Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Thinh lặng



Thinh lặng là im không nói. Đó không phải là câm nhưng là sự tự nguyện kìm hãm lời nói và hành động. Có nhiều hình thức thinh lặng với những mục đích khác nhau. Ví dụ: thinh lặng để ngủ, thinh lặng để học, thinh lặng để cầu nguyện, thinh lặng để tịnh tâm, hoặc là để được yên tĩnh… Và với mục đích nào đi chăng nữa thì thinh lặng cũng rất cần thiết trong cuộc sống. Sống giữa một thành phố ồn ào, khi trở về miền quê chúng ta có được một cảm giác thật tuyệt vời, đó là sự yên tĩnh, một hình thức của sự thinh lặng. Đời sống cầu nguyện của người dâng hiến rất cần sự thinh lặng. Nó giúp ta dễ dàng tịnh tâm, suy niệm và nhìn lại đời mình một cách sâu sắc hơn.
Thinh lặng, theo từ điển phụng vụ của tác giả Dom Robert le Gall, xuất bản năm 1982 có nói như sau:
“Thinh lặng làm nên thành phần toàn diện của phụng vụ, vì đó là giây phút hồi tâm suy niệm; thinh lặng tạo nên mối liên hệ sâu sắc giữa lời cầu nguyện chung của hội thánh và lời cầu nguyện riêng của mỗi phần tử trong cộng đoàn. Trong thánh lễ, thinh lặng được chỉ định rõ sau bài giảng và sau hiệp lễ. Trong các giờ kinh phụng vụ, tùy nghi giữ thinh lặng sau các bài đọc dài hoặc ngắn và trước những lời nguyện kết thúc. Tuy nhiên, phải tránh giữ thinh lặng quá lâu làm mất sự cân xứng trong các cuộc cử hành.”
Như thế, thinh lặng là sự cần thiết phải có đối với mọi người. Đời sống dâng hiến lại càng không thể thiếu thinh lặng, nhất là trong phụng vụ, cầu nguyện vì thinh lặng giúp ta dễ dàng hồi tâm suy niệm, kết hợp với Chúa hơn. Tôi còn nhớ hồi mới vào Dòng, các đấng Bề trên khi huấn đức thường hay nói về sự thinh lặng mà tôi chẳng hiểu gì cả lại cho rằng nó chẳng cần thiết vì ở nhà, tôi thích nói gì thì nói, thích nói lúc nào cũng được, thích mở máy cassette, radio lúc nào thì mở, chẳng ai nói gì, còn ở đây tại sao lại phải thinh lặng nhất là một số nơi cấm tuyệt đối không được nói chuyện, làm ồn như: nhà nguyện, thư viện, phòng học, phòng ngủ, phòng tắm… lại còn quy định rõ từ giờ nào đến giờ nào là ‘thinh lặng cả’ nữa chứ (ôi sao mà lắm quẻ thế!?) Mãi sau này tôi mới hiểu phần nào về sự quan trọng của việc giữ thinh lặng và những nơi cần có sự thinh lặng.
Thời gian gần đây, bỗng dưng tôi nhận thấy thiếu sự thinh lặng nơi một số người và một số cộng đoàn trong đó có tôi (theo chủ quan tôi nhận thấy, ít là ở bên ngoài), dường như sự thinh lặng lại là cái gì đó xa lạ và không còn quan trọng nữa, không cần giữ nữa. Không những thế, bạ đâu nói đó, chỗ nào cũng nói chuyện, cũng ồn ào, bất kể giờ giấc. Tôi tự hỏi liệu sự thinh lặng có còn cần thiết nữa không? Dĩ nhiên là tôi sẽ trả lời rằng: “rất cần” nhưng tôi không giữ. Đó thật sự là một thiếu sót đối với tôi. Vì không có sự thinh lặng làm sao tôi có thể có đời sống nội tâm? Làm sao tôi có thể cầu nguyện, hoặc là nghỉ ngơi, học hành cho đàng hoàng được?
Tới đây tôi bèn mở hiến pháp Dòng ra xem có số nào nói về sự thinh lặng không? Và tôi đã thấy ít là 2 số có nói đến sự thinh lặng. Số 78 viết: “Cộng đoàn cũng ấn định thời gian và địa điểm phải giữ thinh lặng để anh em có thể dễ dàng làm việc, nghỉ ngơi và sống nội tâm.” Và số 123 nói về sự trầm lặng: “Để gia tăng sự kết hợp với Chúa, anh em sẽ nỗ lực giữ sự trầm lặng hết sức có thể.” Ấy chết, xem ra từ trước đến giờ tôi đã nhiều lần lỗi luật, chẳng chú ý gì đến việc giữ thinh lặng, mặc dù tôi đã được học, được lưu ý và còn ghi rõ ràng trong hiến pháp nữa chứ!. Như vậy là uổng công các bậc tiền bối đã dạy cho tôi rồi!!!
Quả thật, Chính Chúa Giêsu cũng đã sống quãng đời của Ngài trong thinh lặng và cầu nguyện, chỉ 3 năm rao giảng Tin Mừng công khai. Đức Maria cũng là gương mẫu của đời sống thinh lặng vì đối với Mẹ, thinh lặng là sự cần thiết và là luật sống. Thánh Luca đã tóm gọn đời sống của Mẹ trong câu: “Và Mẹ Maria đã ghi nhớ tất cả mọi sự và suy niệm trong lòng.” (Lc 2 51). Thánh Cả Giuse thì lại có cách sống và lời nói là: “Thinh lặng, âm thầm.” Cả cuộc đời chẳng để lại lời nói nào, chẳng có gì nổi trội hơn và cũng chẳng hề nói đến việc rời khỏi Chúa Giêsu và Đức Mẹ khi nào? Đúng thật Thánh Giuse là vị thánh của thinh lặng.
Như vậy, sự thinh lặng là rất cần thiết trong đời dâng hiến, để làm tăng trưởng đời sống suy niệm và cầu nguyện. Noi gương Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Cả Giuse, chúng ta hãy sống trong thinh lặng, âm thầm như các Ngài đã sống.

Hoa Sữa

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP