Ở đây chỉ xin bàn về một phần nhỏ
của cầu nguyện chứ không nói đến việc phải cầu nguyện như thế nào? Tại sao phải
cầu nguyện? Cầu nguyện lúc nào?…
Thánh nữ Jeanne de Chantal: “Phương pháp cầu nguyện hay nhất, là không
có phương pháp nào, vì cầu nguyện đạt được không phải là do kỹ thuật, nhưng là
do ân sủng”[1].
Nhiều người khi cầu nguyện cho rằng, ta phải chọn một nơi thích hợp, yên tĩnh,
phải sốt sắng… và quan trọng là phải có một phương pháp, công thức nào đó để việc
cầu nguyện đạt được hiệu quả - tức là khi cầu nguyện theo công thức (phương
pháp) thì sẽ được ân ban.
Ở đây, chúng ta nên biết rằng, cầu
nguyện không có phương pháp tức là không phải khi cầu nguyện ta đưa công thức
đó ra và làm y như vậy là sẽ sinh ơn ích. Và càng không thể có một kỹ thuật nào
áp dụng vào việc cầu nguyện để đạt được ơn thánh sủng. Điều này thật là tai hại
và nếu có sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Chẳng hạn như khi cầu nguyện ta bỏ
vào thùng tiền 50 ngàn đồng và đọc một kinh lạy Cha, 3 kinh Kính Mừng, ta sẽ được
Chúa ban cho sức khỏe, nếu vậy thì tất cả những người giàu có sẽ khỏe mạnh mãi?
Còn lâu việc cầu nguyện của ta mới được Chúa nhận lời nếu ta không biết tự chăm
sóc bản thân mình, ăn uống điều độ, tập thể dục và có những thói quen sinh hoạt
lành mạnh hằng ngày.
Cầu nguyện cũng không phải là một
phương pháp theo kiểu như Yoga, thiền… vì như thế việc cầu nguyện sẽ là do những
nỗ lực, cố gắng của con người hơn là do ơn ban, tình thương của Chúa. Tuy vậy,
không phải tự nhiên mà Chúa ban ơn sủng
cho ta nhưng là do lời cầu khẩn
tha thiết đến lòng xót thương của Chúa, cần có sự cộng tác của con người và
trong cầu nguyện đòi hỏi phải có đức tin và đức cậy.
Nhờ
đức tin
Không phải ai ta cũng tin, ai ta
cũng cậy dựa vào được, ta chỉ có thể tin và cậy vào người có uy tín (về chuyên
môn một lãnh vực nào đó như Bác sĩ), tư cách, đáng tin và không lừa dối ta. Chẳng
ai lại đi tin, cậy nhờ vào kẻ chuyên lừa đảo, không biết tí gì về lãnh vực y
khoa để cầu xin anh ta chữa cho khỏi bệnh. Trong cầu nguyện cũng thế, khi ta cầu
xin điều gì, ta tin tưởng và cậy trông Chúa sẽ ban ơn cho ta. Đòi hỏi đức tin
phải là một xác tín vững mạnh và đức mến phải vững vàng. Như chúng ta biết
Abraham, người được mệnh danh là “cha của
những kẻ tin”, vì ông đã tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa mà đi đến một
nơi, nơi nào ông cũng chẳng biết (xc. St 12,1-4); giơ tay định giết đứa con một
của mình (xc. St 22,1-14), để chứng tỏ niềm tin mãnh liệt, tuyệt đối vào Thiên
Chúa. Đồng thời khi cầu nguyện, chúng ta cũng cần phải tin rằng có sự hiện diện
của Chúa, cho dù chúng ta có cầu nguyện ở đâu đi chăng nữa thì Chúa vẫn luôn hiện
diện bên chúng ta. Nên nhớ rằng, không phải tất cả những gì chúng ta xin đều sẽ
được Chúa nhận lời, ban ơn nhưng khi cầu nguyện thì cần phải có ý ngay lành nữa.
Ý
hướng ngay lành
Ở đây ý hướng ngay lành hiểu theo
những gì mình xin là cần thiết, xứng đáng và hợp với ý Chúa. Chẳng hạn, chúng
ta không thể xin Chúa cho con ăn trộm được nhiều tiền; hay xin những gì làm hại
đến người khác theo kiểu: xin cho kẻ thù của con bị cụt tay chân hoặc bị đụng
xe chết quách đi cho rồi. Giả như Chúa nhận lời chúng ta theo kiểu chúng ta xin
thì chắc trong số những người chúng ta đây, thể nào cũng có người méo miệng, cụt
tay, cụt chân…
Sau cùng, tất cả
những gì chúng ta cầu xin với Chúa thì cần phải tin tưởng nơi Chúa, có ý hướng
ngay lành, cần phải kiên nhẫn chờ đợi ngày Chúa ban ơn theo sự khôn ngoan và
lòng nhân hậu của Người (xc. Mt 7,7-11; Lc 11, 9-13). Con
người không có quyền ép buộc và cầu xin Thiên Chúa phải ban ơn cho mình. Việc
ban ơn như thế nào và ban bao nhiêu, tất cả là do Thiên Chúa.
Hoa sữa
[1] Jacques Philippe, Giờ dành cho Chúa, hướng dẫn đời sống cầu nguyện, NXB Lion de Juda,
1992, tr.9
0 nhận xét:
Đăng nhận xét