Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Luân Lý Tự Nhiên và Luân Lý Kitô Giáo


Nguyễn Thanh Hoài

Thư mục tham khảo:
  1. Bernard Haring. Thần Học Luân Lý - Những Ý Tưởng Chủ Đạo. Tủ sách chuyên đề.
  2. Charles E.Curran. Themes in Fundamental Moral Theology. University of Notre Dame Press. 1977.
  3. Wlliam E. May. An Introduction to Moral Theology. Our Sunday Visitor Publishing Division. 1994.
  4. Lm. Mai Văn Hùng. Khám Phá Lại Luân Lý Kitô Giáo. UBĐKCG. Tp.HCM. 1991.
  5. Nguyễn Đức Quang. Luân Lý Cơ Bản. Trung Tâm Học Vấn Đa Minh. 2007.
  6. Nguyễn Đức Quang (dịch). Người Ta Nói Gì Các Chuẩn Mực Luân Lý. 2003.
  7. Nguyễn Đức Thông (dịch). Một Nhãn Quan Mới Về Luân Lý. 1998.
  8. Nguyễn Đức Thông. Thần Học Luân Lý Căn Bản.(Theo nguyên tác Free and Faithful in Christ của Benard Haring).2005.
  9. Nguyễn Bình Tĩnh. Luân Lý Cơ Bản Kitô Giáo. Khóa Thần Học Liên Tu Sĩ. 1995.
  10. Từ Điển Thần Học Kitô Giáo, II.
Dẫn Nhập

Trong thư gửi ông Điôgnêtê, một văn phẩm được viết vào khoảng năm 110, nói về nếp sống thường ngày và cảm nghĩ về người Kitô hữu như sau: “Người Kitô hữu, xét theo bề ngoài, không có gì phân biệt với người khác. Họ không có một quê hương riêng, một ngôn ngữ riêng, cũng không mặc quần áo gì khác biệt, họ cũng không ở thành phố biệt lập, lối sống của họ không  có gì khác thường. Linh hồn ở trong thể xác thế nào, thì người Kitô hữu cũng sống giữa trần gian như vậy”[1]. Với nhận xét này xem ra có đúng với thực tế nhưng hình như chưa đủ. Thật ra,  có nhiều điểm dị biệt và tương đồng giữa con người và người con của Chúa trong tư tưởng, hành động và quan điểm sống về đời sau. Qua dấu ấn của bí tích Thánh tẩy, Thiên Chúa hiện diện nơi người Kitô hữu cho thấy họ có nếp sống khác với người chưa tin Chúa. Trong cách đối xử với người xung quanh, người Kitô hữu luôn lấy lời Chúa làm phương châm hành động cho mình. Cũng ăn, cũng uống, cũng làm việc, cũng làm lành lánh dữ như mọi người, song người Kitô hữu lại còn những lý do khác khiến cho cách sống của họ và hành động thật sự mang sắc thái đặc biệt của Kitô giáo. Một trong những sắc thái đó là tính luân lý của người Kitô hữu. Luân lý Kitô giáo dùng đức tin Kitô giáo để tìm kiếm và vạch ra một phương hướng cho con người cần phải noi theo để đạt tới mục tiêu tối hậu của đời mình. Đây là một cách thực hành đức tin, trong khi bước theo Chúa Kitô và thể hiện Nước Trời[2]. Cũng vậy, trong đời sống luân lý của người Kitô hữu, họ đã lấy Chúa Kitô làm trung tâm của đời họ, làm động cơ chi phối lối họ sống và việc họ làm. Ngược lại, luân lý tự nhiên hướng dẫn hành vi nhân linh, nó được rút ra từ chính bản tính của con người nhằm đạt tới mục tiêu tối hậu tự nhiên của họ và được lý trí nhận biết[3]. Thực hành luân lý tự nhiên có thể được xem như là chọn lựa một hướng đi để giúp cho bản thân mình đi đúng hướng và phát huy những khả năng của mình. Tính luân lý bắt đầu cùng với sự lựa chọn đó. Luân lý tự nhiên xác định đâu là một hướng đi đúng đắn để có một tương lai tốt đẹp nhất cho con người. Tuy luân lý tự nhiên và luân lý Kitô giáo có một số điểm khác biệt, nhưng vì cùng có một vai trò là nhằm đưa con người đạt được hạnh phúc qua việc làm lành lánh dữ, nên vẫn có những nét tương đồng. Dựa vào bài viết này, chúng ta tìm hiểu luân lý tự nhiên và luân lý Kitô giáo với những nét đặc biệt của Tự nhiên và Kitô tựa như một con đường dẫn con người đạt được mục tiêu tối hậu, đem lại một suy tư có tính phê bình và khoa học về thực hành của Kitô giáo để hòa điệu giữa người với người, giữa con người với Thiên Chúa. Đồng thời chúng ta cũng khám phá ra những điểm đồng dị của hai nền luân lý này, tuy dẫu khác nhau nhưng cùng một giòng suối, đó là giúp con người thực hiện vận mạng đích thực thân phận CON NGƯỜI và NGƯỜI CON của Chúa.
  1. Luân lý tự nhiên
  1. Luân lý là gì?
Đã là người, trừ những người bệnh tâm thần, ai cũng có ý thức về điều xấu, điều tốt, và cũng muốn người khác làm điều tốt chứ không làm điều xấu cho mình. Ngược lại, mọi người đều sợ giết người, cướp của,..sẽ bị pháp luật trừng trị, sợ vì mất tiếng tốt, phải mang xấu, hay có thể sợ một thần thiêng tối cao nào đó xét xử ở cõi đời sau. Như vậy, trực giác đơn giản như thế đã đưa con người đến việc cảm thức về giá trị của hành vi, của sự việc mặc dù đây chỉ là trực giác hiển nhiên. Khi đánh giá một giá trị hành vi, cần phải có một cái gì đó để làm mẫu mực. Ở một mức độ sơ phác, đánh giá người này tốt kẻ kia xấu là mặc nhiên hình dung một người cụ thể này là tốt, thế kia là xấu. Phân tích cho đến cùng có thể nói:
Mẫu mực để làm chuẩn đích đánh giá hành vi tốt xấu chính là thái độ tôn trọng phẩm giá làm người của mình hay của kẻ khác. Vì thế, khi làm một việc xấu, chẳng hạn giết người, người ta đi trốn cho thoát vòng pháp luật, trốn cho khuất mắt thiên hạ đàm tiếu, làm tổn hại đến tính mạng hay phẩm giá của mình[4].
Từ quan niệm thông thường xem phẩm giá làm người là mẫu mực để đánh giá hành vi tốt xấu, người ta đã cố xác định ý nghĩa của từ luân lý một cách khoa học hơn. Ngày nay xem ra người ta dùng từ “luân lý” vào khá nhiều lãnh vực khác nhau: luân lý sinh học, luân lý giới tính, luân lý thông tin, luân lý Kitô giáo, luân lý Phật giáo,…. Để có thể xác định ý nghĩa và vai trò của luân lý trong thế giới hôm nay, thiết tưởng nên nhìn lại tầm nguyên và biến thiên của nó qua dòng lịch sử. Chữ luân lý của tiếng Việt, phát xuất từ Hán tự: luân có nghĩa là “lẽ thường ở đời”; và lý chỉ “đạo tự nhiên, ý tứ hợp với lẽ phải”[5]. Luân lý là biết sống những nguyên tắc, luật lệ tự nhiên. Các nguyên tắc luật lệ do con người đặt quy định để giúp những cá nhân làm điều tốt tránh việc xấu, cư xử trong xã hội sao cho hợp lý hợp tình với tha nhân. Do đó, có thể nói rằng luân lý là lối sống có luân thường đạo lý, có đạo đức, có đức hạnh. Trong tiếng Anh, người ta diễn tả đời sống như thế là “right conduct” hay “good behaviour”: đời sống theo lẽ phải, đời sống tốt. Vì thế, hai yếu tố cần phải có để tạo nên một “right conduct” hay “good behaviour” là một hành vi đạo đức hành vi tốt (good); hành vi có giá trị, thích hợp lẽ phải, hợp lý (right). Nghĩa là hành động của con người có lý trí can thiệp. Nhưng vì hiệu quả can thiệp của lý trí tùy phụ vào lòng người có chấp nhận nó hay không là vấn đề. Cho nên con người bị gọi là vô luân lý khi không làm đúng những đòi hỏi của đạo làm người biết lấy lý trí làm khuynh hướng tự nhiên vô thưởng vô phạt. Ngược lại, người có lý trí luôn hành động có lý lẽ và những giá trị luân lý luôn được xem như làm như là những giá trị thuộc nhân linh. Điều này là bởi vì: “Chỉ mình con người có thể được công nhận là tốt hay xấu xét về mặt luân lý, với tư thế con người là hữu thể tự do, biết trách nhiệm về việc mình làm và toan tính, trách nhiệm về những điều mình ước muốn, quý yêu, ghét bỏ, trách nhiệm về niềm vui nỗi buồn cũng như những hành vi chủ yếu và thường xuyên của mình”.[6]
Cũng vậy, theo từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý, Nhà Xuất bản Văn Hóa Thông Tin, Tp.hcm,1999, luân lý là: “Những phép tắc về quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với tập thể, với xã hội”. Còn từ điển Tiếng Việt của trung tâm từ điển học do Hoàng Lê chủ biên giải thích như sau: “Những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ con người với nhau và đối với xã hội”[7].
Như vậy, luân lý không nghiên cứu một địa hạt riêng biệt của con người nhưng nghiên cứu con người một cách toàn thể. Luân lý nghiên cứu con người trong lối sống của nó, cùng với ý nghĩa mà con người gán cho cuộc sống của mình. Chính điều này cho chúng ta thấy được sự khác biệt căn bản giữa luân lý với khoa học khác. Các khoa học nhân văn thường dựa trên thử nghiệm, sự quát sát để từ đó rút ra những quy luật ít nhiều mang tính phổ quát. Nghĩa là khoa học, ở bất cứ mức độ và quy mô nào, cũng làm việc liên quan đến những gì đang hiện hữu. Ngược lại, luân lý thì “Tìm hiểu con người trong tư cách là một hữu thể, đang tăng trưởng, đang nằm trong dự phóng, có thể phát triển bản thân mình và có thể đem lại cho cuộc sống một ý nghĩa, khoa luân lý cô gắng xác định đâu là hướng đi đúng đắn để có được một tương lai tốt đẹp cho con người”[8].
  1. Tầm nguyên của từ “luân lý”
Lý thuyết về luân lý cũng đã xuất hiện khá lâu trong tiến trình tư tưởng Tây phương. Theo nguồn gốc của từ ngữ, luân lý trong tất cả các ngôn từ đều xuất phát từ Hy lạp “ethos”[9]. Luân lý học hay Đạo đức học là môn khoa học triết học về đạo đức, nghiên cứu bản chất, các quy luật xuất hiện và phát triển trong lịch sử, các chức năng đặc trưng và các giá trị của luân lý trong đời sống xã hội. Trong nhiều ngôn ngữ, từ luân lý học có gốc từ tiếng Hy Lạp cổ ethos, sau đó chuyển sang tiếng La Tinh thành ethica hay có gốc từ tiếng La Tinhmos, moris, moralis. Hai từ này về mặt từ nguyên học có cùng nghĩa: nơi ở, chỗ ở chung, phong tục, luân lý... dần dần được bổ sung thêm các nghĩa: thói quen, tính khí, tính cách, lối suy nghĩ. Thật vậy kể từ khi người Hy lạp đầu tiên suy tư về triết học, đã có những điều được ghi lại như là những thứ luật phổ quát áp dụng cho con người. Chẳng hạn, trong tác phẩm của Aristote , Rhetoric and Ethics (Tu từ học và Đạo đức học), có ghi lại như sau: “Luật riêng là luật do mỗi cộng đoàn lập ra và bó buộc tuân thủ cho những thành viên riêng biệt của nó, một phần thành văn và một phần không thành văn. Luật phổ quát là luật tư nhiên. Bởi thực ra, như từng người nhận thấy tùy theo cấp độ, có lẽ công bình hay bất công tự nhiên nào đó đang áp đặt trên tất cả mọi người” (Aristotle, Rhetoric. Bk, ch.13.1373b).
Với tất cả những tìm hiểu trên và nếu được phép giản lược ý nghĩa phong phú và đa diện nói trên của hạn từ luân lý, chúng ta có thể tạm đúc kết như sau: “Luân lý là nghiên cứu hay suy tư trên hành vi và tính cách của con người, như thể ta khám phá và thông dự vào hạnh phúc, dẫn đưa con người triển nở, hoàn thiện cho mình và cho người khác”[10]. Hạn từ luân lý đôi khi còn được gọi là đạo đức, là một môn học nghiên cứu lẽ sống làm người và cách sống xứng với thân nhân ấy. Khi đề cập đến lẽ sống làm người cũng bao hàm những giải thích lý lẽ căn bản về thân phận làm người: con người là gì? Chết sẽ đi về đâu? Đó là những vấn nạn không chỉ thuộc phạm vi triết học nhưng còn là của luân lý học. Nghĩa là, chính lúc đi tìm câu trả lời buộc con người phải sống sao cho thích hợp với nhận thức. Để hoàn thành nhiệm vụ này, thiết tưởng nên tìm hiểu nguồn gốc phát sinh ra trực giác về luân lý, để nhờ đó chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về luân lý tự nhiên hay còn gọi là luật tự nhiên mà được sử dụng làm căn bản cho nền đạo đức phổ quát[11].
  1. Luân lý tự nhiên
Một trong công việc thiết yếu của thần học luân lý căn bản là cần phân biệt đâu là các dữ kiện mạc khải và đâu là các kinh nghiệm, suy tư và lý thuyết mà mọi người, kể cả những người chưa biết Tin mừng, có thể nắm bắt được. Kế tiếp, thần học luân lý cũng rất phải cẩn trọng trong việc phân biệt giữa luật tự nhiên và siêu nhiên. Điều này có nghĩa là, ta vẫn cần phải phân biệt những gì lý trí con người, kinh nghiệm và suy tư thông thường có thể lĩnh hội được với những gì xuất phát từ đức tin một cách đặc biệt qua mạc khải. Nhưng, làm sao đừng làm cho con người có cảm tưởng rằng có hai trật tự thực tại lịch sử khác nhau: một của sự cứu độ và một của bản tính tự nhiên thuần túy. Một cách ngắn gọn, nên nhớ rằng: “Tất cả mọi người được tạo dựng là cho Đức Kitô và được Đức Kitô cứu chuộc; ân sủng của Chúa cũng hoạt động bên ngoài các cơ chế hữu hình của Giáo hội”[12].
Luật luân lý tự nhiên là một thuật ngữ vừa được sử dụng trong triết học và luật học. Trong lãnh vực triết học và thần học luân lý, theo Từ Điển Thần Học (The New Dictionary of Theology), xuất bản năm 1987, trang 703, “luân lý tự nhiên ám chỉ tới một khái niệm đặc biệt cho các nền tảng của trách nhiệm luận lý”. Còn thuật ngữ tự nhiện ám chỉ tới nhãn quãn về luân lý mà dựa vào lý trí con người có thể khám phá được, không cần đến sự mạc khải của Thiên Chúa. Nghĩa là luật luân lý tự nhiên là một loại luật, được rút ra từ chính bản thân con người, hướng dẫn hành vi con người nhằm giúp cho con người đạt tới tới mục tiêu tối hậu tự nhiên của họ nhờ vào lý trí tự nhiên nhận biết.  Vậy ở đây tự nhiên là:[13]
-          không siêu nhiên, không được thông tri bằng con đường siêu nhiên;
-          không thiết định hay không phải là kết luận suy ra từ một mệnh lệnh của thẩm quyền luật pháp;
-          được tìm thấy nơi bản tính con người hay được suy diễn từ bản tính con người.
Như vậy, luân lý tự nhiên được xem như là thứ luật cắm rễ sâu nơi bản tính con người, và con người nhờ có năng lực sử dụng lý trí mà suy tư trên bản tính của mình, để biết phân biệt điều hay lẽ phải tránh khỏi điều sai trái. Nhờ vào đó, con người có thể tìm ra lối hành xử xứng hợp với chính bản thân mình, nhằm phát huy điều thiện hảo để cho mình được triển nở.
  1. Luật luân lý tự nhiên dưới quan điểm Kitô giáo
  1. Trong Kinh Thánh
Trong thư thánh Phao-lô gởi các tín hữu thuộc giáo đoàn Rôma đã đề cập đến luật luân lý tự nhiên, Ngài viết:
Dân ngoại là những người không có luật Mô-sê; nhưng mỗi khi họ theo lẽ tự nhiên mà làm những gì Luật dạy, thì họ là luật cho chính mình, mặc dầu họ không có luật Mô-sê. Họ cho thấy là điều gì Luật đòi hỏi, thì đã đưc ghi trong lòng họ. Lương tâm họ cũng chứng thực điều đó, vì họ tự phán đoán trong lòng, khi thì cho mình là trái, khi thì cho mình là phải” (Rm 2:14-16).
Với đoạn văn trên, thần học của Thánh Phaolô giới thiệu cho chúng ta một viễn cảnh căn bản giữa luật của Đức Kitô và luật tự nhiên. Đoạn văn này cho thấy cần rao giảng sứ mệnh phổ quát cho muôn dân cũng như hòa giải người Do thái với dân ngoại để sao cho mọi người được đoàn kết với nhau dù họ có nhiều khác biệt. Thứ hai, đoạn văn này cũng là để nhằm hòa giải các Kitô hữu gốc Do thái và các Kitô hữu gốc các dân tộc khác để nhằm tôn trọng nhau về tính đa dạng trong quan niệm về Luật và lề luật. Lập trường của Phaolô là chỉ trích chủ nghĩa vị luật mà đã đi ngược lại với chân lý của Giao ước. Phaolô đã cho chúng ta nhận thấy ý nghĩa đích thực của luật Chúa Kitô là được Chúa Thánh Linh ghi khắc nơi các tâm hồn. Đồng thời, ngài cũng vạch ra con đường mang lại sự cảm thông lẫn nhau giữa người Do thái và dân ngoại. Con đường dẫn đến sự hỗ tương và hòa giải lẫn nhau là lề luật được khắc ghi trong tâm hồn, trong lương tâm dân ngoại.
Thật vậy, tột đỉnh của nền luân lý Kitô giáo dựa trên Giáo Ước (Berith) là “Luật Chúa Kitô” (Gl 6,2; Rm 8, 2). Mục đích của Giao ước này là nhằm giúp cho các tín hữu sẵn lòng tương trợ lẫn nhau. Do đó, một khi chúng ta biết thấm nhuần và kếp hợp với Luật Chúa Kitô giúp chúng ta đổi mới và soi sáng lương tâm. Theo Thánh Phaolô, Luật Chúa Kitô vừa là nền tảng của ơn cứu độ phổ quát nhưng vẫn tạo sự liên tục giữa Cựu Ước và Tân Ước.  Ngài cũng  chỉ  trích một thứ chủ nghĩa vị luật đi ngược với chân lý của Giao Ước. “Bởi vì chính Ngài là an bình của chúng ta, Ngài là hòa hợp hai dân tộc thành một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, đã tiêu hủy nơi thân xác Ngài sừ thù ghét, luật lệ và quy cách của nó để tạo lập cả hai thành một con người mới mẻ trong Ngài, hòa hợp với nhau và giao hòa họ với Thiên Chúa” (Ep 2, 14-16).
Qua đoạn văn Rôma 2,15, Phaolô đã rất yêu mến luật mà Thiên Chúa đã ban tặng cho dân Israel. Điểm căn bản của luật này là được thực thi qua việc yêu mến tôn thờ Thiên Chúa và yêu thương đồng loại của mình. Như thế, Phaolô ngỏ lời với tất cả mọi người, Do thái cũng như dân ngoại, lời mời gọi sống thánh thiện (Rm 1,5-7). Mọi người cần phải được hòa giải với nhau. Không được ruồng bỏ một ai bởi vì Thiên Chúa tự biểu lộ mình cho tất cả mọi người qua những công trình Ngài đã tạo dựng (Rm 1,18-20). Phaolô kết luận như sau: lòng Chúa xót thương luôn mời gọi tất cả chúng ta hoán cải (Rm 2,1-9), cho nên chúng ta không được đánh giá thấp kẻ khác, không nghĩ rằng kẻ khác đáng bị kết án. Trước hết, Tin mừng khuyên nhủ mọi người biết hòa giải với nhau cũng như đừng xét đoán kẻ khác là nhằm áp dụng cho cả người Do thái cũng như Hy lạp (Rm 2,10-14). Kế tiếp, Phaolô chỉ nhấn mạnh đến luật mến Chúa yêu người. Nghĩa là, không nên chú ý đến thứ lề luật khác biệt giữa người Do thái và dân ngoại nhưng là cần chú ý đến lề luật chung cho tất cả mọi người, đó là luật yêu thương chân thực. Và  chính  lương tâm đã thiết lập nên điểm quy chiếu của lề luật chung này: dù đó là lương tâm của ngững người sống theo luật yêu thương và công bình, hay là thứ lương tâm kêu gọi những người hành động sai trái hoán cải. “Họ tỏ cho thấy việc mà luật pháp dạy biểu đã nghi trong lòng họ, chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì bên vực mình” (Rm 2,15).
Như vậy, luật tình yêu được xem như quy luật vàng vì “các con hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương các con” (Ga 12,15). Cũng vậy, một trong những luật hết sức tự nhiên đối với mọi con người nhân bản đã được minh nhiên nói lên trong Sách Tôbia: “Điều gì con không thích, thì đừng làm cho người khác” (4,15). Trong bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu sẽ nhắc lại luật này, nhưng theo nghĩa tích cực: “Vậy, tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các tiên tri là thế đó” (Mt 7,12). Phaolô cũng xác định như vậy nhưng có vẻ nhấn mạnh hơn: “Bởi vì chỉ có một công thức chứa đựng sự viên mãn của toàn bộ lề luật: “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình” (Gl 5,14).
Tuy nhiên, điều này không cho phép chúng ta quên rằng tự bản chất, lề luật yêu thương này được đồng hóa với lề luật được khắc ghi trong tâm hồn những kẻ vẫn còn chưa biết Đấng đã mang lề luật được ghi khắc này đến sự viên mãn, đã hé lộ cho lề luật này những chân trời mới. Cũng vậy, nhờ Ngôi Lời Vĩnh cửu (tạo dựng) và Ngôi Lời nhập thể, tình yêu viên mãn của Thiên Chúa được biểu lộ và phẩm giá kỳ diệu của chúng là những kẻ được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa được mạc khải.[14]
  1. Theo quan điểm của Giáo hội
Theo Công đồng Vat II:
Những điều trên đây còn sáng tỏ hơn nữa đối với những ai chấp nhận khuôn mẫu tối thượng của đời sống con người là chính luật vĩnh cửu, khách quan và phổ cập của Thiên Chúa. Qua luật này, Ngài xếp đặt, hướng dẫn và điều khiển cả hoàn vũ cũng như các hướng đi của cộng đoàn nhân loại trong ý định đầy khôn ngoan và thương mến của Ngài. Ngài đã cho con người được tham dự vào lề luật của Ngài, để con người, nhờ sự an bài yêu thương của Thiên Chúa quan phòng, ngày càng có thể nhận biết chân lý không hề đổi thay. Vì thế, mỗi người đều có bổn phận, và do đó, có quyền tìm kiếm chân lý trong lãnh vực tôn giáo, để họ dùng những phương tiện thích đáng mà phán đoán đúng đắn và chân thật theo lương tâm một cách khôn ngoan” (Digitas Humanae 3).
Còn trong Gaudium Et Spes, số 16 nói như sau:
Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo, và tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người: hãy làm điều này, hãy tránh điều kia. Quả thật con người có lề luật được Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người và chính con người cũng sẽ bị xét xử theo lề luật ấy nữa. Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ. Nhờ lương tâm, lề luật được thực hiện trong sự yêu mến Thiên Chúa và anh em, và được biểu lộ cách kỳ diệu. Trung thành với lương tâm, người Kitô giáo liên kết với những người khác để tìm kiếm chân lý và giải quyết trong chân lý biết bao vấn đề luân lý được đặt ra trong đời sống cá nhân cũng như trong giao tiếp xã hội. Bởi vậy lương tâm ngay thẳng càng thắng thế thì những cá nhân và cộng đoàn càng tránh được độc đoán mù quáng và càng nỗ lực tuân phục những tiêu chuẩn khách quan của luân lý. Tuy nhiên, lương tâm nhiều khi lầm lạc vì vô tri bất khả thắng, nhưng cũng không vì thế mà mất hết phẩm giá. Nhưng không thể nói như vậy khi con người ít lo lắng tìm kiếm điều chân và điều thiện cũng như khi vì thói quen phạm tội mà lương tâm dần dần trở nên mù quáng”.
Như vậy, quan điểm của Công đồng Vat II về luật luân lý tự nhiên cũng dựa trên Kinh thánh.  Việc nhắc lại nền tảng Kinh thánh là quan trọng thiết yếu của Công đồng về luân lý tự nhiên. Vào thời phán xét sau cùng, mọi người thuộc mọi thời đại sẽ bị xét xử theo lề luật tình yêu cứu độ màđược ghi khắc trong tâm hồn mỗi người (x. Mt 25).Với Gl 5, 14: “Ngươi hãy yêu tha nhân như chính mình” đã nhấn mạnh đến viễn cảnh của một công thức chứa đựng được sự viên mãn của tất cả lề luật. Dù là người Do thái hay Hy lạp hay thuộc mọi dân tộc khác nhau thì cũng đều chịu sự chi phối của công thức này và đều bị xét xử như nhau. Vì thế mọi người phải thực tâm lắng nghe tiếng lương tâm của mình là nơi luật tình yêu lên tiếng.

(còn tiếp)



[1]Xc Phêrô Lê Văn Chính. Giáo Trình Giáo Phụ Học, TTHVĐM 2009. trang 67.
[2] Xc Nguyễn Thái Hợp, O.P, Thần Học Luân Lý Xã Hội, TT Học Vấn Đa Minh, 2005, trang 04.
[3]Xc Giuse Nguyễn Đức Quang, Luân Lý Căn Bản, TT Học Vấn Đa Minh, 2007, trang 293.
[4] Nguyễn Bình Tĩnh, Luân Lý Cơ Bản Kitô Giáo, trang 18.       
[5]Việt Nam Tự Điển, NXB Hà Nội, 1931.
[6] Nguyễn Bình Tĩnh, Luân Lý Cơ Bản Kitô Giáo, trang 20.
[7]NXB Đà Nẵng, 2007, trang 646.                                            
[8]Luân Lý Công Giáo – Luân Lý Căn Bản, trang 22.
[9] Xc Nguyễn Thái Hợp, Đạo Đức Học, Trung Tâm Học Vấn Đa Minh, 2000.
[10] Trần Mạnh Hùng, Thần Học Luân Lý – Một Cái Nhìn Mới, trang 21.
[11]Xc The Search for Universal Ethics: A New Look at the Natural Law, http://pathsoflove.com/universal-ethics-natural-law.html,  ngày 2 tháng 3 năm 2010.
[12] Bernard Haring, Thn Học Luân Lý - Những Ý Tưởng Chủ Đạo, Tủ Sách Chuyên Đề, trang 127.
[13] Trần Mạnh Hùng, Thần Học Luân Lý – Một Cái Nhìn Mới, trang 121.

[14] Xc. Bernard Haring, Thn Học Luân Lý - Những Ý Tưởng Chủ Đạo, Tủ Sách Chuyên Đề, trang 147.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP