(tiếp theo và hết)
Âu Phủ
3.2 Bình đẳng xã hội và các mối liên hệ xã hội trở nên quan trọng trong nền kinh tế, chính trị, và xã hội: Đối thoại trên mọi phương diện trở nên chuẩn mực trong giao tiếp và truyền đạt
Xã hội xưa kia được thiết lập trên nền tảng các mối liên hệ bất bình đẳng: vua-tôi, chủ-tớ, thầy-trò, và các mối liên hệ khác. Dĩ nhiên, những mối liên hệ này cần thiết và không thể thiếu trong xã hội hôm nay, nhưng tính chất và mức độ nhấn mạnh một số khía cạnh của chúng thì có sự khác biệt.
“Anh em biết: thủ lãnh các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giưa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộng muôn người.” (Mt 20:25-28)
Thực hiện theo lời dạy này của Chúa Giêsu quả là không dễ. Không chỉ kinh nghiệm bản thân cho thấy điều này khó, nhưng chính lịch sử cũng đã chứng minh rằng loài người đã từng thất bại trong việc xây dựng xã hội bình đẳng và yêu thương. Xưa kia, vua là chúa tể và dân là sở hữu của vua. Vương quốc là vương quốc của vua. Dân là dân của vua. Đất đai và thiên nhiên cũng là của vua. Dưới cấp bậc vua-tôi thì có liên hệ chủ-tớ. Chế độ nô lệ là một điển hình cho sự bất bình đẳng nghiệt ngã của loài người. Người nô lệ chỉ là vật sở hữu của người chủ, và không hơn. Sự bất bình đẳng còn hiện diện ngay trong giáo dục, được thể hiện trong tương quan thầy-trò, thật thiêng liêng nhưng cũng không kém phần ràng buộc áp chế. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư.” (Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy). Một khi đã là thầy, thì muôn đời là thầy và phải luôn được kính trọng. Ngay cả liên hệ vợ chồng, liên hệ của những người bạn đời, cũng nhuốm thẫm một màu bất công của tư tưởng “chồng chúa vợ tôi.”
Thiên Chúa giáo được mệnh danh là đạo của yêu thương, nhưng trong lịch sử của Giáo hội, sự bất công đã không vắng bóng, mà thậm chí có lúc đã tạo nên những sự bất công tàn nhẫn mà nhân loại đã từng chứng kiến. Nhiều vị Giáo hoàng và Giám mục thực sự là những vị vua, theo nghĩa đen. Một điển hình nhất cho sự bất công của Giáo hội, đó là Tòa án dị giáo. Biết bao người đã bị thiêu sống, bị treo cổ hoặc bị chém đầu và tra tấn vì có sự không thuận với Giáo hội về đức tin.
Ở đây, chúng ta không kết án tiền nhân về sự bất công trong quá khứ, vì chúng ta hiểu rằng, con người không chỉ có tính xã hội mà còn có tính lịch sử, nên trong những hoàn cảnh nhất định, con người không thể tránh khỏi những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nhắc lại những hạn chế trong qúa khứ, là nhằm để học hỏi và tránh đi những hạn chế đó. Nếu chúng ta đã thấy và đã biết mà vẫn nhắm mắt làm ngơ để tiếp tục sai phạm, thì người đáng bị trách chính là chúng ta.
Với sự đề cao quyền con người, chủ nghĩa nhân văn đã thổi một luồng gió mới làm tươi mát nhân loại. Tuy rằng đây đó vẫn có sự kết án những đòi hỏi được cho là quá đáng về quyền con người, những đòi hỏi được xem là đã vượt qua giới hạn của luân thường đạo lý, nhưng nhìn chung quyền của con người ngày càng được thừa nhận và trân trọng hơn. Chính Giáo hội đã có những tiếp thu lớn từ những chuyển mình của xã hội. Không chỉ tiếp thu, mà ngày nay chính Giáo hội đang ra sức bảo vệ và cổ võ cho quyền sống, quyền tự do tôn giáo và những quyền cơ bản khác của con người, ngoài việc chăm lo ơn cứu rỗi của linh hồn.
Hiện nay, một số nước vẫn còn vua hoặc nữ hoàng, nhưng vua chúa cũng chỉ là những công dân của đất nước họ mà thôi, chứ không còn là chúa tể nữa. Quan hệ chủ-tớ có một sự khác biệt lớn đối với xưa kia. Ngoài quan hệ công việc thì người chủ không có quyền gì nữa trên đời sống riêng tư của người thuộc cấp hoặc người làm thuê. Quan hệ thầy-trò vẫn là một quan hệ thiêng liêng và phổ biến, nhưng tính chất ràng buộc không còn gay gắt nữa. Hôm nay làm thầy, nhưng ngày mai lại rất có thể là trò hoặc là người thuộc cấp của trò. Trong kinh doanh buôn bán, cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh được khích lệ, và cạnh tranh có tính độc quyền thì sẽ bị pháp luật trừng phạt. Trong tương quan xã hội, những hình thức áp bức đều bị lên án và loại trừ. Ngay trong phạm vi gia đình, hành vi thiếu sự tôn trọng và gây tổn thương cho con cái, cho cha mẹ hay cho vợ hoặc chồng, thì bị xem là ngược đãi và sẽ bị kết án bởi công luận. Hiển nhiên rằng xã hội mà chúng ta đang sống chưa hoàn hảo, nhưng giá trị bình đẳng giữa người và người đã được quan tâm và có một vị trí quan trọng trong đời sống xã hội hôm nay.
Khi nói đến bình đẳng, thì đồng thời chúng ta cũng phải nói đến tương quan và liên hệ, vì nếu không có liên hệ thì bình đẳng vô nghĩa. Bình đẳng không có nghĩa là không liên quan đến người khác, nhưng ngược lại, cần có liên quan và liên quan này là liên quan trong sự tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau. Vì vậy, bên cạnh giá trị bình đẳng, các mối liên hệ xã hội rộng rãi có một vai trò hết sức quan trọng. Các mối liên hệ xã hội không đơn thuần là một tương quan về tình cảm, mà nó còn là một năng lực của xã hội. Một đất nước tự cô lập, cắt đứt các mối liên hệ quốc tế, thì đất nước đó sẽ bị suy thoái, lạc hậu và nghèo đói. Việt Nam thời đóng cửa những năm trước đây là một ví dụ cụ thể. Càng có nhiều liên hệ xã hội rộng rãi, tôn trọng và nâng đỡ, thì càng có thêm sức mạnh, sự giàu có, và phát triển. Người càng có nhiều mối liên hệ rộng rãi, tôn trọng và nâng đỡ, thì càng có thêm trợ lực và ủng hộ, như chiến thuật của các nhà chính trị kinh điển: “Được lòng dân là được cả thiên hạ.” Trong kinh doanh cũng vậy, càng mở rộng quan hệ tương trợ và bình đằng, thì lợi nhuận càng cao. Nếu có lợi nhuận 1 đồng/ 1 đối tác, thì người có 100 đối tác kiếm được 100 đồng tiền lời, và người có 1.000.000 đối tác sẽ kiếm được 1.000.000 đồng. Không chỉ có sức mạnh và lợi nhuận, mà các mối liên hệ này còn là nguồn lực phát triển của xã hội. Nếu 1 người trở thành 1 đối tác trong chuỗi liên hệ xã hội, nghĩa là 1 người đã kiếm được công ăn việc làm, thì xã hội có được 1 nguồn lực phát triển. Nếu Việt Nam, trong mối liên hệ quốc tế tốt đẹp, hết thảy 85 triệu người đều có công ăn việc làm thì Việt Nam sẽ ổn định và cường thịnh biết mấy!!!
Khi mà bình đẳng và các mối quan hệ xã hội có giá trị rất lớn trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội, thì chắc rằng nó cũng có một vai trò không nhỏ trong lĩnh vực tôn giáo. Biết rằng không phải bất cứ thứ gì có giá trị trong lĩnh vực đời cũng đều có giá trị như thế trong lĩnh vực đạo, nhưng nếu chúng ta lắng nghe và noi gương theo thầy Giêsu, thì chúng ta sẽ càng bị thuyết phục rằng, bình đẳng và tương quan con người là rất cần thiết, vì chúng là hai trong số những yếu tố của người môn đệ của Đức Ki-tô. Chính Chúa Giê-su đã gọi các môn đệ là “bạn hữu” (Ga 15:15) và dạy các ông hãy đối xử với nhau như bạn hữu bằng việc “rửa chân cho nhau” (Ga 13:14). Về tương quan, thì không chỉ giới hạn ở bất cứ một quốc gia nào, nhưng là “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28:19).
Bằng cách nào để có thể có được các mối liên hệ bình đẳng và yêu thương? Chúng ta biết rằng, nhờ Ngôi Lời mà vạn vật được tạo thành (Ga 1:3), nên chính nhờ Ngôi Lời mà hết thảy chúng ta có được sự liên hệ. Ngôi Lời đã làm người và trở nên bạn của hết thảy mọi người. Là “bạn”, Người đã “nói” cho nghe những gì Người nghe biết nơi Chúa Cha, và “mời gọi” hết thảy cùng đáp trả tình yêu của Thiên Chúa. Theo ngôn ngữ của loài người, chúng ta có thể nói rằng, qua đối thoại Thiên Chúa đã sáng tạo và mời gọi con người tham dự vào sự sống viên mãn nơi Ngài. Nếu thế thì chúng ta cũng phải qua đối thoại, qua Ngôi Lời và đối thoại con người, để đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa.
Giáo hoàng Gioan Phao-lô II trong “Lời Nhắn Nhủ Đến Người Dân Á Châu” (Message to the People of Asia, Manila, 21 February, 1981) đã dạy:
“Tất cả những người Ki-tô hữu phải tận tâm vào việc đối thoại với các tín hữu thuộc các tôn giáo khác, để từ đó sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác lẫn nhau có thể tiến triển; để từ đó những giá trị đạo đức có thể được củng cố; để từ đó Thiên Chúa được cả sáng nơi tất cả vạn vật. Tất cả các cách thức phải được vận dụng để làm cho đối thoại này trở nên hiện thực khắp nơi, nhưng một cách đặc biệt tại Á Châu, một lục địa từng là cái nôi của các nền văn hóa và tôn giáo cổ kính”[1]
Thiết nghĩ cũng nên giải thích thêm rằng, đối thoại của con người không chỉ đơn thuần là sự giao tiếp bằng lời nói hay chữ viết, nhưng là liên hệ qua lại bằng tất cả các phương diện của đời sống, chẳng hạn như: đối thoại qua đời sống, đối thoại bằng hành động, đối thoại bằng sự trao đổi thần học, và đối thoại bằng trải nghiệm tôn giáo.[2]
Khi đối thoại trở nên một hiện thực khắp nơi, thì trong lĩnh vực giáo lý tất nhiên là nó cũng không thể vắng bóng. Đối thoại là yếu tố cần phải có, và để đối thoại được thiết lập và tiến triển thì đối thoại cần được xây dựng trên tinh thần cởi mở, tôn trọng và sẵn sàng đón nhận nhau. Nếu trong giao tiếp mà có lời nói, thái độ hay ý định sát phạt nhau, thì đối thoại đó đã đến lúc đi đến kết thúc và thất bại. Nếu giáo lý không là một đối thoại trong tinh thần cởi mở, tôn trọng và tiếp nhận thì giáo lý đó không là giáo lý của xã hội hôm nay – một xã hội được xây dựng trên nền tảng các mối liên hệ bình đẳng và liên đới.
“Khẩu khí” của các thánh Tổ Phụ xưa kia trong giáo dục đức tin là: “Ngoài Giáo hội, không có ơn cứu độ” (Cyprian và nhiều thánh Tổ Phụ khác). Đối với cái nhìn ngày nay của chúng ta, nói theo ngôn ngữ trong phim chưởng Tàu, thì ngôn ngữ đó đầy “sát khí”; nhưng trong hoàn cảnh xưa kia, và trong những hoàn cảnh cụ thể mà nó được sử dụng[3], thì nó lại có tính chất thông thường, thích hợp và chấp nhận được.
Xưa kia, trái đất được xem là trung tâm của vũ trụ, Rô-ma được xem là thế giới loài người (cũng như Trung Hoa xem Trung Hoa là cái “rốn” của vũ trụ), Thiên Chúa Giáo được xem là quốc giáo và là tôn giáo duy nhất, tình yêu Thiên Chúa và tha nhân được xem là duy nhất trong sự hợp nhất với Giáo hội. Tất cả chỉ như thế mà thôi. Thế giới nếu không hợp thì tan, thuộc Rô-ma hay là chống lại Rô-ma, thuộc về Thiên Chúa trong sự hợp nhất với Hội Thánh hay chống lại Thiên Chúa bằng việc tách khỏi sự nên một qua Hội Thánh, và chỉ như vậy mà thôi. Với cái nhìn có tính chất quy chiếu và trắng đen như thế, phổ biến với hết mọi người, có thể nói là như vậy, thì việc sử dụng ngôn ngữ có tính chất quy chiếu và trắng đen trong giao tiếp hàng ngày là một điều thường tình, và thậm chí rất cần thiết cho sự dễ hiểu đối với con người đương thời.
Nhưng ngày nay, cái nhìn về con người và vũ trụ đã khác: trái đất không phải là trung tâm nhưng như là một hạt bụi bay trong vũ trụ. Có nhiều quốc gia ngoài Ý và các quốc gia đều có những luật lệ riêng. Thiên Chúa giáo chỉ là một trong nhiều tôn giáo lớn…. Với quan điểm và nhận thức mới, nếu chúng ta vẫn sử dụng ngôn ngữ và cách nói xưa kia, thì rõ ràng là không phù hợp và không chấp nhận được. Lời nói thông thường và dễ hiểu đối với ngày xưa, “Ngoài giáo hội không có ơn cứu độ”, nếu được sử dụng một cách máy móc lại trong hoàn cảnh hôm nay thì nó quả là trịch thượng và kiêu ngạo.
3.3 Kiến thức và thông tin trở nên dồi dào và có tính thương mại: Hệ thống các hoạt động tôn giáo và xã hội của đời sống hàng ngày thay thế chỗ cho lời giáo huấn và truyện kể
Thời đại mà chúng ta đang sống được mệnh danh là “thời đại của thông tin.” Cái danh này quả là thích hợp, vì nó vừa miêu tả được thực trạng vừa nói lên được tính chất của xã hội hôm nay. Thực trạng của xã hội hôm nay là sự phong phú về thông tin và sự đa dạng của các phương tiện truyền thông. Truyền thanh và truyền hình được phát sóng ngày và đêm. Nhiều đài khác nhau. Sách báo tràn ngập. Internet được nối tới từng nhà. Điện thoại có trong tay mỗi người. Sự trao đổi thông tin không chỉ là hiện tượng, mà nó còn là một tính chất của xã hội hôm nay. Con người ta đã không chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn sống bằng thông tin. Một ngày không được nghe tin tức trên ra-di-ô, không được xem thời sự trên ti-vi, hoặc không được đọc thư từ báo chí trên Internet, thì cũng khó chịu như việc ăn chưa no ngủ chưa kỹ.
Tuy thông tin tràn lan, nhưng nó không được cho đi một cách “cho không biếu không.” Vì nó là một nhu cầu lớn của con người hiện đại và do con người quản lý, nên nó là một món hàng có tính thương mại rất cao, đặc biệt đối với những nhà kinh doanh thông tin. Cần một thông tin nào đó, ta chỉ cần gõ phím vào computer hoặc mở đài hoặc sách báo thì thông tin sẽ xuất hiện trước mắt. Tưởng như thông tin đã có sẵn và chúng ta có chúng một cách miễn phí; nhưng không, tất cả chúng đều đã được tính và thanh toán bằng tiền. Nếu chúng ta không phải trả cước phí cho dịch vụ thông tin, nếu chúng ta không phải trả tiền ly cà-phê trong khi ngồi coi bóng đá, mà chỉ xem “ké” ti-vi người hàng xóm thôi, thì chúng ta cũng đã hoặc sẽ có sự thanh toán với nhà cung cấp thông tin rồi, dù là gián tiếp. Đó là sự thanh toán khi chúng ta mua những món hàng được quảng cáo, hoặc chúng ta (một cách vô thức) truyền bá hoặc tuân theo những gì được thông tin—làm theo theo ý đồ của nhà cung cấp thông tin, như một người làm công trả nợ cho chủ. Thông tin và các giá trị khác của con người được thương mại hóa và cụ thể hóa bằng tiền là một đặc điểm khác của xã hội hôm nay.
Với cảm thức về tính thương mại của thông tin, người ta cũng sẽ rất dễ nhìn nhận những nhận biết về Thiên Chúa, những truyện kể về Chúa Giê-su, về các thánh và các tiên tri như là những thông tin thương mại đáp ứng nhu cầu thông tin của con người xã hội. Xưa kia truyện kể và Giáo thuyết có thể mang lại đức tin, nhưng ngày nay, với sự thống trị của tính thương mại của thông tin, thì truyện kể và giáo thuyết về Thiên Chúa và đời sống của các thánh nhân có thể chỉ được đón nhận như là một hình thức thông tin giải trí trong số những thông tin giải trí được trả tiền.
Nhiều thiếu nhi nơi thành thị cũng như miền quê thích đọc truyện tranh viễn tưởng và truyện ma. Chúng đọc một cách thích thú và không sợ hãi gì, vì chúng biết rằng đó là những gì không có thật, ngoài giá trị giải trí (trừ một số em bị ám ảnh vì tâm lý chưa ổn định hoặc chưa được hình thành một cách lành mạnh). Đối với những thanh thiếu niên đọc truyện tranh nhiều, xem ti-vi nhiều, chơi game nhiều, và học hành với bài vở và thi cử nhiều, thì liệu bài giảng và truyện kể có đủ sức tác động và khơi dậy đức tin?
Đời sống hiện thực được chú trọng và nhấn mạnh là một trong những đặc điểm tiêu biểu của xã hội hôm nay. Biết rằng đời sống của con người được mời gọi để hướng tới một đời sống viên mãn nơi Thiên Chúa, nhưng không phải vì thế mà những giá trị và chất lượng của cuộc sống ở đời tạm này đáng bị khinh khi và miệt thị. Tất cả những gì được sáng tạo bởi Thiên Chúa thì đều tốt đẹp (St 1:31) và chính Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm và ở giữa chúng ta. Vì vậy, biết quý trọng đời sống này, biết quy hướng thông tin và các giá trị tới sự phồn thịnh của đời sống con người, không hẳn là một tham muốn xấu của kẻ theo chủ nghĩa thực dụng hay duy vật, nhưng có thể là những ước ao thánh thiện của một thánh nhân, một người biết tôn thờ Thiên Chúa qua những gì Ngài đã ban, biết làm sinh lợi “nén bạc” của cuộc đời được trao phó, và biết miêu tả sự sống viên mãn của Thiên Chúa trong một hoàn cảnh giới hạn và cụ thể của đời người.
Khi mọi người đang hướng về một cuộc sống thực tiễn, một hướng nhìn đúng đắn, thì giáo lý không có lý do gì để phân tán hướng nhìn đó. Hơn thế nữa, từ một trọng tâm này, giáo lý có thể hướng con người đến một trọng tâm khác, một đích đến đích thực của con người: đó là sự sống viên mãn nơi Thiên Chúa.
Thông tin và các giá trị được quy về lợi ích thực tiễn, vì thế, không chỉ là một xu hướng phát triển của xã hội, mà đồng thời còn là một phương tiện hữu hiệu để hướng con người đến sự quý giá khôn lường của sự sống, đặc biệt là sự sống viên mãn—cội nguồn và đích đến của đời người.
Trong hoàn cảnh như thế, giáo lý của sự cam chịu để được rỗi linh hồn, vì thế, sẽ khó có thể được đón nhận; nhưng giáo lý của sự yêu mến cuộc sống và sự xây dựng những điều tốt đẹp vì sự sống viên mãn đang chờ đón sẽ có thể được dễ dàng đón nhận hơn.
Mà để xây dựng cuộc sống tốt đẹp thì cần đến những kế hoạch và hành động cụ thể, những kế hoạch và hành động mang lại sự ổn định và phong phú cho điều kiện sống. Tuy nhiên, thực hiện theo lối này, một vấn đề có thể được đặt ra là, liệu giáo lý có bị phàm tục hóa không? Có thể là có, nếu giáo lý được nhân danh cho mục đích hưởng lợi vật chất mà thôi và bất chấp mọi giá trị của tâm linh. Và cũng có thể là không bị phàm tục hóa chút nào, nếu cái lợi vật chất mang lại cái lợi cho linh hồn.
Bằng việc đồng hành với việc xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc của con người, giáo lý ngày nay, như thế, có thể được gọi là giáo lý thực hành, giáo lý không chỉ được trao đổi bằng môi miệng, bằng học thuộc và trả bài, bằng suy diễn và liên tưởng viễn vông, mà thực sự tác động đến cuộc sống thực tại và chứng tá cho sự sống viên mãn ẩn sau cái chết của đời này. Nói một cách khác, giáo lý ngày nay không nên gói gọn trong những cuốn sách giáo lý, và cũng không nên giới hạn trong phạm vi những lớp học hoặc những lĩnh vực được xem là của riêng tôn giáo, nhưng nên được mở rộng tới tất cả các lĩnh vực của đời sống hàng ngày, tới những phạm vi hiện thực và trần thế.
Tóm lại, giáo lý của hôm nay không chỉ là những giáo thuyết và truyện kể, nhưng nên “mặc lấy xác thịt” của con người đương thời, những con người đang quan tâm đến tiền bạc, đang quan tâm đến việc học hành thi cử, đang quan tâm đến công ăn việc làm, và đang quan tâm đến biết bao điều khác nữa của thân phận một con người.
Yếu tố cần có trong một chương trình giáo lý là sự chăm lo về cuộc sống (đời này và đời sau).
[1] J. Neuner and J. Dupuis, The Christian Faith (in the Doctrinal Documents of the Catholic Church), ed. J. Dupuis, 7th Rivised and Enlarged Edition (New York: Alba House, 2001), 1040, #5. Nguyên văn: “All Christians must therefore be commited to dialogue with the believers of all religions, so that mutual understanding and collaboration may grow; so that moral values may be strengthened; so that God may be praised in all creation. Ways must be developed to make this dialogue become a reality everywhere, but especially in Asia, the continent that is the cradle of ancient cultures and religions.”
[2] Pontifical Council for Inter-religious Dialogue & Congregation for the Evangelisation of the Peoples, Dialogue and Proclamation (Reflections and Orientations on Interreligious Dialogue and the Proclamation of the Gospel of Jesus Christ), May 19, 1991, #42, Nguyên văn: “the dialogue of life”, “the dialogue of action”, “the dialogue of theological exchange”, “the dialogue of religious experience”
[3] Trong những hoàn cảnh cụ thể mà thánh Cyprian viết, được J. Dupuis nhận định như sau: “It must, however, be noted that in each instance Cyprian addressed his warnings to people in danger of being separated from the Church or already separated from it, always supposing personal guilt on their part.” J. Dupuis, Toward a Christian Theology of Religious Pluralism (New York: Orbis Books, 2001), 88.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét