Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

ĐỜI NGƯỜI

(kiếp hiện sinh)

Thời gian thấm thoát trôi qua, khi nhìn lại những năm học triết học, giờ tôi mới cảm nhận được mình học được biết bao nhiêu điều hữu ích cho bản thân. Đặc biệt khi đọc lại các tư tưởng của những triết gia, nhất là những triết gia nổi tiếng về triết học Hiện Sinh như: Kierkergaard, ông tổ hiện sinh chính thực; Nietzsche, ông tổ hiện sinh vô thần; Husserl, ông tổ văn chương triết lý Hiện tượng luận; Jasper, hiện sinh hướng về siêu việt; Marcel, hiện sinh và huyền nhiệm; Sartre, hiện sinh hư vô; Heidegger, hiện sinh và hiện hữu.
Thật vậy trong các trào lưu về triết học người viết cảm nhận rằng trào lưu Hiện sinh dường như phù hợp với suy tư của người viết hơn. Nhất là triết gia Soren Kierkegaard, Karl Jaspers  và Gabriel Marcel. Quả thật triết gia nào cũng bảo vệ và cho rằng triết thuyết của mình là hay hơn cả, để rồi phê bình triết thuyết của người khác.
Thế nhưng không phải triết gia nào trong trào lưu Hiện sinh cũng hay cả, vì lẽ ai ai cũng có cái lý, cái lẽ riêng của mình, như thế mới gọi là con người biết suy tư chứ. Ai trong chúng ta cũng hiểu rằng, mình phải sống chính cái cùng đích và nhất là cái hiện sinh của đời mình nhưng đôi lúc người ta đã quên đi điều này.
Thỉnh thoảng ta thấy lòng ta tự nhiên man mác buồn khi dòng tu này dòng tu nọ sống nại quá vào lề luật. Nhìn những qui luật dưới khía cạnh của sự bắt buộc. Thậm chí, có những cha giáo, chị giáo đã đưa ra một thứ lề luật thật gắt gao để quản lý bề dưới của mình, nhưng thú thật muôn muôn đời lề luật không làm thăng tiến con người được. Nếu không khéo vô tình đẩy anh (chị) em tới chỗ cố sống để nín thở qua cầu. Nói như vậy, người viết không ủng hộ lối sống không cần lề luật, nhưng lề luật ở đây ta phải xem nó như là phương tiện là cái để anh (chị) em trong cộng đoàn soi dọi, hướng dẫn để sống chứ không phải cứng nhắc bán sát theo luật mà sống, để rồi dùng luật mà bắt chẹt, bóp nghẹt nhau. Ngay trong thời Chúa Giêsu chúng ta thấy cái gì cũng mang lề luật ra để chưng dẫn và rồi đè nén bóp nghẹt con người, không cho con người sống cái tự do, cái thênh thang của đời mình.
Điều này có lẽ ai ai cũng biết, nhưng vết xe cũ ngày xưa như vậy thì ngày nay cũng không ít người đã đi và đang đi theo vết xe cũ ấy.
Vâng vẫn đâu đó có những cha giáo, chị giáo luôn canh chừng coi bề dưới mình tiếp khách ra sao, đi đứng như thế nào, ăn mặc có đúng với quy định không, để rồi có bề dưới đã sống luôn trong thế thấp thỏm, lo sợ, khép nép và né tránh.
Vẫn đâu đó có các cha giáo, chị giáo bắt bề dưới của mình lúc nào cũng phải kìm hãm cái tự nhiên của mình lại mà quyên rằng đó là sự phát triển tự nhiên của con người mà thượng đế ban tặng cho họ. Rồi nếu ai không làm theo, không giữ thì bị liệt vào là không có ơn gọi, không thích hợp với đời tu. Một hình thức giữ luật như các Pharisêu ngày xưa hoàn toàn dùng luật để giải quyết mọi vấn đề. Chính vì thế mà tạo nên cho cộng đoàn, cho mọi người một lối sống nặng nề và khép kín.
Đâu đó vẫn còn có những lời cám ơn xáo ngữ trong những dịp lễ lạc, đâu đó vẫn còn có những lời chúc tụng nhau giữa cộng đoàn… (theo cách nói của một tu huynh trong cộng đoàn Văn Thánh đó là: ‘họ tự làm sướng nhau’ ấy mà) và rồi sau đó dơ chân đạp nhau xuống hố sâu.
Vẫn có những vị chủ chăn thật gắt gao khi mà có người này, người kia lỡ ‘ăn cơm trước kẻng’ hoặc vô tình mắc lỗi. Có lẽ chỉ khi nào người thân của các ngài mắc phải thì lúc đó các ngài mới cảm thông cho con chiên của mình mà thôi. Còn nhiều và còn nhiều chuyện khác nữa.
Đâu đó vẫn còn những cái làm chết đi cái hiện sinh của cuộc đời con người nhưng con người vẫn không chịu thoát ra khỏi đó. Điều này chẳng đâu xa lạ, chúng ta cần phải nhìn thẳng vấn đề ngay những thành viên trong Giáo hội đã không ngừng bóp nghẹt con nhau. Rồi trong giáo xứ, cha xứ bóp nghẹt giáo dân. Tôi được nghe và chứng kiến những người bỏ không đi lễ và bỏ cả đạo cũng chỉ vì ông cha khó khăn bắt bẻ đủ điều. Rồi các người phụ trách cũng có đủ mọi lý do để bóp nghẹt bề dưới. Dĩ nhiên, giữ đạo là không phải bắt chước hay vì các đấng mới theo mới giữ, nhưng dù sao các đấng ấy có sự ảnh hướng rất lớn trên giáo dân.
Vẫn biết là đời sống con người nay còn mai mất, cuộc đời con người chỉ cần một cơn gió thoảng dù làn gió biết đi nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích, nhưng thử hỏi được mấy dòng tu sống triệt để được cái tinh thần của thầy Giêsu. Còn thật đau lòng hơn khi đâu đó vẫn còn hình bóng của những con người sống phe nhóm trong Giáo hội và trong cộng đoàn tu. Nếu quả thật là thế thì có lẽ chúng ta cần phải nhìn lại. Lẽ ra là người mục tử, là cộng đoàn tu phải ‘chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian’ như lời thánh Phaolô nói thì lại làm mờ đi hình ảnh của thầy Giêsu mà chính họ đã giõng dạc cam kết.
Bảo rằng sống khiết tịnh, vâng phục, khó nghèo nhưng mấy ai sống triệt để được điều này. Đơn giản nhất là chuyện khó nghèo. Tôi vẫn thường được mấy anh bạn linh mục nói đùa rằng, chúng ta sống nghèo mà chắc ‘khó mà nghèo’ cậu nhỉ. Giờ ngồi gẫm nghĩ thấy mấy anh bạn nói cũng có lý lắm chứ, nếu xét theo cái nhìn bình thường thì khó nghèo làm sao được, khi mà cứ tới giờ chuông là có cơm ăn, mà không chỉ ăn, còn ăn ngon nữa chứ. Khó nghèo làm sao mà những người nghèo có nằm mơ cũng chẳng có được cái ‘khó nghèo’ như của các cha các tu sĩ. (Đành rằng chúng ta không thể đứng một chỗ mà so sánh hoàn cảnh, bậc sống của người này hay người kia, nhưng điều này đáng để cho chúng ta suy nghĩ, và nhìn lại mình lắm chứ).
Đúng vậy, thử nhìn lại thì biết rõ điều này hoàn toàn không sai.
Có mấy ai trong nhà tu cảm nhận được giữa cái nắng trưa hè chang chang mà phải đẩy xe bắp luộc đi bán dạo, phải đẩy xe cam đi khắp ngõ hẻm để kiếm từng miếng cơm manh áo. Có mấy ai biết giữa đêm khuya vẫn vang vọng tiếng rao của những người bán bánh dạo khi ta đang ngon giấc. Có mấy ai cảm nhận được cái cảnh gia đình hết gạo mà phải đến ngày lo tiền trường…
Không khéo những người sống đời dâng hiến ngày nay sẽ trở thành những Pharisêu thời đại. Mà không Pharisêu thời đại làm sao được, khi mà trong người của tu sĩ mang một dáng dấp của chủ nghĩa danh giá, sĩ diện của lối sống quan quyền, hưởng thụ…
Người viết lại mạo muội thầm ước rằng, mong một ngày nào đó có một luồng Khí mới thổi vào Giáo hội để Giáo hội nói chung, cách riêng là các dòng tu sống như cộng đoàn tiên khởi, mọi người đều góp chung và ai cũng vui vẻ sống theo nhu cầu của mình thì tốt biết mấy. Nói thế nhưng cũng không phải dễ, khi mà chủ nghĩa cá nhân đã ăn sâu vào tâm khảm của từng sớ thịt con người. Ước gì mỗi người luôn nhìn lại cuộc đời và cái cùng đích của đời mình, bởi đời người nay còn mai mất. Dẫu biết vậy, nhưng con người vẫn vun vén, vẫn tích góp, vẫn cố gắng thu về cho mình tất cả những gì mà người khác có. Khi nhìn ra căn cốt đời mình thì ta phải có cái nhìn mới và phải thay đổi cung cách và thái độ sống.
Khi nhận ra cuộc đời, người viết thấy thật là bi đát, nay còn mai mất và tất cả đều nằm trong lòng bàn tay của Đấng Siêu Việt. Đấng toàn quyền mời gọi ta về với Ngài bất cứ lúc nào Ngài muốn. Nhận ra điều này, chúng ta hãy sống với tất cả những tính tình mà Đấng Siêu Việt ban cho mình, có sao mình sống vậy và sống hết mình đã là tốt. Người viết cũng chẳng quen dùng những từ ngữ bóng bẩy hay chau chuốt, có sao nói vậy và có sao viết vậy thôi. Những văn vẻ, lời tán tụng nhau, những tâng bốc nhau tất cả đều chìm vào dĩ vãng.
Trước đây người viết thường hay bức xúc về người này người nọ trong cộng đoàn về chuyện này chuyện kia. Nhưng sau khi nghiệm ra được đời người, cảm nhận được những nét đẹp của triết học, người viết phải thay đổi cách nhìn và cảm nhận đời tu thật thanh thản và bình an. Và chỉ khi nào nhận ra cuộc đời hiện sinh đời mình, chúng ta mới có được sự gắn bó thực sự với thầy Giêsu chí thánh mà thôi./.

SaoTím

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP