Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Ở Trọ


Xã hội hiện đại nảy sinh nhiều vấn đề mới. Một trong những vấn đề của xã hội công nghiệp là vấn đề di dân. Hệ quả trực tiếp của thực trạng này là vấn đề nơi ăn chốn ở. Đây là một thách thức không nhỏ đối với những người trẻ, những công nhân viên, sinh viên. Những người đang chập chững bước chân vào đời lập nghiệp. Lựa chọn phù hợp nhất đối với họ là ở trọ. Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề, hay lựa chọn của những người di dân mà thôi. Ở trọ đang trở nên phổ biến. Cả đối với những người đã nhiều năm định cư tại những thành phố. Ở trọ đang trở thành một nếp sống: “Văn hoá ở trọ”.
Văn hoá ở trọ
Điều kiện xã hội cũng góp phần thúc đẩy người ta chọn cách sống ở trọ. Đất chật người đông. Ở trọ là lựa chọn phù hợp và tiết kiệm nhất đối với những người kinh tế còn eo hẹp. Tuy nhiên, không hẳn chỉ những người nghèo mới ở trọ. Những người sở hữu những căn hộ ở chúng cư đôi khi khá tiện nghi sang trọng và mắc tiền, nhưng thực ra họ cũng đang sống văn hoá ở trọ (có thể là ở trọ cao cấp!) đó thôi. Gọi chung là ở trọ nhưng khoảng cách cũng rất khác nhau. Từ sang đến hèn. Từ một vài ngày đến vài chục năm. Có thể người ở trọ ý thức việc ở trọ của mình hoặc không. Ở trọ đã trở thành một lựa chọn sống khá phổ biến. Đồng thời nó tạo nên một văn hoá với những đặc tính riêng.
Vài đặc điểm của “văn hoá ở trọ”
Nhạc sĩ họ Trịnh có một bài hát khá nổi tiếng mang tên “Ở trọ”
“Con chim ở đậu cành tre
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn
Cành tre… í… a
Dòng sông… í… a
Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời
Í… a… í… à… í… à… a…”
…..
Ca từ thật ý nghĩa. Đối với con chim ở đậu nơi cành tre, và con cá ở trọ trong khe nước, thì cành tre và khe nước đối với chúng chẳng mấy quan trọng, chẳng mấy rõ ràng. Nói cho cùng cũng chỉ là “í…a”mà thôi! Thế nên ở trọ cành tre này hay cành tre khác, khe nước này hay khe nước kia thì cũng thế cả. Vấn đề là có cành tre, có khe nước cho chúng trọ, thế thôi.
Đây là đặc điểm đầu tiên của văn hoá ở trọ. Người ta không quan tâm, không gắn bó nhiều đến nơi mình ở. Ở đâu cũng được, miễn là ở nơi đó mình có thể sống và thực hiện được những mong muốn và chương trình riêng của mình. Nếu không được thoả mãn mình sẽ tìm một nơi trọ mới. Chẳng vạ gì mà phải cải thiện nơi ở cho mệt xác! “Văn hoá ở trọ” thể hiện sự thiếu gắn bó và dễ thay đổi. Những người theo văn hoá ở trọ dễ thay đổi ngành học, nghề nghiệp, kể cả tình yêu và người yêu! Thích chạy theo những gì là dễ dãi thoải mái sẵn có. Ta thấy ngày nay những tình cảm gắn bó với “mái trường xưa”, bạn đồng liêu,… xem ra không mặn mà như trước đây. Ngày xưa người ta rất tự hào và gắn bó với mái trường, với chủng viện, với nhà Dòng mà họ đã một thời sống và học ở đó. Những nơi này là một phần hữu cơ trong đời sống của họ, chứ không chỉ đơn thuần là những kỉ niệm của thời quá khứ. Đó là nơi họ đã sống chứ không phải ở trọ.
Đặc điểm thứ hai của văn hoá ở trọ là ít có trách nhiệm và sáng kiến. Làm thế nào để không vi phạm những quy định của “nhà trọ” là được. Người ta ngày càng sống cá nhân chủ nghĩa, chỉ lo sao yên thân. Sáng kiến, trách nhiệm nhiều khi lại vừa mệt lại sinh nhiều phiền phức.
Trong học hành, “văn hoá ở trọ” thể hiện ở thái độ tương đối vừa đủ. Tức là chỉ học phiên phiến vừa đủ đạt tiêu chuẩn là được. Vừa lòng với giáo trình mà giáo sư phát và những điều giáo sư nói ở lớp. Ít khi có tư tưởng cầu tiến. Ít khi chuyên chăm nghiên cứu học hỏi chuyên sâu đến nguồn đến cội.
Khi cuộc sống không êm ả thì “văn hoá ở trọ” cổ võ thái độ nín thở qua cầu. Thôi chịu khó một thời gian rồi cũng qua thôi. Mình đâu có ăn đời ở kiếp ở đây đâu mà sợ. Rồi mình cũng đi khỏi chốn này mà!
Ở trọ trong đời tu
“Văn hoá ở trọ” không phải sở hữu riêng của “người đời”. Những biểu hiện của “văn hoá ở trọ” không hề hiếm hoi chút nào trong đời tu. Không hiếm những linh mục hay tu sĩ coi Dòng, cộng đoàn hay nhiệm sở của mình không hơn không kém như một nhà trọ! Họ chỉ lo sao tuân thủ những những quy định chung được đề ra để không bị phiền trách là đủ. Có thể họ là những khách trọ mẫu mực không thể phiền trách. Tuy nhiên, những sáng kiến, những thao thức, lao tâm khổ tức, những đóng góp để cộng đoàn được tốt hơn, tuyệt nhiên không có trong tự điển đời sống của họ.
Đến và đi đối với những người này cũng thật nhẹ nhàng. Khi “nhà trọ” này không đủ phương tiện và tiện nghi để họ sống và phát huy tài năng thì họ sẵn sàng ra đi để tìm một “nhà trọ” khác thích hợp hơn. Đối với họ, cộng đoàn dường như chỉ là nơi để họ thực hiện những ước mơ của riêng mình. Họ không hề có một sự gắn bó nào với nơi mình tu sống. Khi sống ở cộng đoàn họ chẳng tha thiết đóng góp gì, khi rời cộng đoàn họ cũng ít khi qua lại thăm hỏi, thậm chí có khi còn nói hành nói xấu và chỉ trích nơi và những người cùng sống với mình trước đây.
Cũng không thiếu những tu sĩ chỉ biết rất lơ mơ hoặc thậm chí không biết gì về căn tính của mình. Họ không có nhu cầu tìm hiểu nguồn gốc và tính chất của cộng đoàn mà mình là thành viên. Thật vậy, chỉ con cái ở trong nhà luôn mãi thì mới biết tông tích của gia đình mình chứ người trọ thì không thể biết và cũng không muốn biết làm gì.
Theo một nghĩa rộng thì chúng ta đều ở trọ trên cõi đời này. Tuy nhiên cần phải hết sức cảnh giác tránh cách sống theo “văn hoá ở trọ”. Nếu không chúng ta sẽ có nguy cơ bị chai lì và mất cảm giác trước những biến cố của cuộc sống, và đánh mất cơ hội làm cho cuộc đời mình thêm đáng yêu, được thăng hoa và hạnh phúc. Cuộc sống của chúng ta đối với nơi mình sống phải thế nào để “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn”.

Đảm Ninh Phán

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP