Do thái giáo
Bart Khánh
Trong những ngày tưởng niệm biến
cố thương khó và Phục Sinh của Chúa Kitô, là dịp mỗi người Kitô hữu nhìn vào biến
cố đó và suy niệm chúng ta đã sống với Chúa thế nào. Cách cụ thể là nhìn vào
chính Chúa Kitô qua việc chịu thương khó khổ hình như là dấu chỉ tình yêu cụ thể
nhất dành cho mỗi người chúng ta. Sau đó là nhìn vào những nhân vật khi sống
vào thời Chúa Giêsu để rút ra bài học cần thiết cho mình trong đời sống đức
tin. Những ngày Tam Nhật Vượt Qua khi tham dự phụng vụ chúng ta được nghe nhắc
đến những nhân vật là các môn đệ như Giuđa, Phêrô…, và những người thuộc mọi tầng
lớp của Do thái. Do thái giáo và Kitô giáo có nhiều mối liên hệ với nhau trong
những biến cố lớn của lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện. Do thái giáo là
anh cả của những tôn giáo tôn Thờ Thiên Chúa duy nhất. Và dân Do thái cũng vinh
dự được tuyển chọn làm dân riêng của Thiên Chúa, và không vinh phúc nào hơn việc
được diễm phúc đón nhận Đấng cứu thế trên quê hương đất nước mình. Nhưng tiếc
thay đó lại là một biến cố ảnh hưởng tôn giáo lớn nhất trong lịch sự của người
Do thái. Khi họ không chấp nhận chương trình của Thiên Chúa cụ thể nhất là họ
đã đóng đinh Đức Kitô vào thập giá. Vậy, để có thể biết rõ hơn về Do thái giáo.
Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu một cách khái quát về Do thái giáo.
Lịch sử dân Do thái
Như đã nói ở phần trên dân tộc Do
thái (hay dân Israel )
là dân được Thiên Chúa tuyển chọn để thực hiện chương trình cứu độ của Người.
Cho nên việc hình thành tôn giáo Do thái gắn liền với lịch sử cứu độ của Thiên
Chúa, đặc biệt trong phần Cựu Ước. Trong phần này chúng ta sẽ thấy rõ việc hình
thành và phát triển của Do thái giáo. Trong những tôn giáo tôn thờ Thiên Chúa độc
nhất phải nói người anh cả chính là Do thái giáo. Nếu đã từng đọc Kinh Thánh Cựu
Ước chúng ta sẽ hiểu được rất rõ về tôn giáo Do thái. Với người Công giáo thì vẫn
được mời gọi hãy suy niệm và sống Lời Chúa qua kinh nghiệm của dân Do thái đi
trước, khi mỗi ngày chúng ta được lắng nghe những bài đọc trong Cựu Ước nói về
dân và tôn giáo Do thái. Nhưng phần lớn là những bài học khuyên chúng ta nên
tránh giống như họ. Dù thế nào đi chăng nữa chúng ta cũng phải cảm ơn dân và
tôn giáo Do thái đã lưu truyền một gia sản lớn về kinh nghiệm sống với Thiên
Chúa từ xa xưa cho đến ngày hôm nay. Tất nhiên, trong đó chúng ta thấy có những
điều thật đáng tiếc cho người Do thái (hay dân Israel ).
Căn cứ vào những tài liệu được khai
quật và khảo cổ thì lịch sử của người Do thái cổ đại, có thể đi ngược lên từ giữa
thế kỷ thứ XIII đến thế kỷ XII trước công nguyên, người Israel và một số dân tộc
bán du mục từ Mesopotamia đã tiến vào Canaan (Palestin hiện nay) lúc đó đã phát
triển sản xuất nông nghiệp, trải qua cuộc chiến tranh rồi định cư, hình thành
xã hội làm ruộng và chăn nuôi. Từ thế kỷ XII đến XI trước công nguyên, người Israel dần dần
tăng thêm và phát triển. Trong cuộc chiến tranh nội bộ và xung đột với ngoại tộc,
các thị tộc hình thành 12 bộ lạc (gọi là 12 chi tộc Israel) tôn thờ chung một vị
thần là Jehovah - Giêhôva[1]
Theo truyền thuyết về thời tiền sử
của người Do thái, tổ tiên của người Do thái chính là ông Abraham sinh ra ở
thành Ur thuộc vương quốc của người Sumer ở vùng Mesopotamia
vào khoảng năm 1900 trước công nguyên. Abraham được Thiên Chúa gọi hãy ra đi, từ
bỏ quê hương họ hàng và tín ngưỡng tổ tiên. Tổ tiên của Abraham theo tín ngưỡng
đa thần. (xc. Gs 24,2): “Thuở xưa, khi
còn ở bên kia Sông Cả, cha ông các ngươi, cho đến Terach là cha của Abraham và
của Nakhor, đã phụng thờ các thần khác. Ta đã đem cha các ngươi là Abraham từ
bên kia Sông Cả mà dẫn đi khắp đất Canaan.” Ông Abraham ra đi, ly khai với
tôn giáo tổ tiên, nhưng mà bà con ông vẫn giữ những tín ngưỡng cổ truyền. Đến
khi Giacob trở về quê cha đất tổ để tìm vợ, thì các bà này mang theo cả bộ đồ
thờ về nhà chồng nữa (xc. St 31,19.30;35,2-4).[2]
Tôn giáo[3]
Kể từ khi tổ phụ Abraham bỏ thần
của tổ tiên để đi theo Thiên Chúa. Thiên Chúa được kêu cầu với danh xưng là một
ngôi vị (persona) đối thoại với con người. Ngài nói và con người đáp lại hoặc
khẩn nài (khác với những tôn giáo thờ phượng một sức mạnh thiên nhiên). Thiên
Chúa không bị giới hạn vào một địa phương (đền, điện). Ngài luôn hiện diện với
con người với các tổ phụ trên đường tha hương. Dù vậy tín ngưỡng của tổ phụ ở mức
độ nhất thần chứ chưa phải độc thần, theo (St 31,53), ông Giacob thề nhân danh
Chúa của Abraham, còn ông Laban thì nhân danh Chúa của Nabor (mỗi bên thờ một
Chúa). Tình trạng tôn giáo nhất thần vẫn còn tồn tại kéo dài sau cuộc xuất hành
và định cư ở Canaan , với những cám dỗ chạy
theo các thần linh ở Baal.
Nếu như Abraham tổ phụ có công lập
cư và khơi mào niềm tin tôn thờ Thiên Chúa, thì Môsê là một nhân vật rất quan
trọng trong việc sáng lập ra tôn giáo Do thái. Với biến cố khi được giải thoát
khỏi cảnh nô lệ của người Ai cập, sau khi vượt qua Biển đỏ Môsê đã ca tụng
Thiên Chúa “Ai trong bậc thần minh được
như Ngài, Lạy Giavê? Ai sánh được như Ngài, Đấng rạng ngời thánh thiện” (Xh
15,11; Đnl 4,7.34).
Dù trên núi Sinai Thiên Chúa đã
ký kết giao ước với dân Israel
với một nội dung khẳng định Ngài là Thiên Chúa độc nhất với họ: “Ta là Giavê, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa
ngươi ra khỏi Ai cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần (Chúa) nào khác
trước nhan Ta” (Xh 20,2-3). Trên thực tế dân Israel vẫn chưa vượt qua được chế độ
nhất thần. Bằng chứng là nhiều lần dân Israel bỏ Giavê chạy theo thần Baal
(xc. Tl 11,24; 1V 15,13). Điều đó không có gì khó hiểu: “nhập gia tùy tục” đi tới đâu thì thờ thần đó, nhất là lúc mà thần
đó xem ra thiêng hơn thần của mình (Baal ban cho dân địa phương nhiều tiền bạc,
đất đai; còn mình phụng sự Thiên Chúa thì cứ nghèo túng). Đó không chỉ là quan
niệm của giới bình dân mà thậm chí của cả các vua nữa (xc. 2V 21). Có thể nói từ
thời Abraham cho đến Môsê bóng dáng nhất thần vẫn đang tồn tại trong dân Israel .
Chế độ nhất thần chỉ chuyển sang chế độ độc thần trong thời kỳ thống nhất phụng
thờ tại Giêrusalem (dẹp bỏ các chùa chiền địa phương) với việc xây đền thờ, được
khởi công dưới thời vua Đavít và hoàn tất dưới thời vua Salomon (970-931), tuy
rằng lúc về già vua Salomon cũng cất đền
chùa cho các thần của các bà vợ nữa (1V 11,4-7). Nhân tố quan trọng hơn cả
trong thời gian này là tuyên bố của các ngôn sứ: một đằng khác khẳng định rằng
các bụt thần không là gì hết; đằng khác, tuyên bố Giavê là Chúa của mọi dân chứ
không phải của riêng Israel
(xc. Am 1−2; Ed 25−27).
Từ chỗ nhìn nhận Ngài là một Chúa
như bao Chúa khác, đến chỗ nhận ra Ngài mạnh hơn các Chúa khác, và sau cùng chỉ
có một Chúa mà thôi. Thật ra đây không phải là một sự tiến triển tự nhiên,
nhưng là nhờ kinh nghiệm của một cuộc mạc khải tiệm tiến. Thiên Chúa không chỉ
mạc khải qua những tuyên ngôn mà còn mạc khải qua hành động. Vì thế dân Israel đã nhận
biết Thiên Chúa không qua đường lối suy luận nhưng qua kinh nghiệm về sự can
thiệp của Thiên Chúa.
2.
Giáo lý của Do thái
Khi nói về lịch sử và giáo lý của
Do thái, chúng ta có thể biết nhờ vào những quyển sách Kinh Thánh trong phần Cựu
Ước. Kinh Thánh Do thái giáo là một tập hợp khoảng 39 tác phẩm, được biên soạn
trong khoảng một thời gian gần 1000 năm. Tuy nhiên không phải hoàn toàn giống
như cách phân chia của Hội thánh Công giáo. Đối với người Do thái thứ tự các
sách được phân chia như sau: Tô-rah (Giáo huấn) được xem như là những quyển
sách hàng đầu trong kệ sách của người Do thái là Sáng Thế, Xuất Hành, Lê Vi và
Dân Số, Đệ Nhị Luật. Bộ sách tiếp là Nơ-Vi-Im (Các Ngôn Sứ) gồm: Giô-su-ê, Thủ
lãnh, Sa-mu-el, Các Vua, I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-el, Hô-sê, Giô-en, A-mốt,
Ô-va-đia, Giô-na, Mi-kha, Na-khum, Kha-ba-cuc, Sô-phô-nia, Khác-gai, Da-ca-ri-a,
Ma-la-khi. Bộ sách quan trọng thứ ba là Kơ-Tu-Vim (Các văn phẩm) như là: Thánh
vịnh, Gióp, Châm ngôn, Rút, Diễm ca, Giảng viên, Ai-ca, Ét-te, Đa-ni-el, Ét-ra,
Nơ-khe-mi-a, Sử biên niên. Đó là những nội dung và giáo lý căn bản của người Do
thái. Theo truyền thống chính Môsê là người biên soạn Tôrah theo linh hứng. Sự
gán ghép này có lợi là mang lại uy thế và quyền tối cao nhất cho những sách
thánh thời sơ khai qua việc kết hợp với một số người đã được đa số thừa nhận là
được mạc khải để hình thành cộng đồng đức tin gọi là Do thái giáo.
Những sách thánh của Do thái, được
người Kitô hữu gọi là sách Thánh Cựu Ước. Để thuận lợi cho việc phân loại mối
tương quan giữa Kinh Thánh Híp-ri với Kinh Thánh của Kitô hữu bằng tiếng Hy lạp.
Vì nghe có vẻ miệt thị khi nhắc đến một mạc khải trước đã từng có hiệu lực mà
nay đã bị gạt bỏ và bị coi là không cần thiết, nên một số người Do thái vẫn còn
nhắc đến Cựu Ước như là một sự lỗi thời, không còn thông dụng nữa. Nói chung
người Kitô hữu vẫn quý trọng Kinh Thánh Do thái như là một thành phần tích hợp
của truyền thống đức tin của mình nhưng chỉ ở bậc hạng hai. Đối với người Do
thái thì Tanakh (viết tắt của To-rah, Nơ-vi-im, Kơ-tu-vim) vẫn là giao ước duy
nhất và bất hủ.[4]
Như đã trình bày ở trên Do thái
giáo dành những vị trí khác nhau cho các tác phẩm Kinh Thánh, nên nội dung giáo
lý cũng có những điểm quan trọng khác nhau. Và những tác phẩm của Môsê được xem
là quan trọng nhất và được rút tỉa thành nội dung giáo lý quan trọng. Môsê được
cả ba truyền thống là Do thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo tôn kính như một tiên
tri. Nhắc đến Môsê chúng ta thấy ông gắn liền với biến cố dẫn đưa dân Do thái
ra khỏi cảnh nô lệ Ai cập và vượt qua sa mạc trao cho họ lề luật và dạy họ việc
phụng thờ đó chính là Thập Điều không chỉ quan trọng bậc nhất với người Do thái
mà còn cả với Kitô hữu nữa. Nội dung Thập Điều được Thiên Chúa mạc khải cho
Môsê trên núi Sinai và được khắc trên những tấm bảng bằng đá, không có một bản
văn rõ rệt, riêng rẽ của “Mười Giới Luật”. Đúng hơn, những giáo phái khác nhau
của Do thái giáo và Kitô giáo đã rút gọn sứ điệp tương đối dài này thành ra những
cách trình bày riêng của họ gồm 10 câu ngắn gọn và trực tiếp.
1.
Ngươi
không được có thần nào khác đối nghịch với Ta
2.
Ngươi
không được làm cho mình bất cứ hình tượng nào
3.
Ngươi
không được kêu danh Thiên Chúa vô cớ
4.
Ngươi
hãy nhớ ngày Sabbath, mà coi đó là ngày thánh
5.
Ngươi
hãy thờ cha kính mẹ
6.
Ngươi
không được giết người
7.
Ngươi
không được ngoại tình
8.
Ngươi
không được trộm cắp
9.
Ngươi
không được làm chứng gian hại người
10.
Ngươi
không được ham muốn những gì thuộc về người ta.
So sánh với việc chú trọng nghi
thức của các tôn giáo, đạo Do thái vô cùng coi trọng Kinh Thánh với lời dạy
trong đó, mà nội dung trung tâm của Kinh Thánh Do thái giáo là luật pháp. Bất cứ
người nào hoặc quốc gia nào thực hành 10 giới răn thì đều là người sống có ý nghĩa
của thế gian, bất kì người đó có phải hay là không phải người Do thái. Người Do
thái cho rằng Chúa đã định ra 10 giới răn này mục đích là để tôi luyện dân tộc Israel . Do thái
giáo cũng cho rằng nếu không phải người Do thái thì không phải gia nhập Do thái
giáo mới được cứu độ. Đạo này cho rằng mọi dân tộc, mọi người đều dựa vào hành
vi của bản thân để nhận được sự cứu độ.[5]
Khi nói đến giáo lý của Do thái
giáo, chúng ta không thể không nhắc đến một truyền thống được xem như là sự tiến
hóa trong lịch sử Do thái giáo và được xem là những điều tốt đó là những Rabbi
theo truyền thống xa xưa nhất đó là Soferim hay các Ký lục, những học giả trong
thời Đền thờ thứ 2 (400-200 trước công nguyên). Các Ký lục xuất hiện muốn phục
hồi kinh Torah để hoàn thành trung tâm đời sống đời sống Do thái. Từ năm 200 đến
30 trước công nguyên, thời của Thập sư (hay còn gọi là Zugot) đã kết thúc bằng
hai thầy Hillel và Shammai. Một trường phái gọi là Tanna’im (những người nhắc lại)
đã đặt nền tảng cho phái Mishna. Phái đầu tiên đã hệ thống hóa kinh Torah truyền
khẩu thành văn viết. Phái này cũng khởi xướng một ngành chú giải kinh Torah
truyền khẩu gọi là Tosefta (những điều phụ thêm). Từ năm 200 đến 500 phái
Amora’im (người phát ngôn, người chú giải) đã thông đạt những bài học của những
đại sư cho các đồ đệ và sau này cho các học giả giảng dạy tại Babylon (Iraq)
trong các học viện của các Rabbi được thiết lập sau thời lưu đày Babylon.[6]
Trong cuộc cách mạng Maccabee năm
164 chống lại ách cai trị ngoại bang của người Seleucid một giáo phái quyến rũ
hoặc trường phái tư tưởng có tên là Pharisee bắt đầu nổi lên từ bóng tối. Được
gọi tên là Perushim (nghĩa là người cách biệt, ly khai, dị giáo) hồi đầu từ này
có thể có ý nghĩa xấu bị những kẻ đối nghịch, những người thuộc phái Sadducee
nhào nặn. Trước tiên người Pharisee ủng hộ người Maccabee, là những người hồi đầu
đã tập hợp các thành viên của phái Pharisee này vào trong hội đường trưởng lão
mới của họ. Nói chung những người Pharisee được quần chúng ủng hộ trong các vấn
đề chính trị. Trong khi đó, người cầm quyền mới của dòng họ Hasmonean là
Alexander Yannai (103-76 trước công nguyên) đã dành được sự giúp đỡ của người
Sadducee những người có khuynh hướng quý tộc. Khi người Pharisee đứng ra kết án
việc Alexander đứng ra làm tư tế cử hành nghi lễ thánh là phạm sự thánh, họ phải
trả giá bằng cái chết hay bị lưu đày. Nhưng vợ của Alexander, Alexandra đã
phóng thích những người Pharisee sau khi chồng bà chết, cho phép họ phục hồi cả
Hội đường trưởng lão và các nghi lễ đền thờ. Người Pharisee quan tâm đến việc
Thiên Chúa yêu thương từng người và luôn giảng dạy việc thể xác sau này sẽ Sống
lại. Họ chống lại tính quý tộc nơi giáo sĩ trong khi họ giảng dạy về mối quan hệ
riêng tư của từng người đối với Thiên Chúa. Sau khi người Roma chấm dứt sự cai
trị của dòng họ Hasmonean vào năm 63 trước công nguyên, phái Pharisee nhấn mạnh
rằng một sự phân chia giữa hai lãnh vực thế tục và thánh thiêng sẽ cho phép người
Do thái giáo chịu đựng được sự cai trị của ngoại bang bao lâu mà người Roma để
cho họ tự do tôn giáo. Sau năm 70 công nguyên, với tư cách là một giáo phái hay
đảng phái người Pharisee đã biến mất, nhưng tinh thần của họ vẫn tiếp tục sống
với sự phát triển của Do thái giáo theo truyền thống rabbi.[7]
Đời sống thường ngày của người Do
thái
Sự cấm kị về phương diện ăn uống
là rõ nét nhất đối với tín đồ Do thái giáo. Theo quy định của đạo Do thái, phàm
là thực vật, các loại chim, gà đều có thể ăn. Đối với các loại thú, chỉ cho
phép ăn các loài động vật có chân có móng và động vật nhai lại, trên thực tế chỉ
có thịt bò, thịt cừu là có thể ăn được. Đối với động vật thủy sinh, phàm những
giống không có vây, không có vẩy, thì không được ăn. Đối với các loại thịt,
sách luật pháp quy định:
1. Không được giết mổ các loại bò, dê,
gia cầm già yếu, bệnh tật để lấy thịt đem bán. Đối với các loài vật chết không
bình thường cũng không được ăn.
2. Không được ăn thịt sống.
3. Không được uống máu, ăn tiết.
4. Không được cùng ăn thịt bò, thịt
cừu và sữa bò, sữa cừu trong một bữa.
5. Không được ăn mỡ ở dưới phúc mạc
bò, cừu.
6. Không được ăn gân và móng bò, cừu.
Quy định giết mổ các loài bò, cừu,
gia cầm, cần một nhát dao phải chết ngay, không được phép kéo dài nỗi đau đớn của
súc vật. Do đó mổ thịt các loài bò, cừu, gia cầm phải được chỉ bảo và huấn luyện
của thầy, thông thường là nghề cha truyền con nối đời này qua đời khác để giữ
nghề. Các loại thịt có sạch sẽ hay không, cũng cần phải có người chuyên môn kiểm
nghiệm. Chậu bát đựng thịt bò, thịt cừu, cần phải do giáo đồ của giáo phái đó
làm ra. Nếu đi xa, họ cũng phải đem theo chậu, bát của mình phù hợp với giáo
quy để sử dụng trên đường. Nếu đã ăn hết thịt trong chậu, bát đựng thịt đem
theo thì họ có thể ăn hoa quả, rau cho đỡ đói, thậm chí còn không được sử dụng
các đồ dùng của quán ăn.
Về trang phục chủ yếu là quy định
với nam giới. Ví dụ trong kinh Talmud từng có quy định, khi nam giới để đầu trần
không được đi xa quá cự ly 4 yard[8],
chí ít lúc đọc kinh hay cầu nguyện cần phải trùm kín đỉnh đầu, theo phương thức
nào thì không có quy định rõ. Do đó, người Israel ở các nước Ảrập có thể dùng
khăn trùm đầu, giáo phái Hasidim bảo thủ thường đội mũ đen có vành. Phụ nữ khi
vào nhà thờ cũng phải đội khăn trùm đầu màu đen.[9]
3.
Do thái giáo ngày nay[10]
Đạo Do thái vẫn giữ như ngày trước
thời Đức Giêsu Kitô. Họ tin vào một Thiên Chúa duy nhất, thưởng phạt ở đời sau.
Họ tuân theo Mười Điều Răn đã được Chúa ban trên núi Sinai và tuân theo lề luật.
Họ vẫn đang trông đợi Đấng Mêsia. Họ mừng lễ Vượt Qua với thịt chiên và bánh
không men để kỷ niệm ngày được giải thoát khỏi Ai cập. Họ nghỉ ngơi và mừng
ngày Sabát tại Hội đường có chứa sách Torah, là sách luật Môsê. Yom Kippour là
ngày đại xá. Họ cầu nguyện với nhau trong gia đình vào các dịp kỉ niệm những biến
cố lớn trong cuộc đời như cắt bì, cưới hỏi hay tang chế.[11]
Sau cuộc cách mạng công nghiệp ở
thế kỷ 18 ở Châu Âu, làm cho thế giới Tây Phương thay đổi tất cả các lĩnh vực
như kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và tôn giáo… trong đó phải nói là hầu
như mọi lĩnh vực đều biến đổi một cách sâu sắc. Cuộc cách mạng này cũng tác động
không nhỏ đến văn hóa và đời sống của người Do thái giáo, trong đó tôn giáo
cũng không ngoại lệ. Giai đoạn này có nhiều người Do thái định cư ở một số quốc
gia như Anh, Pháp, Hà Lan, Áo, v.v. đã sang Đức và chịu ảnh hưởng của phong
trào khai sáng và phong trào này cũng được mở rộng sang Do thái. Do những ảnh
hưởng như thế đạo Do thái phân hóa thành các phái riêng biệt và chủ yếu như
sau:
a.
Do thái khuynh hướng chính thống
Hiện nay, trong tín đồ Do thái đại
bộ phận cư trú ở các nước Đông Âu, có khoảng một nửa hoặc hơn một nửa là phái
chính thống hoặc có khuynh hướng về phái chính thống. Chủ trương của phái này
là tiếp thụ văn hóa đương đại, mưu cầu sự thỏa hiệp điều hòa của khoa học hiện
đại với đạo Do thái. Đồng thời tuyệt đối kiên trì tín ngưỡng truyền thống của đạo
Do thái. Phái chính thống cho rằng 613 điều quy định của Do thái giáo, một điều
không thể thiếu cũng không thể thừa được, nếu không thì kinh Talmud đã nói
chính là dị đoan. Thế nhưng phái chính thống cũng không phải là một phái thống
nhất. Trong thực tế đang có sự biến hóa. Ở Mỹ đã phân ra làm ba phái nữa là:
Phái chính thống cực đoan, Phái chính thống hiện đại, Giáo phái Chasidim.
b.
Do thái theo khuynh hướng cải cách
Đối lập với phái chính thống, còn
gọi là phái khai minh hoặc phái tiến bộ của đạo Do thái. Phái này xuất hiện ở
nước Đức từ năm 20 của thế kỷ 19, sau đó theo người Đức gốc do thái di cư, phát
triển tới nước Mỹ. Chủ trương của phái này là xóa bỏ những cách biệt giữa người
Do thái với thế giới về mặt văn hóa tôn giáo. Phái này cho rằng không có bất kỳ
chân lý nào bất biến, nếu là chân lý phải kinh qua sự kiểm nghiệm lý tính của
người nhận. Vì thế nghi thức tôn giáo dựa theo mô thức của người Kitô giáo để cải
cách theo nghi lễ của đạo Do thái. Khi lễ bái, không phân chia chỗ ngồi nam nữ,
nam không cần đội mũ nhỏ trùm đầu, lúc cầu nguyện không phát ra tiếng hoặc phát
ra tiếng rất nhỏ. Phái cải cách đã vấp phải sự phản đối của đa số các tín đồ đạo
Do thái ở nước Đức. Càng không được hoan nghênh trong những người Do thái ở
Đông Âu, nhưng phát triển tương đối nhanh ở Mỹ. Phái này cũng tuyên bố bỏ các
điều cấm kị đối với việc ăn uống, cùng với những phục trang, tập tục lạc hậu từ
thời Môsê và Rabbi lưu truyền lại cho rằng đó chỉ là những việc trở ngại mà
không thể thúc đẩy việc nâng cao tâm linh đạo đức.
c.
Do thái theo khuynh hướng bảo thủ
Phái này thực ra là phái sáng suốt
ở giữa phái chính thống và phái cải cách, xuất hiện ở giữa nước Đức vào thế kỷ
19. Tư tưởng tôn giáo chung với phái cải cách tức là muốn điều hòa đạo Do thái
với khoa học hiện đại do đó có sự tín ngưỡng với Chúa cứu thế Messiah, có khác
với phái chính thống đạo Do thái, cho rằng điều trọng yếu là xây dựng công bằng,
chính nghĩa trên mặt đất chứ không phải ở việc xuất hiện một vị Chúa cứu thế. Một
bất đồng quan trọng khác với phái chính thống là không kiên trì lấy Ngũ kinh
làm chân lý vĩnh hằng. Phái này cho rằng tình hình không ngừng biến đổi, những
quy định của quá khứ đòi hỏi phải không ngừng điều chỉnh, do đó, “Khẩu Truyền
Luật Pháp Điển” và kinh “Talmud” mà phái chính thống tin thờ cũng không phải là
chân lý bất dịch. Đối với ngày nghỉ ngơi, theo truyền thống không được thực hiện
bất cứ hoạt động nào. Nhưng cũng chủ trương có thể căn cứ tình hình cụ thể mà xử
lý. Phái này cho rằng ý nghĩa của tôn giáo không ở chỗ câu nệ hình thức mà ở chỗ
lĩnh hội được thực tiễn tinh thần của nó. Ngoài ra một số luật lệ khác phái bảo
thủ vẫn còn duy trì như con trai phải phụ lễ cắt bao quy đầu, thời gian cầu
nguyện, ngày nghỉ lễ.
d.
Do thái với lập trường xây dựng lại
Sau chiến tranh thế giới thứ hai,
phái bảo thủ của đạo Do thái có triển vọng sáng sủa hơn trước, càng tiếp cận với
phái cải cách, trong đó mạnh hơn cả là phái xây dựng lại. Người xướng đạo
Kapuran cho rằng đạo Do thái không chỉ giới hạn trong đời sống của một bộ phận
người Israel, mà là một loại văn hóa dân tộc, nó không thể thành bất biến, cần
phải theo sự biến đổi của đời sống dân tộc mà không ngừng phát triển, không chỉ
thỏa mãn đòi hỏi tâm linh của mọi người, hơn vậy, còn phải thỏa mãn đòi hỏi sự
truy cầu của trí lực của con người. Nên phải luôn tìm cách xây dựng và đổi mới
cho phù hợp.
Kết
luận
Hội thánh Công giáo nhìn nhận rằng
người Do thái là anh của chúng ta trong đức tin. Nhờ Do thái giáo mà người Kitô
hữu có được bộ sách Kinh Thánh Cựu Ước. Chính Đức Giêsu được sinh ra và lớn lên
tại Do thái. Các tông đồ cột trụ của Giáo hội cũng xuất thân từ Do thái. Thánh
Phaolô luôn hãnh diện vì thuộc về nòi giống này. Người Công giáo có phần quá khắt
khe và chủ quan khi cho rằng cái chết của Chúa Giêsu là hoàn toàn do lỗi của
người Do thái.
Đại đa số người Do thái không chấp
nhận Tin mừng mà Đức Giêsu rao giảng và không công nhận Ngài là Đấng cứu thế. Hội
thánh cũng luôn bênh vực người Do thái mỗi khi họ bị ngược đãi.
Ngày nay với tinh thần đại kết, Hội
thánh mời gọi dù là người Do thái hay Công giáo nên vượt qua sự kỳ thị để gặp
nhau và nhìn ra những giá trị chung. Chính cố Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tại
Hội đường Rôma ngày 13-4-1986, ngài tuyên bố với cộng đồng Do thái giáo rằng: “Các bạn là những người anh em mà chúng tôi
quý mến nhất” (Doc. Cath., số 1917).[12]
[1]
Hoàng Tâm Xuyên, Mười Tôn Giáo Lớn Trên
Thế Giới, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà nội 1999, tr.499
[2]
Phan Tấn Thành OP, Thần Học Mạc Khải,
Học viện Đa Minh 2005, tr.63
[3]
Sđd tr.64-66
[4]
Xc. Lưu Văn Hy và nhóm Trí Tri, Tri Thức
Tôn Giáo Qua Các Vấn Nạn và Giải Đáp, Nxb Tôn giáo, tr.72-73
[5] Chủ
Biên Hoàng Tâm Xuyên, Mười Tôn Giáo Lớn
Trên Thế Giới, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà nội 1999, tr.506
[6]
Xc. Lưu Văn Hy và nhóm Trí Tri, Tri Thức
Tôn Giáo Qua Các Vấn Nạn và Giải Đáp, Nxb Tôn giáo, tr.81
[7]
Xc. Sđd, tr.122
[8] Yard là đơn vị đo chiều dài của Anh, Mỹ.
1yard = 3feet = 0,9144 m
[9] Chủ
Biên Hoàng Tâm Xuyên, Mười Tôn Giáo Lớn
Trên Thế Giới, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà nội 1999, tr.550
[10]
Xc. Sđd, tr.571-580
[11]
Jacques Lacourt, Tuổi Trẻ Đức Tin và Cuộc
Sống, tr.36
[12] Jacques Lacourt, Tuổi Trẻ Đức Tin và Cuộc Sống, tr.37
0 nhận xét:
Đăng nhận xét