Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

HƯỚNG VỀ ĐẠI LỄ GIÁNG SINH


Ngay từ cuối tháng 11, cùng với gần như tất cả các thành phố lớn trên thế giới, các TP lớn của Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM đã thấy rộn ràng chuẩn bị cho lễ và mùa Giáng Sinh sắp tới. Nào là dĩa nhạc, dĩa hình, đường phố được chiếu sáng với vô số đèn màu đủ loại kèm theo những điệu nhạc GS cùng với các Ông Già No-en rực rỡ, mọi người tấp nập đi ngắm cảnh đèn sao, chuẩn bị mua sắm áo quần thật đẹp cho dịp lễ, những món quà đặc biệt…
Còn người Kitô hữu thì sao?
Dĩ nhiên là hơn ai hết, chúng ta, những người Kitô hữu (Công giáo và Tin lành) phải tích cực chuẩn bị mừng đại lễ GS không chỉ bên ngoài như mọi người: dọn Hang đá Bêlem với đèn hoa, chọn bộ tượng Chúa Hài Nhi đẹp nhất bên cạnh Thánh Giuse và Bà Maria, với các thiên thần, cây thông, đèn sao rực rỡ… Nhưng quan trọng hơn, đó là chuẩn bị tâm hồn, thấm nhuần tinh thần và ý nghĩa của Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập thể.
Thế nào là chuẩn bị tâm hồn mừng lễ GS?
Trước tiên là Mùa Vọng, thời gian để thức tỉnh, để sống với niềm hy vọng mới vào Tình Yêu của Thiên Chúa làm Người, vào chính bản thân với khả năng hoán cải (Chúa đã ban cho) để tự đổi mới, nhằm chuẩn bị tâm hồn đón mừng kỷ niệm Giáng Sinh. Phụng vụ Lời Chúa trong các chủ nhật mùa Vọng đều mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm hồn để sẵn sàng tiếp đón Chúa Kitô đang đến trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Cách tốt nhất để đón mừng “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian” là lòng sám hối, là Bí tích Hoà giải.
Cụ thể hơn, những “con chiên ngoan đạo”, đặc biệt là giới “Tu hành” sẽ làm gì để dọn mừng lễ GS?
Vinh Danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” (Lc.2,14)
Chắc chắn ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần nghe bài thánh ca này trong mùa Giáng Sinh. Đây là lời ca mừng của các thiên thần trên hang đá Bêlem, xuyên qua những lời ca đó, ta có thể thấy hướng phải đi để Vinh Danh Chúa và được hưởng an bình đích thực ngay khi còn ở “dưới thế” này. Cũng chính nhờ đó mà ta thấy được cách tốt nhất ta phải thực hiện để đón mừng Chúa đến trong an vui. Vì thế, mọi người đều thấy rõ ràng tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Ðức Ái. Ngay trong xã hội trần thế sự thánh thiện này cũng giúp người ta sống nhân đạo hơn. Ðể đạt được sự trọn lành đó, tín hữu phải xử dụng những sức lực mà Chúa Kitô đã ban nhiều ít tùy ý Người để trở nên giống Người khi theo vết chân Người, và khi thực hành thánh ý Chúa Cha trong tất cả mọi sự, họ sẽ hết lòng tìm vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân. Như thế, sự thánh thiện của Dân Thiên Chúa sẽ sinh hoa trái dồi dào, như lịch sử Giáo Hội đã từng minh chứng rõ ràng qua đời sống của bao vị thánh.(Lumen Gentium,40) Qua nhận định trên đây của Hiến Chế LG, ta có thể xác quyết là: để Vinh Danh Chúa, ta phải hết mình phục vụ tha nhân, tức phải sống Đức Ái, vì mến Chúa và yêu người phải luôn song hành (X. Mt.22,34-40). Từ đó ta thấy rõ hơn cách để đón mừng GS là sống đức Ái một cách tích cực và cụ thể chứ không phải là lý thuyết suông!
Hơn nữa, từ ngày 24/11, lễ các Thánh Tử Đạo VN vừa qua, toàn thể Giáo Hội VN bước vào Năm Thánh 2010, chúng ta lại có thêm điều kiện để sống mầu nhiệm GS một cách thiết thực hơn. Con Chúa Giáng sinh là một hành động yêu thương của Chúa đối với nhân loại sa đoạ, vong thân vì tội nguyên tổ, do đó thật dễ hiểu khi chúng ta phải đáp trả lại cũng bằng đức Ái. Trong ngày lễ khai mạc Năm Thánh tại Sở Kiện, Đức Cha Chủ tịch HĐGMVN đã nhấn mạnh điểm này trong bài giảng khai mạc:Cử hành lễ Khai Mạc Năm Thánh tại Tổng giáo phận Hà Nội nhắc chúng ta nhớ đến cộng đoàn tín hữu đầu tiên trên đất Thăng Long. Các tín hữu thời ấy đã yêu thương gắn bó với nhau đến nỗi người ngoài gọi họ là những người theo Đạo của Tình yêu.”
Mặt khác, trước khi mừng kỷ niệm Chúa Giáng sinh, chúng ta có một thời gian chuẩn bị gọi là mùa Vọng, “Vọng” là mong đợi với tất cả niềm tin yêu và hy vọng. Do đó, hướng về ngày đại lễ Giáng Sinh, chúng ta cần phải có một niềm cậy trông, hy vọng tuyệt đối vào Tình Yêu Thiên Chúa, kèm theo lòng sám hối ăn năn về những hành động vô ân bạc nghĩa của chúng ta mỗi khi phạm tội, dù chỉ là tội nhẹ. Chính vì thế mà để kết thúc bài này, với đích nhắm là chuẩn bị thật tốt cho một mùa Giáng sinh đầy ân sủng, thiết tưởng một phần trích ra từ bài phát biểu của ĐH y Roger Etchegaray, từ Toà Thánh đến với lễ Khai mạc Năm Thánh là rất thích hợp:
Niềm hy vọng cũng như sự hòa giải  đều đòi hỏi sự can đảm, bởi chúng ta đang sống trong một xã hội có rất nhiều những khó khăn thử thách, đối diện với biết bao thất vọng, với hàng ngàn khuôn mặt khác nhau, có khi có những khuôn mặt giả tạo của niềm hy vọng. Có khi chúng ta nói chúng ta hy vọng hay vui mừng vì niềm hy vọng, nhưng thực tế chúng ta lại không có niềm hy vọng. Hy vọng – đó không phải là niềm mơ tưởng hão huyền. Trái đất này không phải là một phòng đợi để chúng ta ngồi đó mà đợi một niềm hy vọng hạnh phúc ở một tương lai xa vời.” 

Chú Ba

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP