Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

SỰ QUYẾN RŨ CỦA TIỀN BẠC


Có ai chưa từng bị một tờ giấy bạc quyến rũ? Sau quá trình sử dụng nó trở nên bẩn thỉu và rách nát, điều đó ta không quan tâm vì giá trị của nó vẫn không thay đổi. Sự quyến rũ còn ở lịch sử của nó. Nó đã được chuyền tay từ người này qua người khác, không biết bao nhiêu người đã cầm, đã đụng chạm vào nó, và đủ mọi hạng người, người lương thiện cũng như kẻ bất lương. Ta bị nó mê hoặc bởi những niềm vui, nỗi buồn nó mang lại, hay nói một cách khác là nó giúp ta thỏa mãn cũng như thất vọng một số vấn đề trong cuộc sống của mình. Không có tiền ta không thể sống được nhưng nếu ta quá đặt nặng vấn đề tiền bạc thì chúng ta cũng sẽ chẳng làm được gì nếu như không muốn nói là quá nghèo vì “kho tàng con ở đâu thì lòng con ở đó”. Khi đó ta không còn thấy gì ngoài tiền bạc: đánh mất tình anh em, tình làng xóm,… và nhất là đánh mất khả năng yêu thương mà Chúa đã đặt để nơi mỗi chúng ta.
Không có tiền ta không thể làm được gì. Thật vậy, trong xã hội hiện tại khi ta muốn làm một việc gì cũng đều cần đến tiền bạc: để thành công trong việc truyền giáo bên cạnh những đức tính cần thiết thì tiệc bạc cũng rất cần thiết; trong đời sống xã hội thì tiền bạc lại càng cần thiết hơn nhất là để tạo uy thế (địa vị) cho mình… không chỉ trong thời này mà ngay cả thời Chúa Giê-su ta thấy tiền bạc cũng đã đóng vai trò quan trọng chẳng hạn như: từ khi sinh ra, Đức Giê-su đã được các nhà Đạo sĩ đến thờ lạy và dâng lên Người nào là vàng, nhũ hương và mộc dược. Đến cuối đời thì người được bà Ma-ri-a tưới dầu thơm đắt giá lên chân Người. Vài ngày sau đó thì Giu-đa, một trong mười hai môn đệ thân tín đã bán Người cho quân dữ chỉ vì ba mươi đồng bạc.
Trong cuộc đời công khai của mình, Chúa Giê-su đã được rất nhiều người giàu có cũng như có địa vị giúp đỡ như bà Gio-an-na, vợ ông Su-gia, quản gia của vua Hê-rô-đê, đã giúp đỡ Người bằng tiền của họ. Rồi những người bạn bè giàu có như ông Giu-se thành A-ri-ma-thi-a, Ni-cô-đê-mô hay là Si-mon người Pha-ri-siêu. Và hơn thế thầy trò với nhau còn có một quỹ chung mà Giu-đa là người quản lý để chi tiêu cho những việc cần thiết cho cả thầy và trò trong bước đường đi loan báo Tin Mừng. Trong việc giúp đỡ người khác thì Chúa Giê-su đã dùng dụ ngôn về người Sa-ma-ri đã đưa người gặp nạn đến quán trọ và trả tiền cho chủ quán để yêu cầu chủ quán chăm sóc cho người bị nạn. Một lần khác thì Người đã lên án người đầy tớ lười biếng đã chôn dấu nén bạc mà ông chủ đã trao cho để làm lợi. Để thấy được Người công nhận giá trị của tiền bạc mà không coi thường nó ta có thể kể thêm vài dụ ngôn nữa chẳng hạn như trong bối cảnh trong sân đền Thờ, Người quan sát những người bỏ tiền dâng cúng, Người đã khen bà góa - bỏ vào thùng hai đồng tiền kẽm - đã bỏ nhiều nhất giữa những người giàu có. Vì những người giàu chỉ dâng cúng những của dư còn bà góa này đã dâng cúng cả gia tài của mình. Một lần khác, trong cuộc tranh cãi có nên nộp thuế cho Xê-da hay không thì Chúa Giê-su đã trả lời cho những người đã hỏi là: “của Xê-da hãy trả cho Xê-da, của Thiên Chúa hãy trả  cho Thiên Chúa”. Điều này cho thấy tầm quan trọng của cuộc sống trần thế là phải chu toàn bổn phận với những điều đã qui định. Qua đó Người cũng cho ta thấy bên cạnh chăm lo cho đời sống vật chất để chu toàn đời sống xã hội thì cũng phải chu toàn bổn phận đối với Thiên Chúa cho phần rỗi của mình trong đời sống thiêng liêng.
Tiền bạc chính là tên lừa đảo mà ta phải cảnh giác từng giây phút trong cuộc sống của mình. Nó sẽ phá vỡ mọi hy vọng mà ta đã đặt nơi nó, và vì ta dùng nó không đúng như nó là-một công cụ phục vụ cho sự thăng tiến của mỗi người, trong mối quan tâm đến mọi người. Nhất là ta hay để nó làm chủ mình thay vì ta làm chủ nó. Khi đó thay vì nó phục vụ ta thì nó chỉ làm hại ta mà thôi, điển hình như trong dụ ngôn người phú hộ giàu có mà Chúa Giê-su đã kể: ông thấy mình có nhiều của cải và ông đã bảo với hồn mình hãy an tâm mà nghỉ ngơi, nhưng khi đó thì Thiên Chúa nói với ông là “đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai”? Bởi thế, mà lo làm giàu, lo thu tích cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì thật là ngu ngốc. Bên cạnh đó còn có một dụ ngôn khác mà chúng ta thường được nghe đó là: ông phú hộ nhà giàu và người nghèo khó La-da-rô. Ông ấy quá giàu nên đã không nhận ra những người anh em nghèo khó quanh mình cần giúp đỡ và vì vậy ông cũng nhận được kết cục là bị thiêu trong lửa hỏa ngục. Khi con người quá dính bén vào của cải vật chất thì họ không còn khả năng đi tìm cuộc sống vĩnh cửu nữa. Họ bám víu đến nỗi tiền bạc có thể làm cho họ ra u buồn và lo lắng. Họ không còn thời gian để tìm đến Chân Lý sự sống đó là chính Chúa.
Ta phải chọn cách đầu tư sao cho hiệu quả vì không phải hễ ai có của cải dư giả thì đời sống được bảo đảm. Vậy ta phải làm gì bây giờ khi ta có của cải? Câu trả lời đã được Chúa Giê-su nói thật rõ ràng: phải làm giàu trước mặt Thiên Chúa. Đó là cách duy nhất để đảm bảo cho đời sống vĩnh cửu.

Bruno Vinh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP