Bart Khánh
Tháng 11 hàng năm người công giáo dành riêng để tưởng nhớ đến những Kitô hữu đã qua đời. Ba mươi ngày này còn được gọi là tháng nói về sự chết. Sở dĩ tôi suy tư và viết về đề tài này là trong những ngày qua, lớp tôi có một số anh em bị một cha giáo từ chối hướng dẫn làm tiểu luận. Hỏi ra mới biết lý do là những anh em đó người thì làm tiểu luận về “tội lỗi”, người thì làm về “sự dữ”. Cha giáo từ chối nói với sinh viên đó là nhờ cha giáo khác hướng dẫn, còn nếu muốn nhờ cha phải đổi đề tài có hướng tích cực hơn một chút. Tôi nghĩ cha giáo đó nói có lý khi đưa ra lý do từ chối hướng dẫn các đề tài như thế.
Đúng vậy, dường như ngày nay phương pháp giảng dạy đã thay đổi rất nhiều. Ngày trước người ta hay nhắc nhở những điều xấu phải tránh, hoặc la rầy mỗi khi sai lỗi. Thời đại hôm nay người thụ huấn không thích nghe chửi, nghe chỉ trích, miệt thị. Họ mong muốn được nghe thấy những lời ngọt ngào, lời khuyến khích làm những điều tích cực và điều tốt. Phương thức giáo dục mời gọi là phương thức được ưa chuộng ngày nay. Tội lỗi điều xấu hay sự dữ ai cũng chê ghét, và không muốn đề cập đến trong cuộc sống. Nhưng đây lại là điều có thật và luôn tồn tại xung quanh thế giới chúng ta. Thậm chí ngay trong con người của chúng ta có thể hôm nay là thiên thần nhưng ngày mai có thể là quỷ dữ.
Theo Kinh Thánh, tội lỗi và sự dữ làm cho chúng ta mất di sự sống vĩnh cửu mà Thiên Chúa ban cho. Thánh Phaolô cũng khẳng định là có tội tổ tông: “Bởi một người, tội lỗi đã nhập vào thế gian này, bởi tội thì có sự chết, thành ra cái chết tràn lan đến mọi người vì hết thảy đều phạm tội” (Rm 5,12). “Vì một người không vâng phục muôn người hóa thành tội nhân” (Rm 5,19). Như vậy, tội lỗi làm cho con người phải chết. Là con người chúng ta có một lối đi chung là sự chết. Tuy nhiên sau cái chết là gì không ai biết được. Mọi người đều gớm ghét, sợ sệt và coi cái chết như là một xì-căng-đan. Chính vì vậy khi đứng trước cái chết có người tỏ thái độ phản kháng chống đối, có người bình thản đón nhận.
Chết là kết liễu hay là khởi đầu tùy theo quan điểm của mỗi người. Đối với một số người chết là đi vào cõi hư vô. Nhưng như thế tại sao chúng ta lại mang trong mình một ước vọng vô biên? Tại sao chúng ta cứ mãi khao khát tình yêu? Nếu quả thật chết là hết, thì con người chúng ta quả thật là bất hạnh nhất.
Trái lại đối với người Kitô hữu chúng ta, cái chết không phải là một lỗ hổng vực thẳm nuốt chửng hy vọng của chúng ta, Nhưng đó là một con đường đưa chúng ta đến một vùng sáng mới là cuộc hội ngộ vĩnh cửu với Thiên Chúa là Đấng nguồn gốc và nguyên thủy nơi phát sinh của con người.
Thiên Chúa dựng nên con người luôn mong muốn con người được hạnh phúc. Nhưng tại sao trong trần gian lại có sự dữ, đau khổ và cái chết. Đó là điều mà đã làm cho nhiều người mất niềm tin tưởng và trông cậy vào Chúa. Ta có thể lý giải những vấn đề sự dữ, đau khổ và cái chết. Sự dữ, đau khổ đến với con người có hai nguyên nhân từ vũ trụ và từ con người.
Vũ trụ mang lại cho chúng ta rất nhiều niềm vui. Con người có thể được nuôi sống thể xác từ vũ trụ và qua vũ trụ. Như tất cả những thức ăn chúng ta có được đều là từ vũ trụ qua sự lao động của con người mà có được. Cái mà người ta gọi là thiên tai như động đất, núi lửa, sóng thần chỉ là các định luật chi phối vũ trụ. Vì vũ trụ cũng chỉ là thụ tạo của Chúa mà thụ tạo thì không có gì là bền vững và vĩnh cửu. Nếu con người biết tôn trọng, tuân theo và bảo vệ vũ trụ đôi khi có thể mang lại nhiều ích lợi cho mình và đôi khi tránh được những tai họa đáng tiếc.
Cũng có những đau khổ và sự dữ do chính con người gây ra. Vì không phải là thần thánh nên con người không thể làm được mọi việc, đây cũng là nguồn phát sinh sự dữ và đau khổ. Vậy tại sao Thiên Chúa không can thiệp vào sự dữ con người gây ra? Con người được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài là có khả năng yêu thương, có tự do và có lý trí để suy xét mọi việc làm của mình. Nếu Thiên Chúa lúc nào cũng can thiệp vào những việc làm của con người, thì con người chỉ giống như là những quân cờ không hơn không kém. Mà trong Thiên Chúa thì không bao giờ có mâu thuẫn. Nên con người phải có trách nhiệm trên cuộc đời cũng như mọi việc mình gây ra.
Vậy là chúng ta lại phải chấp nhận sự dữ, đau khổ và cái chết do vũ trụ và con người mang lại. Nhưng chúng ta không được bi quan, mà phải luôn nỗ lực kiến tạo và xây dựng một thế giới tốt lành hơn đó là việc Chúa muốn con người cộng tác vào công trình tạo dựng của Chúa. Đó cũng là quyền và nghĩa vụ của người làm chủ, người quản lý vũ trụ mà Chúa đã trao phó cho con người. Cách tốt nhất là mỗi người mỗi tay mỗi việc, cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình và yêu thương. Như chính Đấng là nguồn phát sinh và tạo dựng của con người và vũ trụ. Đó chính là Thiên Chúa tình yêu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét