Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Linh Động và Linh Tinh trong Đời Tu



Nhìn vào thực tế, chúng ta thấy bất cứ ở đâu, nơi thiên nhiên hay nơi con người, cũng phải có kỷ luật hay qui luật. Trong thiên nhiên mọi vật phải hành động theo một qui luật  đã được ấn định như trái đất, mặt trăng phải quay theo một quĩ đạo nhất định để có thể phân định ngày đêm, năm tháng. Cây cối phải theo một quá trình: gieo hạt, nảy mầm, lớn lên, sinh hoa, kết quả. Trong xã hội hay cộng đoàn cũng vậy, cũng cần phải có những kỷ luật hay quy luật để bảo đảm lợi ích cho cộng đoàn và từng cá nhân. Điều này là bởi vì kỷ luật là những phép tắc đặt ra để ngăn ngừa sự phóng túng, có thể làm hại cho bản thân hay cho người khác.  Người ta có thể ví một đời sống có kỷ luật như một tòa nhà có họa đồ kích thước: Muốn tròn phải có khuôn, muốn vuông phải có thước. Cách chung, có hai loại kỷ luật: kỷ luật bắt buộc và kỷ luật tự nguyện. Kỷ luật trong đời tu là loại kỷ luật tự nguyện. Trong nhà tu kỷ luật hay nội quy nhằm hoàn thiện con người mình và bảo vệ lợi ích chung cho cộng đoàn.
Do đó, kỷ luật, nội quy trong một nhà tu hay một cộng đoàn tu trì phải được thực thi một cách nghiêm ngặt, minh bạch và công bằng vì “yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các giới răn của Ngài” (1Ga 5,3). Tuy nhiên, kỷ luật không là mục đích nhưng chỉ là phương tiện giúp giữ vững ơn gọi riêng của mình. Chính vì vậy, tuân giữ kỷ luật không phải là chỉ giữ luật theo mặt chữ nhưng chính là sống theo tinh thần của kỷ luật. Kỷ luật không là một bản văn cứng nhắc nhưng đôi khi nó cũng phải được áp dụng, tuân giữ với chút linh động nhằm đem lại ích lợi cho cộng đoàn và niềm vui cho các thành viên trong cộng đoàn.
Linh động
Linh động có thể được xem như là hình thức miễn chuẩn hay đặc ân. Nghĩa là ta có thể uyển chuyển về thời gian, không gian, đối tượng khi giữ kỷ luật trong những trường hợp đặc biệt hay ngoại lệ. Linh động trong thi hành kỷ luật được thực hiện bởi người ra kỷ luật và người giữ kỷ luật. Nghĩa là, trong một cộng đoàn tu trì sự linh động đó có thể được linh động bởi ngay cả bề trên hay bề dưới. Đối với bề trên cộng đoàn mục đích của việc linh động thường là nhằm mang lại lợi ích cho cộng đoàn. Chẳng hạn, thay vì họp cộng đoàn vào thứ bảy hàng tuần, nhưng nếu vào ngày lễ hay đặc biệt gì đó, thì buổi họp cộng đoàn được dời qua ngày khác. Mục đích của việc này là nhằm cho các thành viên trong cộng đoàn có thời gian tham quan giải trí cho “phấn khởi đời tu”. Hoặc là bề trên cộng đoàn có thể linh động cho một bề dưới được phép làm một việc hay đi ra ngoài mà theo luật thì không được phép. Mục đích của việc này cũng là nhằm mang lại lợi ích gì đó cho chính thành viên được linh động. Một sự linh động với những lợi ích như vậy là điều cần thiết và ai cũng mong muốn. Tuy nhiên, sự linh động này không phải lúc nào cũng mang lại những mục đích tốt đẹp và lợi ích như vậy. Nguyên nhân là có thể do cả bề trên và bề dưới. Nguyên nhân do bề dưới, như Pascal đã nói: “Con tim có lý lẽ mà lý trí không thể hiểu được”. Cũng vậy, bề trên có những lý lẽ mà bề dưới không thể hiểu được. Chính vì nhẽ thường tình nhưng khó hiểu hay cũng có thể là chưa hiểu, nên những người được linh động thì vui, ngược lại những người không được linh động thì cảm thấy “ta buồn mà không biết sao ta lại buồn”! Còn nguyên nhân thứ hai là khởi đi từ bề trên của cộng đoàn. Điều này cũng dễ hiểu, cho dù là bề trên hay “thượng bề trên” đi nữa thì cũng vẫn là con người nên vẫn có những tình cảm, tâm lý thích người này, mến người kia hơn một chút trong một cộng đoàn. Cho nên cho dù khi làm việc, vẫn cố gắng phấn đấu dùng lý trí hơn là tình cảm nhưng cũng không phải lúc nào cũng làm được. Do đó, đôi khi có một chút “tình cảm” trong việc linh động nên điều này ít nhiều cũng tạo nên sự đố kỵ, so sánh và thắc mắc trong cộng đoàn.
Hình thức linh động thứ hai là do chính các thành viên trong cộng đoàn. Linh động này thường xảy ra khi bề trên cộng đoàn đi vắng. Tuy nhiên, không có nghĩa là các thành viên trong cộng đoàn làm điều xấu hoặc không giữ kỷ luật khi bề trên cộng đoàn đi vắng nhưng chỉ là sự “du di” chút xíu mà thôi! Một cách nào đó, chỉ về khía cạnh tâm lý, khi bề trên đi vắng thì các bề dưới hình như cũng thấy phấn khởi và vui vẻ một chút. Cho nên người ta có nói: “Bề trên đừng nên vắng nhà hoài; nhưng cũng đừng nên ở nhà mãi”. Có một câu chuyện kể thế này: một bác sĩ đến khám bệnh cho một cộng đoàn nữ tu nọ, thấy các dì có vẻ mệt mỏi căng thẳng. Ông đề nghị các dì nên đi nghỉ một tuần ở đâu đó ngoài cộng đoàn. Tuần lễ sau, ông trở lại thăm cộng đoàn, thấy các dì hồn nhiên vui vẻ, ông hỏi: “thế nào chắc các dì đi nghỉ vui vẻ chứ?” Tất cả trả lời: “chẳng có ai đi nghỉ cả. Chỉ có Mẹ Bề trên cộng đoàn đi nghỉ và vẫn chưa về!”
Tất cả cho thấy linh động là điều cần thiết và ích lợi không chỉ cho bề dưới nhưng cả bề trên trong đời sống cộng đoàn tu trì. Nhưng việc linh động cần phải được, ở một mức độ nào đó có thể, minh bạch và đừng để tâm lý hay tình cảm xen vào đó. Cũng vậy, bề dưới phải tuyệt đối thi hành linh động một cách đúng nghĩa. Nếu không việc linh động sẽ mang lại sự linh tinh trong cộng đoàn hay nếu linh động nhiều quá cũng sẽ làm cho cộng đoàn ra linh tinh.
Linh Tinh
Việc linh động là điều ắt có và thường có trong các cộng đoàn nói chung và cộng đoàn tu trì nói riêng. Nhưng không ít những trường hợp linh động được thể hiện hay sử dụng không đúng cách và gây nên sự linh tinh. Điều này không ai muốn nhưng trên thực tế vẫn thấy xảy ra. Linh tinh xuất hiện trong chính cộng đoàn hay cho các thành viên trong công đoàn tu trì. Machiavel nói: “Ở đâu mà mỗi người được gọi là tự do hành động theo ý mình và buông thả theo phóng túng thì hỗn độn mất trật tự nhanh chóng hiện ra lan tràn”. Còn nguyên nhân của linh tinh là do cả bề trên và bề dưới trong cộng đoàn. Một bề trên cộng đoàn đi vắng nhiều quá ắt tinh thần kỷ luật của bề dưới sẽ linh tinh. Một bề trên cộng đoàn nếu chỉ linh động với tiêu chí là tâm lý và tình cảm hẳn trong cộng đoàn sẽ có nhiều linh tinh giữa các thành viên với nhau. Ngoài ra, nếu bề dưới lợi dụng linh động của bề trên để lách luật thì cũng là người linh tinh. Chẳng hạn, một người được phép đi ra ngoài để tới một nơi nào đó nhưng lại đi tới chỗ khác hay đi nhiều nơi nữa thì đó là đã lợi dụng linh động để làm linh tinh. Chính vì thế, trong tiếng La tinh có câu: “nuquan duo, semper tres, raro quattor”. Khi có phép đi ra ngoài, không được đi 2 người vì có lẽ sợ 2 người thì dễ thỏa thuận làm việc linh tinh hơn? Cho nên phải luôn luôn đi 3 người và cũng có thể đi 4 người vì 3 hay 4 người thì khó làm chuyện linh tinh hơn là 2 người.
Tắt một lời, có một câu nói như sau: “Nếu không có cái thước thẳng, sao biết mình đã có chỗ cong. Nếu không biết mình đã có chỗ nào sai thì sao biết sửa mình cho ngăy ngắn được”. Kỷ luật là khuôn mẫu và thước đo để rèn luyện con người. Trong cộng đoàn tu trì, kỷ luật là phương tiện để giữ vững ơn gọi. Cho nên người ta không giữ luật vì luật nhưng giữ luật để giữ ơn gọi. Chính vì thế, kỷ luật không là những điều lệ, bản văn võ đoán, nhưng nó là một cách thức đã được nghiên cứu tìm hiểu để giữ vững ơn gọi. Nói cách khác, kỷ luật là phương thế để hướng dẫn tâm hồn và hành động của từng thành viên, để từ đó, qua mỗi ngày, mỗi thời điểm huấn luyện, mỗi thành viên sẽ trưởng thành, hoàn hảo hơn phù hợp với ơn gọi và cương vị của mình. Cũng chính kỷ luật là phương tiện để giữ vững ơn gọi cho nên cả bề trên và bề dưới đừng quá nô lệ cho nó. Nghĩa là, trong đời tu và đặc biệt trong đời sống kỷ luật cũng có những lúc cần phải được “xả hơi”, “di du” một chút để cảm nghiệm được niềm vui của mầu nhiệm ơn gọi. Đó chính là sự linh động. Với tinh thần sống và thực hành như vậy, chúng ta đã sống theo tinh thần của Phaolô: “Vì anh em không còn lệ thuộc vào luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng” (Rm 6,14). Tuy nhiên, từ biết đến thực hành là một khoảng cách khá xa. Con người vẫn còn những tính xác thịt với những yếu đuối và hạn chế của ý chí. Do đó, có những lúc bề trên và bề dưới vô tình hay cố tình quá tận dụng sự linh động mà biến nó thành linh tinh. Linh tinh cho cộng đoàn, linh tinh trong đời sống kỷ luật, linh tinh giữa bề trên và bề dưới, linh tinh giữa các bề dưới với nhau. Và nếu như sự linh tinh này kéo dài và thường xuyên thì nó sẽ chuyển sang rối tinh. Điều này rất nguy hại cho ơn gọi của từng thành viên trong cộng đoàn. Cuối cùng, cho dù sao đi nữa, chúng ta hãy nhớ lời khuyên nhủ của Thánh Phaolô gởi cho các tín hữu Côrintô: “Anh đừng sống theo tính đam mê xác thịt” (1Cr 16,3). Đừng thái quá, đừng bất cập trong đời sống tuân giữ kỷ luật. Phải có một nếp sống quân bình, quân bình cả trong khi điều hành và tuân giữ luật với đúng vai trò và cương vị của mình như câu châm ngôn “Virtus in medio stat”.
Lạy Chúa, ơn gọi là của Chúa, chính Chúa đã sáng kiến và gọi con vào sống trong một cộng đoàn tu trì. Và con đã đáp trả lại ơn lời mời gọi của Ngài,  xin cho con đủ nghị lực để cộng tác sống động vào tiếng gọi của Ngài qua việc tuân giữ những kỷ luật, nội quy trong cộng đoàn con đã chọn. Xin cho con nhận ra thánh ý của Ngài qua những kỷ luật này, luôn luôn sẵn sàng đón nhận những nẻo đường hướng dẫn của Ngài, ngay cả những nẻo đường lạ lùng kỳ cục.
Lạy Chúa, xin ban cho con cảm nghiệm được niềm vui khi tuân giữ những kỷ luật. Xin ban cho con những cơ hội để đón nhận sự linh động để con cảm thấy nhẹ nhàng và phấn khởi hơn trong đời tu. Xin ban cho con thể hiện đúng tinh thần linh động để con mang lại niềm vui, bình an, tình huynh đệ cho cộng đoàn con.
Nhưng! Lạy Chúa, xin ban cho con can đảm và quyết đừng lợi dụng những việc linh động để làm những điều linh tinh. Xin cho con sự sáng suốt khi tạo sự linh động mà đừng tạo nên sự linh tinh cho cộng đoàn và thành viên trong cộng đoàn. Xin ban cho con lòng quả cảm để nói không với linh động mà con biết nó có thể sẽ gây linh tinh cho anh em và cộng đoàn.

30.4.2010, Thanh Hoài 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP