Người nghèo ở bất cứ đâu cũng có, ở xã hội, đất nước nào cũng có, và người nghèo là thành phần đáng được quan tâm nhất trong xã hội. Không phải đi tu, do bổn phận hay là khi có quyền, địa vị, tiền… thì tôi mới phải quan tâm, giúp đỡ những người nghèo. Nhưng là bất cứ khi nào có thể được và có dịp là tôi phải quan tâm, giúp đỡ người nghèo. Cách riêng là phải luôn luôn kính trọng người nghèo. Vì đó cũng chính là hình ảnh của Đức Kitô, họ cũng là một con người, một nhân vị.
Bình thường mà nói thì mọi người đều được kính trọng như nhau nhưng có lẽ từ rất xa xưa, con người lại không đối xử với nhau như thế nữa, người ta thường theo cấp bậc, địa vị mà đối xử với nhau, lẽ công bình cũng ngày một giảm dần theo thời gian. Và cho đến bây giờ, người nghèo vẫn là người nghèo theo đúng nghĩa, tức họ vẫn bị coi thường, khinh rẻ, không được tiếp đón, thậm chí bị coi thường và thường có thái độ thiếu kính trọng đối với những người nghèo. Ngay từ thời các tông đồ, sự phân biệt đối xử với người cũng đã được nói đến trong thư của thánh Giacôbê:
Thưa anh em, anh em đã tin vào Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang, thì đừng đối xử thiên tư. Quả vậy, giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: “Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này”, còn với người nghèo, anh lại nói: “Ðứng đó!” hoặc: “Ngồi dưới bệ chân tôi đây!”, thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao? (Gc 2,1-4)
Như đoạn Lời Chúa trên, người nghèo rõ ràng là đã bị khinh rẻ, bị đối xử thiên tư. Vì sao lại như thế, phải chăng là do vẻ bề ngoài của họ, do chúng ta “yên tâm” rằng nghèo thì không đáng được kính trọng hay do thiên kiến của ta? Do thái độ khinh người của ta?
Vậy tôi phải có thái độ thế nào đối với người nghèo? Trước tiên, có lẽ là tôi phải xem người đó như là hình ảnh Đức Kitô. Để làm được điều này không phải dễ, nhưng với con mắt đức tin, chắc chắn tôi phải biết rõ họ cũng là người được Chúa dựng nên (theo như Đức Tin Công Giáo), để từ đó, tôi coi họ cũng là những người được Chúa dựng nên, nhưng do hoàn cảnh, họ không được như tôi, họ bị khiếm khuyết một điều gì đó và điều kiện sống của họ bị thiếu hụt, cụ thể là họ thiếu tiền nên mới trở nên nghèo. Vì thế mà tôi phải có thái độ kính trọng đối với họ. Đôi khi, tôi chỉ thấy dáng vẻ bề ngoài của họ là như thế nhưng tâm hồn của họ thì nào tôi biết được?! Biết đâu họ lại là những người bao dung, luôn biết thông cảm và chia sẻ tình thương với những người khác, vì chính bản thân họ là một kinh nghiệm thực tế nhất đã trải nghiệm cuộc sống bị người khác coi thường, khinh rẻ với dáng vẻ đói rách, nghèo túng như chúng ta thường thất. Vì thế mà trước mặt Chúa, chưa chắc ai đã hơn ai bởi chỉ có Chúa mới có quyền xét đoán người khác, chỉ có Chúa mới có cách nhìn công bằng, không thiên tư và như thế chỉ với con mắt đức tin tôi mới nhận ra được họ chính là hình ảnh của Đức Kitô, để từ đó tôi luôn kính trọng họ như là tôn kính hình ảnh Đức Kitô nơi họ.
Thứ đến, họ cũng là một con người, một nhân vị. Họ cũng cần phải được đối xử đúng với nhân phẩm của họ. Ta không được xem thường và khinh rẻ họ. Nếu ta xem họ như là một con người, một nhân vị, ta sẽ có thái độ và cách nhìn khác về họ, sẽ không coi thường, khinh rẻ họ nữa nhưng thay vào đó là những thái độ, cử chỉ ân cần tiếp đón họ, chấp nhận họ, coi họ như là những người bạn chúng ta có. Lúc đó, tôi cũng sẽ nói rằng: “xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này”. Nhưng xét lại tôi thấy, cuộc đời tôi cho đến nay chưa có một người bạn nào nghèo, tôi chưa chơi với ai nghèo, chưa mời một người nghèo nào đến nhà để thiết đãi nhưng thay vào đó là những người có chức quyền, có tiền của, và những người mang lại lợi ích cho tôi… thì tôi thường lui tới, thường tiếp đón, thường xuyên thăm hỏi và mời đến nhà dùng bữa… Rõ ràng là tôi còn thiên kiến, chưa xem họ như là con người, một nhân vị đáng được kính trọng, chưa xem họ là bạn mà chỉ xem họ như là những người dưới, những người không đáng quan tâm, những người bị khinh dể. Lại một lần nữa tôi có thái độ thiếu kính trọng và có cái nhìn thiên tư về những người nghèo.
Tóm lại, chẳng ai trong chúng ta muốn nghèo và chỉ khi ta ở trong hoàn cảnh của người nghèo thì ta mới hiểu được thế nào là bị coi thường, bị khinh rẻ, kỳ thị… Chúng ta cần phải có cái nhìn bao dung hơn, biết kính trọng họ, vì họ cũng là một con người, có nhân phẩm và nơi họ cũng mang hình ảnh của Đức Kitô.
Hoa Sữa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét