Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

NỀN TẢNG CỦA TÌNH BẠN


Richard Công

Tình bạn là một chủ đề lớn trong các tác phẩm truyện ngắn truyện dài và trong đời sống xã hội xưa và nay. Con người ai ai cũng cần đến một tình bạn chân thành để có thể đồng hành, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, công việc, đặc biệt là trong những lúc thăng trầm của cuộc sống. Trong lịch sử loài người, nhiều câu chuyện tình bạn được kể lại dưới nhiều hình thức (truyện kể, sách vở, phim ảnh, âm nhạc,…) nhằm để tôn vinh tình bạn chân chính, giáo dục con người biết quý trọng và biết cách ứng xử trong tình bạn. Tình bạn là một phạm trù xã hội để chỉ mối quan hệ giữa những con người có những nét giống nhau về tâm tư, tình cảm, quan điểm, nghề nghiệp hay hoàn cảnh… mà họ có thể chia sẻ, đồng cảm, an ủi và giúp đỡ lẫn nhau để cùng tiến bộ. Ngày nay chúng ta thấy có rất nhiều tình bạn dưới nhiều hình thức khác nhau như bạn tri kỷ, bạn nối khố, bạn học, bạn đồng hương, bạn đồng minh,… và cả “bạn nhậu”, “bạn cơ” (những cơ thủ billards), “bạn games”, “bạn online”… Vậy tình bạn nào được xem là tình bạn chân chính và bền lâu? Chắc hẳn, tình bạn nào được thiết lập trên nền tảng vững chắc và giúp nhau cùng thăng tiến sẽ là tình bạn tốt lành. Có lẽ mỗi người có thể có một định nghĩa về tình bạn cho riêng mình, và chọn một nền tảng làm cơ sở để xây dựng tình bạn chân chính. 
Theo triết gia Aristotle, tình bạn được phân biệt ra làm ba loại khác nhau với ba nền tảng tình bạn khác nhau:
Loại tình bạn đầu tiên là tình bạn vị lợi (friendship of utility), được xây dựng trên những người có thể đem lại lợi ích cho nhau. Vị lợi là lý do thâm sâu để họ làm bạn với nhau và mỗi người đều được một vài lợi ích nào đó từ tình bạn này. Lợi ích mà cả hai bên đều có được là mối dây liên kết giữa hai người lại với nhau thành bạn. Loại tình bạn này thường thấy ở nơi những người lớn như những giới thương gia, chính trị gia,... Một ví dụ cho loại tình bạn vị lợi này là mối liên hệ giữa một người bán xe hơi và một người mua xe hơi. Người bán xe cần người mua xe vì ông cần lợi nhuận để kiếm sống, còn người mua xe cần người bán xe vì ông cần có một chiếc xe để đi lại. Cả hai đều có một cái gì đó nhất định mà người kia muốn. Loại tình bạn này sẽ kết thúc khi nào người mua không còn lợi ích cho người bán và ngượi lại. Tình bạn loại này không bền vững và  rất chóng qua.
Loại tình bạn thứ hai là tình bạn dựa trên những niềm vui (friendship of pleasure), cả hai bên đều nhận được niềm vui lẫn nhau từ mối quan hệ này. Những người cùng đi xem bóng đá với nhau, những người cùng thích chơi một môn thể thao hay một thứ âm nhạc có lẽ thuộc loại mối quan hệ này. Họ làm bạn vì chính họ, bởi vì tình bạn sẽ mang lại cho họ những niềm vui và thích thú, chứ họ không làm bạn vì những nhu cầu của những người bạn của họ. Tình bạn dựa trên những niềm vui thường xảy ra nơi những người trẻ. Họ kết bạn rất nhanh nhưng cũng kết thúc nhanh bởi vì cái gì làm cho họ vui thì luôn luôn thay đổi.
Loại tình bạn thứ ba là tình bạn đoan chính (friendship of virtue), không giống như tình bạn dựa trên vị lợi và niềm vui, nhưng tình bạn đoan chính được xây dựng qua những người có cùng một mối quan hệ đức hạnh đặc biệt. Loại tình bạn đoan chính này chỉ có thể xảy ra giữa hai người có những đức hạnh giống nhau và đều phải theo đuổi một đời sống đạo hạnh trong nhân đức. Vì thế tình bạn đoan chính thường ít xảy ra nơi những người trẻ. Trong hai loại tình bạn dựa trên vị lợi và niềm vui được nói ở trên, người nào cũng tìm một lợi ích nào đó cho riêng mình. Còn trong tình bạn đoan chính, hai người đều theo đuổi một điều gì ngoài bản thân và vượt lên trên tư lợi. Họ không tìm kiếm cho mình những lợi ích và niềm vui từ mối quan hệ của họ, nhưng họ làm bạn với nhau vì thấy nơi người bạn có những đức hạnh mà bản thân mình cũng có. Trong tình bạn đoan chính này, họ luôn muốn những điều tốt đẹp cho nhau. Họ cùng nhau cố gắng sống một đời sống tốt đẹp  và khuyến khích nhau trên đường nhân đức. Chính vì mục đích cao thượng này nối kết họ lại với nhau trong tình bạn của họ. Họ không để tâm đến việc mình được lợi ích gì qua tình bạn, mà để tâm đến điều gì tốt nhất cho người bạn của mình và cho việc cùng bạn theo đuổi một đời sống nhân đức. Theo Aristotle, tình bạn thứ ba này thật hiếm nhưng lại là một tình bạn bền vững và có giá trị cao thượng nhất vì nó được xây dựng trên nền tảng đức hạnh.
Tại sao tình bạn lại hay thay đổi?
Đối với quan điểm của Aristotle, tình bạn dựa trên vị lợi và tình bạn dựa trên niềm vui không hoàn toàn xấu nhưng không có độ bền. Tình bạn được xây dựng trên lợi ích cá nhân sẽ kết thúc khi giữa hai người bạn này không còn lợi ích gì trong mối quan hệ của họ nữa. Tình bạn dựa trên niềm vui cũng vậy, tình bạn của họ cũng sẽ bị tử vong hoặc ít nhất thì cũng mờ nhạt khi niềm vui và môi trường sống của họ thay đổi. Cho nên, cả hai loại tình bạn này rất mong manh và chóng thay đổi. Họ kết bạn rất nhanh nhưng cũng sẽ chia tay nhất nhanh khi họ không tìm được lợi ích cá nhân nào trong mối quan hệ đó hoặc mối quan hệ đó không còn cho họ một niềm vui nào nữa. Đó cũng chính là lý do tại sao tình bạn của giới trẻ dễ thay đổi khi sở thích thú vui thay đổi. Vì họ đã xây dựng tình bạn trên nền tảng cảm xúc và trên nền tảng tư lợi rất mong manh.
Vậy làm sao để có được những người bạn chân thành và một tình bạn bền lâu? Theo Aristotle, tình bạn bền lâu là loại tình bạn đoan chính được thiết lập dựa trên đức hạnh. Và đó là tình bạn hoàn hảo nhất. Những người có tình bạn đoan chính này thường là những người sống vì công ích và mục đích chung tốt lành, chứ không vì tư lợi bản thân. Sống vì công ích và mục đích chung tốt lành là sợi giây liên kết họ với nhau thành bạn tri kỷ tận đáy lòng. Cho nên, những người trong mối quan hệ tình bạn đoan chính không cho phép mình dùng bạn như phương tiện phục vụ mục đích riêng của mình.
Aristotle đã nhìn ra cấu trúc của tình bạn và phân loại các dạng tình bạn trong xã hội loài người. Mặc dù quan điểm của Aristotle về tình bạn đã rất xa xưa, nhưng đó lại là cơ sở để chúng ta nhìn lại và đánh giá tình bạn của chúng ta ngày nay, xem tình bạn của chúng ta được xây dựng trên nền tảng lợi ích, niềm vui hay đức hạnh?

Viết dựa trên:
- Lorraine Smith Pangle, Aristotle and the philosophy of friendship, Cambridge University Press, 2003.

- Carolyn Ray, Ph.D., Philosophy, Friendship in Aristotle's Nicomachean Ethic,http://enlightenment.supersaturated.com/essays/text/carolynray/aristfriend.html,  April 26, 2010 [date accessed].

- Aristotle on Friendship, http://www.collegetermpapers.com/TermPapers/Philosophy/Aristotle_on_Friendship.shtml, April 26, 2010 [date accessed].

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP