Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Một Cái Nhìn


Chúng ta không thể phủ nhận việc con người ngày hôm nay có khuynh hướng chiếm hữu và hưởng thụ nhiều hơn. Nhưng hơn bao giờ hết, con người cảm thấy cô đơn, đau khổ, lạc lõng, thiếu vắng tình yêu, nên con người càng khao khát được tự do và hạnh phúc. Chúng ta thử ngồi lại trong những khoảnh khắc của một ngày lao động vất vả để suy tư. Nếu hạnh phúc con người được đo lường theo mức độ chiếm hữu và hưởng thụ, lẽ ra con người ngày nay hạnh phúc hơn bất cứ thời điểm nào khác trong lịch sử chứ? Nhưng tại sao con người vẫn cảm thấy mình bất hạnh?
Hãy nhìn vào thực tế hôm nay: xã hội dường như đảo lộn tất cả mọi trật tự luân lý do những chủ thuyết sai lầm như thuyết duy vật “sống hưởng thụ” gây ra. Thật sai lầm, khi con người cho mình có quyền tự do hưởng thụ trên tất cả mọi sự mà khai trừ Thượng Đế ra ngoài cuộc sống. Đại diện cho nền văn minh Tây Âu, triết gia Frederic Nietzsche tuyên bố: “Thượng Đế đã chết rồi”. và con người coi như mình làm chủ tự do tuyệt đối. Trong khi đó, Thiên Chúa là Đấng tự do tuyệt đối thì con người lại truất phế Ngài. Phong trào triết học hiện sinh mà ông tổ là Jean Paul Sartre, đã nhân danh tự do tuyệt đối của con người, khi nói: “Con người chỉ có tự do đích thực, khi con người nhảy lên làm Thiên Chúa, vì còn chấp nhận có Thiên Chúa, con người sẽ mất hết tự do”.
Với những chủ thuyết như vậy đã ăn sâu vào tâm trí con người, làm giảm đi tinh thần cũng như giá trị sự sống. Hơn nữa, với xã hội hôm nay, tự do hưởng thụ và tự do khoái lạc là điều thích hợp, biện minh cho sự từ chối và quên lãng Thiên Chúa. Để bù lại đó là một xã hội đồi trụy, biết bao thứ tiêu khiển tìm cách lấp đi những cơn khát của lương tâm là giá trị tinh thần được sống mà Đức Kitô đã ban cho: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10).

Quả là một thảm trạng cho thế giới tương lai, trong khi nhân loại đặt tin tưởng vào một thế hệ mới, một tương lai rực rỡ của giới trẻ. Họ đang làm gì và sống thế nào? Trước mắt nhân loại đang nhìn thấy đa số thế hệ trẻ lao mình xuống vực thẳm trong sự đồi bại. Bởi họ trực tiếp đón nhận những chủ thuyết lệch lạc như một miếng mồi ngon hợp khẩu vị, có chứa đầy chất dinh dưỡng để nuốt sống ăn tươi. Do đó, xã hội bị chìm sâu trong trụy lạc và tội ác như: hút xách, ma túy, mại dâm, tham nhũng, cướp giật và bóc lột… tạo nên mối lưu tâm trắc trở cho các nhà lãnh đạo cũng như toàn thể nhân loại.
Chúng ta hãy đưa mắt lương tâm nhìn vào các bệnh viện, hãy nhìn các bảng thống kê về thanh thiếu niên phạm pháp và những trẻ lang thang kiếp sống bụi đời. Hãy so sánh số lượng ly dị và sự tan vỡ đời sống gia đình khắp nơi… Tất cả những việc ấy đã làm cho đời sống luân lý, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau “lá lành đùm lá rách” không được mấy ai quan tâm để ý. Thay vào đó là một vực thẳm ngăn cách giữa những người giàu và kẻ nghèo.
Như vậy, một cách nào đó, con người đã đi lệch con đường của Thiên Chúa, đánh mất sự quân bình giữa hai thái cực: một bên là tâm linh và bên kia là thể xác. Chính sự mất quân bình ấy con người cảm thấy đau khổ, mất tự do không còn có một đời sống thoải mái (trong trật tự của Thiên Chúa). Con người bị giam hãm, chịu cảnh tù đày giữa một thế giới bao la rộng lớn, giữa một khung trời cao vút.
Với ngòi bút khéo léo, thi hào Tagore đã diễn tả điều này như sau:
“Tên tôi là một nhà tù,
Toàn thân tôi như đang than khóc.
Mải mê xây tường cao bao vây tất cả
Và dần dần khi tường đã dâng cao
Trong bóng tối âm u
Tôi không còn nhìn thấy con người thực của mình đâu nữa.
Tôi hãnh diện vì bức tường cao ngất,
Lấy cát bụi tôi trát kín tường đi
Nhưng lo sợ nếu còn lỗ nhỏ
Có tiếng gọi nào sẽ lọt vào trong
Vì cẩn thận chia ly
Tôi không còn nhìn thấy con người thực của tôi nữa”.
Những câu thơ trên đủ để nói lên thực trạng của con người ngày hôm nay, không còn lối thoát, không làm chủ được chính mình. Vì thế, con người “cần phải quay trở về tin nhận trời cao” (O. Clement). Phải chấp nhận rằng: “con người được tạo nên trong giới hạn, con người phải học biết để sống trong giới hạn của mình” (E. Kant). Chính sự bất toàn và giới hạn, tạo nên khó khăn thất bại trong cuộc đời. Platon khẳng định: “tất cả những ai có trí khôn đều kêu cầu thần minh lúc khởi đầu công việc của họ, bất luận việc to hay việc nhỏ”. Còn Ciceron nói: “Không một dân tộc nào cho dù thổ bỉ, man rợ đến đâu, mà lại không tin có thần, dầu họ nhầm về bản tính của Ngài”.
Thánh Benedicto một con người đã để cho Thần Linh Thiên Chúa hướng dẫn và cho ngài thấu hiểu được sự chóng tàn của cảnh vinh hoa trần thế. Nên khi sống ở giữa kinh thành Roma hoa lệ, với những nếp sống ăn chơi trụy lạc đã không làm cho ngài say mê chiều chuộng. Trái lại, ngài đã nhìn ra trong nền văn minh ấy là một sự tàn lụi, một thế hệ đang nằm trên “nền văn minh sự chết”. Từ đó, ngài bỏ trốn vinh hoa trần thế, trở về với Thiên Chúa qua con đường: lý tưởng đan tu.  Nối gót thầy mình, thánh Bênađô với tâm hồn khao khát cháy bỏng đối với Đấng Tình Quân và yêu thương Giáo Hội bằng một tình yêu tận tụy đến quên cả chính bản thân gầy yếu của mình. Ngài hàn gắn lại mọi rạn nứt trong Giáo hội, lập nên một sự hiệp nhất giữa Hiền Thê và Hôn Phu. Sự khao khát muốn chiếm hữu và thuộc trọn về Thiên Chúa khiến các thánh từ bỏ mọi thú vui danh vọng trần thế, để trở về với Đấng đã ghi khắc trong tâm hồn con người một nền tảng chân lý không thể xóa mờ được, đó là khát vọng chiếm hữu Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã khuyến cáo nhân loại hãy đứng dậy, hãy vùng lên thoát khỏi sự kiềm tỏa của nỗi kinh hoàng sợ sệt, để trở về nguồn tức là trở về với Đấng đã dựng nên muôn vật. Đó là chân lý mà các nhà hiền triết như Lão Trang, Lão Tử đã hội ngộ trùng phùng với giáo huấn của các Giáo Phụ trong Hội Thánh. Còn đối với cá nhân mỗi người chúng ta, đã làm và đang làm gì để giúp ích cho Giáo Hội cũng như xã hội được đứng lên lập lại sự thăng bằng giữa hai lãnh vực: Tinh thần và vật chất? Đó là ý thức được sự giới hạn và bất toàn của mình, nên khi làm việc có sai sót, bất cẩn, thì cần một điều là biết mình, để mà sửa lỗi, xin ơn tha thứ và làm lại cuộc đời.

Gió Lào

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP