Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

SỐNG KHOAN DUNG


Sống ở đời chẳng ai muốn sống chung với những kẻ ích kỷ, hẹp hòi và nhỏ nhen. Dẫu biết rằng trong thế giới loài người ai mà chẳng muốn những người chung quanh ta là những người có những tấm lòng khoan dung và độ lượng, ai mà chẳng muốn đón nhận những cử chỉ cao thượng từ những người đang sống quanh ta,  nhưng tiếc thay chúng ta lại không có một tấm lòng đủ khoan dung và độ lượng để có thể đón nhận người khác hoặc trao tặng những cử chỉ tốt đẹp.
Chúng ta thử tưởng tượng thế giới loài người sẽ như thế nào khi không còn những tấm lòng khoan dung và độ lượng mà chỉ còn sự vô tâm, ích kỷ và hẹp hòi. Dẫu biết rằng thế giới con người sẽ chẳng bao giờ có được sự hoàn hảo, trọn vẹn và tuyệt đối, vì bản chất con người không có tính tuyệt đối, nhưng chúng ta cần phải sống với một tấm lòng khoan dung và độ


lượng với mọi người để cùng dìu nhau đi hết hành trình dương gian trong sự vui vẻ và hạnh phúc.
Tác giả John C. Maxwell là một chuyên gia nổi tiếng về nghệ thuật lãnh đạo ở Mỹ trong quyển “Winning with  People” viết: “Nếu chẳng may anh có một người bạn ích kỷ hẹp hòi, hãy gieo cho anh ấy sự khoan dung và độ lượng.” Nếu bản thân tôi nắm vững và thực hiện nguyên tắc này, chắc chắn rằng đời sống của tôi luôn được bao quanh bởi những người khoan dung và độ lượng. Tôi tin chắc rằng các bạn cũng được như vậy, nếu các bạn biết gieo sự khoan dung và độ lượng nơi những người ích kỷ và hẹp hòi.
Chúng ta không nên bế tắc trước những người ích kỷ và hẹp hòi. Vì thật ra họ cũng như chúng ta đều có khả năng sống khoan dung và độ lượng, nhưng có thể họ thiếu tính chủ động để thực hiện một cử chỉ cao đẹp. Cho nên chúng ta cần phải đi bước trước để cư xử một cách độ lượng và trao tặng họ những cử chỉ cao đẹp. Johann Goethe tin rằng: “Nếu bạn đối xử với một người như những gì anh ta vốn có, thì người ấy cũng chỉ là như thế. Nhưng nếu bạn cư xử với anh ta như với người mà anh ta phải trở thành, anh ta sẽ là con người ấy.”
Napoleon Hill* đã viết về sự khoan dung như sau:
“Khi ánh bình mình của sự thông minh lan đến đàng đông của đời người, khi sự thờ ơ và mê tín không còn tồn tại với thời gian, thì tội nặng nhất tìm thấy trong trang cuối của quyển sách cuộc đời chính là tấm lòng thiếu khoan dung.
Sự thiếu bao dung xuất phát từ sự phân biệt tôn giáo, sắc tộc, thành kiến kinh tế và tư tưởng. Than ôi, loài người đáng thương, chúng ta phải mất bao lâu mới hiểu ra sự điên rồ của mình khi cố tiêu diệt nhau chỉ vì những khác biệt trên?
Ý nghĩa cuộc sống của chúng ta trên trái đất này là gì, thời gian mà chúng ta tồn tại là bao lâu nếu không phải chỉ là những khoảnh khắc chóng qua? Như sáp nến, chúng ta được thắp lên và cháy sáng trong một thời gian giới hạn trước khi tan chảy. Vì sao chúng ta không biết cách sống khi còn là kẻ lữ hành trong cuộc hành trình ngắn ngủi trên chốn nhân gian. Để khi thần chết gõ cửa báo rằng cuộc hành trình đã đến hồi kết thúc, chúng ta sẵn sàng khăn gói lên đường tiến vào một thế giới bí ẩn, kỳ diệu mà không phải run rẩy, sợ hãi?
Bạn hy vọng điều gì khi bước vào thế giới bên kia? Riêng tôi, tôi hy vọng mình sẽ chỉ gặp được ở nơi ấy những tâm hồn người hiền hậu, những anh chị em tôi, những con người không mang tỳ vết của sự phân biệt chủng tộc, tôn giáo hay màu da. Nơi ấy tôi sẽ được nghỉ ngơi bình yên đến muôn đời, vì tôi từng ước mình sống trong nhân ái với lòng bao dung, độ lượng.”
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng thao thức có một thế giới của những người khoan dung và độ lượng, nên ông nói: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.” Còn chúng ta có khát vọng sống và sống như thế nào? Tôi cũng tin chắc rằng nơi sống hạnh phúc nhất là nơi của những con người có tấm lòng khoan dung và độ lượng, nơi mà những con người vô tâm, ích kỷ và hẹp hòi kinh niên sẽ không thể đến trú ngụ.
Richard Công



* Napoleon Hill (1883 – 1970) là một tác giả người Mỹ đầu tiên viết về  “the modern genre of personal-success liturature”. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “Think and Grow Rich” được bán chạy nhất trong mọi thời đại. Ông cũng là cố vấn của Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt từ năm 1933-1936.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP