Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

Triết Kinh Viện – Sự Hình Thành và Phát Triển

(Từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII)
(tiếp theo kỳ trước)

Bertrand Nguyễn Thanh Hoài

Trong phần trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu khái quát về bối cảnh lịch sử, kinh tế, văn hóa,… của Tây Âu vào thời trung cổ. Tất cả những đặc điểm này là những tiền đề và điều kiện tác động mạnh mẽ đến sự hình thành và phát triển của triết học trung cổ Tây Âu. Tuy nhiên,  luồng tư tưởng triết học trung cổ Tây Âu chỉ thực sự phát triển mạnh vào thời kỳ Giáo phụ (học) (Patristique). Một trong những luồng tư tưởng của trào lưu triết học mới đó là chủ nghĩa Kinh viện: một trào lưu tư tưởng chủ đạo trong thời trung cổ Tây Âu. Để có thể xác định ý nghĩa và vai trò của nó hơn, thiết tưởng chúng ta cần nhìn lại ý nghĩa tầm nguyên của hạn từ  Kinh viện.

Ý nghĩa tầm nguyên
Trong lịch sử tư tưởng, chữ Kinh viện thường được dùng để chỉ một trào lưu tư tưởng chủ đạo trong thời Trung cổ ở Châu Âu. Kinh viện, trong tiếng Anh là Scholaticism và tiếng Pháp là Scholastique, cả hai đều bắt nguồn từ Scholatica trong La ngữ, bởi chữ Schola nghĩa là trường học. Do đó, những ai dạy học tại trường thì được gọi là Scholaticus.
Còn theo Từ Điển và Danh Từ Triết Học của Trần Văn Hiến Minh, trang 133: “Kinh viện (scholastique), triết học trung cổ bên Âu châu, dùng trào lưu triết học Hy-lạp, để cắt nghĩa giáo điều công giáo. Có hai ngành chính: một bắt nguồn từ Platon (do Thánh Augustin), một bắt nguồn từ Aristote (do Thánh Thomas), được dạy trong các trường Giáo hội”
Trong Hán Việt: Kinh có thể hiểu là Kinh Thánh. Ngoài ra, Kinh có một nghĩa phổ quát hơn khi Đào Duy Anh định nghĩa: “Triết học của các học giả đời Trung cổ Âu Châu, lấy phương thức triết học để thuyết minh Kinh nghĩa Cơ Đốc Giáo”. Từ đó, hạn từ Kinh viện còn được hiểu với nghĩa là nơi gần nhà thờ để đọc kinh, “kinh kệ”. Do đó, trào lưu triết học này được giảng dạy gần các nơi đọc kinh,  nhà thờ bởi các vị kinh sĩ hoặc các vị tu sĩ.
Đặc điểm và phương pháp của Triết Kinh viện
La tinh là ngôn ngữ được dùng chung, ngôn ngữ quốc tế, như Giáo hội đã dùng khắp Châu Âu. Điều này giúp cho các triết gia, mọi người thuộc các dân tộc khác nhau có thể tham gia, đóng góp một phần vào trí thức chung. Ngoài ra, họ dùng một phương pháp với hai đặc tính, vừa có tình suy lý, vừa có tính biện chứng. Họ dùng phương pháp này kết hợp với phong cách hùng biện và đi theo con đường diễn dịch để chứng minh và giúp con người đạt tới chân lý thuần túy. Đây là một phương pháp mang mô hình sư phạm nhiều hơn, họ thích đi theo con đường tam đoạn luận để trình bày, chứng minh và thuyết phục.
Phương pháp này được thực hiện theo quá trình tuần tự qua ba bước:
-         Một là, bằng “đọc” (lectio)
-         Hai là, từ “đọc” chuyển sang hỏi (quæstio)
-         Ba là, từ “hỏi” được kết thúc bằng “tranh luận” (disputatio)
Như vậy, công việc giảng dạy ở đây mang ý nghĩa là “đọc”; nghĩa là, bản văn được giáo sư “đọc” và bài giảng của vị giáo sư cũng là “bài đọc” (lectio). Kế tiếp, trong quá trình “đọc” bản văn đôi lúc gặp những chỗ khó hiểu, các từ chuyên môn hay không hiểu những ý tưởng mạch lạc cho nên phải dừng lại để đưa ra những thắc mắc (questiones). Từ đó phát sinh thêm ra phần những giải đáp (responsiones) cho những thắc mắc. Khi những thắc mắc và giải đáp không đi đến chỗ đồng thuận mà vẫn còn nằm trong tranh tối tranh sáng, thì tiến trình này lại đi đến phần tranh luận: tranh luận tự do giữa giáo sư và sinh viên. Trong đó, họ thường tập trung vào những chứng lý thuận và chứng lý nghịch của một chủ đề nào đó.
Như vậy, phương pháp chính của Kinh viện  là dùng hai yếu tố: “thế giá” (autorias) và “lý trí” (ratio). Với triết học, những gì được xem là “thế giá” là: những câu Kinh thánh, của các Giáo phụ, những ý tưởng của các triết gia, đặc biệt là Aristote,…
Chính vì điều này đã tạo nên một đặc điểm khác của Kinh viện là họ không có tạo một hệ thống hay triết thuyết mới nào cả. Ngược lại, họ chỉ suy tư  lại những gì đã có từ nền triết học cổ Hy Lạp. Họ biết nhiều hơn về những tư tưởng của Platon và Aristote tuy nhiên họ biết một cách sống động và có hệ thống hơn. Ngoài ra, một đặc điểm khá nổi bật của Kinh viện đó là: thần phục đức tin. Họ dùng lý trí để loại bỏ những gì không hợp với tín điều. Hơn nữa, triết thuyết này ra đời để loại trừ những gì nghịch lý với đức tin, sửa sai những suy tư lệch lạc về mạc khải. Chính mối quan hệ khá thân mật giữa triết học và thần học đã từ từ tạo nên một nền triết học khá thuần túy và tự lập, mặc dù triết học vẫn còn tham chiếu vào những tín điều, nghĩa là triết học vẫn là “Nữ tì của thần học”. Nhưng dù sao đi nữa, sự xuất hiện của triết Kinh viện cũng được xem là một sự kiện khá nổi bật trong hệ thống khoa triết sử ở Châu Âu.
(còn tiếp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP