Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

TÌNH HUYNH ĐỆ


Trong câu chuyện người con hoang đàng trở về, chúng ta thường chú ý đến nhân vật chính là đứa con hoang đàng. Sau khi phung phí hết gia tài, anh ta lâm vào bước đường cùng, đến nỗi ước ao một bát cám heo ăn cho đỡ đói. Bấy giờ anh ta mới tỉnh ngộ, hối hận, quyết lên đường trở về nhà Cha. Trong hai anh em không ai để ý đến người anh cả.
Người anh cả, đó là một gã lực điền hay làm; nhất nhất đều vun vén chăm nom việc nhà việc cửa; nhất nhất đều vâng lời cha già, dù đã lớn tuổi. Một ngày như mọi ngày, anh đi làm đồng về, nhưng hôm nay có điều gì khác lạ? Ở xa đã văng vẳng tiếng đàn tiếng sáo, tiếng người í ới gọi nhau, tiếng người hoan ca nhảy múa. Nhà hôm nay có đám gì thế này mà mình không biết? Cậu cả phải kéo một tên gia nhân ra gạn hỏi mới rõ ngọn ngành. Cơn tức giận như hành sống sực lên mũi … Này bạn, nếu bạn ở vào trường hợp éo le như anh ta, bạn sẽ làm gì? Mình đã cúc cung tận tụy, hùng hục làm lụng như trâu như bò để vun vén cho gia đình, vậy mà nay cái thằng con phá gia chi tử ấy mò về, ông già lại làm tiệc khoản đãi, để rồi ra, hắn sẽ lấy một khoản nữa mà đi. Ông già đã bị hơi lẩm cẩm rồi. Tức cánh hông, cậu cả nhà ta từ chối vào nhà.
Nói như thế nào đây? Cậu cả, tấm gương tiên tiến điển hình của tinh thần gia đình, giờ đây lại từ chối thành viên của gia đình! Ai cũng nghĩ anh có quyền ăn quyền nói trong nhà. Vậy mà anh ta đứng ngoài nhà! Và để có thể bước qua ngưỡng cửa vào nhà, anh còn phải học một bài học cốt lõi nữa. Đơn giản thôi, bài học ấy nói rằng: Muốn thực sự là con của Cha, anh phải chấp nhận người em của mình. Người em hoang đàng phá của, bảo rằng sám hối cũng đành là sám hối, nhưng nó là đứa ném của nhà qua cửa sổ, ăn nhậu với bọn đàng điếm, kết bè với bọn bất lương, thật khó chấp nhận. Nên Cha già phải khuyên nhủ năn nỉ mãi anh ta mới chịu vào, chấp nhận người em.
Khi chúng ta chú ý đến người anh cả này, chúng ta mới nhận ra rằng: Đây là một câu chuyện về tình huynh đệ. Một tình huynh đệ không những về máu huyết thân tộc, mà trước hết là một tình huynh đệ tình yêu. Điều này đòi hỏi chúng ta phải hoán cải, thay đổi thực sự. Hãy đến với người khác và sống với họ trong tình anh em. Muốn được là con Cha, phải tập là anh em của mọi người “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình thì vẫn còn ở trong bóng tối, ai thương yêu anh em mình thì ở lại trong ánh sáng” (1Ga 2, 9-10).
Trong xã hội ngày nay, tình huynh đệ đã và rơi vào một khủng hoảng trầm trọng do mỗi người chỉ biết lo cho chính bản thân mình, còn ai chết mặc kệ, nghe nói tới đó, thật là phủ phàng và nghiệt ngã. Điều này do ảnh hưởng bởi lối sống thực dụng và nghiêng chiều về bản ngã quá lớn. Đặc biệt trong lớp người trẻ hiện nay, họ sống vội, sống buông, sống hôm nay không biết ngày mai. Họ luôn luôn cho mình là chính mà không biết những người xung quanh đang nghĩ họ thế nào? Mặc kệ! Từ đó, cái cụm từ “Huynh đệ” đối với họ sao mà xa lạ và lạ lẫm.
Cụm từ “Huynh đệ” sao mà thân thương làm sao ấy! Riêng bạn, bạn nghĩ như thế nào? Chắc bạn cũng có tâm trạng như tôi. Tôi sống trong một gia đình rất đông anh chị. Tôi cảm nhận rất sâu sắc về hai từ “Huynh đệ”. Các anh chị tôi thương tôi nhiều lắm. Họ nhường cho tôi mọi thứ: từ chuyện ăn cho đến học hành. Họ luôn dành về mình những thiệt thòi và thiếu thốn, còn tôi thì luôn đầy đủ. Giờ đây, tôi đang ngồi nơi này và nhớ lại, tôi luôn nhớ đến tình và nghĩa mà họ đã dành cho tôi.
Nhìn lại những thực trạng xã hội hôm nay, tôi cảm thấy rất đau lòng vì tình huynh đệ không còn như ngày xưa. Ngày xưa dù người ta sống trong sự thiếu thốn nhưng họ luôn quí nhau, yêu thương nhau, bênh vực nhau ... Ngày nay không còn được như thế nữa vì lợi lộc trước mắt mà họ xâu xé nhau, bán rẻ tình huynh đệ của mình. Thật là đau lòng phải không các bạn! Tôi còn nhớ bài học ở trường tiểu học mà thầy cô đã dạy cho tôi về tình huynh đệ.
“Làm anh khó đấy
Phải đâu chuyện đùa
Có đồ chơi đẹp
Anh nhường phần em”
Một tình huynh đệ quá đẹp, quá tuyệt. Tôi nghĩ chúng ta nên thay đổi não trạng của mình để quay về với lối sống tốt đẹp như ngày xưa cha ông ta từng dạy dỗ và khuyên nhủ. Giống như anh cả trong câu chuyện, anh ta đã thay đổi từ tư tưởng không chấp nhận sang chấp nhận dù em mình có hư hỏng đến đâu đi nữa, đó cũng là em mình. Hãy biết giúp đỡ những người biết quay về nẻo chính đường ngay và biết bao bọc họ trong tình huynh đệ.

Hải Voi

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP