Cổ nhân có câu: “Lá lành đùm bọc lá rách”.
Có lẽ đây là một trong những nét ưu tuyển của người Việt Nam chúng ta. Tình đồng loại được thể hiện rất rõ qua nhiều câu ca dao tục ngữ:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.”
Hoặc “Tứ hải giai huynh đệ.”
Hoặc “Bầu ơi thương lấy bí cùng;
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.”
Thêm vào đó, huyền thoại Âu Cơ ấp nở trăm trứng hàm ý minh định rằng, người Việt đã từng được cưu mang trong cùng một bào thai. Chữ "đồng bào" có lẽ bắt nguồn từ huyền thoại này, nhắc dân Việt khi nhớ về cội nguồn của mình phải thực thi tình tương thân tương ái. Phải chăng đây là nền tảng thiết thực cho "lòng nhân" của Khổng giáo, "lòng từ bi" của nhà Phật hoặc "lòng bác ái" của Kitô giáo triển nở trong nền văn hóa tâm linh của Việc tộc? Và một khi đã trót có tình có nghĩa với nhau rồi thì "chín bỏ làm mười", "dĩ hòa vi quý" cũng là điều dễ hiểu.
Người viết sẽ trình bày phần nào nội dung của các quan điểm về đề tài, đồng thời giúp mọi người có sự nhìn nhận đúng đắn về bản chất của chữ Nhân trong Khổng giáo và Bác ái trong Kitô giáo. Khi đã nắm bắt được nội dung của chữ Nhân và Đức ái, chúng ta sẽ xét xem giữa chúng có những điều gì chung và những điều dị biệt nào. Có hay không, việc thực hành Nhân Ái trong cuộc sống để giúp con người vươn tới một tuyệt đối siêu việt ?
I. CHỮ NHÂN THEO KHỔNG GIÁO
1. Chữ nhân trong Khổng giáo
1.1- Khái niệm chữ “Nhân
Từ điển Hán - Việt Đào Duy Anh định nghĩa NHÂN là “lòng thương người”.
Từ điển của Thiều Chửu - Nguyễn Hữu Kha định nghĩa NHÂN là “đạo lý làm người; yêu người không lợi riêng cho mình gọi là nhân”. Chữ NHÂN nói đây không phải chữ nhân trong “nhân công”, “nhân chủng”, “nhân dân” … mà chữ NHÂN gồm bộ “nhân đứng” và chữ “nhị”, nghĩa như nhân ái, nhân hậu, nhân nghĩa. Nhìn vào mặt chữ hiểu được thâm ý người xưa, biết nhân hay không ít nhất phải có hai người. イニ
n Trong số những triết gia cổ đại nổi tiếng Trung Quốc thì Khổng Tử nói nhiều về nhân hơn cả. Nhan Uyên hỏi về nhân, ngài đáp: “Không hợp với lễ thì đừng nói, không hợp với lễ thì đừng làm. Đó là nhân”. Còn Phan Trì hỏi về nhân, ngài trả lời ngắn gọn “Nhân là thương người”. Học giả Hồ Thích cho rằng chữ nhân của Khổng Tử mang nghĩa “đạo lý làm người”. Còn Mặc Tử - vị tổ phái Kiêm Ái thì định nghĩa nhân là “Trời muốn con người yêu thương nhau, làm lợi cho nhau (...) vì “kiêm” mà yêu nhau vì “kiêm” mà làm lợi cho nhau”. Kiêm ái nghĩa như bác ái, giống chữ nhân của Khổng Tử. Nhân được đặt lên đầu “ngũ thường” - nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, vì nhân là nhân tố quan trọng chi phối mọi đức tính khác, đan cài chằng chịt giữa các quan hệ gia đình, xã hội.
n Đến đây, khái niệm chữ “Nhân” dần rõ ra với chúng ta, nó như là lòng tốt mà trời phú sẵn cho mỗi người. Sách Trung Dung có câu: “Nhân giả nhân dã”, nghĩa là, gọi bằng đức Nhân đó chỉ là cái lòng tốt của người, và cũng là cái chân lý để làm người vậy. Hễ người đã bất Nhân, tất không phải là người. Người với cầm thú chỉ khác nhau ở chỗ có Nhân và bất Nhân mà thôi.
n Như vậy, chữ “Nhân” của Khổng giáo dần cho thấy một khuôn mặt của sự thực thi bình đẳng, của việc thực hiện lòng bác ái. Và điều này được nêu rõ trong phần học thuyết Hình Nhi Hạ của Nho gia.
n Phan Bội Châu có nói: “khi bàn bạc chữ ‘Nhân’ chúng ta phải biết “Nhân” có thể, có dụng, có kinh, có quyền, có nhân, có quả, có chính, có phụ, nhỏ đến cái lông mùa thu mà không có thể sót thiếu, lớn đến như hòn núi Thái Sơn mà không thấy có thừa. Vậy nên ở trong Khổng học, có chỗ nói chữ ‘Nhân’ bằng cách trừu tượng, có chỗ nói chữ “Nhân” bằng cách cụ thể; có chỗ tuỳ bệnh mà chứng, tuỳ người mà cho thuốc… dầu thiên ngôn vạn ngữ cũng chưa dễ miêu tả cho hết.” Như thế, chúng ta thấy, nội dung của khái niệm chữ “Nhân” trong Khổng giáo quả là một khái niệm không dễ diễn tả hết được.
1.2- Bản chất chữ “Nhân”
Từ việc phân tích khái niệm chữ “Nhân”, cho chúng ta hiểu nội dung của nó bắt đầu là lòng bác ái, là thực thi bình đẳng trong các mối tương quan người với người. Nhưng bao hàm trong các triết thuyết, Khổng Tử cho thấy ông muốn dành cho chữ “Nhân” có nội dung rộng lớn hơn nữa, và coi đó là cái đức hàng đầu của đạo làm người.
Khổng Tử xem “Nhân” là yếu tố không thể thiếu để mọi người sống đúng phận làm người, và cũng là qui tắc đầu tiên giúp mọi người sống với nhau trong các tương quan từ gia đình đến xã hội: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người). Nó vừa là bổn phận mà mỗi người phải có, phải trau dồi, vừa là chuẩn mực đo đạc tư cách của một con người “chính danh”: “Kỷ sở dục lập nhi lập nhân, kỷ sở dục đạt nhi đạt nhân”(cái gì mình muốn dựng lên thì dựng cho người; cái gì mình muốn đạt được thì làm cho người đạt).
1.3- Thực thi chữ “Nhân”
a- Chữ “Nhân” đối với chính mình:
Chữ nhân nơi chính bản thân gồm những yếu tố như: nhân bản, nhân cách, nhân đức, nhân nghĩa…. Nhân là người, là lòng nhân, là cách sống của con người cho chính danh là một con người. Nhân bản được hiểu là phong cách sống tốt trong mối tương quan giữa người với người. Là nhân đức căn bản mà một con người cần phải có để xứng đáng là người. Một con người sống biểu hiện bên ngoài những đức tính tự nhiên như: tác phong tốt đẹp, suy nghĩ chín chắn, khôn ngoan, biết tự chủ, kiên quyết, tâm tính quân bình và điềm tĩnh trong tương quan đối với mọi người.
b- Chữ “Nhân” đối với mọi người
Con người không thể sống an bình, hạnh phúc và có ý nghĩa nếu thiếu lòng nhân ái và nhân từ với nhau. Lòng nhân ái là nhân đức yêu thương, tha thứ và phục vụ người khác. Đức Khổng nói: “ai yêu thương tha thứ, đó chính là nhân vậy” và “tứ hải giai huynh đệ”, người trong bốn biển cũng là anh em, trong một tình yêu nhân loại.
2- CHỮ “NHÂN” TRONG QUAN HỆ XÃ HỘI
2.1- Người Quân tử là người sống theo đức “Nhân”
n Khi trình bày về đức nhân, Khổng Tử dạy cho mỗi người một khác, mỗi người một chuẩn mực, một cách thức thực hành đức nhân khác nhau. Người quân tử là tinh hoa của xã hội, là người cầm cân nảy mực, là người “phụ mẫu” của dân. Để đi vào tìm hiểu mẫu người quân tử, ta tìm hiểu quan điểm của Khổng Tử về người quân tử. Để trở thành chính nhân quân tử trước hết phải tu thân theo tiêu chuẩn sau:
n Đạt đạo: tức là người biết ứng xử trong cuộc sống theo “Ngũ luân”: vua-tôi, cha-con, chồng-vợ, anh- em, bè-bạn, một cách “trung dung” tốt đẹp.
n Đạt đức: người quân tử phải có năm đức: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Hay còn gọi là “Ngũ thường”.
n Ngoài Đạo và Đức người quân tử còn phải biết: thi, thư, lễ, nhạc, có thể nói là người toàn diện. Khi tu được thân, người quân tử phải đem cái tài, cái đức ấy ra mà “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
2.2- Tiểu nhân là người không sống theo đức nhân
Nếu như người quân tử gắn liền với đức nhân bao nhiêu thì kẻ tiểu nhân lại xa rời đức ấy bấy nhiêu. Nếu như người quân tử vì nghĩa bao nhiêu thì kẻ tiểu nhân vì lợi bấy nhiêu. Khổng Tử nói: “Người quân tử hiểu rõ về nghĩa, kẻ tiểu nhân hiểu rõ về lợi”. Người quân tử có thể hy sinh mạng sống vì nghĩa để thăng tiến đạo đức. Ngược lại, kẻ tiểu nhân thì dùng tất cả các thủ đoạn miễn làm sao có lợi cho mình và không nghĩ tới đạo nghĩa. Khổng Tử nói: “Người quân tử nghĩ làm sao cho đức được thăng tiến, kẻ tiểu nhân thì nghĩ làm sao cho đời được yên ổn; người quân tử thì nghĩ làm sao cho khỏi trái phép nước, kẻ tiểu nhân thì nghĩ làm sao được ân huệ người khác”.
Như vậy những kẻ tiểu nhân mà Khổng Tử nói ở đây không phân biệt vua chúa hay quý tộc, quan lại hay thường dân mà phân biệt người có đức nhân hay không có đức nhân. Nếu người chỉ biết đặt việc riêng trên việc chung, chọn cái lợi hơn việc làm nghĩa, vị kỷ hơn vị tha đó là kẻ tiểu nhân cho dù họ ở cương vị nào trong xã hội.
Tóm lại, nổi bậc trong nội dung học thuyết của Khổng giáo là khái niệm chữ “Nhân”. Chữ “Nhân” mang nội dung rộng lớn và được Khổng Tử coi đó là cái đức hàng đầu của Đạo làm người.
II. BÁC ÁI THEO KITÔ GIÁO
1. Bác ái trong Kitô giáo
1.1- Bản chất
- Bản chất của bác ái chính là đức mến, một trong ba nhân đức đối thần. Khi người Kitô hữu thực thi bác ái thì chính là đang thể hiện đức mến trong đời sống mình. Giáo lý Hội thánh Công giáo dạy về Đức mến như sau: “Đức mến là một nhân đức đối thần làm cho ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và vì bản thân Ngài, và yêu thương tha nhân như bản thân ta vì lòng mến Thiên Chúa” (GLCG 1822).
- Bác ái là yêu thương giống như Thiên Chúa. Thiên Chúa là “Lòng Mến”, Thiên Chúa là “Tình Yêu”. Ai yêu thương thì sinh bởi Thiên Chúa và biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa (1Ga 4, 7). Nếu chúng ta không yêu thương, thì chúng ta không biết Thiên Chúa và không có sự sống đời đời.
Trong bài ca Đức Ái, thánh Phaolô dùng ngôn ngữ rất siêu nhiên, phải có quan điểm siêu nhiên mới hiểu được:
Nếu có mọi thứ tài, mà không có lòng mến, thì chỉ như thùng rỗng kêu to.
Nếu có nhiều ơn, cả những ơn trọng đại, mà không có lòng mến, là số không.
Nếu cho đi tất cả, hy sinh mạng sống, mà không có lòng mến, chỉ là hư vô.
Lòng mến ở đây phải hiểu theo nghĩa hoàn toàn siêu nhiên, và đó là Tình Yêu của Thiên Chúa trong chúng ta, là Thánh Thần của Thiên Chúa trong chúng ta.
Tóm lại rằng, bản chất bác ái Kitô giáo, trước hết là lòng mến của con người đối với Thiên Chúa. Con người phải yêu mến Thiên Chúa bằng tất cả lòng trí, nghĩa là với tất cả trí khôn, sức lực và linh hồn của mình. Tiếp đến, vì đó là lệnh truyền, là điều răn mới của Chúa Giêsu cho nên con người cũng phải yêu thương nhau như chính họ đã nhận được tình yêu thương đó từ Thiên Chúa, nghĩa là bằng một tình yêu vô vị lợi và không phân biệt. Sau cùng, bác ái Kitô giáo đó là một tình yêu “cho đến cùng” theo như chính Đức Giêsu đã thể hiện và làm gương cho chúng ta.
1.2- Nền tảng bác ái Kitô giáo
Nền tảng của bác ái Kitô giáo chính là Thiên Chúa, hay nói cách khác rằng chính Thiên Chúa là nguồn mạch phát sinh tình yêu thương và lòng bác ái; và cụ thể hơn, bác ái chính là hoa quả của Thần Khí, điều đó có nghĩa rằng nhờ Chúa Thánh Thần hoạt động nơi con người và thúc đẩy con người thực hành đức bác ái. Do đó, thánh Phaolô đã xác định rằng bác ái chính là hoa quả của Thần khí (Gl 5,22).
Giáo hội cũng xác định rằng sự thánh thiện hay những cố gắng để nên thánh chính là mục đích và ý nghĩa của đời sống người Kitô hữu; nhưng làm thế nào để có thể đạt được mục đích này, đó không gì khác hơn là việc thực thi đức bác ái, hay nói cách khác rằng khi mỗi người cố gắng thực thi đức bác ái theo gương Chúa Kitô Giêsu và theo như lời Người dạy, thì sẽ đạt được sự toàn hảo của đức ái: “Nhờ kết hợp với Cứu Chúa của mình, người môn đệ đạt được mức toàn hảo của đức ái là sự thánh thiện.”
2. Những phương diện Bác ái trong Kitô giáo
2.1- Bác ái trong tâm tình
CÁC CẤP ĐỘ BÁC ÁI TRONG TÂM TÌNH
Yêu thương là hành vi của trái tim, nên khởi sự trong tâm tình. Chưa có tâm tình yêu thương là chưa yêu thương.
1. Chấp nhận.
Mức tối thiểu, điều kiện tối thiểu để có tâm tình yêu thương là chấp nhận con người tha nhân,
2. Kính trọng
Yêu thương là kính trọng, không chỉ kính trọng bên ngoài, mà kính cẩn thẳm sâu trong tâm hồn.
3. Đón nhận
Yêu thương là đón nhận: đón nhận tình yêu, lời nói, cử chỉ,
4. Dâng hiến.
Mức độ cao nhất của tình yêu là dâng hiến.
Tóm lại: Bác ái là của một khoa học yêu thương
2.2- Bác ái trong tư tưởng
Tư tưởng và tâm tình là hai lãnh vực rất gần nhau, nhưng phân biệt với nhau. Có khi tâm tình chi phối tư tưởng, có khi ngược lại.
a. Người ta thường lỗi đức ái rất nhiều trong tư tưởng, vì hay xét đoán người khác.
b. Muốn có bác ái trong tư tưởng, phải không ngừng điều chỉnh phán đoán của chúng ta về người khác. Đừng tuyệt đối hóa phán đoán của mình nhưng phải khiêm nhường nhận thức giới hạn của nó.
2.3- Bác ái trong lời nói
Cổ nhân có câu: “Nhất ngôn xuất khẩu, tứ mã nan truy” (một lời nói ra, bốn ngựa đuổi theo không kịp).
Lời nói của con người có thể có hậu quả rất lớn và rất phức tạp; có thể ích lợi hay tai hại, xây dựng hay phá đổ. Chính vì thế, bác ái rất cần trong lời nói.
Muốn bác ái trong lời nói, trước hết phải tế nhị, tránh những lời nói làm thiệt hại hay gây buồn phiền. Có thể đó là những lời nói hữu ý hay vô tình.
2.4- Bác ái trong hành động (hành vi bác ái – 1Ga 3, 18)
A. NGHĨA RỘNG
Bất cứ hành vi nào có động lực là lòng bác ái yêu thương, đều là hành vi bác ái. Theo nghĩa này, mỗi người chúng ta đều được mời gọi sống đức ái tối đa. Đức ái dần dần phải trở nên linh hồn của mọi hành vi. Chúng ta luôn hành động vì yêu thương. Yêu thương trở thành hơi thở, sự sống, lương thực cần thiết cho người Kitô hữu. Con người thánh thiện là con người thấm nhuần tình yêu thương trong tư tưởng, lời nói, việc làm.
B. NGHĨA HẸP
1. Hành vi hòa giải với tha nhân
2. Hành vi phục vụ
3. Hành vi chia sẻ
4. Các hành vi tốt
Tóm lại, mỗi khi người Kitô hữu làm việc bác ái hay đón tiếp anh em đồng loại không phải chỉ để giúp đỡ hay tiếp đón người khác, xét như họ là con người, mà còn là làm cho Chúa và tiếp đón chính Chúa, vì Chúa đang ở trong họ (x. Mt 10,40-42).
III. MỘT VÀI NHẬN ĐỊNH
Chúng ta đã cùng tìm hiểu đôi nét về khái niệm và nội dung của chữ “Nhân” theo quan điểm của Khổng giáo và Bác ái theo Kitô giáo. Đây là những khái niệm có thể xem là độc đáo trong nội dung giáo lý của cả hai tôn giáo. Bởi lẽ, nó có thể cho thấy những ý nghĩa thực hành rất đơn giản, nhưng cũng có thể hàm chứa một nội dung phong phú bao gồm tất cả các lĩnh vực sống và hành đạo của từng cá nhân trong mọi lĩnh vực nhân sinh. Cũng có thể nói, đó là hai quan điểm khởi đầu, nền tảng của cả hai tôn giáo, đồng thời cũng là mục đích vươn tới mà tôn giáo định ra cho mỗi tín hữu.
Ø 1- Chữ “Bác ái” được đặt trong mối tương quan đặc biệt. Đó mà một trong ba nhân đức giúp con người hướng thiện, và thực hành hành vi tôn giáo. Trước tiên, với Kitô giáo, Bái ái là thể hiện của đức Mến với hai chiều kích: với Thiên Chúa và với tha nhân. Đức mến xuất phát từ Thiên Chúa nên đòi hỏi mỗi người Kitô hữu cần thực thi đức mến, trước hết vì tình thương của Thiên Chúa rồi mới đến vì chính mình. Khuôn mẫu cho hành vi này là hình ảnh Đức Kitô chịu chết trên Thập giá để chứng minh tình yêu của Người dành cho nhân loại, đồng thời minh chứng về một tình yêu có thể hoá mình ra không, hy sinh cả mạng sống để cho người khác được sống.
Ø 2- Chữ “Nhân” trước tiên được hiểu đó là lòng thương người, tôn trọng sự bình đẳng trong các mối tương quan từ gia đình đến xã hội. Giữ được điều đó là đạt được điều đó là chúng ta dần đạt tới đức “Nhân”. Đức “Nhân” này không ở đâu xa mà ở chính trong lòng mỗi người, ai cũng có, đã được “Trời” phú cho từ trước. Chỉ cần sống đúng với lẽ Trời, với Mệnh Trời, là sống đúng với đức “Nhân” rồi. Khi nói về việc thực hành đức “Nhân”, Khổng Tử cũng cho thấy sự linh hoạt trong cách ứng dụng, với từng người, từng hoàn cảnh, từng đối tượng mà chữ “Nhân” được biểu lộ cách linh diệu. Nhưng tựu trung, đó là việc thực hành lòng thương người, lấy mình ra làm chuẩn để đối xử với người khác.
Ø 3- Khi quan sát chữ nhân của Khổng giáo và bác ái của Kitô giáo chúng ta thấy giữa chúng có những điểm tương đồng và cũng có những điểm khác biệt. Dù không dám làm một sự so sánh nhưng để nhận ra tính ưu khuyết của chúng buộc chúng ta cần có những cân đo với thái độ thận trọng. Nếu chữ “Nhân” của Khổng Tử được khởi đầu từ lòng thương người, thì với Kitô giáo, hành vi bác ái cũng là thể hiện của đức ái, lòng thương người.
Ø 4- Với chúng ta, khi tìm hiểu chữ “Nhân”, chúng ta thấy như có một sự chuẩn bị của lịch sử dân tộc. Chữ “Nhân” đóng vai trò tiền đề cho nền đạo đức Kitô giáo xuất hiện, cụ thể là lòng bác ái dễ dàng đi vào lịch sử, đi vào lòng người. Nội dung Giáo lý Kitô giáo sẽ dễ dàng hoà nhập vào lòng người Việt, vốn đã sống tinh thần đạo Khổng từ trước. Nhưng không dừng lại ở ý nghĩa tạm yên của chữ “Nhân”, chúng ta có thể nâng hành vi nhân nghĩa về với nội dung của bác ái Kitô giáo, hầu con đường hướng thiện của mọi người đạt đến một giá trị nhân sinh cao hơn, hoàn thiện hơn. Đó cũng là những thử thách và lời mời gọi dành cho mỗi chúng ta.
Ø 5. Chữ nhân, theo nghĩa thứ nhất như trong cách viết hiện nay của chữ hán, là hình vẽ một con người, với hai nét, một dài một ngắn chụm vào nhau ở phía trên, cho ta hình dung ra một con người đang bước đi, hay cũng có thể biểu tượng con người đứng vững chãi trên đôi chân của mình, hoặc con người đang lao động. Ngay trong biểu tượng nguyên thủy của chữ viết này, cho ta thấy con người là một thực tại sống động, linh hoạt, chứ không phải là tĩnh. 人
Cũng với chữ nhân là người, đặt trên chữ nhân đó hai vạch, thì thành chữ Thiên là Trời. Cả hai vạch đó không đặt ở xa, lơ lửng, bên trên chữ nhân, nhưng ôm lấy cái đầu của chữ nhân. Ở đây có thể nói, Trời gần con người hơn là ta tưởng và ta không thể nào thấy Trời, nói về Trời, nếu không bắt đầu với con người.
Nhưng nếu ta vẽ chữ nhân đứng, cộng với hai nét ngang, tức là chữ nhị, bên cạnh, có ý nói là hai người, tuy cũng đọc là nhân nhưng có nghĩa là thương người.
Vậy, trong cả ba chữ Thiên, nhân (theo nghĩa nhân ái) và chữ nhân (người), ta đều gặp chữ nhân (người) trong đó. Điều này cho thấy cái tương quan mật thiết giữa con người với Trời và tha nhân. Con người chỉ thành nhân nhờ hai mối tương giao ấy, nghĩa là trong quan hệ với trời và với người khác. Mà trong quan hệ với tha nhân, thì cái gì là cái có tính cách quyết định và chi phối tất cả, chính là nhân và nghĩa, đặc biệt là nhân.
Chữ nhân (theo nghĩa lòng nhân) và chữ Thiên đều gồm hai chữ nhân (người) và chữ nhị (hai) ghép lại, chỉ khác ở chỗ; trong chữ nhân (thương người), thì chữ nhân (người) viết kiểu đứng và nằm bên trái, chữ nhị được tách ra bên phải; còn trong chữ Thiên, thì chữ nhị được viết đè lên trên đầu chữ nhân (người). Ta có thể nói, dựa vào biểu tượng này, rằng chỉ có nơi Đức Giêsu, lòng nhân ái, hay lòng yêu thương con người mới được trọn vẹn và đồng hóa với tình yêu Thiên Chúa.
Kết luận
Cùng đích của con người, sự sống đời đời, sự sống viên mãn, sự sống thần linh, là chính Thiên Chúa. Con người, tự mình, không thể nào đạt tới cùng đích đó, nhưng chỉ có thể chờ đợi từ Thiên Chúa. Con người không chờ đợi cách thụ động, ngược lại cần sống và hành động hướng về cùng đích. Nói một cách đơn giản hơn, con người không có công gì, không có quyền gì để đòi hỏi ơn vĩnh phúc. Nhưng dù sao, vẫn có một tương quan giữa cuộc sống dương thế và ơn vĩnh phúc, cùng đích của cuộc sống. Tương quan này xây dựng trên chính sự sống của Thiên Chúa ở trong chúng ta, sự sống mà các nhà thần học gọi là “ân sủng” hay “đức ái”, hay Khổng giáo gọi là lòng nhân. Chính đức ái hay lòng nhân đưa chúng ta vào thế giới thần linh. Đó là kết quả của một “quà tặng” tạo nên quan hệ giữa “đời sống hiệp thông vĩnh cửu của Thiên Chúa” và những kẻ yêu mến Ngài.
Charles Nguyễn Ngọc Báu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét