chiếm đa số trong cộng đồng Hồi giáo. Người Shíi xếp loại các nhà lãnh đạo tôn giáo của họ, hay các mullah (giáo sĩ) theo học vấn về tôn giáo, theo lòng mộ đạo và khả năng lãnh đạo. Cấp bậc lãnh đạo cao nhất là ayatollah. Những nhà lãnh đạo Shíi có uy tín rất lớn đối với các tín đồ, và phán quyết của họ có ý nghĩa như luật pháp.
Như vậy sự khác biệt cơ bản những giáo phái Shíi với đa số tín đồ tuân theo Sunna là trên vấn đề thừa kế quyền lực cũng như việc quyết định các vấn đề giáo sự là theo đường lối thỏa thuận và nhất trí trong cộng đồng. Hồi giáo Shíi thì quyền lực hoàn toàn nằm trong tay các vị Imam thuộc giòng dõi tiên tri, hay người được ủy quyền của Imam, một tín đồ sùng đạo biết lắng nghe và biết tuân lệnh. Phái Sunni mang màu sắc dân chủ hơn và các lãnh tụ Sunni cũng có ít quyền lực với các tín đồ hơn so với các lãnh tụ Shíi.
Mặc dù giữa phái Sunni và phái Shíi cũng có một số lề luật khác nhau, nhưng phái Shíi và phái Sunni vẫn đồng ý với nhau trên hầu hết các vấn đề chính yếu của đức tin và thực hành tín ngưỡng.
3. Hồi giáo tại Việt Nam[11]
Người theo đạo Hồi ở Việt Nam hầu hết là người dân tộc Chăm. Đạo Hồi du nhập vào Việt Nam vào khoảng thế kỷ X – XIV bằng con đường hòa bình cùng với quá trình tan rã của quốc gia Chiêm Thành (Chămpa) và sự suy giảm dần của đạo Hinđu - tôn giáo chính thống của người Chăm. Hiện nay vấn đề thời điểm cụ thể Hồi giáo vào Việt Nam vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Theo kết quả nghiên cứu của một số nhà nghiên cứu văn hóa Chăm thì khoảng từ thế kỷ X trở đi, vương quốc Chăm với sự phát triển khá mạnh về hàng hải nên đã có sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa và buôn bán với người Indonesia và Malaysia là những nước đã có đạo Hồi lan rộng. Do tình hình chiến tranh liên miên và thất bại, vương triều dần suy yếu và niềm tin vào đạo Hinđu dần giảm sút nên đạo Hồi đã bám rễ được vào một bộ phận người Chăm.
Vương quốc Chămpa (từ Quảng Bình đến Bình Thuận) sau những cuộc giao tranh từ thế kỷ XI – XIII dần dần bị suy yếu. Về sau bị lấn át bởi cuộc Nam tiến của người Việt. Năm 1471, vua Lê Thánh Tôn đánh chiếm Vigiaya (Bình Định) và vua Chămpa bỏ chạy. Năm 1693 chúa Nguyễn tiến đánh và bắt được vua Chăm và cho làm quan ở vùng Bình Thuận (lúc này vua Chăm chỉ còn trên danh nghĩa). Trong hai thời điểm này người Chăm bỏ chạy vào miền Nam (An Giang), chạy sang Campuchia (Công pông chàm) và sang Malaysia lập nên bang Ache. Đầu thế kỷ XX, theo thống kê của người Pháp, người Chăm ở Việt Nam có khoảng 30.000 người. Hiện nay người Chăm có khoảng 200.000 người trong đó ở miền Trung Việt Nam (Ninh thuận, Bình Thuận) là 50.000, miền Nam 50.000 (TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang), Ở Campuchia (Côngpôngchàm) 50.000 và ở Malaysia 30.000 người. Phần lớn người Chăm ở miền Trung theo đạo Hinđu, chỉ có một ít theo đạo Hồi, người Chăm ở miền Nam gọi là Chăm Ixlam, theo Hồi giáo chính thống, không bị pha trộn với phong tục tập quán, tín ngưỡng cũ và thường xuyên liên hệ với thế giới Hồi giáo qua Hồi giáo Campuchia và Malaysia.
Do vị trí địa lý và hoàn cảnh truyền đạo, điều kiện sống và sự giao lưu của đồng bào Chăm với bên ngoài nhất là vơi thế giới Hồi giáo mà ở Việt Nam hình thành 2 khối Hồi giáo với nhiều khác biệt đáng kể:
+ Hồi giáo vùng Ninh Thuận, Bình Thuận là Hồi giáo không chính thống gọi là Chăm Bani, đượm sắc thái của yếu tố sinh hoạt và tôn giáo bản địa. Các lễ thức được tiếp biến cho phù hợp với chế độ gia đình mẫu hệ và các lễ liên quan đến chu kỳ đời sống của con người và các lễ thức nông nghiệp, không có liên hệ với Hồi giáo thế giới.
+ Hồi giáo ở TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Đồng Nai, Tây Ninh gọi là Chăm Ixlam theo Hồi giáo chính thống, không bị pha trộn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng cũ và thường xuyên liên hệ với thế giới Hồi giáo Campuchia và Malaysia.
Tuy có sự khác nhau nhưng giữa hai khối Hồi giáo này không có sự kỳ thị mà hòa hợp với nhau.
Về tổ chức, thời Pháp thuộc có tổ chức Saykhon Ixlam đại diện cho người ChămXà và những người Mã Lai theo Hồi giáo. Năm 1960 khối người Chăm Hồi giáo lập ra “Hiệp hội Chăm Hồi giáo Việt Nam” có văn phòng đặt tại Sài Gòn. Năm 1966 có thêm tổ chức “Hội đồng giáo cả các Thánh đường Hồi giáo Việt Nam” đặt văn phòng tại Châu Đốc và tồn tại cho đến ngày nay.
Hiện nay các tín đồ Hồi giáo sinh hoạt bình thường, vừa tuân phục các giáo luật khắt khe vừa thực hiện tốt các nghĩa vụ công dân, tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng cộng sản và sự quản lý của chính quyền mong muốn được sinh hoạt tôn giáo hợp pháp, muốn duy trì mối quan hệ với thánh địa Mecca. Nói chung trong những năm qua tín đồ Hồi giáo tăng chậm do đồng bào Chăm thường sống ở những vùng có kinh tế khó khăn, có thu nhập thấp, diện nghèo còn cao và rất cần có sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền để xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
4. Kết luận
Có thế nói Hồi là một trong những tôn giáo nền tảng ban đầu là Do thái giáo và Thiên Chúa giáo. Bởi vì những điều mà tiên tri Mohammed cho là nhận được từ thần khải có nhiều điểm trong Do thái giáo và Thiên Chúa giáo. Trong giáo lý của Hồi giáo cũng có những bài học lấy từ Kinh Thánh Cựu Ước. Ông cũng kể về Ađam và Evà, về Nôe và trận đại hồng thủy, về Apraham và các con trai của Giacóp, Giuse và những anh em của Môsê. Nhưng ông chỉ công nhận Giêsu là một tiên tri vĩ đại, là con trai của Thượng Đế. Tất cả những câu chuyện này theo phong các riêng theo truyền thống Ảrập và Kinh Coran. Mohammed công nhận là Tin Mừng được Thiên Chúa thần khải cho Giêsu để Giêsu rao giảng cho người theo Thiên Chúa giáo. Cũng giống như ông được thần khải từ Đấng Allah để rao giảng kinh Coran cho người theo Hồi giáo.
Cho nên Hội thánh chân trọng các tín đồ Hồi giáo vì đã ý thức chỉ tôn thờ một Thiên Chúa độc nhất, toàn năng và nhân từ và luôn tìm cách vâng theo thánh ý Người. Trong tháng Ramadan họ sống đời sống tôn giáo thật quyết liệt. Người Hồi giáo rất hiếu khách, quảng đại và công bình.
Tuy nhiên Hội thánh của chúng ta lấy làm tiếc vì Hồi giáo rất tin vào thuyết định mệnh và nhắc đến một thiên đàng đầy niềm vui trần tục. Xem chiến tranh như là phương tiện để đấu tranh chính trị và truyền đạo và đó lại là điều nhân danh Đấng Allah.
Giáo hội sau Công đồng Vat II kêu gọi sự đối thoại giữa Hồi giáo và Kitô giáo. Mong muốn rằng tín đồ của hai bên thông cảm cho nhau, đồng thời cùng nhau làm triển nở sự công bình xã hội và sự tự do cho mọi người trên thế giới.


[1] Xc, Trinh Huy Hóa, Hồi Giáo, Nxb Trẻ, năm 2002, tr.17
[2] Xc, Sđd, tr. 18
[3] Xc, Trinh Huy Hóa, Hồi Giáo, Nxb Trẻ, năm 2002, tr.17
[5] Xc, Lưu Văn Hy và Nhóm Trí Tri, Tri Thức Tôn Giáo, dịch, Nxb Tôn Giáo, tr.223
[6] Xc, Sđd tr.226
[7] Xc, Sđd tr.229
[8] Xc, Hoàng Tâm Xuyên, Mười Tôn Giáo Lớn Trên Thế Giới, Nxb Chính trị Quốc gia, tr.782
[9] Xc, Trinh Huy Hóa, Hồi Giáo, Nxb Trẻ, năm 2002, tr.78
[10] Xc, Sđd tr.80

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP