Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Tính Cách của Dòng Thánh Gia: Giáo Dân hay Giáo Sỹ ? (Phần 1)


Âu Phủ

Mặc dù Hiến pháp hiện hành của Dòng Thánh Gia ghi rõ: “Hội Dòng Thánh Gia vốn là một Dòng Tu thuộc địa phận với lời khấn đơn và có tính cách giáo dân,…” (Điều 01, khoản 1), nhưng, có thể nói, hầu hết các thành viên của Dòng không thật sự thừa nhận “tính cách giáo dân” như được chép ở đây là tính cách tht s của Dòng. Hoặc nếu một số thành viên có một phần thừa nhận tính cách giáo dân của Dòng, thì cũng đồng tình với việc xin xác định lại tính cách của Dòng là giáo sỹ. Sự nhập nhằng này đã kéo dài nhiều năm và đã góp phần tạo nên một bầu khí ngột ngạt cho Dòng. Có thể nói nó đã trở thành và đang là vấn đề tiềm ẩn đằng sau nhiều “vấn đề.”
Trước vấn đề tiềm ẩn và là vấn đề của nhiều “vấn đề” này, chúng ta có thể đưa ra hai nhận định như sau: thứ nhất, có thể là các thành viên của Dòng đang “lầm đường lạc lối,” không muốn theo ý định nguyên thủy của đấng sáng lập; thứ hai, hoặc là Chúa Thánh Thần đang tác động và các tu sỹ này đang theo sự tác động của Chúa Thánh Thần, nhưng lại chưa vượt qua được những trở ngại để thể hiện thánh ý một cách tích cực trong thực tiễn.
Để góp phần vào việc xác định nhận định nào là xác thực và rồi để biết uấn nắn đời sống tận hiến của mình, tôi cố gắng tìm hiểu và lắng nghe, rồi may ra tìm được một  kết luận thích hợp. Việc tìm hiểu của tôi được bắt đầu bằng việc tìm hiểu những giáo huấn của Giáo hội, những hướng dẫn có liên quan đến tính cách của một hội dòng. Bước kế tiếp là tìm hiểu các văn kiện và truyền thống của Dòng Thánh Gia, đối chiếu những điểm quan trọng trong các văn kiện và truyền thống của Dòng với những hướng dẫn của Giáo hội về các dòng tu, để tìm ra những dữ liệu xác định hay nói về tính cách của Dòng. Sau khi có được những dữ liệu về tính cách của Dòng, là việc lắng nghe những trăn trở của Dòng trong sự liên hệ tới hoàn cảnh xã hội hôm nay, xem những dữ liệu ấy có còn hữu ích và thiết thực hay không.
***
Giáo hội dạy gì về tính cách của một dòng tu?
Căn cứ vào Giáo luật số 588, thì tính cách của một dòng tu được xác định như sau:
“#1. Bậc đời sống thánh hiến, tự bản tính, không thuộc hàng giáo sĩ, cũng không thuộc hàng giáo dân.
“#2. Tu hội giáo sĩ là Tu hội nào, (1) do mục đích hoặc do ý định của vị sáng lập (2) hay do một truyền thống hợp pháp, được điều hành bởi các giáo sĩ, đảm trách việc thi hành chức thánh, và (3) được quyền bính của Giáo Hội nhìn nhận là Tu Hội giáo sĩ.
“#3. Còn Tu Hội giáo dân là Tu hội được (3) quyền bính của Giáo Hội nhìn nhận như thế, và do bản tính, đặc tính và mục đích, có nhiệm vụ riêng đã (1) được vị sáng lập (2) hay một truyền thống hợp pháp xác định, nhưng không bao gồm việc thi hành chức thánh.”[1]
Có ba yếu tố để xác định tính cách giáo dân hay giáo sỹ của một dòng tu: (1) do mục đích hoặc do ý định của vị sáng lập, (2) hay do một truyền thống hợp pháp, và (3) được quyền bính của Giáo Hội nhìn nhận. Tìm hiểu ba yếu tố này của Dòng Thánh Gia, thì chúng ta sẽ có được một câu trả lời thích hợp về tính cách của Dòng Thánh Gia. Tuy nhiên, trong trường hợp của Dòng Thánh Gia, thì có không ít những khó khăn trong việc làm sáng tỏ ba yếu tố này, do nhiều nguyên nhân. Để từng bước vượt qua những khó khăn và để cho việc tìm hiểu thuận lợi, chúng ta sẽ từng bước tìm hiểu từng yếu tố trên, từ khó tới dễ, từ gần đến xa, và từ cụ thể đến trừu tượng.
Đối với trường hợp Dòng Thánh Gia, để làm sáng tỏ yếu tố thứ nhất (do mục đích hoặc do ý định của vị sáng lập) là rất khó, vì không chỉ vì sự không rõ ràng trong ý định, mà ngay cả việc xác định ai là vị sáng lập thì cũng không được rõ ràng, như TH. Augustin Nguyễn Bình Phương đã nhận xét:
“Từ thời đệ tử, tôi đã được học là Dòng Thánh Gia được thành lập tại Banam, Do Đức Cha Valentin Herrgott, lập ngày 15/08/1931. Đùng một cái, hai tu huynh có học vị cao nhất nhà Dòng, đưa ra hai ý kiến khác biệt về Đấng Sáng Lập. Tu huynh Ninh Phán trong «Truy tìm căn tính Dòng Thánh Gia Việt Nam » thì cho rằng cả ba vị : Cha Pianet, Đức Cha Herrgott và Cha Giuse Vulliez là các Đấng đồng sáng lập. Cũng thời điểm đó, năm 2006, tu huynh Jean Baptiste Hạnh viết quyển «Đặc Sủng của Đấng Sáng Lập» và tu huynh đã kết luận trong một cuộc họp chung rằng Cha Pianet mới là Đấng Sáng Lập. Các bậc lão thành xưa nay vẫn xác tín rằng Đức Cha Herrgot là Đấng Sáng Lập thì không khỏi bỡ ngỡ, bọn trẻ như tôi thì chẳng biết theo ai, đành ngậm ngùi cùng nhau ca lên bài Dấu chấm hỏi của Thế Hiển: «cha ơi cha là ai… »”[2]
Chúng ta tạm thời gác qua một bên yếu tố thứ nhất này. Chờ khi tìm được một đầu mối tốt và đã lần ra được những lối đi định hướng, thì chúng ta sẽ trở lại và tìm hiểu một cách kỹ càng. Cũng vậy, vì yếu tố thứ ba (được quyền bính của Giáo hội nhìn nhận) có liên quan chặt chẽ và mật thiết với yếu tố thứ nhất (nếu muốn xét về nguyên thủy, thì phải đề cập đến sự nhìn nhận ban đầu của quyền bính Giáo hội), nên yếu tố thứ ba cũng sẽ được tìm hiểu sau. Yếu tố thứ hai (truyền thống) thì cụ thể và gần gũi với chúng ta, nên chúng ta có thể bắt đầu bằng việc tìm hiểu yếu tố truyền thống.
Truyền thống của Dòng Thánh Gia nói gì về tính cách của Dòng?
Nói một cách nôm na, truyền thống là lối sống, tập quán, và những gì liên quan đến đời sống tập thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu nói về lối sống và tập quán của Dòng Thánh Gia, thì trước tiên, chúng ta nên đề cập đến Hiến pháp của Dòng, một tập hợp những chỉ dẫn về đời sống của Dòng. Hiến pháp hiện hành (1983) của Dòng đã ghi rõ: “có tính cách giáo dân” (HP, 01.1). Nhưng ngặt một nỗi, cụm từ “có tính cách giáo dân” mới chỉ xuất hiện lần đầu trong bản Hiến pháp năm 1983 này. Nghĩa là, trong Hiến pháp được áp dụng một thời gian dài trước đây thì không có. Qua nhiều đợt tổng nghị, cùng với việc đề nghị soạn thảo lại hiến pháp là việc đề nghị bỏ cụm từ “có tính cách giáo dân” này đi.
Có lẽ vì nhiều điều bất cập của bản Hiến pháp 1983, mà việc thêm vào cụm từ “có tính cách giáo dân” là một điển hình, nên TH. JB. Trần Hữu Hạnh đã nhận định rằng bản Hiến pháp 1983 không là Hiến pháp của Dòng.[3] Nhận định này ngắn gọn quá, và không có sự giải thích thêm, nên đã gây ra một số hiểu lầm. Thậm chí, nhiều người đã cường điệu hóa khi cho rằng, nếu vậy thì hồi nào đến giời Dòng Thánh Gia không có hiến pháp. Sự cường điệu này chỉ là một sự châm chích. Chúng ta hiểu rằng, điều TH. JB. Trần Hữu Hạnh muốn nhấn mạnh đó là, Dòng Thánh Gia chỉ có một Hiến pháp, và những gì bất cập, những gì được lấy từ Dòng Thánh Gia Belley nhưng không phù hợp với Thánh Gia Ba-nam, chẳng hạn như yếu tố linh đạo mà Tu huynh đang đề cập trong bài viết của mình (và cụm từ “có tính chất giáo dân” mà chúng ta đang đề cập ở đây), trong bản Hiến pháp 1983, thì cần được chỉnh sửa lại. Dĩ nhiên, chúng ta không thể không thừa nhận Hiến pháp (1983) hiện hành là Hiến pháp của Dòng. Tuy còn nhiều điểm cần được xây dựng thêm, nhưng bản Hiến pháp 1983 là một bước phát triển quan trọng của Dòng. Từ những phát triển và đóng góp được thành hình trong bản Hiến pháp 1983, chúng ta tiếp tục đào sâu và phát huy đặc sủng của Dòng.
Như vậy, theo như tinh thần của Hiến pháp (chứ không theo câu chữ được vay mượn tạm thời), thì không có sự xác định giáo dân hay giáo sỹ một cách rõ ràng.
Hiến pháp thì như vậy, còn truyền thống trong sinh hoạt thực tiễn thì sao?
Một hoạt động thể hiện truyền thống sinh hoạt một cách phong phú và có tính lưu truyền thế hệ này tới thế hệ khác, đó là đường hướng giáo dục và đào tạo của Dòng.
Giáo dục và đào tạo của Dòng Thánh Gia xưa nay thể hiện tính cách giáo sỹ hơn là giáo dân. Bằng mọi phương tiện và cố gắng, Dòng luôn hướng tất cả các thành viên đến việc hoàn thành chương trình huấn luyện cho linh mục. Hiện thời, nhiều kinh sinh trẻ đang theo học chương trình ở Liên học viện, chương trình của các dòng giáo sỹ, và một số Tu huynh đang theo chương trình Chủng viện. Hiện thời thì như vậy, và trước đây thì cũng như vậy. Khi có khả năng và điều kiện, là sẽ theo chương trình đào tạo linh mục. Ngay cả đối với những Tu huynh đã có những chuyên môn, thì cũng được đề nghị và yêu cần hoàn thành chương trình cho linh mục, chứ không phải là thần học cho giáo dân.
Đường hướng giáo dục và đạo tạo này được bắt đầu từ rất lâu và rất sớm, ngay từ những năm 1970, khi mà một số Tu huynh đã có khả năng và điều kiện để theo học. Chỉ một số ít theo học chương trình thần học giáo dân mà thôi, vì nhiều lý do, nhưng chính yếu vẫn là chưa đủ khả năng và điều kiện. Phương hướng giáo dục này có thể được xem như là một quán tính; và khi nói đến “quán tính,” thì dù là vô hình, ta vẫn có thể hình dung về một lực chi phối và quyết định đến hướng đi và đích đến. Đối với Thánh Gia, nếu không có tính cách giáo sỹ, thì sao hướng giáo dục lại cứ phải là hoàn tất các chương trình cho linh mục?
Nếu Dòng không có tính cách giáo sỹ, mà giáo dục và đào tạo lại mang đậm nét giáo sỹ, thì những trăn trở, stress, và bất mãn sẽ không bao giờ chấm dứt trong Dòng. Bởi lẽ, theo tính tự nhiên của con người, mỗi hoạt động của con người đều bị chi phối bởi tính mục đích và hiệu quả. Ngay cả đời sống của con người cũng là một quá trình theo mục đích. Biết rằng chúng ta có mục đích siêu nhiên, nhưng sự thật là chúng ta đang sống giữa thế giới tự nhiên. Như thế, làm sao mà chúng ta có thể dễ dàng thoát ly khỏi sự cám dỗ của những diễn biến và trình tự của tự nhiên. Tình trạng lưỡng nan này quả là một thử thách trường kỳ cho các tu sỹ Thánh Gia. Những ai đã hoàn thành nhưng lại không hề thấy đích đến và ý nghĩa của sự hoàn thành, dù là đích đến và ý nghĩa trần tục, thì dễ gì có được một tâm trạng thanh thản. Chúng ta đọc kinh Lạy cha hàng ngày, “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ,” nhưng lại vẫn để các thành viên của Dòng trước sự cám dỗ, thì hỏi rằng làm sao có thể dễ dàng tránh được tình trạng bất mãn và hiềm khích?
Sau vấn đề hiến pháp và đào tạo, vấn đề cần quan tâm tiếp theo, đó là thực trạng thực hành việc xin và lãnh nhận tác vụ linh mục.
Chúng ta thấy rằng, hễ ai có thể xin chịu chức linh mục được, là Dòng sẵn sàng xin và ủng hộ. Có thể nói, Dòng đã tận dụng hết những phương tiện mà mình có để giúp cho các phần tử của mình được là linh mục. Ở Việt Nam cũng vậy, và ở nước ngoài cũng vậy, việc xin lãnh tác vụ linh mục cho các thành viên của Dòng như là một tập quán không văn tự của Dòng. Như chúng ta thấy, trong số mười Linh mục của Dòng, thì đã có ba Linh mục được chịu chức tại Pháp. Điều này cho thấy, dù chưa nói ra được thành lời, thì từ trong tiềm thức thực hành, Dòng đã thể hiện mình có tính cách giáo sỹ từ lâu rồi. Nhưng vấn đề là, truyền thống này có tính hợp pháp không? Con số 10 Linh mục đang được nhìn nhận và làm việc trong Giáo hội, tự bản thân nó đã trả lời cho câu hỏi này. Nói như thế có phần hơi chủ quan, vì tính cách hiện thời của Dòng được giáo quyền nhìn nhận hiện thời là giáo dân, nhưng để cho khách quan, thì chúng ta cũng cần tìm hiểu về sự nhìn nhận ban đầu của thẩm quyền Giáo hội khi Dòng được chính thức thành lập.
Từ sự tìm hiểu trên, có thể nói rằng, truyền thống mà các thành viên của Dòng Thánh Gia đang sống, truyền thống được thể hiện cụ thể qua những lĩnh vực mà ta có thể nhìn thấy, sờ mó, và kiểm chứng được, đã nói lên rằng, Dòng Thánh Gia có tính cách giáo sỹ. Tuy nhiên, truyền thống có thể được thay đổi và có thể là không chính thống. Để tìm hiểu xem truyền thống của Dòng Thánh Gia có tính chính thống và tính cách thể hiện như là giáo sỹ có tính nguyên thủy không, chúng ta tìm hiểu trở ngược về quá khứ, về thủa ban đầu, xem mục đích hay ý định của vị sáng lập như thế nào. Nhưng trước khi tìm hiểu về ý định của vị sáng lập, thì chúng ta cần tìm hiểu một cách rõ ràng, ai là vị sáng lập.
Vị sáng lập Dòng Thánh Gia là ai?
Để tránh tình trạng võ đoán và chủ quan, chúng ta từng bước tìm hiểu theo sự hướng dẫn của Giáo hội. Theo như Giáo luật số 607. 2, để là một hội dòng thì cần các  yếu tố căn bản: (1) hiến pháp hay luật riêng của dòng, (2) lời khấn công (lời khấn mang danh nghĩa giáo hội), và (3) có đời sống chung mang tình huynh đệ. Thêm vào đó, theo như Giáo luật số 573. 2, thì một hội dòng với những yếu tố trên chính thức được thành lập khi (4) có sự phê chuẩn của thẩm quyền của Giáo hội. Và theo như Giáo luật số 578, gia sản của hội dòng là những ý định của vị/ các vị sáng lập, những ý định  (4) đã được thẩm quyền Giáo hội phê chuẩn; và (5) gia sản này phải được trung thành duy trì bởi tất cả các thành viên của Dòng.
Dựa vào những hướng dẫn trên, chúng ta có thể nhận định rằng, Cha Pianet không phải là vị sáng lập. Cha có công trong việc thành lập Nhà giảng giáo lý (1905), và Dòng Thánh Gia được thành lập từ nhân sự và trên cơ sở Nhà giảng, nhưng thực ra, đây là hai thực thể khác nhau. Thực ra, không có sự chuyển tiếp từ Nhà giảng sang Hội Dòng, nhưng đây là sự thay thế. Có thể nói, Nhà giảng như là một biến cố có sự tác động đến sự hình thành của Dòng Thánh Gia, chứ Nhà giảng không là nguyên lý và khuân mẫu cho sự hình thành. Ngoài việc không có lời khấn và không có chuẩn nhận của thẩm quyền Giáo hội, Nhà giảng không là khuân mẫu cho Dòng Thánh Gia về đời sống chung trong tinh thần huynh đệ, không có những truyền thống, tập quán, lối sống, và cũng không có những quy luật đặc thù, để Dòng Thánh Gia noi theo, tiếp nối và duy trì. Đã có sự đứt quãng và có một sự thay thế ở đây. Có thể so sánh sự đứt quãng và thay thế như thế với một điển hình cụ thể như trường hợp mẹ Teresa thành Calcutta. Cũng vẫn là mẹ Teresa, nhưng sau khi rời một dòng (the Sisters of Loreto), thì cũng từ một nữ tu đó, một dòng hoàn toàn mới được thành lập (Missionaries of Charity). Nơi nữ tu Teresa, đã có sự thay thế.
Mặt khác, chúng ta cũng thấy rằng, việc thành lập Nhà giảng của Cha Pianet như là một hoạt động mục vụ của ngài, chứ đó không là lối sống của ngài và ngài đã không suốt đời sống với tinh thần một phần tử của Nhà giảng và với tinh thần của một giảng viên. Có thể có trường hợp một vị nào đó được xem là vị sáng lập của một dòng nào đó, ngay cả khi vị đó chết trước khi dòng đó được thành lập, chẳng hạn như, Charles de Foucauld (1858-1916) được xem là vị sáng lập của Dòng Tiểu Đệ (được thành lập 1933). Vì sao Charles de Foucauld được xem là vị sáng lập của Dòng Tiểu Đệ? Vì Charles đã viết ra hiến pháp với việc xác định bản chất, linh đạo và sứ vụ cho Dòng Tiểu Đệ, không trên giấy tờ, nhưng qua khuân mẫu đời sống của chính Charles. Nói một cách khác, ý định, hiến pháp và lời khấn của Dòng Tiểu Đệ chính chính là những gì được tiếp nối và noi theo từ khuân mẫu đời sống của Charles. Trường hợp của Cha Pianet đối với Dòng Thánh Gia thì khác: không có sự tiếp nối như thế.
Cũng dựa vào những tiêu chí trên, chúng ta cũng nhận thấy rằng, Cha Alphonse Blondet và Cha Joseph Vulliez không là những vị sáng lập. Tuy rằng Cha Joseph Vulliez có công rất lớn trong việc soạn thảo hiến pháp, củng cố và xây dựng Dòng, nhưng công việc ngài làm là do thừa hành và theo ý Đức Cha. Hơn nữa, khi ngài giữ trách nhiệm trên Hội Dòng, thì Dòng đã chính thức được thành lập, đã có hiến pháp, đã có lời khấn, và đã có sự phê chuẩn của quyền bính của Giáo hội. Sau khi hoàn thành trách nhiệm được giao phó và các thành viên của Dòng đã đủ trưởng thành để tự cai quản, thì ngài đã rời Hội Dòng và tiếp tục công việc coi xứ của ngài. Ngài có công trong việc xây dựng và phát triển, nhưng không phải là vị sáng lập.
Vị sáng lập Dòng Thánh Gia là Đức cha Valentin Herrgott.
Chỉ dụ lập dòng và thư gửi Thánh Bộ Truyền Giáo trình bày về lý do lập dòng của Đức cha Valentin Herrgott[4] đã chứng minh điều này, và đã thỏa mãn tất cả những yếu tố như đã được đề cập ở trên. Chúng ta có thể làm một bản đối chiếu ngắn gọn sau:
(1) hiến pháp hay luật riêng của dòng – “Ta ban luật phép sau này cho Nhà Dòng. Luật phép ấy có hai phần, và cả thảy được mười chín đoạn.”
(2) lời khấn công (lời khấn mang danh nghĩa giáo hội) – Cha Alphonso Blondet làm Bề trên, và Cha Alphonso Nguyễn Thiên Tứ làm Tập sư (Chuẩn bị cho lời khấn và nhận lời khấn); “sáng lập một nhà dòng với lời khấn đơn cho người nam (đàn ông)”
(3) có đời sống chung mang tình huynh đệ - “trong nhà mới lập gần Trường Thầy Giảng, để làm nhà Tập và nhà Thử,” và có Bể trên (thừa hành theo ý Đức cha Herrgott) “cai quản Nhà Dòng.”
(4) có sự phê chuẩn của thẩm quyền của Giáo hội – “ta ban chỉ dụ này mà lập tại Ba Nam, tỉnh Prayveng (Cambodge)…”
(5) gia sản này phải được trung thành duy trì bởi tất cả các thành viên của Dòng – “chúng tôi đang tìm kiếm những người cộng tác quý giá từ mấy năm rồi để truyền giáo cho những người ngoại.”
Đức cha Valentin Herrgott là Đấng Bản quyền, và đồng thời ngài cũng là vị sáng lập Dòng Thánh Gia. Với đặc sủng sáng lập, ngài đã hình thành nên một Hôi Dòng, với những khởi đầu khiêm tốn như chính ngài đã ý thức được: “Ý ta muốn cho giữ thử trong vòng mười năm kể từ ngày 15/08/1931.” Ý thức về sự phát triển và tương lai có sự thay đổi này của Đức cha Herrgott có một ý nghĩa hết sức quan trọng, và nó có thể được xem như là một đặc điểm trong bản chất và đặc trưng trong sự phát triển của Dòng. Ý thức này của ngài đồng thời, không chỉ nói lên rằng ngài quan tâm đến, nhưng đồng thời cũng nói lên rằng ngài đang sống cùng Dòng Thánh Gia, cùng với những khó khăn, thách đố và sự đang tìm kiếm. Ngoài ra, tinh thần Dòng và vai trò như một vị sáng lập của ngài còn được thể hiện qua việc ngài ban các “luật phép” cho Dòng và việc cử người coi sóc Hội Dòng.
Sau khi xác định được vị sáng lập và một số đặc điểm của Dòng, chúng ta giờ đây có thể trở lại việc tìm hiểu yếu tố thứ nhất trong điều 588 của Giáo luật, yếu tố nói về tính cách của Dòng theo ý định hoặc mục đích của vị sáng lập.

(Còn tiếp)


[1] Các trích dẫn về Giáo luật trong bài viết này được trích dẫn từ Bộ Giáo Luật (1983), bản dịch của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
[2] http://www.dongthanhgia.org/Chia%20Se/khunghoangcantinh.htm, truy cập ngày 09 tháng 11, năm 2009.
[4] Hai văn kiện này được trích dẫn trong Hiến Pháp Dòng Thánh Gia Việt Nam (Long Xuyên, 1983), tr. 3-5.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP