(Ga 20,19)
Đây là lời chào đầu tiên của Chúa Giêsu Phục sinh khi hiện ra với các tông đồ ngay buổi chiều ngày Chúa sống lại. Khi ấy các ông đang ẩn mình trong một căn nhà kín cổng cao tường vì sợ người Do thái.
Cùng với lời chào trấn an trên đây, Chúa đã tỏ cho các ông thấy các vết thương của Người và các ông đã rất vui mừng (x.Ga 20,20). Không vui mừng sao được khi mà, đối với các ông lúc bấy giờ, người Thầy quí yêu đã vĩnh viễn ra đi, tất cả đều như sụp đổ, bao nhiêu kỳ vọng như đã thành mây khói… vậy mà giờ đây chính Thầy đang đứng trước mặt các ông, trên mình vẫn còn những vết thương… Đúng là Thầy rồi, Thầy không chết mà vẫn sống, lại còn chúc bình an cho các ông nữa! Nhưng Thầy không chỉ chúc bình an mà còn nói thêm: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Tức là Thầy trao cho các ông một sứ mạng mà chính Người đã đón nhận từ Cha Người. Liên hệ hai phần này của lời Đấng Phục sinh, ta có thể khẳng định là điều kiện tiên quyết để thực thi sứ mạng Chúa trao cho các Tông đồ khi sai các ông đi, đó là chính bản thân các ông phải có được sự bình an do Chúa ban cho trước đã.
“Bình an cho anh em” là một lời chào thông dụng của người Do thái, nhưng ở đây nó lại có thêm ý nghĩa của một lời cầu chúc. Như thánh Gioan đã nói rõ là lúc đó “các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái” (Ga 20,19), do đó mà lời chào bình an ở đây cũng có công dụng của một lời chúc, một sự động viên tinh thần rất cần cho những con người đang sợ hãi, để họ sớm tìm được sự bình an là điều kiện cần thiết để yên tâm mà ra đi thi hành nhiệm vụ được trao. Hơn nữa, sự hiện diện của Chúa Phục sinh trong bối cảnh này lại càng tăng thêm sự tin tưởng của các ông: “Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.” Chắc hẳn lời chào chúc bình an này đã làm cho các ông nhớ lại câu Chúa Giêsu đã nói với các ông trước đây: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27).
Với các tông đồ là như thế, trong bối cảnh ngày đầu Chúa sống lại: âu lo sợ hãi vì đã mất Thầy, rồi vui mừng phấn khởi khi diện kiến Thầy phục sinh để rồi liền sau đó tiếp nhận lời sai đi của Chúa.
Còn với chúng ta hôm nay thì sao? Cũng trong bối cảnh của Mùa Phục sinh, nhưng là cả 20 thế kỷ sau ngày Phục sinh. Hẳn là chúng ta không có cùng một tâm trạng sợ hãi và thất vọng của các tông đồ ngày ấy. Nhưng chắc chắn không nhiều thì ít, chúng ta cũng đã có những lúc nếm mùi lo âu, chán nản trên bước đường theo Chúa? Phải chi lúc đó Đấng Phục sinh cũng đến với chúng ta để chúc bình an! Có chứ! Chính Chúa đã chẳng quả quyết với chúng ta là “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20) đó sao? Nhất là khi chúng ta vì Chúa mà chung sống với nhau trong một cộng đoàn thì lại càng chắc chắn là có Chúa ở cùng (x. Mt 18,20). Mà Chúa là Đấng chân thật, luôn trung tín, nên chúng ta không được hoài nghi sự hiện diện của Chúa giữa chúng ta đúng như lời Chúa đã hứa – đây không kể việc Chúa luôn hiện diện trong phép Thánh Thể – Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến bài viết mới nhất của Đức Cha Gioan Baotixita BÙI TUẦN mà tôi vừa đọc được trong số báo CG & DT số 1751: “Sự bình an mà Chúa Phục sinh chào chúc, đòi một điều hết sức quan trọng nơi các môn đệ Người, đó là hãy thuộc trọn về Chúa, một Chúa hiền lành, khiêm tốn và yêu thương tận hiến”. Vâng, điều kiện để hưởng bình an của Chúa, đó là phải thuộc trọn về Chúa. Mà làm sao có thể thuộc về Chúa cách trọn vẹn khi mà chúng ta không dành khối óc và con tim mình trọn vẹn cho Chúa?
Vậy chính chúng ta phải cố gắng thế nào để có thể cảm nghiệm được Chúa luôn ở bên ta, luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc sống, vì chỉ khi nào chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện và đồng hành đó của Đấng Phục sinh thì chúng ta mới có được sự bình an mà Người đã đem đến cho các tông đồ. Chính đời sống nội tâm sẽ đem đến cho chúng ta sự cảm nghiệm đó, và sự cảm nghiệm này càng đậm đà khi cuộc sống nội tâm của chúng ta càng phát triển.
Mặt khác, để sống với Chúa trong bình an, trước khi được Chúa sai đi, thì tiên vàn ta phải cùng chết với Người! Chính thánh Phaolô đã khẳng định như vậy trong thư thứ 2 gửi cho Timôtê: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người.” (2 Tm 2,11). Làm sao để có thể “cùng chết với Người”? Ở đây, hỏi tức là trả lời, vì qua các bài học về tu đức, chắc chúng ta ai cũng biết thế nào là cùng chết với Đức Kitô mà điều kiện căn bản là: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mà theo”(Mc 8,34).
Vậy, trong niềm vui Phục Sinh, chúng ta vẫn không được quên là ngày nào còn tại thế mà muốn theo Chúa để chu toàn nhiệm vụ được sai đi, để được hưởng bình an nội tâm, thì chúng ta vẫn luôn phải sẵn sàng vác khổ giá trong suốt cuộc hành trình về quê trời để sẽ được mãi mãi chia sẻ niềm vui Phục sinh của Người.
Có lẽ ở đây chúng ta cũng nên nhớ là dù đã sống lại, Chúa Giêsu vẫn tỏ ra cho các môn đệ thấy những vết thương trên cơ thể Người, nhằm nhắc các ông nhớ cái giá mà Người đã trả để có được niềm vui Phục sinh hôm nay. Qua đó, Chúa cũng muốn nhắc chúng ta, những người theo Chúa, phải làm chứng là chúng ta đang thực sự bước theo Người trên đường chịu nạn. Nói rõ hơn, qua cách sống hằng ngày hôm nay, chúng ta phải làm chứng là chúng ta đang trong giai đoạn “vác khổ giá theo Chúa”, chứ chưa phải là đã “phục sinh vinh hiển”! Vì chỉ khi chúng ta sống chứng tá cho khổ giá thì qua đó những người cứng lòng tin như Tôma mới có thể thốt lên được: “Lạy Chúa là Chúa Trời tôi”(Ga 20,28).
Vâng, như Tôma chỉ tuyên xưng đức tin khi nhìn thấy các vết thương của Chúa Kitô, thì những người “cứng lòng tin” mới được thuyết phục là chúng ta đang làm chứng cho Chúa Phục Sinh khi thấy chúng ta đang mang trên mình những vết thương của Chúa. Chính đó là Sứ mạng được sai đi mà chúng ta phải chu toàn ngay hôm nay và cũng chỉ trong điều kiện đó chúng ta mới nếm được sự bình an mà Chúa đã đem đến cho các Tông đồ ngay trong ngày đầu tiên Chúa Sống lại.
Chú Ba
0 nhận xét:
Đăng nhận xét