Tài liệu tham khảo:
- Domenic Marbaniang. Outline of Theology. 2007, 2009.
- Thomas P.Rausch. Introduction to Theology. The Liturgia Press. 1993.
- Phan Tấn Thành. Nhập Môn Thần Học. Trung Tâm Học Vấn Đa Minh. 2009.
- Encarta Premium. 2009.
Thần học là gì?
Nhìn chung, thần học là một nghiên cứu về niềm tin và giáo lý của Kitô giáo. Với nghĩa này, thần học cố gắng đưa ra một lối trình bày và giải thích có hệ thống về giáo lý của Kitô giáo. Do đó, thần học có nghĩa hẹp hơn đức tin, bởi vì đức tin là một toàn bộ thái độ của một cá nhân bao gồm ý chí và tình cảm; còn thần học chỉ cố gắng diễn đạt thành lời những yếu tố của niềm tin mà minh nhiên hay mặc nhiên được tìm thấy trong niềm tin. Để hiểu rõ hơn, chúng ta tìm hiểu nguyên ngữ của từ “thần học”. Nó được dịch bởi danh từ Theologia (Latinh), théologie (Pháp), theology (Anh),…. Từ này gốc là Hy lạp và được ghép bởi hai từ: theos có thể dịch là thần, hay là Thiên Chúa; logos là lời, lý lẽ, lý giải hay lý luận. Tới đây, theologia có thể hiểu theo 3 nghĩa:
- Lời của Chúa nói với con người, nghĩa là mạc khải.
- Lời của con người nói với Chúa, nghĩa là cầu nguyện.
- Lời của con người nói về Chúa.
Như vậy, từ những khái niệm trên chúng ta có thể suy ra thần học sẽ giúp chúng ta:
- Một sự hiểu biết rõ hơn về đức tin,
- Như là một đáp trả rõ ràng và vững chắc cho niềm tin của mình (1Pr 3, 15),
- Một trình bày hệ thống về những chân lý được mạc khải của Thiên Chúa (2Tm 2, 15),
- Như một thành bảo vệ chống lại lạc giáo và những giáo huấn sai lầm (Mt 22, 29; Ga 1, 6-9; 2Tm 4, 2-4),
- Thành những Kitô hữu trưởng thành và gia tăng trong đời sống tâm linh (Eph 4, 14).
Các phân khoa thần học
Ngoài ra, từ theologia đôi khi cũng được dùng với một nghĩa rộng hơn như là không chỉ nghiên cứu giáo lý nhưng còn nghiên cứu thánh kinh, lịch sử giáo hội,…. Do đó, thần học được phân thành các ngành như sau:
1. Thần học Thánh Kinh: công việc là thường tìm ra ý nghĩa lịch sử của nguyên bản kinh thánh nghiên cứu về thần học kinh thánh trong Cựu ước và Tân ước. Những nghiên cứu này phải dựa theo lối tư tưởng thuần túy của Kinh thánh.
2. Thần học về lịch sử: tìm hiểu về nguồn gốc và sự phát triển về niềm tin của Giáo hội và truyền thống thần học trong những thời điểm khác nhau của lịch sử. Chẳng hạn như các giáo phụ, huấn quyền và giáo luật, lịch sử Giáo hội,…
3. Thần học hệ thống: giúp con người thủ đắc được những giáo lý căn bản của niềm tin và chỉ cho thấy chúng liên hệ với nhau như thế nào nhờ vào một lối trình bày có hệ thống. Trong đó bao gồm thần học cơ bản, thần học tín lý, thần học luân lý.
4. Thần học thực tiễn: việc áp dụng thần học vào trong mục vụ, tâm linh, cuộc sống.
Các giai đoạn thần học trong lịch sử Kitô giáo
1. Thời ký giáo phụ: thành 2 giai đoạn, kéo dài khoảng 8 thế kỷ.
a. Hai thế kỷ đầu:
- Kinh thánh là nguồn mạch đạo lý và giáo huấn (2Tm 3, 16-17).
- Hộ giáo dùng những từ triết học để diễn tả mầu nhiệm đức tin như: Tertullianô đức Kitô có hai natura và một persona; Theophius Antiochia dùng tiếng trias để nói về Thiên Chúa.
- Xuất hiện hai trường phái Alêxanđria với chủ trương đối thoại giữa triết học với đức tin, và có khuynh hướng chú giải Kinh thánh theo nghĩa ám dụ, ảnh hưởng của triết học Platon; còn trường Antiôkia có khuynh hướng chú giải Kinh thánh theo nghĩa đen, ảnh hưởng của triết học Aristote.
- Chính sự khác biệt này dẫn tới việc tranh luận về Kitô học với hai lập trường: đề cao thiên tính của Đức Kitô (Alêxanđria); đàng khác, chú trọng nhân tính của đức Kitô (Antiôkia).
b. Sáu thế kỷ sau:
- Kitô giáo được nhìn nhận làm quốc giáo trong Đế quốc Rôma.
- Công tác chủ yếu của thần học là nhằm nuôi dưỡng đức tin và bảo vệ đức tin chống lại các lạc thuyết.
- Ngoài ra, công đồng Nixêa (325) đã dùng một từ ngữ triết học (homo-ousios: con-subtantialis) để định nghĩa bản tính Đức Kitô.
2. Thời kỳ Trung cổ (thời kỳ Kinh viện): kéo dài 7 thế kỷ, được chia làm 3 giai đoạn:
a. Từ thế kỷ VII-XI: công tác thần học diễn ra trong các đan viện. Việc giải thích Kinh thánh dựa vào thế giá của các Giáo phụ và văn phạm. Chính phương pháp này đã tạo nên khủng hoảng giữa đức tin và lý trí.
b. Thế kỷ XII: khung cảnh thần học đã chuyển từ nông thôn lên thành thị. Cũng vậy, việc giải thích Kinh thánh không dựa theo thế giá của các giáo phụ nữa, nhưng là dùng phương pháp suy luận, tranh luận. Tuy nhiên, phương pháp này cũng gây ra nhiều tranh cãi và chưa đi đến đồng thuận.
c. Thế kỷ XIII: đây là thời kỳ suy tàn của thần học kinh viện. Việc du nhập một triết học mới với các tác phẩm của Aristote đã dẫn tới cuộc khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng do du nhập một nền triết học mới với vũ trụ quan và nhân sinh quan dựa theo lý trí thay cho Kinh thánh. Về sau chính thánh Tôma Aquinô ủng hộ và “rửa tội” cho lập trường của Aristote, cho rằng: chúng ta cần phải chấp nhận giá trị của những khám phá của lý trí. Quan điểm của thánh Tôma là thế giới vật chất có giá trị riêng của nó. Kế tiếp, xuất hiện chủ nghĩa duy danh làm phá vỡ sự hài hòa giữa đức tin và lý trí. Đây là thời kỳ suy tàn của thần học Kinh viện.
3. Thời kỳ cận đại: kéo dài hơn 4 thế kỷ với nhiều tư tưởng thần học.
a. Thế kỷ XV-XVI: xuất hiện một trào lưu mới: nhân văn, nhân bản. Trào lưu này phát huy tài năng của con người như lý trí, suy luận, khoa học mà những khả năng này không được chú trọng trong thời kỳ trung cổ. Ngoài ra, một nhà cải cách Tin lành Martin Lutêrô vừa muốn trở về nguồn (Kinh thánh) để chống lại lạm dụng Giáo hội, nhưng lại phát triển trào lưu nhân bản. Phương pháp này chú trọng việc giải thích Kinh thánh, gạt bỏ huấn quyền và triết học. Để phản ứng lại cuộc cải cách của Tin lành, khoa hộ giáo xuất hiện để chống lại lạc giáo. Cũng vậy, sự ra đời của Giáo hội học để chứng minh cho đặc trưng của Giáo hội đích thực của Đức Kitô. Cũng trong thời kỳ này, xuất hiện các nhân vật nổi tiếng của hai dòng: Tôma Aquinô, dòng Đa Minh; Gabriel Vasquez, Francisco Sauarez, dòng Tên. Từ đây thần học được tách rời ra nhiều khoa biệt lập: tín lý, luân lý, thực nghiệm, tâm linh,…
b. Thế kỷ XVII-XIX: Thần học bị loại ra khỏi trường học và đức tin và lý trí tách rời nhau do sự tục hóa của văn hóa Tây phương. Phương pháp thần học lúc này chủ yếu là chống lại Tin lành, chống thuyết duy lý.
4. Thời kỳ hiện đại (thế kỷ XX): nhờ thành quả đạt được của 2 Công đồng Vat. I và II đã giúp thần học có được một sự canh tân trổi vượt: khoa chú giải Kinh Thánh phát triển mạnh, trở về nguồn, canh tân trong phụng vụ, đối thoại với các trào lưu văn hóa thời đại để chấp nhận các giá trị trần thế, chú trọng đến các vấn đề con người (thần học lao động, giải phóng, thần học chính trị, thần học nữ giới,…).
Học thần
Vì thần học cũng là một môn học như bao môn học khác cho nên ít nhiều nó cũng có những phương pháp nghiên cứu cho đối tượng của mình. Ngoài những phương pháp nghiên cứu chung giống nhau (phương pháp luận tổng quát), thế nào nó cũng có những phương riêng (phương pháp chuyên ngành). Ở đây, chúng ta bàn đến phương pháp nghiên cứu và trình bày các đề tài thần học.
Ngoài các phương pháp chung, xin được tóm lược ba bước qua công thức: auditus fidei, intellectus fidei, praxis fidei mà cũng được đề cập đến trong thông điệp Fides et Ratio của Đức Gioan II ban ngày 14 tháng 9 năm 1998. Từ truy tìm nguồn gốc đạo lý đức tin (phương pháp sử học), suy tư giải thích (phương pháp lý luận diễn dịch), và sau cùng là thực hành bằng việc áp dụng các đạo lý đức tin đó vào trong cuộc sống.
Auditus fidei
Công việc là truy tìm nguồn gốc đạo lý đức tin sẽ dùng phương pháp sử học để kiểm chứng. Thông thường tiến hành theo hai cách căn bản:
- Đi ngược: khởi đi từ đạo lý của Giáo hội hiện hành lùi về các chứng tích trong Kinh thánh và Hội thánh sơ khai để kiểm chứng tính xác thực.
- Đi xuôi: bám sát sự tiến triển đạo lý Kinh thánh, các Giáo phụ qua các thời đại cho đến ngày nay để tìm hiểu sự phát triển.
Intellectus fidei
Đây là phương pháp giải thích đức tin được xếp thành 3 hệ thống: (1) Quy về Thiên Chúa: Thiên Chúa nguyên ủy tác thành (bàn về Thiên Chúa Ba Ngôi), Đức Kitô là đường dẫn tới Thiên Chúa (nói về các mầu nhiệm)… (2) Quy về Đức Kitô đi từng chi tiết về thân thế, sự nghiệp, rao giảng… để giúp chúng ta biết được con người thực của Thiên Chúa; (3) Quy về Hội thánh: theo ba chiều kích là hướng thượng (với Thiên Chúa), hướng nội (nội tại trong Hội thánh), và hướng ngoại (với thế giới).
Dựa vào 3 trình tự đó, chúng ta suy tư và giải thích thuật ngữ mới của thời đại và diễn đạt thích nghi chúng với khung cảnh, bối cảnh mới.
Praxis fidei
“Phúc cho ai lắng nghe lời Chúa mà đem ra thực hành” (Lc 11, 28). Đó là điểm cốt lõi của bước này vì “đức tin mà không có việc làm thì quả là đức tin chết” (Ga 2,17).
Tóm lại, thần học (theologia): theos+logos là lời của Chúa nói với con người; lời của con người nói về Thiên Chúa (và với Chúa). Từ đó, chúng ta thấy rằng bản chất của thần học (theologia): theos+logos cũng là lời hoặc lý về Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa hiểu ở đây là một chủ thể chứ không phải một đối tượng, nên học về thần học không những tìm hiểu về Chúa mà còn những chuyện liên quan tới Chúa: tạo dựng vũ trụ, cuộc sống con người, công cuộc cứu chuộc,… Hơn thế nữa, theo các giáo phụ Đông phương, đối tượng của thần học là công trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Mà đã nói tới công trình cứu chuộc của Thiên Chúa thì phải kể đến kế hoạch cứu độ. Trong đó phải bàn về công trình tạo dựng, cứu chuộc…
Với một bản chất và đối tượng như thế, chắc hẳn phải có những phương pháp khác nhau để làm việc hiệu quả tốt hơn: phương pháp tổng quát và phương pháp chuyên ngành. Nhờ dựa vào phương pháp tiếp cận này: thần học lịch sử, thần học suy luận và thần học ứng dụng, chúng ta có hiểu biết về thần học hơn.
Bertrand Nguyễn Thanh Hoài
0 nhận xét:
Đăng nhận xét