Chuyện
kể rằng có một ông chủ quản lý một đàn ngựa đông đúc. Trong số những con ngựa ấy,
tất nhiên có đủ mọi lứa tuổi. Có một bác ngựa già, đã quần quật làm việc suốt một
đời phục vụ cho ông chủ không biết mệt mỏi; ông chủ bắt đi đâu đi đấy, chở bao
nhiêu cũng không ngại ngần gì. Ngoan ngoãn đến mức khi đã già rồi, gặm cỏ không
nổi, sức lực chẳng còn như xưa, mà ông chủ kêu làm gì cũng làm theo như vậy. Việc
gì quan trọng, chở cái gì quá nặng nề một chút đều giao cho bác ngựa già này,
còn bọn con cháu trẻ trung thì cứ những việc nhẹ nhàng, sớm tối vui chơi cho hết
ngày. Người ta cũng hay thấy mấy chú ngựa non, trẻ nhất đàn bị chuyển đến những
chỗ không thích hợp. Ai nhìn vào cũng kêu sao mà lạ vậy. Vậy mà cái sự lạ ấy vẫn
cứ tiếp tục.
Tất nhiên ai cũng có cái lý của
mình.
Ông chủ là ông chủ, tất nhiên ông chủ có quyền quyết định
mọi thứ. Cho dù có thể thương yêu những con ngựa của mình đến nỗi cho chúng có
tiếng nói, thì người quyết định vẫn là ông chủ. Vì vậy ngựa nói thì ngựa nói,
chủ làm thì chủ làm. Nếu ngựa không thích, thì đừng làm. Đừng làm thì không có
cỏ mà ăn. Không có cỏ mà ăn thì…bỏ đi tìm chủ khác. Cứ như vậy thôi! Còn việc
muốn dùng ngựa già hay ngựa non thì đó lại là chuyện của chủ. Ngựa già có nhiều
kinh nghiệm, biết phải chở món này thế nào, món kia làm sao, lại chịu khó, làm
nhiều ăn ít, lại sống lâu nên quen biết nhiều ngựa ở đàn khác, biết đường tắt
đường vòng, lại già rồi nên dễ sai dễ bảo, suy đường nào thì vẫn có lợi cho ông
chủ. Mà ông chủ có lợi thì tụi trẻ cũng có lợi: thêm được mớ cỏ, cái chuồng cũ
kĩ thêm khang trang, thoáng mát. Bác ngựa già có gì mà phàn nàn, tụi trẻ có gì
mà thắc mắc hay bức xúc?! Rồi ông chủ muốn chuyển con nào đi đâu cũng là quyền
của ông chủ, chẳng cần quy tắc gì hết. Ở đâu cũng là ngựa, ở chuồng nào cũng vậy,
chẳng có gì khác biệt cả. Mà quy tắc hay không cũng đâu cần lũ ngựa lên tiếng
nói cho ông chủ biết! Ông chủ học rộng biết nhiều, không hơn lũ ngựa suốt ngày
ru rú trong chuồng hay sao? Tóm lại là không bàn cãi gì cả. Ai cũng có việc đấy
thôi, lo gì. Cứ ăn và cứ làm đi, nói nhiều làm gì, ông chủ lo được hết mà.
Bác ngựa
già sống nhiều rồi nên tính tình cũng thâm trầm hơn tụi trẻ. Nhiều khi thấy cái
này lạ cái kia ngộ cũng chỉ thấy vậy thôi; già cả rồi còn gì đâu mà nói. Mà có
nói cũng chưa chắc có ai nghe. Tụi nhỏ thì hiểu biết nhiều rồi nên cũng không sợ,
còn nói với ông chủ thì chắc cũng chỉ làm ông chủ bực mình thôi chứ cũng chẳng
được gì. Vậy thì nói làm gì cho phí sức mà lại phiền phức. Việc mình mình làm,
vậy thôi; sống có được bao lâu nữa đâu mà ý kiến ý cò, ông chủ nói sao thì nghe
vậy thôi. Có nói nữa cũng chẳng được gì. Cứ ngày ngày gặm cỏ, kéo xe, thế là
xong một kiếp ngựa!
Những chàng ngựa trẻ trung thì tất nhiên lúc nào cũng
sung sức và say sưa với công việc của mình. Có thấy việc gì đang xảy ra không?
Có chứ! Có thắc mắc không? Có chứ! Vậy có ý kiến gì không? Không hề! Thật ra
cũng không hẳn là không có, có được vài lần thôi, cũng là tuổi trẻ nhiệt tình đấy
mà. Nhưng vài lần thôi thì ngưng, bởi vì bô lão nói còn chưa thấm gì, huống chi
là mình! Vì thế nên cứ giả điếc làm ngơ, cứ việc mình mình làm, dù sao thì cũng
chỉ là con ngựa kéo xe, thồ hàng thôi, cần gì phải sáng kiến hay tối kiến cho
rách việc. Chẳng cần! Miễn sao có đủ cỏ ăn hằng ngày là được. Đời ngựa còn mơ
gì hơn?! Thôi thôi, vậy là đủ rồi. Cứ vô tư, bởi vì có suy tư cũng chẳng ai cần;
càng suy tư càng bức xúc, rồi buồn chán, bỏ ăn, không kéo xe được thì lại có
chuyện đến nơi! Nhiều lúc nhìn bác ngựa già, cũng thấy tiếc xót, nhưng mà quyền
lợi của bác ấy, bác ấy không nói thì ai nói? Nếu nói rồi mà ông chủ không nghe
thì còn làm gì được nữa?! Ôi, lũ chúng mình là lũ tép riu thôi ấy mà!
Và mọi
chuyện cứ như thế mà diễn ra. Chợt một buổi tối, có tiếng vọng ra từ trong
phòng ngủ của một lão già, chắc là cha của ông chủ: “Này, thằng ranh, tao mới là ông chủ!”
À, ra
thế!
Có những chuyện hiếm nên người
ta tưởng là quý, và cứ thế mà phát huy. Có những chuyện quý hiếm, nhưng không
phải chuyện nào hiếm cũng là quý. Chuyện hiếm mà không quý thì là chuyện lố bịch,
trớ trêu và cũng chẳng ai cần. Có những điều tự bản chất nó đã đáng quý, có những
chuyện càng làm càng trở thành “hiếm” và sớm bị loại trừ.
Dấu Lặng
29.4.2010
0 nhận xét:
Đăng nhận xét