Trong đời sống, ta thường có nhiều cái nhìn khác nhau trước một sự việc hay một vấn đề nào đó. Người cho rằng đẹp, người nói rằng xấu. Người thấy tích cực, kẻ lại cho là tiêu cực. Tại sao lại có hiện tượng này? Phải chăng tất cả chỉ là chủ quan? Chân lí chỉ là tương đối? Quả thật con người không thể lĩnh hội hay diễn đạt chân lí một cách tròn đầy. Mặt khác, bản chất sự vật mang tính lưỡng diện hoặc đa diện, mà cái nhìn của con người thường lại phiến diện.
Tính lưỡng diện của sự vật
Mọi sự đều mang tính lưỡng diện. Từ những vật khả giác đến những sự việc trừu tượng. Mọi sự đều có mặt trái của nó. Tuy nhiên mặt trái ở đây không chỉ hiểu là sự sai, sự bất toàn,… đối lập với mặt phải, mặt tốt, mặt đẹp của một sự vật. Mặt trái ở đây còn được hiểu là mặt sau, cái nằm bên dưới, bên trong của một sự vật hay một sự việc nào đó.
Ví dụ khi ta nhìn một đồng tiền, thì ta chỉ thấy một mặt mà thôi. Muốn biết mặt bên kia thì ta phải lật sang mặt bên kia của nó. Nhìn một con người ta chỉ thấy dáng vẻ bên ngoài. Muốn hiểu được con người đó thế nào thì cần phải tiếp xúc, trao đổi với người ấy. Một câu nói, một hành động, thường là kết quả của những tư tưởng, suy nghĩ và tình cảm bên trong. Điều mà không dễ gì người ta biết được.
Do vậy mà nếu chỉ nhìn bên ngoài, chỉ “xem mặt mà bắt hình dong”, thì rất dễ bị lầm. Chỉ nhìn bên ngoài rồi có những nhận xét và kết luận vội vàng e rằng sẽ bất công. Ngoài ra, chúng ta sẽ có nguy cơ không nhìn thấy giá trị của mặt trái của một sự vật.
Tầm quan trọng của mặt trái sự vật
Giá trị đầu tiên và nội tại của mặt trái là bổ túc cho mặt phải. Nhờ mặt trái mà mặt phải hiện hữu. Ta không thể hình dung đồng tiền sẽ thế nào nếu không có mặt trái. Như thế, trong rất nhiều trường hợp, mặt trái có giá trị và có ảnh hưởng ngang bằng với mặt phải.
Tiếp đến là giá trị kiểm chứng. Một hành động mà tác dụng phụ quá lớn, đôi khi còn lớn hơn cả tác dụng chính, thì không thể coi là đạt, là chuẩn được. Ta có thể xem xét mặt trái của một vấn đề để đánh giá vấn đề đó. Đây là yếu tố giúp ta tránh được tính chủ quan duy ý chí. Chính sự chủ quan này làm cho những phán đoán và hành động mang tính hàm hồ.
Mặt trái hay bề chìm của một vấn đề, cho phép hiểu được lí do hay động cơ của hành động hay vấn đề đó. Vì thế, đôi khi ta thấy một hành động đáng trách, lại xuất phát từ một suy nghĩ và tình cảm rất chân thành, có điều chưa hẳn là đúng. Toà Tra là một ví dụ điển hình trong lịch sử Giáo hội. Đó chính là tính hàm hồ của phán đoán và hành động.
Tính hàm hồ của phán đoán và hành động
“Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa” (x. Ga 16,2). Chúa Giêsu báo trước với các môn đệ của Ngài về những bách hại mà các ông sẽ gặp phải. Điều đáng lưu ý ở đây là những kẻ bách hại tưởng mình làm thế là tốt, là phụng thờ Thiên Chúa! Tai hoạ là ở chỗ đó.
Đây là điều lại rất thường hay gặp trong đời sống. Cả trong đời sống xã hội lẫn Giáo hội, cũng như trong đời sống cộng đoàn tu trì. Rất nhiều khi, người ta nhân danh điều tốt để làm khổ người khác, tất nhiên là không cố ý. Họ (thường là những người có quyền, các người bề trên,…) nghĩ một cách rất thành tâm rằng, làm điều này điều kia là tốt cho tập thể hay một ai đó. Tuy nhiên, trong thực tế, điều đó làm khổ cho tha nhân (nhất là các người bề dưới) hơn là giúp họ. Do vậy mà chẳng lạ gì ở đâu có một thánh hiển tu thì ở đó cũng có mười thánh tử đạo! Vì không thể chịu nổi sự “thánh thiện” của các “vị thánh” này!
Một hành động bao giờ cũng có mục đích và đối tượng nhất định. Một chương trình đề ra chỉ tốt và hữu ích, nếu nó đem lại lợi ích cho người sử dụng hay hưởng lợi từ nó, chứ không phải tốt trong đầu óc người làm ra nó. Đây là điều mà những người có đầu óc cầu toàn và chủ quan hay mắc phải. Họ nghĩ và đề ra những chương trình mà họ cho là rất tốt. Nhưng thực tế nó làm cho bao người phải khổ hơn là đem lại những điều tốt đẹp cho những đối tượng này.
Nhìn mặt trái của một vấn đề, sẽ giúp hiểu vấn đề một cách trọn vẹn hơn, và tránh được những phán đoán chủ quan. Mẹ Maria là một mẫu gương tuyệt vời, khi Mẹ luôn “suy đi nghĩ lại trong lòng” trước những sự việc quan trọng. Trong tiếng hy lạp động từ suy niệm sumballw gồm 2 phần là sun: cùng với, trong vòng, bằng việc, và ballw: ném. Như thế suy đi nghĩ lại là ném đối tượng qua lại để nhìn rõ hơn mọi phía. Tất cả các toa thuốc đều chỉ ra tác dụng phụ của nó. Chớ gì ta cũng biết được những tác dụng phụ của những việc mình làm trước khi thực hiện để có thể hạn chế nó bao nhiêu có thể.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét