Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Triết lý: Biết gì mà nói!


Cách chung muốn sống thì phải ăn. Muốn biết phải học. Học thì phải hỏi (nói). Ăn-nói là hai hành động khác nhau nhưng nó lại phản ánh nét văn hóa. Do đó, ăn-nói cũng được xem như một cặp phạm trù về cách ứng xử trong xã hội.
Trong phát pháo lần này, em nhà cháu xin mạn phép “mổ xẻ” chút về cái khoản nói. Trong giao tiếp, con người dùng lời nói là phương tiện chủ yếu. Nói là một phần rất quan trọng trong giao tiếp. Nếu lời nói không được sử dụng đúng nơi đúng lúc đúng người thì sẽ không đạt hiệu quả trong giao tiếp, đôi khi còn phản tác dụng và mất mạng như chơi! Chính vì nhẽ phải đó, dân chúng nhận xét người này khéo nói, người kia ăn nói vụng về. Ông cha, ông thầy này ăn nói thô lỗ, bà xơ kia chẳng biết cái gì cũng nói hoặc nói nghe chẳng biết được gì! Như vậy, tất cả sẽ như “con dã tràng se cát biển đông” nếu chúng ta không khiêm tốn, thận trọng và khôn ngoan khi giao tiếp với người khác. Theo cái nhìn thiển cận của em nhà cháu, ngoài những lý do khách quan và chủ quan, nguyên nhân đưa đến tình huống khó xử và buồn nhưng lại cười là do:
Nói cái gì cũng biết
Trong đời tu, ngoài việc “trần ai khoai củ” để tuân giữ 3 lời khấn, cái rất khó là đời sống cộng đoàn. Các cụ nhà ta thường nói “năm người mười ý” nên sẽ có những ý tưởng, cách diễn đạt những tư tưởng về một vấn đề nào đó sẽ trái ngược khác nhau. Nếu chỉ là vấn đề ý tưởng hay cách diễn đạt thì có lẽ không có gì bàn thêm bởi vì mỗi người có quan điểm riêng và cần phải được tôn trọng. Tuy nhiên, ở đời không đơn giản như vậy. Trong nhà tu cũng vậy, có những người chẳng biết mình nói cái gì nhưng cứ ra vẻ ta đây lại biết mọi thứ. Nghĩa là nói mà không ý thức mình đã đang và sẽ nói cái gì. Một điều duy nhất là nói và cứ nói. Có lẽ “tật tốt” này được người ta gán cho là “nổ”. Nếu chỉ “nổ” trong nhà không thì còn có thể chấp nhận được nhưng lại nổ luôn cả ở ngoài đời. Chính vì nhẽ đó mà không ít lần có những bữa “choảng” nhau liên hồi không phân thắng bại. Người ta thường nói chân lý sẽ thắng nhưng đối với những người theo chủ nghĩa “chẳng biết mình nói gì” thì cứ nói nhiều là thắng. Tao cứ nói, nói văng cả nước miếng, nói cho đối thủ phải im là được. Đến độ này thì những người trong cuộc được một bữa cười no nê vì thấy sự đáng cười hơn là sự việc được bàn đến. Thấp hơn một chút là những người khi nói chuyện hay kể chuyện thì chúng ta cứ phải đặt dấu trừ (-) 50% là vừa. Bất cứ chuyện gì cũng biết, tất cả mọi lãnh vực, từ qui mô đến vĩ mô. Đối với những người này, người nghe xong để đó là tốt nhất. Đặc biệt khi họ hứa một điều gì đó, thì đừng có mà nghe kẻo mua thóc giống về mà ăn! Kế tiếp, có những người, mặc dù không phải là nói cái gì cũng biết, nhưng đã nói cái gì là cũng cho mình đúng. Ngay cả trong trường hợp sự việc của vấn đề là không đúng nhưng họ vẫn tìm cách “lái” đi sao cho đỡ sai hay gần đúng. Có một ông thầy kia đi lễ ở nhà thờ nọ gặp một ông đồng hương đồng khói gì đó. Vì cũng lâu ngày không gặp nên thầy vội tới chào và mở đầu câu chuyện bằng một câu thật đẹp và dễ thương: “Lâu quá con không gặp ông, dạo này nhìn ông mạnh khỏe quá!”. Cụ kia, nhăn mặt trả lời: “Thầy nói sao chứ, tôi bị bệnh mấy tháng nay mới xuất viện nè!”. Ông thầy vội “lái” đi rằng: “Không, ý con là nhìn nước da của ông rất khỏe!”. Đúng là câu nói đẹp nhưng lại không đẹp! Trong đối thoại thường nhật cũng vật, một khi hắn ta đã nói một vật nào là xấu thì cho dù ai nói gì đi nữa cũng không lại vì cỡ nào hắn ta cũng tìm mọi lý lẽ để dẫn chứng nó là xấu. Kết quả là, trên thực tế nó không xấu, nhưng để cho qua chuyện mọi người đều đồng thanh trả lời: Đúng dzồi, nó xấu!!!
Nói cái gì cũng không biết
Trái ngược hẳn 180 độ của lập trường trên là nói cái gì cũng không biết. Với những người này, trong đời sống cộng đoàn, đôi khi tức như bò đá. Chẳng thà nó nói đi, nó nói ít lời để mình còn có gì để nói, để bàn, để bắt bẻ nó. Đàng này, hỏi cái gì, nói cái gì nó cũng bảo không biết mới bực chứ! Thậm chí ngay cả cái nó biết, nó cũng bảo không biết. Tất cả mọi thứ chỉ là: không biết! Đã không biết thì người giao tiếp chỉ còn có nước “pó tay” mà thôi.  Vì không biết thì sao có tội được! Họ cũng theo chủ nghĩa “không” đó nhưng chỉ có một “không” thôi chứ không phải giống như ba “không” – không biết, không nghe, không nói. Nghĩa là hắn ta vẫn quan sát, vẫn thấy, vẫn nghe mọi chuyện xảy ra chung quanh nhưng ít khi nào nói ra lắm, đặc biệt là đôi khi có sự việc không có lợi cho mình. Đối với những tín đồ này thường là rất thủ thân và ít khi nào bị bắt lỗi vì hắn ta có nói gì mấy đâu. Nói qua, nói lại. Nói tới cũng phải nói lui. Một lý do khá quan trọng của những người này, đặc biệt trong đời sống cộng đoàn, là đôi khi họ bị sự lấn áp của các anh chàng, các chị nói cái gì cũng biết nên họ tự ti mặc cảm và không dám nói gì. Thật vậy, đôi khi những lời phát biểu của họ chỉ gây trò cười cho người khác. Với những người trong hoàn cảnh này, cần có một sự thông cảm và hỗ tương. Dẫu biết rằng, đời sống cộng đoàn đời tu cần phải có niềm vui, tiếng cười để khuây khỏa nỗi buồn, cô đơn của những người sống độc thân. Nhưng nếu chỉ niềm vui đó mà lại mang đến những nỗi buồn, gây cớ vấp phạm cho người khác thì thật đáng trách. 
Nói cái gì cũng các “Dì”
Đành rằng chúng ta là những người đi tu, chúng ta được thánh hiến cho Thiên Chúa, hoặc với những vị linh mục được gọi là một “alter christus”, nhưng chúng ta vẫn là con người. Con người với những mong muốn, mong ước và mong chờ như một con người bình thường. Một trong những mong muốn, mong ước và mong chờ đó là có người bạn để tâm sự, chia sẻ nỗi buồn và chung vui. Đã là bạn bè thì không biệt giới tính. Nhưng trên thực tế, âm và dương vẫn hút nhau nhiều hơn. Lâu lâu có âm dương kết hợp nói chuyện vẫn thấy vui vui đấy. Thật tình mà nói, trong cộng đoàn các dì lâu lâu có mấy thầy lại chơi, các dì chẳng biết làm gì nhưng cứ đi đi lại lại qua phòng khách với nét mặc “cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao”! Cũng vậy, trong nhà dòng nam, nếu có dịp các xơ ghé thăm và tham dự thánh lễ, các thầy hát rất khí thế cho dù hát ngang cũng vẫn hát to! Tự nhiên có động lực gì đó hát rất “khí thế” nhưng ngày thường hát chỉ “khỉ thế”! Chính vì bản năng tự nhiên âm dương hút nhau như vậy, mà có một số thầy đánh “du kích”, chỉ toàn làm bạn với mấy dì thôi. Đi học chính cũng với mấy dì, học thêm cũng với mấy dì. Cuối tuần ra khỏi cộng đoàn cũng với mấy dì. Kết quả là khi về nhà nói cái gì cũng là các “Dì”. Hơn thế nữa, tới đâu cũng có các Dì làm chị-em kết nghĩa, đồng hương, bạn học,… Nếu chỉ như vậy thì cuộc đời chỉ có các Dì mà lại không biết gì thì oan uổng và tội quá!
Tắt một lời, em-nhà-cháu tới đây cảm thấy hết biết gì để nói nữa rồi. Cho dù có nói gì đi nữa cũng không thể nói hết mọi thứ được. Và trong những gì em nhà cháu viết có điều gì sơ suất xin thông cảm và tha thứ cho, chứ không phải “xơ xuất” (Tu) và bỏ qua cho em-nhà-cháu nhé! Bởi vì, cũng giống như ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã nói với Thiên Chúa: “Lạy Chúa, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói!” (Gr 1, 6).
Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức vai trò ngôn sứ của mình trong cộng đoàn và trong thế giới này, đặc biệt với những người chúng con thường tiếp xúc. Xin cho con biết cần phải nói những gì cần phải nói, xin cho con biết mình đang nói những gì để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho những anh chị em trong cộng đoàn con. Nếu cần phải nói để làm chứng cho sự thật và công lý, xin ban cho con can đảm để nói những gì là sự thật và mang tính khách quan. Sau cùng xin Chúa cũng ban cho con những người bạn để chia sẻ nỗi buồn chung vui với con trong đời sống tu trì – một trong những người bạn đó là các Dì nhưng đừng vì các Dì mà con lại chẳng biết gì. Xin giúp con luôn ý thức rằng: “Ngài là Chúa con thờ,
ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc? “
 (TV 16, 2).
Thanh Hoài

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP