(tiếp theo và hết)
Anthony Hưng
3. Mối hoang mang và sự sợ hãi
Hoang mang và sợ hãi thường là những kết quả của những trải nghiệm đau thương, mất mát trong quá khứ, những ảo vọng do áp lực từ phía gia đình, bạn bè và chính bản thân, và ngay cả tiềm tàng trong suy nghĩ của mỗi cá nhân do cấu trúc di truyền và môi trường sống.
Bất kể sự hoang mang và lo sợ bởi nguyên nhân nào, con người thường mất cơ hội để thể hiện bản thân bởi sợ hãi khi phải mạo hiểm, phải đương đầu cũng như giải quyết những thách đố hằng ngày. Thay vào đó, họ sẽ rất cẩn trọng khi làm việc và có thể chỉ dám làm hay chọn những giải pháp hoặc phương án an toàn và chắc chắn. Họ tuyệt đối tránh sự mạo hiểm và nhất là không muốn có sự thay đổi nào khi mọi sự đã được sắp xếp và an bài ban đầu. Họ rất sợ sự đổi thay ngay cả biết sự thay đổi sẽ có nhiều cơ may hơn. Hoang mang và sợ hãi kìm hãm và chôn kín những ước mơ, những dự tính của con người. Khi con người không dám bước ra khỏi vỏ bọc của sự an toàn, họ sẽ không bao giờ có cơ hội khám phá bản thân, khám phá thế giới. Họ sẽ không tạo ra được những bước đột phá cho cuộc đời, không thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của sự bao bọc, sự chở che. Khi không thể đưa ra những quyết định khi cần thiết thường làm con người bị ức chế và sẽ tồn tại thái độ ù lì và hoặc bất cần đời. Cả hai thái độ này đều làm cho con người khó thăng tiến trong việc phát triển nhân cách và trưởng thành tâm linh.
Hoang mang và lo lắng là những biểu hiện thường thấy trong cuộc sống, nhưng con người cần phải biết chế ngự và vượt thắng. Vượt thắng bằng cách xây dựng niềm tin, thiết tạo các mối liên đới, gắn kết trong tình yêu thương. Xác tín và củng cố niềm tin bằng cách tin tưởng vào bản thân, vào cuộc sống, vào những người xung quanh, đặt biệt tin tưởng và phó thác vào một đấng siêu việt có khả năng biết, hiểu và vượt trên mọi thấu hiểu của con người. Xây dựng tình yêu thương bằng cách thiết lập các mối thâm giao và liên đới qua sự lắng nghe và chia sẻ, thấu cảm với tấm lòng bao dung và sự tha thứ.
4. Sự tức giận và hận thù
Tức giận thường là nguyên nhân của những nỗi đau, sự tổn thương và những vấn đề chưa thể hoặc chưa giải quyết một cách chưa thỏa đáng trong quá khứ và còn tiếp tục dai dẳng kéo dài cho tới hiện tại. Tức giận cũng thường xuất phát từ sự không bằng lòng về bản thân trước những đòi hỏi của xã hội. Tức giận cũng là do thiếu sự tha thứ, tha thứ cho người khác và tha thứ cho chính bản thân mình. Tức giận còn là nguyên do của sự ức chế, lo âu và hoang mang. Tức giận là nguyên nhân chính dẫn đến sự hận thù. Hận những hoàn cảnh trớ trêu. Hận bản thân sao nhu nhược không quyết định. Hận người khác sao nhẫn tâm. Hận cuộc sống sao cay đắng. Hận cả Thiên Chúa sao dửng dưng trước những biến cố đau thương xảy đến.
Tức giận và hận thù thường đào sâu sự tổn thương của mỗi cá nhân về tâm lý và tâm linh. Về mặt tâm lý làm cho con người thêm chán chường thể hiện qua khuôn mặt ủ dột, khô khan và thiếu sức sống như cáu gắt và thiếu sự thông cảm và cô lập bản thân với người khác, với thế giới bên ngoài. Về tâm linh đó chính là sự cô đơn nội tâm, nguội lạnh tâm hồn, cảm giác đời nhạt nhẽo và vô vị, cảm giác mất niềm tin vào cuộc sống. Hậu quả của việc tức giận và hận thù còn làm tổn thương và thậm chí tuyệt thông với tất cả các mối tương quan giữa con người với thiên nhiên, con người với tha nhân, con người với chính mình và con người với Thiên Chúa.
Sự thật khi tức giận, bạn luôn phải là người chịu đau khổ gấp nhiều lần so với người làm bạn bị tức giận và đau khổ. Có rất nhiều người làm cho bạn căm phẫn họ đã quên từ rất lâu và bắt đầu cuộc sống mới của họ, trong khi bạn vẫn còn ghi nhớ và oán giận, bạn đã đang tiếp tục làm vết thương của bạn thêm rách rộng và quặn đau. Cần nhớ rằng những người làm tổn thương cho chúng ta trong quá khứ không thể tiếp tục làm hại chúng ta trong hiện tại và tương lai trừ khi chính chúng ta cứ muốn giữ và đóng gói nó lại bằng sự căm tức và thù hận. Quá khứ sẽ mãi là quá khứ, điều đó không thể thay đổi. Nếu chúng ta cứ còn “giam giữ” những vết đau quá khứ, nó sẽ tiếp tục mưng mủ và nhức nhối. Bạn đã đang làm chính bạn tổn thương bằng việc đâm dao nhọn vào vết thương khi gặm nhấm sự đắng cay và tức giận.
Mỗi cá nhân đều có cuộc sống và sứ mệnh riêng trên hành trình sống đừng quá mất thời gian vào sự căm tức và hận thù. Hãy biết chấp nhận và tha thứ từ thông qua những trải nghiệm đau thương. Hãy để nỗi đau đi qua như một dòng chảy để bản thân được lớn lên trong sự đau khổ và mất mát. Tức giận và tổn thương sẽ được chữa lành bằng sự tha thứ, bằng việc hàn gắn tất cả những mối tương quan của con người trong cuộc sống.
5. Sự nuối tiếc và tội lỗi
Có rất nhiều người cả cuộc đời sống trong sự nuối tiếc, dằn vặt, mặc cảm và tội lỗi vì cho phép những việc đã làm, những vết thương trong quá khứ điều khiển. Họ còn cho phép quá khứ làm chủ và định hướng cho cuộc sống tương lai. Họ trừng phạt bản thân một cách có ý thức bằng việc ngầm ngầm hủy hoại sự thành công của chính mình với ý nghĩ là không xứng đáng hoặc không hài lòng với những thành quả đã đạt được. Có những người có cảm giác tội lỗi dù quá khứ đã đi xa, người bị làm tổn thương cũng đã tha thứ và quên từ rất lâu. Người luôn sống trong sự nuối tiếc và cảm giác tội lỗi là những mẫu người sống khuôn phép, kỷ cương và cầu toàn. Họ đặt ra quá nhiều tiêu chuẩn phải vươn tới và chiếm lĩnh nếu không sẽ bất an và ngờ vực. Mặt khác, họ cũng thuộc mẫu người lo âu và thiếu tự tin. Lo âu nếu làm sai điều này, điều kia bởi sẽ bị mỉa mai hoặc phê phán. Không tin vào bản thân có thể làm lại cuộc đời khi thất bại hoặc gặp rủi ro. Người tội lỗi cũng thường có mặc cảm mình bất tài và vô dụng. Họ thường để cho cảm giác bi quan và tội lỗi chiếm lĩnh và điều khiển.
Cảm giác nuối tiếc và tội lỗi khi có những quyết định nông cạn hoặc làm những điều sai trái là chuyện hiển nhiên, nhưng cứ ám ảnh chúng sẽ làm chậm hành trình tìm kiếm và kiến tạo chân lý và hạnh phúc của mỗi con người. Nếu không để quá khứ ngủ yên trong dĩ vãng, con người rất dễ dàng sống trong sự hối tiếc và khắc khoải. Sống trong dằn vặt, con người sẽ không đủ sinh khí và nghị lực để bắt tay vào công việc cũng như xác định mục đích sống. Không xác định được mục đích sống chẳng khác con tàu không bánh lái trôi vô định giữa lòng đại dương.
Chúng ta là sản phẩm của quá khứ nhưng không nhất thiết phải hệ lụy và phục tùng nó. Những việc làm sai trái trong quá khứ đôi khi chính là dấu chỉ hoặc ý định Thiên Chúa muốn. Ngài muốn chúng ta tôi luyện qua những công việc quá khứ để ta học được bài học sống và làm việc theo chương trình và mục đích của Ngài. Đôi lúc đó chính là cơ hội tốt nhất nhìn lại bản than với thân phận con người mỏng dòn. Ý thức hơn về nhược và ưu điểm của chính mình chính là lúc được lớn lên và trưởng thành. Đó cũng là điều tốt nhất để con người học hỏi, lắng nghe, thấu cảm và chia sẻ trước những sự mất mát và nỗi đau của người khác.
Là con người không ai có thể tránh khỏi những mối bận tâm. Bận tâm bởi những đòi hỏi vật chất. Bận tâm về những nhu cầu tinh thần. Những mối bận tâm bao giờ cũng là rào cản làm chậm tiến trình phát triển nhận thức và tăng trưởng tâm linh của con người. Khi bị chúng điều khiển và chi phối, con người dễ bị lôi kéo và sa lầy vào những vết xe đổ cố hữu. Chúng làm cho nội tâm con người khô khan hoặc nguội lạnh trước những vấn đề cuộc sống. Chúng cũng sẽ chặn đứng những thao thức và nhiệt huyết của lòng người. Tuy nhiên, khi con người biết và có ý thức vượt thắng những mối bận tâm, tâm hồn họ sẽ tràn đầy sức sống, niềm tin và nghị lực sẵn sàng đương đầu với những thách thức mới. Những mối bận tâm lúc này không còn là vật cản mà là bàn đạp chuẩn bị cho những bước tiến cao và xa hơn. Khi ý thức bản ngã được vươn lên, con người sẽ không bi quan về thân phận kiếp người khi đau khổ, khi cám dỗ vật chất bủa vây, khi ám ảnh tinh thần đeo bám. Con người lúc này vươn lên tầm cao mới là làm chủ những yếu đuối thể xác, tăng sức mạnh nội tâm và khả năng lướt thắng những nghịch cảnh bên ngoài.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét