Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

SỢ


Được sinh ra là một con người với thân phận mỏng dòn, với một vài khả năng chưa được hoàn thiện nên con người mang trong mình muôn vàn nỗi sợ hãi: nào là sợ người khác, sợ những biến chuyển của thiên nhiên, sợ chính mình và nhất là với người Ki-tô hữu cái sợ nhất đó là sợ chính Chúa. Thật là tai hại khi mà Đấng ta tôn thờ, tin tưởng; Đấng là Tình Yêu, là chỗ dựa và nhất là Đấng luôn an ủi những tâm hồn sầu khổ vậy mà ta lại sợ. Không biết người tín hữu sợ gì, mà đúng ra là họ phải cảm nhận được sự bình an và hạnh phúc khi mà làm những việc tôn thờ Chúa của mình. Phải chăng là họ đã được dạy để hiểu về một Thiên Chúa Tình Yêu không đúng? Phải chăng là họ đã không thấy được, không cảm được Thiên Chúa Tình Yêu là thế nào khi mà các hình ảnh sống động của Thiên Chúa – các vị mục tử – không họa lại được hình ảnh Thiên Chúa Tình Yêu?
Người tín hữu sợ Thiên Chúa của mình vì đã được giảng dạy về Chúa cách sai lạc từ những người có trách nhiệm. Một nền giáo lý dạy để cho người ta sợ hơn là để cho người ta cảm nhận được tình yêu thương của Thiên Chúa. Tội là một trong những điều khiến cho người ta bối rối nhất. Những vấn đề được làm hay không được làm, phải làm hay không, … tất cả là những luật mà người tín hữu được học làm cho họ bị què quặt trong cuộc sống. Họ giữ đạo vì sợ hơn là vì vui mừng. Luật Chúa đâu phải là như vậy, không phải Chúa dạy là mến Chúa và yêu người thôi sao? Tất cả những luật khác nếu không nhắm đến hai việc đó thì là chưa đúng với ý Chúa muốn. Vậy mà người tín hữu sợ bị xuống hỏa ngục nếu không đi nhà thờ ngày Chúa nhật, … và họ không còn nghĩ được rằng đó là ngày để họ nghỉ ngơi và có thời gian nhiều hơn để nói chuyện với Chúa. Trái lại, đó như là một gánh nặng đối với họ. Đến nhà thờ họ không cảm được là đi gặp Chúa mà giống như là đi trả nợ hay là đi mua vé để mà có chỗ trên thiên đàng. Có thể chúng ta đã giảng dạy dựa vào tâm lí bình dân để hù dọa hơn là để hướng dẫn. Để bắt chẹt nhau hơn là để chia sẻ và yêu thương nhau đó là điều ta thường thấy giữa những vị có chức sắc trong Giáo hội với giáo dân của mình.
Họ sợ vì vẻ uy nghi, quyền hành của những hình ảnh Đức Giê-su được họa lại qua các vị chủ chăn trong Giáo hội. Đức Giê-su đã nói với các môn đệ khi mà các ông đã chặn không cho những đứa trẻ đến với Người: hãy để chúng đến với Ta vì Nước Trời là của những ai giống như chúng. Qua đó ta thấy, nếu Đức Giê-su không dễ gần thì chắc chắn các trẻ em không bao giờ dám đến quấy rầy Người. Người phải là một người rất dễ thương, dễ mến. Hình ảnh đó ta rất khó tìm thấy nơi những vị chủ chăn trong Giáo hội thời nay. Đức Giê-su đã giảng dạy dân chúng và họ đã bị Người thu hút đến nỗi quên cả thời gian. Vì sao lời Đức Giê-su có sức thu hút đến vậy? Tôi thiết nghĩ đó là Người làm việc theo Thánh Ý Cha của Người. Người không bao giờ làm theo ý riêng mình mặc dầu Người cũng là Thiên Chúa. Người làm việc cùng với Cha của mình tức là Người thường cầu nguyện với Chúa Cha, trước và sau khi hoàn thành công việc của mình. Còn những vị mục tử của chúng ta ngày

nay thì sao? Có thể là các ngài bận quá nhiều công việc trần thế nên tâm hồn các tín hữu cũng chẳng được ích lợi bao nhiêu vì những lời giảng dạy của các ngài đã không được chuẩn bị bằng những lời cầu nguyện với Thiên Chúa.
Chúng ta – người tín hữu – sợ Thiên Chúa, sợ phải bị Chúa phạt, vì sợ như thế nên ta không thể nào mà cảm nhận được Thiên Chúa Tình Yêu là thế nào và điều đó thật là một thiệt thòi lớn làm cho chúng ta bị thụ động trong việc tôn thờ Thiên Chúa. Phải thay đổi não trạng của mình bằng việc suy nghĩ tích cực hơn trong việc mến Chúa yêu người. Không phải chỉ giữ đạo nhà thờ mà phải có Chúa trong chính cuộc sống của mình trong mọi nơi mọi lúc, có như thế là ta đã cảm nhận được phần nào tình yêu của Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Và như vậy cõi lòng ta mới thênh thang hơn trong cuộc sống tương quan với Chúa và với những người chung quanh.

Bruno Vinh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP