Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

… Linh tông – Linh tinh


Vì người Á Đông sống theo lý tưởng hiền triết nên trong cách giao thiệp thường mang nặng chữ tình hơn chữ lý. Cũng vậy, lúc về già thích an nhàn thư thái, tự hào với bộ tóc bạc phơ, chòm râu dài trắng, vui vẻ quây quần bên đàn con cháu đống. Với mục “đít” như vậy, các cụ nhà ta luôn hô hào tiên phong trong việc hưởng ứng “trời sinh voi sinh cỏ”. Cũng với phương châm “càng đông càng dzui”, nên đã phải cố gắng ngày đêm không mệt mỏi để tạo nên một đàn con đàn cháu. Như thế các cụ bảo là có phúc vì nhà ta bây giờ đã trở thành một đại gia đình to lớn. Một cách nào đó, khi nhiều người trong đại gia đình tập họp lại trong những dịp lễ truyền thống hay sự kiện quan trọng, những người này được gọi là có huyết tộc với nhau.
Nghĩ tới đây, em nhà cháu thấy tội nghiệp cho mấy thằng nhà tu (từ thầy tới xơ hay “múi”) vì không có mấy cơ hội về tề tựu với gia đình cho phải “nhẽ” huyết tộc của mình. Thật là quá đúng và quá đúng, ở một góc nhỏ nhoi nào đó, khi gạt bỏ hết những lý do cao siêu vòi vọi, đi tu là phải từ bỏ. Từ bỏ cái nhỏ đến cái lớn. Từ và bỏ gia đình để hiến thân tìm hạnh phúc sau này.
Tìm hạnh phúc ở đời này đã khó huống chi đời sau. Nhưng theo kinh nghiệm của con người cho thấy, con người có tính xã hội: sống cho, sống vì, và sống với mọi người. Kết quả là chúng ta cứ vẫn phải nghêu ngao hát: “Tôi chỉ thực sự là người nếu tôi sống với anh em tôi…..thế giới này không ai là một hòn đảo…”. Thế mới nói khó! Cái khó hơn nữa là: nếu từ bỏ không thì không sao; nhưng ngặt nỗi ở chỗ lại phải sống với những người không cùng huyết thống với mình. Chính vì như thế đó, đôi khi nhé, em nhà cháu chỉ dám nói đôi khi thôi, ta cảm thấy cô đơn và nhớ nhà, bà con linh tộc của mình. Cũng có anh em, chị em bên cạnh đó nhưng không tâm sự thoải mái bằng người thân của mình. Hay nó “đi guốc” trong bụng mình rồi nên sao dám nói. Thậm chí, nhìn mặt là thấy ghét rồi! Nhưng không sao, tổ tiên ta đã nói “cái khó ló cái khôn”, chứ không phải “cái khó bó cái khôn”, thế là các các ông bà tu nhà ta nhận người cha-mẹ-anh-chị-em-con thiêng liêng. Vì cũng là mối quan hệ như một gia đình nên ắt phải có cả ông-bà-cháu-chắt liêng thiêng luôn. Nên để gọi lại cho gọn người ta gọi là Linh tông.
Thực ra mà nói bản chất và vai trò linh tông là rất tốt và linh thiêng. Nó không những giúp cho những người đi tu giữ vững ơn gọi của mình qua việc chia sẽ những kinh nghiệm đi tu của người trước cho kẻ sau, mà còn tâm sự chia sẻ cả về vật chất với nhau nữa. Rồi lâu lâu những cùng người linh tông tề tựu như một gia đình để cùng nói chuyện, giúp nhau giải quyết những khó khăn, khúc mắc để cùng thăng tiến trên đời tu cả về mặt tri thức lẫn đạo đức. Chúng ta, với tư cách là những người đi tu, không thể phủ nhận giá trị thiêng liêng và thực tiễn to lớn của việc kết nghĩa thiêng liêng này. Có rất nhiều người giữ vững ơn gọi và thành công cũng là nhờ phần lớn vào mối liên hệ linh tông.
Tuy nhiên, đời không như ước mơ, mình nhìn vậy mà lại không phải “dzậy”. Cuộc sống là một hành trình nên khái niệm linh tông cũng không phải là một phạm trù tĩnh. Theo như lý thuyết, vật chất không thể mất đi nhưng chuyển từ dạng này sang dạng khác. Cũng vậy, trong cuộc sống đôi khi phạm trù Linh tông chuyển sang Linh tinh.
Đặc tính và vai trò cũng như cấu trúc của phạm trù linh tông này thì khá phong phú và phức tạp. Phong phú là khi nó đa dạng nhưng ta hiểu; nhưng phong phú mà ta không hiểu là phức tạp. Sở dĩ em nhà cháu dám bạo mồm khẳng định như vậy vì trong mối quan hệ linh tông này đôi khi gặp những tai nạn vô tình hay hữu tình cười rơi cả nước mắt! Thiệt tình mà nói có những người chỉ toàn nhận các xơ, nhưng cũng có những người, cho rằng các xơ là những “Eva quyến rũ Adong ăn trái cấm” rất nguy hiểm cho ơn gọi, không bao giờ nhận các xơ làm con. Trên nguyên tắc dân chủ và độc lập tự do, mỗi người chỉ có một cha một mẹ mà thôi. Nhưng với nguyên tắc này áp dụng cho phạm trù linh tông thì khó lắm. Bởi vì có ai mà kiểm soát được các thầy, các xơ yêu ‘gấu” nhà ta bao nhiêu cha-mẹ linh thiêng. Chuyện đó là tế nhị và linh thiêng mà nên đâu ai dám đụng vào. Chính vì thế, đôi khi rơi vào thế kẹt không thể thoát ra được. Chuyện kể thế này, hai ông cha gặp nhau tại bến xe về Miền tây liền hỏi thăm đi đâu. Một trong hai ông này nói: tôi đi dự lễ tiên khấn của con gái ở dòng XYZ. Ông còn lại bảo tôi cũng đi dự lễ tiên khấn của con gái tôi ở dòng XYZ luôn. Ông cha kia hỏi tiếp, vậy con gái bác tên gì? Ông còn lại trả lời: tên là Maria…. Tới đây ông cha kia vội vã xin kiếu vì có việc gấp phải về không đi ngay được, có lẽ sẽ đi sau (nhưng thực ra con gái mình cũng tên giống như vậy!) Ngoài ra, sự phân cấp vai vế, thứ tự anh-chị-em trong linh tông rất ư là siêu hình. Có những thầy nhà ta rất lớn tuổi nhưng lại phải gọi thằng nhóc kia mới đang dự tu trong chủng viện là chú mới đau chứ. Điển hình là có hai ông thầy nọ tu chung một dòng. Cũng giống như bao người khác là phải có linh tông linh tọt để khỏi phải đối diện với lúc “ta buồn mà không biết tại sao ta buồn”, hai thầy vất vả sau cùng cũng tìm được người mình trong mộng. Nhưng ngặt nỗi đau như bò đá này là: hai ông thầy nhận chung một người! Một ông nhận bà X “sờ” kia làm chị-em kết nghĩa; còn ông thầy kia lại nhận làm mẹ. Kết quả là ở trong dòng thì tao “đếch” sợ nhưng khi tới nhà người ta lại là cháu cái thằng thầy bạn của mình. Cuối cùng, có những ông cha sống đúng tinh thần triết lý của người Á Đông là phải thật đông con nhiều cháu. Hễ gặp bất cứ thầy nào xơ nào cũng nhận làm con hết, đôi khi triệt buộc luôn. Nhưng ngặt nỗi là cha đó chỉ “sinh voi” mà không “cho cỏ” để ăn. Kết quả là có cũng như không, bỏ thì thương mà vương thì rối, chẳng có gì hết. Hữu danh vô thực.
Lạy Chúa, con đã bỏ gia đình con, linh tộc của con để đi theo Chúa nhưng trên hành trình đó, đã đôi lần con cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Chính trong những giây phút ấy, ngoài Chúa ra, con cần những người bạn để tâm sự, để chia sẻ, để lắng nghe và thấu hiểu con một phần nào đó. Con cảm tạ Chúa đã ban cho cho con những người bạn; là những người cha-mẹ-anh-chị-em linh tông để hướng dẫn và đồng hành với con trên con đường dâng hiến. Nhưng con cũng xin Chúa cho con đủ khôn ngoan và nghị lực, đừng để con biến mối quan hệ linh tông thiêng liêng này thành mối quan hệ linh tinh.
Lạy Chúa, xin ban cho con có một huyết tộc  vững   mạnh và đoàn kết, một Linh tông yêu thương và thánh thiện nhưng hãy loại bỏ Linh tinh ra khỏi người con. Con cám ơn Chúa nhé! Bibi!

Hiệp Bình Phước, ngày 29 tháng 9 năm 2009
Thanh Hoài

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP