Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

ANH HÃY BIẾT CHÍNH MÌNH


Richard Công

Cuộc sống ngày càng phức tạp, căng thẳng và khắc nghiệt khi con người chuyển từ thời đại công nghiệp sang thời đại công nghệ thông tin cùng với các hệ quả của nó. Nền kinh tế tri thức ra đời, kèm theo nó là hàng loạt các vấn đề mới xảy ra ngổn ngang trước mặt con người như những thánh thức. Trước những dữ kiện ngổn ngang và đầy thách thức ấy, con người cần phải dừng lại với chính mình để biết hay suy tư mình là ai, khát vọng của mình là gì  và ý nghĩa cuộc đời này đối với tôi như thế nào. Có thế, con người mới có thể sống đúng với ý nghĩa cuộc đời của mình và tránh được cách sống đua đòi, chạy đua theo những giá trị vô bổ, giả tạo rồi đánh mất chính mình. Chính vì thế, nhà triết gia Socrate đã nói: “Anh hãy biết chính mình”. Anh hãy biết chính mình là sự bừng tỉnh triết lý cuộc sống, sống với tầng ý nghĩa của cuộc sống và sự kiện. Anh hãy biết chính mình là khởi điểm triết lý căn cứ vào mức độ lựa chọn của tự do con người, là khởi điểm triết lý cho ta sống cuộc đời của mình cách có ý thức. Anh hãy biết chính mình là trở về với bản chất con người là tự do: lựa chọn, chịu trách nhiệm, trưởng thành, sống có ý nghĩa. Hãy biết chính mình là can đảm chấp nhận chính mình, chấp nhận sự trần trụi, yếu đuối, mỏng dòn của kiếp người, lột bỏ được cách sống giả tạo, che dậy. Hãy biết chính mình là khám phá ra được khát vọng sống sâu xa nhất trong chính mình. Vậy, chúng ta cùng tìm hiểu câu nói này của triết gia Socrate.
Anh hãy biết chính mình là sự bừng tỉnh triết lý cuộc sống, sống với tầng ý nghĩa của cuộc sống và sự kiện.
Không thiếu những người vẫn có thể sống an nhiên, tự tại mà chưa hề biết suy tư triết học là gì. Đối với những người này, suy tư triết học đôi khi làm cho cuộc sống trở nên phức tạp hơn. Có một giai thoại kể rằng, trong khi triết gia Thalès mải mê suy tư về nguồn gốc của trời đất, vũ trụ và trăng sao trên trời, ông đã rơi xuống giếng, và cô đầy tớ gái của ông đã bật cười vì loại triết học gì mà lại làm cho cuộc sống trở nên phức tạp đến thế. Nhưng nếu chúng ta chỉ sống mà không suy tư hay triết lý cuộc sống, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên vô vị và chúng ta sẽ không khám phá ra được ý nghĩa cuộc đời này là gì. Con người sống là phải suy tư vì đó là bản chất của con người. Cho nên nhà triết gia nổi tiếng Descartes mới nói: “Tôi suy tư nên tôi hiện hữu”.
“Anh hãy biết chính mình” là tự khám phá ra rằng, “con người không thể sống an nhiên như một con vật, chỉ bằng lòng và thỏa mãn những nhu cầu trước mắt, mà là con người có nhu cầu hiếu tri, nhu cầu xác định cuộc sống của mình bằng khả năng phản tỉnh, nghĩa là tôi sống tôi còn phải biện minh được lý do sống của tôi”.[1] Một con người trưởng thành cần phải có sự bừng tỉnh triết lý cuộc sống, biết tìm ra ý nghĩa cuộc sống của mình, biết đọc ra những tầng sâu ý nghĩa của các sự kiện và biến cố cuộc đời mà ta gặp phải trên lộ trình đời ta.
Cuộc sống là một hành trình chứ không phải là một cuộc chạy đua. Đích đến của cuộc hành trình này là khởi điểm cho một hành trình mới.[2] Nên chúng ta cần có những điểm dừng để phản tỉnh ý nghĩa cuộc đời này của mình và xác định rõ mục đích mà mình đang theo đuổi. Có vậy, chúng ta mới không bị hoang mang trước những dữ kiện và trào lưu bao bọc quanh ta từng ngày. Do đó mới có câu: “Triết lý là chính cuộc sống con người dưới kía cạnh ý nghĩa.”[3] Hay nói cách khác, cuộc sống là một hành trình khám phá và sống với tầng ý nghĩa cuộc đời.
Anh hãy biết chính mình là khởi điểm triết lý hình thành khi người ta bắt đầu cảm thấy phải sống cuộc đời mình một cách có ý thức.[4]
Khi con người tư duy, con người bắt đầu khám phá chính mình: tôi là gì? Tôi sống ở đời này có ý nghĩa gì? Với mục đích gì? Tại sao tôi hiện hữu?... Từ đó con người bắt đầu sống cuộc đời mình một cách có ý thức hơn, và bắt đầu cuộc hành trình đời mình bằng chính sự tự do của mình. Và chính cuộc sống nay trở nên nguồn mạch suy tư triết lý sống cho con người. Một khi con người khám phá ra rằng, chính mình có một kho báu của sự tự do và khả năng suy tư, tự con người có nhu cầu rút mình ra khỏi cách sống dựa dẫm và bắt đầu sống cuộc đời mình một cách độc lập và sáng tạo. Tâm thức “hãy là chính mình’ bắt đầu vang lên như lời mời gọi con người hãy sống cuộc đời mình một cách độc lập và ý thức hơn.
Sống độc lập không có nghĩa là bức mình ra khỏi mối tương quan với người khác, bỏ đi sự hợp tác hỗ tương trên hành trình phát triển, mà là sống với khả năng và sự tự do thật sự của mình một cách có ý nghĩa và trách nhiệm. Sống độc lập không phải là nâng cao quan điểm hay chủ nghĩa cá nhân, mà là sống với sở trường của mình, thực hiện sứ mạng để đạt đến mục đích của đời mình. Tôi sống không vì lời khen của người khác mà tôi sống với một ý nghĩa riêng của đời tôi. Khả năng tư duy và sự tự do là hành trang duy nhất có thể giúp tôi theo đuổi lý tưởng sống của tôi và làm cho cuộc đời tôi trở nên thi vị và có ý nghĩa. Sống độc lập cũng không có nghĩa là sống vô cảm như một hòn đảo, mà là sống trong tương quan với người khác mà tôi là một ngôi vị. Jaspers nói: “Chính trong thông cảm mọi chân lý khác mới được thể hiện, vì ở đây tôi mới thực sự là tôi, vì tôi không còn sống hời hợt mà sống trọn ý nghĩa cuộc đời”[5].
Cho nên, “Anh hãy biết chính mình” là mời gọi trở về với bản chất con người của mình là sự tự do để rồi khởi đầu triết lý sống của đời mình một cách có ý thức và đầy ý nghĩa.
Anh hãy biết chính mình là trở về với bản chất con người là tự do:
Khi chúng ta còn bé, cuộc sống chúng ta do người lớn chi phối. Chúng ta thấy hình ảnh của mình qua lời nhận xét của họ. Chúng ta suy nghĩ và cư xử thông qua suy nghĩ và mong muốn của người khác. Chính vì vậy, chúng ta có khuynh hướng trở nên như những gì người khác nói về chúng ta. Nhưng khi lớn lên, chúng ta cần phải học cách suy nghĩ cho bản thân mình. Chúng ta cần nhận thức rằng, chúng ta có quyền tự do lựa cách phản ứng của mình trước những lời nhận xét của người khác như Eleanor Roosevelt có lần đã nói, “Không ai có thể làm bạn cảm thấy mình thấp kém khi không có sự chấp nhận của bạn”.[6]
Trở về con người của mình với bản chất tự do là lột bỏ cách sống đoàn lũ, đua đòi, và hời hợt. Sống là phải có sự chọn lựa trong tự do. Tôi là chính tôi, tôi quyết định sự chọn lựa của tôi và tôi chịu trách nhiệm về cuộc đời của tôi. Có thế con người mới đạt đến sự trưởng thành, mới không đánh mất chính mình. Sống cần phải hành động theo định hướng chứ không theo phong trào – sống dùm cho người khác, sống đoàn lũ. Tôi là chính tôi, sống có định hướng và có mụch đích mới có thể lột tả được ý nghĩa và giá trị cuộc sống của tôi. Cho nên, “chạy theo người khác là thói quen xấu của những người không có định hướng, những người muốn thành công luôn tin rằng chỉ có con đường mà mình nghĩ ra thì mới có giá trị nhất”.[7]
Trở về con người của mình với bản chất tự do không phải là sống lăng loàng, vô tổ chức, không coi ai ra gì, nhưng là dám xây dựng tổ chức bằng tiếng nói riêng của mình, bằng khả năng chuyên biệt của mình.
Trở về con người của mình với bản chất tự do là tôn trọng sự khác biệt của nhau. Sự khác biệt nơi mỗi con người là món quà cao quý mà Thượng Đế ban cho để hình thành sự phong phú nơi mỗi nhân vị. Nếu chúng ta bắt mọi người phải hành xử như chúng ta, chúng ta vô tình cướp đi sự tự do và sự khác biệt mà Thượng Đế đã ban cho họ.
Anh hãy biết chính mình là can đảm chấp nhận chính mình, chấp nhận sự trần trụi, yếu đuối, mỏng dòn của kiếp người, lột bỏ được cách sống giả tạo, che dậy.
“Can đảm dám là mình tức là chấp nhận chính mình, không tự tôn cũng không tự ti, nhìn nhận một cách bình thản cá tính của mình, hoàn cảnh của mình, khả năng của mình, thân xác của mình…”[8] Một khi dám chấp nhận con người thật của mình, người ta mới có thể sống thật và gạt bỏ đi những hình thức sống giả tạo. Và chỉ khi dám chấp nhận mình, người ta mới có thể chấp nhận người khác thật sự được.
Trong cuộc sống ngày nay, mỗi chúng ta thường bị bao bọc bởi quá nhiều thông tin. Nó thúc giục chúng ta tìm kiếm những gì thích hợp nhất thời cho mình ở bên ngoài hơn là khai thác nội lực của chúng ta. Và thế là, khả năng của chúng ta vẫn bị chôn vùi. Mãi chúng ta sẽ không bao giờ nắm bắt được những cơ hội đến với mình. Để khắc phục được tình trạng sống chạy theo những cái nhất thời, con người cần phải biết chính mình, biết khả năng thật của mình, từ đó phát huy năng lực bản thân thành sở trường của mình. Có thế con người mới có thể đạt được mục đích của đời mình và sống có ý nghĩa.
Nhà bác học Pascal đã nói: “Con người là cây sậy biết suy tư”. Bản chất cây sậy là mỏng dòn, dễ bị đổ gẫy khi gặp gió bão. Can đảm chấp nhận mình là chấp nhận thân phận của mình như một cây sậy yếu đuối, mỏng dòn, dễ vấp ngã. Nhưng bên cạnh sự yếu đuối đó, con người lại có một khả năng suy tư trổi vượt trên hết cả mọi loài. Suy tư là sức mạnh của con người. “Anh hãy biết chính mình” là can đảm chấp nhận chính mình, chấp nhận sự trần trụi, yếu đuối, mỏng dòn của kiếp người, lột bỏ được cách sống giả tạo, che dậy, đồng thời là lời mời gọi hãy suy tư triết lý sống  của riêng mình, tự khám phá ra ý nghĩa và giá trị cuộc sống của riêng mình.
Hãy biết chính mình là khám phá ra được khát vọng sâu xa nhất trong chính mình là tìm kiếm hạnh phúc.
Trong tận đáy lòng sâu thẳm của mỗi con người, ai cũng có sự khao khát được sống một cách tròn đầy, ai cũng muốn một đời sống có ý nghĩa. Khát vọng sống một cách tròn đầy không chỉ dừng lại ở khía cạnh vật chất, mà vượt ra khỏi vật chất và  vươn lên ở múc độ tinh thần.
St. Augustine nói: “Thân phận con người làm cho họ luôn tìm kiếm hạnh phúc.”[9]  Hay nói cách khác, bản chất con người là khao khát hạnh phúc. Hạnh phúc mà con người có thể có được ở đời này chỉ là hạnh phúc tạm bợ và nhất thời. Vì thế giới hữu hạn này luôn thay đổi và không thể cho con người một hạnh phúc chắc chắn. Nên St. Augustine nói: “Chúng ta không bao giờ có thể tìm thấy hạnh phúc  nơi một thụ tạo hữu hạn nào, mà chỉ tìm thấy nơi Thiên Chúa vô hạn.”[10]
Vậy, con người là thụ tạo hữu hạn làm sao có thể đạt được hạnh phúc nơi Thiên Chúa vô hạn? Theo lập luận của ngài thì “Con người luôn mang dấu vết của Tạo hóa nơi mình.”[11]  Nên con người luôn thao thức tìm về nguồn gốc của mình thì mới có thể đạt được hạnh phúc thật. Như St. Augustine nói khi cầu nguyện cùng Thiên Chúa trong đoạn mở đầu quển Confessions (Tự thuật) của ngài: “Người đã dựng nên chúng con cho chính Người, và tâm hồn chúng con sẽ không yên bao lâu chưa được nghỉ yên trong Người”.[12]
Augustine nói: Sự thiện cao nhất là Thiên Chúa, Đấng chính là Sự Thiện và là nguồn của mọi sự thiện hữu hạn mà các tạo vật có. Do đó, Tìm kiếm hạnh phúc là tìm kiếm Thiên Chúa; và đạt hạnh phúc là chiếm hữu và yêu mến Thiên Chúa”.[13]  Hành trình tìm kiếm hạnh Phúc nơi Thiên Chúa là khát vọng sống sâu xa nhất của con người.
Kết Luận
Để cải thiện đời mình, kiểm soát mình, trước tiên tôi phải hiểu rõ chính mình, nhận thức được bản thân, căn cứ vào điều kiện và khả năng thực tế mà phát huy sở trường của mình. Như thế tôi sẽ cảm thấy rằng, mình có những chỗ không bằng người khác, nhưng người khác cũng có chỗ không bằng mình. Hãy là chính mình, tôi mới có thể sống một cách có ý nghĩa, có mục đích và mới có thể đạt được hạnh phúc đời mình. Tôi là tôi chỉ khi nào tôi dám chấp nhận và sống thân phận của tôi một cách tích cực. Hãy biết chính mình là bước khởi đầu cho cuộc sống có ý thức và là điểm xuất phát cho hành trình tìm kiếm hạnh phúc của đời tôi.


[1] Nguyễn Ngọc Viễn O.P, Triết học nhập môn, 1995, tr.5
[2] Michael J. Ritt, Jr, Keys to Positive Thinking (Chìa khóa tư duy tích cực), nxb Trẻ, 2008, tr.5
[3] Nguyễn Ngọc Viễn O.P, Sđd, 1995, tr.6
[4] Nguyễn Ngọc Viễn O.P, Sđd, 1995, tr.35
[5] Karl Jaspers, Triết học nhập môn, bản dịch của Lê Tôn Nghiêm, tr.79, được trích lại bởi Nguyễn Ngọc Viễn O.P, Triết học nhập môn, 1995, tr.52.
[6] Hal Urban, Life’s Greatest Lessons (Những bài học cuộc sống), nxb Trẻ, 2008, tr.129.
[7] Vương Chí Cương, 9 tính cách cần có để thành công, nxb Lao Động – Xã Hội, 2004, tr.217.
[8] Nguyễn Ngọc Viễn O.P, Sđd, 1995, tr.15
[9] Lịch sử triết học và các luận đề, nxb Lao Động, 2004, tr.121.
[10]  Samuel Enoch Stumpf & Donald C. Abel, Elements of Philosophy (Nhập môn triết học phương tây), nxb Tổng Hợp Tp. HCM, 2004, tr.292.
[11] Lịch sử triết học và các luận đề, nxb Lao Động, 2004, tr.122.
[12] Augustine, Confessions (Tự Thuật) do ĐGM. Micae Nguyễn Khắc Ngữ dịch, 2009, tr.15.
[13] Samuel Enoch Stumpf & Donald C. Abel, Elements of Philosophy (Nhập môn triết học phương tây), nxb Tổng Hợp Tp. HCM, 2004, tr.292.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP