Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

VÌ LỢI ÍCH TRĂM NĂM TRỒNG NGƯỜI?



            Tháng 9 đến cũng có nghĩa là mùa tựu trường đã đến (nhưng thật ra có mấy ai được nghỉ hè đến tận tháng 9?!). Chợt thấy bâng khuâng khi nghĩ về những mùa hè thật sự mà có lẽ chỉ tồn tại trong những năm học… mẫu giáo và lớp 1, lớp 2. Mùa hè không còn là khoảng thời gian đặc biệt để vui chơi, để thư giãn nữa, nhưng lại là để học. Có nhiều người bảo rằng không cần thiết phải học hè, rằng chỉ tại mình thì đừng có than vãn. Ôi, có ai hiểu thấu cho nỗi lòng của người học sinh không có đủ bản lĩnh để không học hè?! Rằng có dám than vãn gì đâu, nhưng chỉ là trong lòng đầy rồi nên tất nhiên tràn ra ngoài mà thôi!
Có lẽ cái cảm giác náo nức khi năm học mới trường mình tới nơi, cái cảm giác vui mừng hớn hở khi lại được đến trường, gặp lại bạn bè, thầy cô đã từ lâu dần dần biến mất khỏi từ điển của học sinh. Náo nức làm sao được khi đi học không còn là niềm vui mà gần như là gánh nặng? Vẫn biết mọi thứ đều phải học, và sự học là cả đời, nhưng liệu có thật sự cần thiết để người ta  đánh đổi những niềm vui của tuổi thơ, đánh đổi những kỹ năng sống, vốn liếng làm người cho những ngày học liên lỉ mà chưa chắc kết quả có như ý mình hay không? Vẫn biết không có gì là hoàn hảo và cần có thời gian để làm mọi thứ trở nên tốt hơn, và dĩ nhiên cần phải có sự thí điểm, nhưng liệu có hợp lý không khi cứ mãi bắt học sinh thành những con chuột bạch chưa biết bao giờ có ngày yên ổn? Sao lại đưa ra những quyết định vội vàng để rồi phải sửa đổi liên tục? Sao lại đưa ra những quyết định chủ quan mà ý kiến của người trong cuộc chỉ là con số không? Chẳng biết nữa, chỉ biết rằng con người không phải là một cái máy, khi cần gì thì nhấn “Reset” một phát là xong.
            Đôi khi nhìn lại cuộc sống học sinh của mình và của những người xung quanh, tôi chợt thấy có gì đó trăn trở. Đã đi đến bước cuối của chặng đường 12 năm dài đằng đẵng, nhưng mình đã tích lũy được gì cho bản thân? Đã trang bị được gì cho hành trang chuẩn bị bước vào đời? Thật là khó nói. Tôi chẳng thể mang theo những công thức toán học phức tạp, những bài văn phân tích nặng tính lý thuyết và khuôn mẫu, những bài Công Nghệ từng làm tôi khốn đốn với nào là xupap đặt, xupap treo, xilanh, cấu tạo động cơ 4 thì… vào đời. Thậm chí ngay cả những buổi học quân sự, những buổi học hướng nghiệp bắt buộc có mặt chỉ để chép những điều xa rời thực tế cũng không thể làm đầy gói hành trang của tôi, của chúng tôi. Kĩ năng sống khỏe, sống an toàn, sống đẹp, kĩ năng sống với cộng đồng, thậm chí kĩ năng yêu và kiến thức về sức khỏe sinh sản cũng chẳng có. Một buổi nói chuyện/năm thì có thấm vào đâu?! Chủ yếu những kiến thức, những kĩ năng đó chúng tôi phải tự trang bị cho mình. Mà ai đảm bảo rằng đó là những thứ chúng tôi thật sự cần? Và ai đảm bảo rằng đó là những kiến thức, những kĩ năng có thể giúp chúng tôi sống 1 cuộc sống tốt đẹp? Đôi khi nhìn lại, chợt bật cười vì thấy tất cả như đã được lập trình một cách máy móc. Nhồi một đống kiến thức vào đầu (nhưng không biết tích lũy được bao nhiêu) miệt mài suốt 12 năm, để rồi khi buông ra thì giống như thuyền không lái, muốn trôi đi đâu thì đi. Giáo dục như thế, được gì?
            Đó chỉ là chuyện về kĩ năng sống. Vậy về nhân bản thì thế nào? “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn”…, những câu tục ngữ đó phải chăng đã đi vào sách vở và ở luôn trong đó? Bộ môn Giáo Dục Công Dân những tưởng sẽ góp phần tạo nên những con người thật sự, nhưng hóa ra chỉ cho xuất hiện thêm những cá thể giống con người mà thôi. Chẳng còn những chuẩn mực đạo đức, chẳng còn biết thương yêu, chẳng còn biết “Kính trên nhường dưới”; tất cả như chìm vào một dĩ vãng xa xôi. Dĩ nhiên lúc nào cũng có trường hợp ngoại lệ, nhưng có ai dám nói rằng đó không phải là một thực trạng của học đường ngày nay? Đúng, một thực trạng nhức nhối mà không có cách nào thay đổi, bởi vì mình thì nhỏ bé có là gì đâu, cũng chỉ là một nạn nhân đấy thôi!
            Thầm ước mơ về một ngày học sinh được giáo dục để trở thành một con người thật sự với kho tàng kiến thức nắm chắc trong tay. Thầm ước mơ về một ngày niềm vui đến trường sẽ không còn xa lạ và cũ kĩ như bây giờ. Thầm ước mơ về một ngày…
            Chợt bừng tỉnh! Ước mơ có lẽ sẽ mãi là ước mơ. Chợt nhớ câu: “Vì lợi ích trăm năm trồng người”.
Vì lợi ích trăm năm trồng người?

Dấu Lặng
Một ngày cuối tháng 8.2009

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP