Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Tìm kiếm hạnh phúc hay…?


Bart khánh

Trong giờ triết học một cha giáo đã kể câu chuyện sau: Một thương gia ở Châu Âu đã đi du lịch nhiều nơi văn minh giàu có rồi cũng chán. Một lần quyết định đến du lịch tại một nước nghèo thuộc Châu Á. Trên chuyến đi, vì ảnh hưởng nghề nghiệp cũng tiện dịp tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Trong chuyến đi tình cờ gặp bác nông dân đang câu cá, vị thương gia tiến lại gần chào hỏi và làm quen. Vị thương gia hỏi bác nông dân mỗi ngày bác đi câu cá bao lâu?
Bác nông dân trả lời cũng tùy thuộc vào số cá tôi câu được. Thế mỗi ngày bác kiếm được bao nhiêu tiền, bác nông dân nhẩm tính rồi nói khoảng 3 đến 4 đô la là nhiều lắm rồi. Trong lúc bác nông dân đang tập trung câu cá, người thương gia nhẹ lắc đầu. Vì ông suy nghĩ làm vậy mất thời gian quá mà chẳng được bao nhiêu so với số tiền của mình là 50 đô la cho một giờ làm việc. Vị thương gia nói với bác nông dân sao không chế tạo và trang bị máy móc hiện đại để đánh bắt được nhiều hơn, đồng thời cũng tăng thu nhập, chẳng lẽ cứ chịu cảnh nghèo và cực mãi như vậy sao. Ở nước tôi mọi thứ đều làm bằng máy móc và với những phương tiện tân tiến hiện đại thời gian tính bằng phút. Bác nông dân cảm ơn những lời chỉ bảo của vị thương gia. Sau đó ngươi nông dân và vị thương gia cũng tạm biệt nhau, chẳng ai nghĩ có ngày gặp lại. Rồi kì nghỉ hè của vị thương gia cũng kết thúc, ông trở về nước với công việc kinh doanh tiếp tục với những tất bật hàng ngày và cũng chẳng nhớ gì đến bác nông dân nữa. Sau 20 năm sau vị thương gia cảm thấy mệt mỏi yếu sức và chịu hết nổi với áp lực công việc, trong một lần đi khám bệnh, bác sĩ khuyên ông ta nên nghỉ ngơi và giảm công việc tối đa, đi nghỉ ở những nơi yên tĩnh, có như vậy mới duy trì sức khỏe được. Và ông ta đã nghĩ ngay đến bác nông dân ở Châu Á mà ông gặp cách đây 20 năm. Ông quyết định kỳ này sẽ về đó nghỉ ngơi du lịch nữa. Đặt chân đến phi trường ông lên xe về lại vùng biển đó để tìm bác nông dân. Quả thật may mắn ông vẫn gặp bác nông dân ngày nào đang ngồi trên chiếc thuyền để câu cá. Bác nông dân có già hơn nhưng nhìn phong thái của bác vị thương gia vẫn thấy bác còn rất nhanh nhẹn. Bác nông dân thấy ông vui vẻ chào hỏi và nói ông đã làm gì trong suốt 20 năm qua, hôm nay mới có dịp trở lại đây. Vị thương gia trả lời tôi bận rộn kinh doanh kiếm tiền suốt thời gian qua. Tôi rất giàu có vị thương gia đã nói như thế. Vậy có nhiều tiền rồi ông mong ước điều gì? Tại sao ông lại quay lại đây? Bác nông dân hỏi. Tôi đi tìm sự yên tĩnh và bình an trong tâm hồn, tôi thích câu cá giống bác vị thương gia đáp. Thế ông nghĩ tôi có giàu hơn ông không? Bác nông dân hỏi. Vị thương gia tròn xoe mắt chắc là không bao giờ bác giàu hơn tôi được. Bác nông dân nói để tôi chứng minh cho ông thấy ha. Vị thương gia miễn cưỡng gật đầu. Cách đây 20 năm và bây giờ tôi có thú vui câu cá. Câu cá không chỉ giúp tôi có thu nhập mà còn vui thú với thiên nhiên giúp tôi tránh được những lo âu trong cuộc sống. Bằng chứng là 20 năm qua tôi vẫn khỏe mạnh và minh mẫn sống lạc quan. Con cái tôi cũng vào đại học và thành đạt cả, gia đình tôi vui tươi hạnh phúc. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên vì 20 năm rồi ông mới bắt đầu ngồi câu cá. Vị thương gia trầm ngâm suy nghĩ ông ta nói đúng. Mình dành thời gian cả đời kiếm tiền để làm gì cho sức khỏe suy kiệt, con cái tẻ nhạt với mình, vì mình có quan tâm đến nó đâu. Gia đình mình cũng không hạnh phúc bà xã đã li dị lâu rồi…., ôi cuộc đời? Bất chợt vị thương gia nói với bác nông dân ông hãy dạy tôi câu cá nhé! Bác nông dân nói sẵn sàng thôi.
Chắc hẳn trong chúng ta có nhiều người đã được nghe hay từng đọc câu chuyện này ở đâu đó rồi. Đó chính là một trong rất nhiều câu chuyện nói về hình ảnh nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc của con người. Hạnh phúc được định nghĩa bằng nhiều cách. Người đói hạnh phúc của họ là được ăn no nê. Người học dốt nghĩ rằng học giỏi sẽ hạnh phúc. Người đau yếu nghĩ rằng được khỏe mạnh là hạnh phúc. Người sắp chết thì nghĩ rằng sống lâu là hạnh phúc. Còn vị thương gia thì cho rằng tiền nhiều sẽ hạnh phúc. Bác nông dân trong câu chuyện thì cho rằng sống mạnh khỏe an nhàn thư thái là hạnh phúc nhất. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu một chút về quan niệm đi tìm hạnh phúc trong xã hội hôm nay. Và đâu là giá trị chúng ta cần tìm kiếm và đạt tới hạnh phúc không chỉ đời này mà còn tìm được nguồn hạnh phúc vĩnh cửu.
Điều chúng ta cần nhất là duy trì và phát triển cuộc sống của mình. Chính vì vậy mà chúng ta đã biết lao động để phục vụ cho nhu cầu đó. Lúc đầu chỉ là cái ăn cái mặc đó là những nhu cầu hết sức bình thường của con người. Nhưng xã hội mỗi ngày một văn minh và tiến bộ và nên cái ăn cái mặc của con người không còn là một nhu cầu tối thiểu nữa. Cho dù trên thế giới ngày nay vẫn còn nhiều người đói khổ. Bên cạnh đó con người đã phát sinh thêm hàng loạt nhu cầu cần thiết nữa nào là phương tiện sử dụng trong lao động, phương tiện phục vụ sinh hoạt và thông tin hàng ngày, phương tiện góp phần vui chơi giải trí. Để có thể sở hữu được những sản phẩm trí tuệ của thời đại cần phải có rất nhiều tiền. Một yếu tố nữa vì chúng ta sống là sống với và sống trong xã hội nên bị vòng xoáy của văn minh xã hội lôi kéo và cám dỗ phải sử dụng những sản phẩm đó. Vì thế nên mỗi người, mỗi gia đình cùng tìm cách để có thể có được những gì mình rất cần và đôi khi có những sản phẩm không cần lắm, có để cho có. Cộng tất cả những yếu tố đó lại, cho chúng ta một đáp số là mọi người lao đầu vào việc kiếm tiền để phục vụ cho cuộc sống một cách chóng mặt. Cũng phải kể đến những người làm việc kiếm thật nhiều tiền chỉ vì tiền. Đó là những người không dám sử dụng đồng tiền mình làm ra. Họ thích tích lũy bằng cách gởi ngân hàng thật nhiều là họ cảm thấy vui và đủ hạnh phúc rồi. Cũng giống vị thương gia trong câu chuyện trên và với phần lớn con người trong xã hội ngày này mục đích chính là tiền, kiếm thật nhiều tiền, dùng mọi thủ đoạn và phương cách để kiếm tiền. Vì theo quan niệm của những người đó là có tiền mua tiên cũng được. Mọi thủ tục cái đầu tiên chính là tiền đâu. Nói chung muốn làm cái gì bây giờ cũng phải có tiền. Thậm chí tôi có biết một gia đình có một đứa con trai mới được 6 tuổi cũng đã được cha mẹ lo lắng cho tương lai. Thế là vợ chồng bàn tính không cách nào tốt bằng việc mua bảo hiểm cho con để tới 20 năm sau nó có tiền chuẩn bị lập nghiệp. Có người buổi sáng ngủ dậy mở mắt ra là lo lắng không biết có tìm được việc làm để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Với họ một ngày mới sẽ là một ngày lo lắng và vất vả đang chờ họ. Có những người sẵn sàng bỏ đi lễ ngày Chúa nhật vì công ăn việc làm vì cuộc họp cơ quan, vì chuyến hàng đang chờ… tôi có dịp tiếp xúc với một số bạn trẻ công giáo hỏi làm sao cưới hỏi không phép tắc gì hết, bạn đó trả lời cha xứ bắt học giáo lý tới 6 tháng, vì ở xa nhà thờ một chút lại là công nhân viên nhà nước (giáo viên) buổi sáng dạy chính khóa, chiều dạy thêm nên đi làm cả ngày và ngày Chúa nhật lại phải sinh hoạt các đoàn thể, họp hành, nên không theo học giáo lý hôn nhân được bèn cưới luôn không cần phải cử hành bí tích gì hết. Ở thành phố HCM có nhiều bậc cha mẹ lo làm việc kiếm tiền bỏ bê việc hướng dẫn giáo dục con cái. Thậm chí không có thời gian đưa con đến nhà thờ để học giáo lý để con lãnh nhận các bí tích, có lẽ những bậc cha mẹ này theo quan niệm “tự do tôn giáo và tự do tín ngưỡng” mày muốn học giáo lý tự đến nhà thờ mà học tao không biết. Trên các phương tiện thông tin báo chí không ngày nào không xảy ra những vụ án liên quan đến tiền bạc như giết người cướp của, trộm cắp, tham ô, tham nhũng, gia đình, cha mẹ con cái, anh chi em phải ly tan bất hạnh vì tiền mà sứt mẻ tình nghĩa. Đó là một trong số rất nhiều câu chuyện về cuộc sống của cá nhân cũng như gia đình ở xã hội chúng ta đang sống. Một điều ai trong chúng ta cũng biết là tiền bạc phục vụ và đáp ứng những nhu cầu cho con người. Chính vì đi tìm kiếm hạnh phúc đôi khi con người lại gặp phải những bất hạnh vì tiền. Như việc lo kiếm tiền đến hao mòn sức lực, lo kiếm tiền đến lúc quên cả bổn phận với chồng vợ, đến lúc có tiền thì mỗi người một nơi, đường anh anh đi, đường em em đi. Lo làm việc kiếm tiền mà quên mất nhiệm vụ, bổn phận chăm sóc và hướng dẫn con cái,  làm cho con cái không biết nương tựa vào ai bèn theo bạn, tuổi còn trẻ, không biết gạn đục khơi trong nên dễ theo bạn bè xấu hơn là bạn bè tốt, học theo bạn thói ăn chơi, phạm pháp, kết cục phải vào vòng lao lý. Có nhiều người làm việc, tích lũy được nhiều tiền trong ngân hàng lại phát hiện mình bị bệnh tiểu đường, tai biến, ung thư, các loại viêm nhiễm khác, chỉ có một bệnh không bị, lại không ảnh hưởng đến sức khỏe là viêm màng túi. Chạy hết thầy thuốc này, bệnh viện nọ các bác sĩ tây y, đông y, lang y nhưng đều được mời trở về nhà thích gì chiều nấy chờ ngày Chúa gọi về thôi.  
Vị thương gia trong câu chuyện trên lúc đầu có ý định kiếm thật nhiều tiền để phục vụ cho cuộc sống hạnh phúc của mình và gia đình. Nhưng sau đó mục đích hạnh phúc của ông đã bị quên lãng và thay vào đó là mục đích kiếm thật nhiều tiền. Ông hy sinh hạnh phúc của bản thân như sức khỏe, sự thảnh thơi, và hạnh phúc gia đình như những giờ phút sum họp gia đình, những bữa cơm chung, những giây phút riêng tư lãng mạn bên vợ, những giờ phút trao đổi dạy dỗ con cái. Ông sẵn sàng hy sinh hạnh phúc đó để phục vụ cho mục đích kiếm thật nhiều tiền. Còn bác nông dân vẫn trung thành với mục đích ban đầu là kiếm tiền phục vụ cho hạnh phúc của bản thân và gia đình. Nên dù phương tiện làm việc thô sơ chỉ có chiếc cần câu nhưng bác vẫn an nhàn thư thái tuy nhiên cũng đóng góp rất nhiều cho gia đình. Nhưng với bác nông dân điều lớn nhất đạt được không phải là số tiền mỗi lần câu cá bao nhiêu mà là cả gia đình bác vẫn hạnh phúc bên nhau bác vẫn vui khỏe và nhanh nhẹn dù tuổi đã cao.
Chúng ta không đề cao cũng như không đánh giá thấp cách thức lao động kiếm tiền nào ở câu chuyện trên. Nhưng thiết tưởng điều chúng ta cần nghĩ đến ở đây là làm việc kiếm tiền để phục vụ hạnh phúc của con người. Chúng ta kiếm tiền để có được hạnh phúc, sẽ khác xa với việc hạnh phúc khi có nhiều tiền. Kinh nghiệm xã hội cho thấy có nhiều tiền cũng chưa chắc có được hạnh phúc. Mà hạnh phúc sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố chính đó là niềm vui và bình an. Một người cho dù sống trên núi vàng nhưng không có niềm vui và bình an thì sẽ không có hạnh phúc. Có những người dù còn rất nghèo về vật chất nhưng họ lại có nhiều niềm vui và hạnh phúc hơn những người giàu có về vật chất. Vậy có thể họ biết quý trọng giây phút hiện tại biết được khả năng nội lực của mình và đã tận dụng tất cả những gì mình có được để tìm được niềm vui trong cuộc sống nên họ sẽ hạnh phúc. Hơn nữa chúng ta chỉ tìm thấy hạnh phúc vì những người xung quanh chúng ta hạnh phúc. Có những người hy sinh chịu vất vả cực khổ để cho người khác hạnh phúc, lúc đó cũng mang đến cho họ niềm hạnh phúc như cha mẹ hy sinh vất vả làm việc để lo lắng cho con cái được ăn học lớn lên khôn ngoan. Vậy hạnh phúc không lệ thuộc vào tiền bạc vật chất bên ngoài mà phụ thuộc vào chính chúng ta. Nếu chúng ta biết sắp xếp cuộc sống và biết quý trọng những gì mình có, và biết phát triển nó để phục vụ cho cuộc sống của mình thì  ta sẽ hạnh phúc. Chúng ta đôi khi lầm tưởng hạnh phúc là sự sung sướng nhưng hạnh phúc là niềm vui và sự bình an. Mà điều đó không phải chỉ có ở trần gian mà chúng ta cần tìm một nguồn hạnh phúc vĩnh cửu nữa, điều đó chúng ta sẽ gặp nơi Đức Giêsu.
Chúa Giêsu đã một lần cảnh báo cho dân chúng và các môn đệ: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có nước Thiên Chúa.” (Lc 18, 25). Tự bản chất có nhiều tiền không xấu, Chúa cũng không ghét bỏ người giàu có, nhưng Chúa tiên báo cho những người đó biết như vậy. Bởi vì tiền của chúng ở đâu thì lòng trí chúng cũng ở đó. (x. Lc 12, 34). Điều đó được chứng minh trong trường hợp anh thanh niên giàu có đến hỏi Chúa Giêsu làm gì để được hạnh phúc đời. Chúa nói anh phải tuân giữ các điều răn và anh đã làm tốt. Chúa đưa mắt nhìn anh một cách trìu mến vậy còn một điều duy nhất nữa là anh hãy về nhà bán hết tài sản và phân phát cho người nghèo và đến theo Thầy. (x. Mt 19, 16-22). Chính tài sản vật chất đã cản trở không cho anh đạt đến hạnh phúc trọn hảo. Tuy nhiên Chúa cũng chỉ cho chúng ta thấy tiền bạc và tài sản không phải chỉ có một chiều đi xuống mà nó còn có một chiều đi hướng lên. Trong dụ ngôn người quản lý bất lương, khi biết ông chủ sắp sa thải, anh gọi tất cả những con nợ của chủ đến. Và giảm số nợ cho những con nợ của ông chủ, người thì được giảm 20%, người thì 50% số nợ. Ông chủ cũng phải khen là người quản lý này khôn khéo vì biết dùng sự khôn ngoan mua lấy tình bạn. (x. Lc 16, 1-8). Đúng vậy nếu chúng ta khôn ngoan dùng tiền bạc vật chất, không những ta mua được hạnh phúc đời này mà còn cả hạnh phúc vĩnh cửu trong nước Chúa.
Để kết thúc bài này tôi xin mượn lời Đức cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận có nói: “Đồng tiền nếu bạn đặt dưới chân sẽ là bệ đỡ; còn nếu bạn đặt trên đầu, nó sẽ là gánh nặng.”

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP