Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

NGƯỜI KITÔ HỮU VÀ SỰ PHỤC SINH


Có thể là một người Kitô hữu mà không tin vào sự phục sinh của Đức Giêsu và của chính mình hay không?
Tôi có thể trả lời ngay rằng: Không được. Cũng vậy, đức tin Kitô giáo đặt nền tảng trên sự Phục Sinh! Tuy nhiên, điều này đáng phải suy nghĩ. Trong thực tế có nhiều người xưng mình là Kitô hữu nhưng không tin vào sự Phục Sinh. Theo một vài cuộc điều tra, có tới gần 25% những người này. Điều đó không phải vô nghĩa và nó đặt ra một câu hỏi khác:
Phục Sinh là gì?
Nếu sự phục sinh là bắt đầu lại một cuộc sống sinh học, nếu là thấy những tế bào của cơ thể chúng ta tái hợp trở lại để làm chúng ta tái sinh bằng xương bằng thịt, nếu là đi ra khỏi mồ,... thì bây giờ chẳng ai tin như vậy cả. Và người ta có lí do để không tin điều đó, bởi vì đó không phải là sự phục sinh mà các trình thuật Tân Ước kể lại. Một cách rất kinh ngạc, các trình thuật Tin Mừng chỉ cho chúng ta thấy rằng, sau cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, các môn đệ của Người đang bối rối, trải qua một kinh nghiệm rằng, cái chết không phải là kết thúc đối với Đức Giêsu. Nhưng trái lại, Người trở nên hiện diện đối với họ một cách khác. Để diễn tả điều này, họ dùng rất nhiều diễn ngữ: “Người đã chỗi dậy”, “Người đã thức dậy từ trong kẻ chết”, “Người lên với Chúa Cha”, bây giờ “Người ở trong vinh quang của Chúa Cha”, nghĩa là trong chính Thiên Chúa. Tất cả những diễn nghĩa này về sau được dịch sang tiếng La tinh bởi từ Phục Sinh. Nó không liên quan đến thần khí của Đức Giêsu nhập thể lại trong một thân xác sinh học mới. Như vậy sự phục sinh không có gì giống với một sự luân hồi nào đó. Sự phục sinh có liên quan đến một sự hiện diện cá nhân mà các môn đệ khám phá ra mà trước đó họ không bao giờ mong đợi. Một vài người nói rằng Đức Giêsu đã hiện ra với họ. Một số người phải mất nhiều thời gian để tin điều đó, và những người khác thì “không thấy mà tin”, nghĩa là họ cảm thấy sự hiện diện mới mẻ của Đức Giêsu trong thâm tâm của họ. Sự hiện diện mà các người được Đức Giêsu ưu ái hiện ra đã làm chứng.
Đức Giêsu mở ra một con đường
Điều mà các môn đệ của Đức Giêsu gọi là Phục sinh đã mở ra cho các ông một cách thức mới để hiểu sự hiện hữu của con người và tương lai của thế giới. Sự sống thật chính là ban tặng sự sống, từng ngày... cho tới ngày tận thế. Và bởi vì, sự sống này không đến một cách ngẫu nhiên, mà đến từ tình yêu của Đấng làm cho chúng ta hiện hữu, và chúng ta gọi Ngài là Thiên Chúa. Sự sống này sẽ không rơi vào quên lãng. Đối với các môn đệ, Đức Giêsu đang sống trong Thiên Chúa. Ngài trở thành “trưởng tử của một đàn em đông đúc” theo cách nói của thánh Phaolô. Thánh nhân còn nói thêm rằng chúng ta có thể sống như Đức Giêsu: đón nhận cuộc sống mỗi ngày như là một ân sủng nhưng không, tin tưởng vào lời hứa của Đấng mà Ngài gọi là “Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em”, Đấng cho chúng ta hiện hữu và không để chúng ta hư mất sau khi chúng ta chết.
Nhưng Giáo hội nói tới sự phục sinh của thân xác
Đúng là phải trở lại câu hỏi này. Như đã nói ở trên, sự phục sinh không liên quan đến những tế bào sinh học của chúng ta. Điều này không phải là trường hợp phục sinh của Đức Giêsu, cũng sẽ không phải là trường hợp của chúng ta. Đối với Đức Giêsu cũng như đối với người Do thái lúc bấy giờ, chẳng ai suy luận với những quan niệm trừu tượng cả. Với họ thân xác có nghĩa là điều kiện con người, là cuộc sống của mỗi người được xây dựng trong các mối tương quan với tha nhân và với các thự tế xã hội. Những người Kitô hữu đầu tiên đã gặp gỡ một con người thật bằng máu bằng thịt. Sau cái chết của Đức Giêsu, họ đã trải nghiệm rằng sự sống của Đức Giêsu vẫn tiếp tục. Họ cảm thấy rằng đó không phải là ma. Họ đã ăn uống với Ngài. Họ đã đụng chạm tới các vết thương của Ngài, và họ đã nói: “Đó chính là Ngài”. Sự sống máu thịt đã biến đổi, nhưng thật sự vẫn hiện hữu.
Một đời sống mới
Như những môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu, chúng ta có thể khám phá ra rằng Thiên Chúa có thể biến đổi thân xác bằng máu và bằng thịt của chúng ta. Cũng như các ông, chúng ta khám phá ra một sự huynh đệ mới với tất cả mọi người, một phương thức mới để hiểu sự sống như là lời đáp trả với lời hứa của Đấng là Cha của Chúng ta; một cách sống mới trong một xã hội cũng đang biến đổi ích kỉ thành tình yêu nhưng không. Những Kitô hữu đầu tiên diễn tả đời sống mới này bằng những dấu chỉ, như là nước thánh tẩy (“nguồn mạch tuân trào đến sự sống đời đời”, như Đức Giêsu đã nói), như bánh trong bữa tiệc thánh lễ, nơi Đức Giêsu vẫn tiếp tục biến sự sống Ngài trở nên bánh nuôi sống chúng ta.
Có được sự sống đời đời không?
Đời sống này cũng không khép kíp trong chính mình mà mở ra với Thên Chúa và với tha nhân. Đời sống cho đi này đã để sự chết lại phía sau. Như thế sự sống này mạnh hơn sự chết. Đó là điều Đức Giêsu gọi là sự sống đời đời. Tất cả xác thịt của chúng ta, căn tính riêng biệt của từng người, điều làm cho mỗi người chúng ta là một hữu thể duy nhất, nói tóm lại, máu thịt của chúng ta dần dần được biến đổi và đi ngang qua sự chết. Và như thế, vào giờ phút đó, chúng ta có thể “kiện toàn” đời sống mình, giống như Đức Giêsu, trong sự tin tưởng vào Thần Khí của Thiên Chúa, Đấng không cho phép nó rơi vào quên lãng.
Tôi rất thích câu nói của Madeleine Delbrêl, một Kitô hữu của thế kỉ 20, bà viết rằng: “Đức Giêsu đem đến cho chúng ta điều gì? Ngài đã đến dạy chúng ta làm thế nào để có được sự sống đời đời ngay từ bây giờ và ngang qua sự chết mà không đánh mất nó”.
Như thế, nếu trong chiều hướng này chúng ta có thể hiểu được sự phục sinh, liệu chúng ta có thể tin và kí thác được không? Không chỉ tin tưởng một cách mù quáng vào lời chứng của các phụ nữ đã thấy ngôi mộ trống hoặc vào các môn đệ đã nói thấy Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra với họ. Nhưng tin tưởng bởi vì chính chúng ta cảm nghiệm được rằng con đường mà Đức Giêsu đã đi trong cuộc sống và qua cái chết, sẽ mở cho chúng ta cánh cửa mà chúng ta cũng có thể bước qua…
Père Dominique Fontaine, Mission de France
(Thông Phán chuyển ngữ)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP