Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Tìm hiểu về các tôn giáo

Phật Giáo
Bart khánh

Trong Dựng Lều số 24 chúng ta đã tìm hiểu về một tôn giáo có xuất xứ và phát triển rất mạnh ở đất nước Ấn Độ là Ấn giáo. Trong bài này chúng ta tìm hiểu một tôn giáo khác cũng có nguồn gốc ở Ấn Độ, nhưng lại không phát triển mạnh như Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan đó là Phật giáo. Hiện nay trên thế giới theo thống kê tự do là khoảng 1,6 tỷ người, thống kê chuẩn gần 1,2 tỷ người là thành viên của Phật giáo.[1] (số liệu của trang web Phật tử Việt Nam). Con số này cho thấy rằng Phật giáo có sự cuốn hút với con người trong thời đại hôm này. Phật giáo ngày nay không chỉ phát triển ở châu Á mà con đang lan rộng sang các châu lục khác, có thể là do di dân hay do sự thu hút mạnh mẽ nào đó từ giáo lý của Phật giáo. Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu một cách khái quát về Phật giáo.
Khi nói đến một tôn giáo điều người ta muốn tìm hiểu là vị thần hay thượng đế được tôn thờ trong tôn giáo đó là đấng nào. Điểm khác biệt Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn theo nghĩa nào đó thì không có thượng đế. Mà phật giáo khởi đi từ một con người đó là Đức Phật Thích Ca.
1. Cuộc đời Phật Thích Ca[2]
Có nhiều truyền thuyết về Đức Phật, một trong những giai thoại thường nói đến ngài có tên là Tất Đạt Đa chào đời khoảng năm 563 trước công nguyên. Đức phật là con của vua Tịnh Phạn (Shuddhodana) và hoàng hậu Ma Da (Maya). Khi Tất Đạt Đa (Cô Đàm) chào đời đã được cha tham vấn các chuyên viên tôn giáo để xem xác thân của đứa trẻ có thông truyền những điềm gì chăng. Các vị chuyên viên này đã cho rằng đứa trẻ này được định mệnh là sẽ trở thành một con người từ bỏ thế gian hoặc trở thành một “chuyển luân”  nghĩa là người gây chuyển động và lay động thế gian và có thể đứa bé này sẽ kế thừa vua cha cai trị toàn Ấn theo nghĩa nào đó.
Khi chào đời ngài bước 7 bước, mỗi bước có một hoa sen hiện ra nâng đỡ chân ngài, ngài tuyên bố ngài là người đáng tôn thờ nhất. Vì là hoàng tử nên ngài đã sống một cuộc sống nhung lụa và được nếm trải mọi sung sướng của một người thuộc hoàng tộc. Năm 16 tuổi ngài kết hôn với công chúa Da-du-đà-la. Họ sống hạnh phúc trong cung điện trong mọi ngày và đêm. Một ngày nọ ngài cảm thấy chán chường với cuộc sống trong cung điện, dù cha ngài đã chỉ thị cho các thị vệ bít hết các cửa ngõ để cho con của mình đừng chứng kiến những cảnh chẳng hay ho gì của cuộc sống. Trong lần du ngoạn đó ngài đã chứng kiến một người lưng còng khó nhọc lê bước. Các gia nhân giải thích cho chàng biết già lão là một khốn khổ mà rốt cuộc mọi người đều gặp phải, đi sang đường khác thì gặp phải một người phong cùi đang quằn quại bên vệ đường. Các gia nhân bảo đấy là bệnh tật mà mọi người cũng sẽ gặp phải, rồi đoàn tỳ tùng cùng Cô Đàm tình cờ gặp một đám tang. Các gia nhân bảo đấy là cái chết mà chẳng ai tránh được. Truyền thuyết cho rằng chính các trình thuật ấy cho chàng Cô Đàm biết già lão đau khổ và chết chóc là số phận chung của loài người. Điều này đã giúp cho ngài suy nghĩ và đặt ra rất nhiều câu hỏi hóc búa khi chứng kiến những cảnh tượng như thế về cuộc sống.
Một lần khác Tất Đạt Đa gặp được một tu sĩ hành khất có vẻ hài lòng với cuộc sống. Vì vậy, mà ngài tìm ra được phương thuốc chữa trị 3 căn bệnh trên. Năm 29 tuổi ngài quyết định bỏ lại vợ con, bỏ sự tiện nghi và yên ổn để mưu tìm một tri thức thực tiễn về thế giới và tình trạng cõi nhân sinh. Sau 6 năm ngài cảm thấy vẫn chưa thỏa mãn được những điều mình đang tu tập, rồi một lần tình cờ dừng chân ở dưới gốc cây bồ đề, ngài mới hiểu rằng những khám phá ra bí mật của sự đau khổ trong vũ trụ đã đến. Lúc này ngài đã giác ngộ được hoàn toàn. Ngài trở thành Bouddha “người được soi sáng, được giác ngộ”. Ngài đã thoát được vòng luân hồi. Sau đó ngài giảng dạy tại thánh đô của Ấn Độ đó chính là bài thuyết pháp tại Bénarès với  chủ đề “chuyển luân” rất thời danh. Sau 45 năm rong ruổi, ngài viên tịch khi đã 80 tuổi mệt mỏi và hạnh phúc. Ngài nằm nghiêng bên phải mà vào cõi niết bàn. Xác của ngài được hỏa thiêu và di cốt được tôn kính trong những ngôi đền gọi là “Stupas”
2. Giáo lý của Phật Giáo
Đức Phật không viết lách gì hết, nhưng các bài giảng của ngài đã được truyền khẩu một cách thành kính và gìn giữ. Sau đó mới được chép lại và chú giải và sử dụng cho tới ngày nay. Trong thuyết pháp của ngài ta không thấy bóng dáng của một vị Thần (Thượng đế) chủ yếu là một nền minh triết, một quan niệm triết lý hay là một con đường để đi cho chúng sinh.
Trong bài giảng của mình Đức Phật dạy về Tứ Diệu Đế đây được xem là điều cốt lõi và cơ bản nhất của giáo lý Phật Giáo. Đức Phật nhấn mạnh về giáo thuyết của mình giống như: chiếc bè ta dùng để qua sông, một khi đã sang bờ bên kia, chẳng đời nào ta quyết định cột chiếc bè đó lên lưng và rồi tiếp tục lê bước dưới sức nặng khủng khiếp của nó. Giáo thuyết là một công cụ, một tiện ích tạm thời chứ tự nó không phải là một cứu cánh. [3] Nội dung chính yếu của Tứ Diệu Đế là:
  1. Khổ đế, đây là chân lý đầu tiên mỗi người cần giác ngộ chân lí về sự Khổ: Chân lí thứ nhất cho rằng mọi dạng tồn tại đều mang tính chất khổ não, không trọn vẹn, không mãn nguyện, không hoàn hảo và không hạnh phúc. Sinh, lão bệnh, tử, xa lìa điều mình ưa thích, không đạt sở nguyện, đều là khổ. Sâu xa hơn, bản chất của năm nhóm thân tâm, Ngũ Uẩn là các điều kiện tạo nên cái ta, đều là khổ. [4]
  2. Tập đế, chân lí về sự phát sinh của khổ: Nguyên nhân của khổ là sự bám víu, sự ham muốn, Ái, tìm sự thoả mãn dục vọng, thoả mãn được trở thành, thoả mãn được hoại diệt. Các loại ham muốn này là gốc của Luân hồi.[5]
  3. Diệt đế, chân lí về diệt khổ: Một khi gốc của mọi tham ái được tận diệt thì sự khổ cũng được tận diệt. Chắc chắn ta có một tình trạng tâm hồn hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt, an vui, mãn nguyện, tràn đầy. Tình trạng niết bàn hạnh phúc này hoàn toàn phụ thuộc vào sự buông xả bản ngã, tịnh lắng ba dòng nghiệp.[6]
  4. Đạo đế, chân lí về con đường dẫn đến diệt khổ: Phương pháp để đạt sự diệt khổ là con đường diệt khổ tám nhánh, Bát chính đạo còn gọi là Trung đạo con đường giữa không giữ khổ hạnh cũng không tìm khoái lạc, hiểu rộng là không thờ thần linh cũng không vô thần, không chấp vào có cũng chẳng chấp vào không. Không thấu hiểu Tứ diệu đế được gọi là Vô minh nghĩa là (ngu tối, nhìn lầm).[7]
Đức Phật đã khám phá ra điều quan trọng là cuộc đời là bể khổ. Muốn hết khổ thì phải dập tắt khát vọng phải diệt dục. Còn thần thánh có hiện hữu hay không, hay có linh hồn không điều đó không quan trọng. Nếu muốn thoát khỏi bánh xe “luân hồi” liên tục trong những kiếp khác là cây cối hay là thú vật, ta phải sống hết sức hòa hợp với thiên nhiên, giữ tâm hồn thư thái trong mọi hoàn cảnh, sống trung dung giữa khổ hạnh và thế tục: không tà dâm loạn dục, yêu mến sự thật, tự trọng, sống khiết tịnh khiêm nhường. Hảo tâm từ bi khổ hạnh, vui vẻ chấp nhận mọi điều trái ý. Để làm việc này, phải tin tưởng vào bản thân mình chứ đừng cậy dựa vào ai hết kể cả thần thánh.
3. Các Giáo Phái Phật Giáo
Phật giáo chia làm hai nhánh là Tiểu thừa và Đại thừa. (Tiểu thừa) là phật giáo nguyên thủy nghĩa là chính gốc ở Tây Tạng và Mông Cổ, Sri LanKa, Mianma, Thái Lan, Campuchia. Đại thừa Phật giáo Bắc truyền phát triển mạnh ở nước ta và Trung Hoa, Nhật, Triều Tiên.
a. Các điểm giống nhau của Tiểu thừa và Đại thừa[8]
  • Cả hai đều chấp nhận Đức Phật Thích Ca là bậc đạo sư.
  • Tứ Thánh Đế trong cả hai trường phái đều giống nhau.
  • Bát Chánh Đạo trong cả hai trường phái thì cũng tương tự.
  • Lý Duyên Khởi trong cả hai trường phái đều giống nhau.
  • Cả hai đều không chấp nhận tư tưởng về thượng đế tạo ra thế gian này.
  • Cả hai đều chấp nhận Tam tướng (Khổ, Vô thường, Vô ngã) và Tam vô lậu học (Giới, Định, Huệ), không có bất kỳ sự khác biệt nào.
b. Các điểm khác nhau của Phật giáo Tiểu thừa và Đại thừa[9]
Hiển nhiên là quan điểm về Bồ tát. Nhiều người nói rằng Đại thừa là quả vị Bồ tát dẫn đến quả vị Phật, trong khi đó Nguyên thủy thì đưa đến quả vị A La Hán. Tôi phải nói rằng Đức Phật Toàn giác, Độc giác và Thinh văn giác cũng là những vị A La Hán. Kinh điển Đại thừa không bao giờ sử dụng La Hán thừa. Họ sử dụng ba thuật ngữ: Bồ tát thừa, Duyên giác thừa và Thinh văn thừa. Có người cho rằng Phật giáo Nguyên thủy thì ích kỷ bởi vì dạy con người phải tìm kiếm sự cứu rỗi cá nhân. Nhưng làm sao một người ích kỷ có thể giác ngộ được? Cả hai trường phái đều chấp nhận có ba Thừa, hay ba Giác, và cũng đều công nhận lý tưởng Bồ tát là cao quí nhất. Tuy nhiên, Đại thừa đã hư cấu nhiều vị Bồ tát huyền bí. Trong khi đó, Phật giáo Nguyên thủy cho rằng Bồ tát là một con người ở giữa chúng ta, và Ngài hiến tặng trọn vẹn đời mình cho sự giác ngộ, chắc chắn sẽ trở thành vị Phật vì lợi ích của thế gian, vì hạnh phúc cho đời.
4. Kết luận
Phật Giáo nhìn nhận thế giới này luôn biến dịch và có nhiều bất toàn. Đạo Phật đã giúp nuôi dưỡng đời sống tâm linh của rất nhiều bậc khổ tu và hiền triết đi tìm sự giải thoát trọn vẹn. Đạo Phật kêu gọi hãy sống với nhau vì tinh thần hòa bình, trong đó nhấn mạnh đến việc tôn trọng sự sống và những việc làm bác ái. Mặt khác đạo Phật mời gọi con người nỗ lực sống thanh khiết và thư thái ấy trong cuộc đời này. Nhưng kết cục sau đó đã bị gẫy khúc khi kết thúc trong cõi Niết bàn mà không có Thượng Đế.


[1] Xc, http://phattuvietnam.net/12/7987.html, cập nhật ngày 7-1-2010
[2] Xc, Lưu Văn Hy và nhóm Trí Tri, Dịch, Tri Thức Tôn Giáo, tr.334
[3] Xc, Lưu Văn Hy và nhóm Trí Tri, Dịch, Tri Thức Tôn Giáo, tr.344
[4] Xc, Đặng Không Sơn, Phật Giáo, Học Viện Đa Minh, 2006, tr.13
[5] Xc, Sđd, tr.13
[6] Xc, Sđd, tr.13
[7] Xc, Sđd, tr.13
[9] Xc, Sđd, cập nhật 7-1-2010

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP