Giáo hội Việt nam đã long trọng bước vào năm thánh 2010, kỉ niệm 350 năm thiết lập hai giáo phận tông toà Đàng Ngoài và Đàng trong, 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm tại Việt nam. Giáo phận Long xuyên cũng long trọng khai mở năm thánh kỉ niệm 50 năm thành lập giáo phận. Vậy năm thánh là gì? Đâu là ý nghĩa trọng yếu của năm thánh? Và chúng ta phải sống năm thánh thế nào?
Khi nói tới thánh thì ta thường hay nghĩ ngay tới yếu tố thánh thiêng. Những gì có liên quan đến đời sống siêu nhiên. Cũng thế khi nói tới năm thánh ta cũng nghĩ ngay đến những việc đạo đức thiêng liêng. Tuy nhiên, hạn từ “năm thánh” lại không có nguồn gốc trực tiếp từ một từ mang ý nghĩa “thánh” như ta vẫn nghĩ mà là vui mừng (tiếng la tinh jubilaeus, tiếng pháp là jubilé). Đó là từ mà thánh Giêrônimô dùng để dịch từ Yôbel trong tiếng Do thái. Yôbel là cái tù và bằng sừng dê được dùng để loan báo thời điểm bắt đầu một năm đặc biệt, diễn ra 50 năm một lần. Như thế năm thánh có nguồn gốc từ xa xưa trong thực hành đời sống của dân được tuyển chọn, và đã được Cựu Ước ghi lại trong sách Lêvi chương 25.
Sách Lêvi nói về năm thánh như sau: “(Các) ngươi phải tính bảy tuần năm, nghĩa là bảy lần bảy năm; thời gian của bảy tuần năm đó là bốn mươi chín năm. Tháng thứ bảy, ngày mồng mười trong tháng, (các) ngươi sẽ thổi tù và giữa tiếng reo hò; vào ngày Xá tội, (các) ngươi sẽ thổi tù và trong toàn xứ các ngươi. Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó.
Đối với (các) ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình. Đối với các ngươi, năm thứ năm mươi sẽ là thời kỳ toàn xá: các ngươi không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa. Vì đó là thời kỳ toàn xá, một năm thánh đối với các ngươi, các ngươi sẽ ăn hoa lợi của đồng ruộng” (Lv 25,8-12).
Đối với Giáo hội Công giáo, năm thánh được tổ chức chính thức lần đầu tiên là vào năm 1300 dưới triều ĐGH Boniface VIII. Tuy nhiên trước đó từ “năm thánh” (jubilé) đã được nói tới. Ngày 22/02/1300, ĐGH Boniface VIII ban hành tự sắc Antiquorum fida relatio khai mở năm thánh và ấn định những điều kiện để lãnh nhận ơn xá: Sống trong tình trạng ân sủng (lãnh bí tích giải tội), viếng nhà thờ thánh Phêrô, và nhà thờ thánh Phaolô ngoại thành. Từ đó, trừ năm thánh tiếp theo vào năm 1350 (sau 50 năm), Giáo hội mở năm thánh cứ 25 năm một lần. Ngoài ra còn những năm thánh ngoại thường để đánh dấu một biến cố quan trọng nào đó. Ví dụ Năm thánh mừng ơn cứu chuộc 1983-1984 (kỉ niệm 150 năm biến cố Thập giá và Phục sinh của Đức Giêsu), năm thánh linh mục 2009-2010 (kỉ niệm 150 năm ngày qua đời của thánh Gioam Maria Vianey).
Tuy có nguồn gốc từ năm thánh Do thái, nhưng năm thánh của Giáo hội Công giáo không chỉ dừng lại ở chiều kích xã hội như năm thánh Do thái, mà nhấn mạnh đến chiều kích thiêng liêng. Đó chính là điều mà cha Humbert de Romans, dòng Đa minh trong một bài giảng năm 1267, đã nói rằng “năm thánh bây giờ, không phải là năm thánh của người Do thái, mà là của người Kitô hữu. Nó cao trọng hơn nhiều”. Chính vì thế năm thánh cần phải hiểu và sống một cách tích cực để hưởng nhờ những lợi ích mà năm thánh mang lại.
Đặc tính đầu tiên của năm thánh là sự vui mừng: “Các ngươi sẽ thổi tù và giữa tiếng reo hò” (Lv 25,9). Trong diễn văn khai mạc Năm thánh Giáo hội Việt nam, tại Sở kiện ngày 24/12/2009, Đức cha Chủ tịch HĐGM Việt nam cũng đã mời gọi “chúng ta hãy bắt tay nhau với lời chúc bình an và nụ cười thân thiện nhất để chào mừng ngày trọng đại này”. Đó là một sự vui mừng. Sống năm thánh là sống tâm tình vui mừng. Vui mừng vì biết bao hồng ân của Thiên Chúa đã thương ban cho ta. Như thế, niềm vui được nối kết với tâm tình cảm tạ. Đó cũng là tâm tình của Đức Maria trước tình thương cứu độ của Thiên Chúa: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tì hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 2,47-48). Trong năm thánh Giáo hội Việt nam, chúng ta được mời gọi nhìn lại hành trình lịch sử của Giáo hội Việt nam từ khi hạt giống Tin mừng được gieo trên đất nước thân yêu của chúng ta. Nhìn lại để thấy tình thương và những ơn lành của Thiên Chúa, để cảm tạ Người. Nhìn lại để thấy bao công ơn của các bậc tiền bối đã đổ ra, để tri ân các ngài. Tâm tình tạ ơn này cùng với sự giải thoát khỏi ách tội lỗi nhờ ơn xá (đặc điểm tiêu biểu của năm thánh), làm trào lên trong mỗi người chúng ta niềm vui được cứu độ. Niềm vui này phải lớn lao hơn nhiều so với sự giải phóng khỏi ách nô lệ xưa kia của dân Do thái vào mỗi dịp năm thánh của họ.
Đặc tính kế tiếp là tinh thần sám hối và hoà giải. Hẳn là trong suốt 49 năm đã có nhiều bất công, nhiều xung đột giữa chủ và tớ, nên người Do thái muốn năm thánh phải là thời điểm hoà giải. Mỗi người phải được trở lại tình trạng tốt đẹp ban đầu: “Mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình”. Đối với chúng ta cũng thế, năm thánh phải là thời điểm sám hối và hoà giải. Hoà giải với Thiên Chúa, với tha nhân, với chính mình và với thiên nhiên. Chính nhờ sự sám hối và hoà giải mà ta có cơ may trở lại tình trạng thánh thiện và tốt đẹp ban đầu (x. St 1). Và chính nhờ ơn tha thứ hoà giải trong năm thánh mà chúng ta sẽ tiến bước với một tinh thần và sức sống mới.
Năm thánh cũng là một điểm dừng. Là thời gian mà mỗi người hãy đi ra khỏi những lo lắng sự đời có thể đang đè nặng và bóp nghẹt đời sống chúng ta hoặc tha nhân. Sự gieo, sự gặt không thể là nỗi bận tâm hàng đầu của mình. Chính nhờ sự “nghỉ ngơi” này mà chúng ta có thời gian học hỏi và đào sâu những điều quan trọng làm nên ý nghĩa cho đời sống chúng ta. Trong năm thánh Giáo hội Việt nam, chúng ta được mời gọi suy nghĩ về mầu nhiệm Hội thánh. Hội thánh chính là gia đình mà mỗi người là thành viên. Điều mà chúng ta thường hay lãng quên trong những điều kiện cuộc sống quay cuồng. Năm thánh là thời điểm rất thuận lợi để mỗi thành viên tìm hiểu rõ hơn về gia đình mình, đồng thời ý thức hơn trách nhiệm của mình trong đại gia đình Giáo hội.
Như vậy sống năm thánh không chỉ là tham dự một số nghi lễ hay tham gia một số cuộc hành hương được chỉ định để lãnh nhận ơn xá, mà phải đi vào tinh thần của năm thánh. Ý thức về hồng ân cứu độ nhưng không của Thiên Chúa dành cho mình, thông qua Giáo hội, các bậc tiền bối và các chứng nhân đức tin, chúng ta hãy vui mừng hát lên bài ca cảm tạ tri ân. Mặt khác, ý thức sự bất toàn và tội lỗi của mình trong quá khứ cũng như hiện tại, giúp chúng ta khiêm tốn tìm đến hoà giải với Thiên Chúa và tha nhân để nối lại tương quan yêu thương tốt đẹp nhằm hưởng được niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn. Đồng thời, một khi đã cảm nhận và xác tín được hạnh phúc được làm con Thiên Chúa, là thành viên của Giáo hội, sẽ thúc đẩy chúng ta tích cực góp phần xây dựng Giáo hội và nhiệt thành chia sẻ hồng ân này với mọi ngươi, đặc biệt là với những người chưa được biết Chúa.
Dom. Ninh Nguyễn Thông Phán
0 nhận xét:
Đăng nhận xét